Nhiều khả năng, trong thời gian tới, lãi suất cho vay đồng Việt Nam trung bình ở mức 15-17%/năm
Nhiều chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, sẽ cần thêm một thời gian nhất định nữa, sự đồng thuận trong quyết tâm hạ nhiệt lãi suất trên thị trường của các Ngân hàng thương mại mới thể hiện bằng các con số cụ thể.
Ngày 14/4, Ngân hàng Nhà nước chính thức ban hành Thông tư hướng dẫn tổ chức tín dụng (TCTD) cho vay bằng đồng Việt Nam đối với khách hàng theo lãi suất thỏa thuận. Cùng ngày, các ngân hàng đồng loạt tổ chức các cuộc họp nội bộ nhằm định hướng và điều chỉnh lãi suất thời gian tới. Tuy chưa có mức cụ thể, nhưng nhìn chung các ngân hàng đều có động thái “chờ đợi” và “nhìn nhau” để định ra mức lãi suất cho ngân hàng mình. Các chuyên gia kinh tế có chung nhận định, lãi suất trên thị trường sẽ sớm định hình một mặt bằng thấp hơn và hợp lý hơn. Đây được xem là tín hiệu đáng mừng, vì có thể cơ hội tiếp cận vốn của các doanh nghiệp sắp đến. Theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước, từ ngày 14/4, các ngân hàng khi thực hiện cho vay bằng đồng Việt Nam phải niêm yết công khai lãi suất cho vay ở mức hợp lý, trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng vay, tiết kiệm chi phí hoạt động, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận vốn vay để phát triển sản xuất - kinh doanh, nhất là khu vực nông nghiệp và nông thôn, doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nhiều chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, sẽ cần thêm một thời gian nhất định nữa, sự đồng thuận trong quyết tâm hạ nhiệt lãi suất trên thị trường của các Ngân hàng thương mại mới thể hiện bằng các con số cụ thể. Sự tiên phong trong việc giảm lãi suất có thể sẽ vẫn phải chờ đợi từ nhóm các ngân hàng lớn như Ngoại thương, Công thương, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam… Theo đại diện của một số ngân hàng, nhiều khả năng trong thời gian tới, lãi suất cho vay đồng Việt Nam trung bình sẽ ở mức 15-17%/năm. Dù chưa công bố chính thức, nhưng theo ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần ngoài quốc doanh VP bank, ngân hàng này cố gắng giữ lãi cho vay trung và dài hạn ở mức 14-15%/năm. Ông Hưng cũng phân tích, việc điều chỉnh lãi suất cho vay trong thời điểm hiện nay là cần thiết vì mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay tương đối cao, mặt bằng này vốn được đưa ra nhằm đối phó với tình hình suy thoái trước đây. Ông Hưng nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ phải tìm cách giảm lãi suất huy động, vì vốn huy động thời gian trước đang có mức lãi suất cao, chúng tôi đang tiết kiệm chi phí hoạt động và chọn phương án hỗ trợ cho các dự án sản xuất và xuất nhập khẩu….Trong thời gian ngắn, lãi suất huy động trong ngắn hạn sẽ giảm vì lượng tiền ở các ngân hàng đang dồi dào và không phải đối phó với khó khăn trong thanh khoản thời gian trước, đây sẽ là tiền đề để các ngân hàng hạ lãi suất…Việc các ngân hàng hạ lãi suất là hoàn toàn hợp lý”.
Theo Ngân hàng Nhà nước, tốc độ tăng vốn huy động của hệ thống được cải thiện tốt. Đến ngày 9/4/2010, tốc độ tăng huy động vốn của hệ thống ngân hàng đã lên tới 4,18% so với đầu năm. Riêng 9 ngày đầu tháng 4/2010, vốn huy động tăng 0,68% so cuối tháng 3, trong đó tiết kiệm dân cư tăng 10,2% so đầu năm và 1,2% so cuối tháng 3/2010. Cùng thời gian, tốc độ tăng dư nợ lên tới 3,84% so đầu năm. Quan trọng nhất là tốc độ tăng vốn huy động mới nhanh hơn tăng trưởng dư nợ. Đây cũng là những cơ sở để các ngân hàng tiếp tục hạ lãi suất cho vay khi đã có vốn nhiều hơn.
Trong khi đó, bà Cao Thuý Nga, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng quân đội MB bank cho rằng, lãi suất huy động vẫn ở mức cao khiến mục tiêu giảm lãi suất vay vốn của các ngân hàng trở nên khó khăn hơn. Lãi suất cho vay của từng ngân hàng sẽ khác nhau vì mức lãi suất cho vay phải cân đối với chi phí huy động, đồng thời trên cơ sở phân loại rủi ro, tuy nhiên xu hướng lãi suất trong thời gian tới sẽ có lợi cho các doanh nghiệp: “Cơ chế lãi suất thoả thuận giúp khách hàng, doanh nghiệp rộng cửa hơn khi đi vay. Còn các ngân hàng cũng không thể bắt chẹt được doanh nghiệp vì trên thực tế, nếu lãi suất ở ngân hàng này cao, doanh nghiệp, khách hàng sẽ chuyển sang vay ở ngân hàng khác. Các ngân hàng không thể không tính đến hiệu quả kinh doanh, không thể duy trì mức lãi suất cho vay cao vì còn phải lo giữ khách hàng”.
Một cái khó của ngân hàng hiện nay là chính các tổ chức, doanh nghiệp, những khách hàng có lượng tiền gửi lớn đều yêu cầu ngân hàng phải trả lãi suất cao. Chính yếu tố đó khiến lộ trình giảm lãi suất có thể sẽ không nhanh như kỳ vọng. Đây cũng là lý do khiến không ít doanh nghiệp cho rằng, cơ hội tiếp cận vốn tín dụng chưa thể cải thiện ngay vì không ít ngân hàng trước đây đã phải huy động vốn với lãi suất cao.
Trong khi đó không ít doanh nghiệp e ngại, lãi suất công bố là thế nhưng đằng sau đó là câu chuyện phí có thể sẽ tăng trở lại. Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Mai Vàng có địa chỉ tại 413 ấp Đông Thành, xã Tân Đông huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh, ông Lê Quang Thực cho rằng, khả năng doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn chưa thể cải thiện ngay vì các ngân hàng vẫn tiếp tục đưa ra những mức phí cao. Ông cho biết: “Tôi đã đi vay ở ngân hàng công thương Tây Ninh, dù có tài sản thế chấp lên đến 70 - 80 tỷ đồng nhưng nhiều lắm cũng chỉ vay được 10 tỷ, thủ tục nhiêu khê lắm, tiếp cận vốn rất khó, chưa kể phát sinh phí giao dịch, giả sử có vay được ở Ngân hàng Công thương Tây Ninh vài trăm triệu đồng vẫn phải mất phí 9-10 triệu đồng”. Theo tính toán của nhiều doanh nghiệp, mức lãi suất mà các doanh nghiệp có thể chịu đựng được là khoảng 14-15%/năm. Động thái của các doanh nghiệp hiện nay vẫn là chờ đợi tín hiệu giảm lãi suất sâu hơn và đồng loạt của các ngân hàng trong thời gian tới mới dám đi vay.
Ngoài ra, ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch Hiệp hội Hồ Tiêu cho thấy có môt thực tế là các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu đều đã chuyển hướng vay tiền đồng sang vay đô la vì thấy có lợi hơn.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, ban hành cơ chế lãi suất cho vay VND thoả thuận vào thời điểm này thuận lợi vì nền kinh tế đang có chiều hướng phục hồi và tăng trưởng tốt. Đây cũng là việc thực hiện Nghị quyết 18/NQ-CP về 6 giải pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao và đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5% trong năm 2010, trong đó có câu chuyện giảm mặt bằng lãi suất xuống.
Bà Dương Thu Hương, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều chỉnh lãi suất để hỗ trợ ngân hàng giảm lãi suất sâu hơn. Bà nói: “Tôi đã nhận được chỉ thị từ Ngân hàng Nhà nước là sẽ cung ứng tiền đúng lúc, đúng nơi và cung ứng kịp thời cho các ngân hàng có điều kiện giảm lãi suất. Đồng thời nghiên cứu việc giảm lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu và cả thị trường mở để giúp cho chi phí đầu vào của các ngân hàng giảm xuống, làm cho chi phí giá vốn giảm đi, từ đó ngân hàng có điều kiện giảm lãi suất”.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã công bố những thông tin đáng mừng khác là khoảng 10 ngày trở lại đây, tốc độ huy động vốn các ngân hàng thương mại đã được cải thiện và nhanh hơn tốc độ tăng trưởng dư nợ. Điều đó cũng có nghĩa là vốn trong ngân hàng đã có, vấn đề còn lại là doanh nghiệp và ngân hàng phải bắt tay được với nhau./.
Theo VOV
(HBĐT) - Bước vào tuổi 45, hành trang của cán bộ, chiến sỹ công ty CP 565 là vết son sáng chói, hoàn thành xứ mệnh thiêng liêng cao cả trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, góp phần xây dựng xây dựng mối quan hệ mối quan hệ thủy chung, son sắt thắm tình nghĩa Việt Lào. Hôm nay, cán bộ, chiến sỹ công ty CP 565- Binh đoàn Trường Sơn đang phát huy truyền thống Anh hùng lao động nêu cao phẩm chất bộ độ Cụ Hồ, tiếp tục khẳng định phẩm chất người lính thợ trong sự nghiệp đổi mới.
Trong quí I- 2010, doanh số bán lẻ tại Việt Nam đạt 360.000 tỷ đồng, tăng 24,1% so với cùng kỳ, kênh bán lẻ hiện đại hiện nay tại Việt Nam chỉ mới chiếm từ 18% - 20%. Điều này cho thấy thị trường bán lẻ trong nước còn nhiều cơ hội để các nhà đầu tư khai thác.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản phía Nam lên kế hoạch tung hàng loạt dự án căn hộ giá trung bình 8-22 triệu đồng mỗi m2 từ quý II, đón đầu thời điểm thị trường phục hồi vào cuối năm.
Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cũng khẳng định cho vay theo lãi suất thỏa thuận là bước đi rất đúng thời điểm, không chỉ ổn định về mặt tâm lý mà còn ổn định thị trường tiền tệ; đồng thời giảm mặt bằng lãi suất để hỗ trợ DN.
Ngân hàng Nhà nước vừa cho biết, qua 2 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 20/2007/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc trả lương qua tài khoản cho các đối tượng hưởng lương từ Ngân sách Nhà nước, đến nay số đơn vị hưởng lương từ Ngân sách Nhà nước đã thực hiện trả lương qua tài khoản đạt 41,5% trong tổng số đơn vị hưởng lương từ Ngân sách Nhà nước.
(HBĐT) - Tân Lạc là địa bàn còn gặp nhiều khó khăn, thu nhập của người dân còn ở mức thấp. Với sự nỗ lực phấn đấu, quyết tâm vượt qua khó khăn, đảm bảo ổn định và phát triển, Ngân hàng Nông nghiệp &PTNT huyện Tân Lạc đã trở thành người bạn đồng hành của doanh nghiệp và bà con nông dân, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.