Mặt bằng dự án đổ được 16.000 m khối đất đến nay hầu như được giữ nguyên.
(HBĐT) - Dự án xây dựng cụm sản xuất công nghiệp và dịch vụ VITACO, Dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp Hoà Sơn - Lương Sơn tại thôn Cố Thổ, xã Hoà Sơn, huyện Lương Sơn do Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và phát triển thương mại Việt Nam (Công ty VITACO) đầu tư được triển khai công tác GPMB từ tháng 10/2007.
Tuy nhiên, từ sau khi thực hiện chi trả bồi thường, cưỡng chế hành chính GPMB dự án dường như “án binh bất động”. Nguyên nhân cơ bản do người dân thôn Cố Thổ không đồng ý với phương án đền bù GPMB nên ngăn cản không cho dự án triển khai.
Anh Nguyễn Mạnh Tuân, cán bộ văn phòng dự án VITACO cho biết: Dự án cụm công nghiệp Hoà Sơn có diện tích 15,2 ha có chức năng cho thuê mặt bằng, xây dựng các nhà máy; dự án cụm sản xuất công nghiệp và dịch vụ VITACO có diện tích hơn 11 ha gồm 2 khu chức năng chính là khu dịch vụ và khu nhà máy chế biến đồ gỗ. Trong quá trình triển khai dự án đã thông báo đến dân về chủ trương, chính sách của dự án. Dự án được áp giá bồi thường theo Quyết định của UBND tỉnh.
Thực hiện các Quyết định số 2572 và 2573 ngày 22/10/2007 của UBND tỉnh về thu hồi đất giao cho Công ty VITACO thuê đầu tư 2 dự án trên, huyện đã tiến hành kê khai, kiểm kê đất và tài sản trên đất, lên phương án đền bù thu hồi đất cho dân. UBND huyện Lương Sơn đã ban hành Quyết định số 2006/QĐ-UBND ngày 4/12/2008 về việc phê duyệt dự toán bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp Hòa Sơn – Lương Sơn với tổng dự toán phê duyệt trên 7,5 tỉ đồng và Quyết định số 2029/QĐ-UBND ngày 9/12/2008 về việc phê duyệt dự toán bồi thường, hỗ trợ thực hiện dự án xây dựng cụm sản xuất công nghiệp và dịch vụ VITACO với tổng dự toán phê duyệt trên 5 tỉ đồng. Sau khi có quyết định phê duyệt phương án dự toán bồi thường, hỗ trợ, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư huyện đã có thông báo trả tiền và thực hiện chi trả tiền, nhiều hộ kiến nghị phải áp dụng giá đất khu vực giáp ranh để tính giá bồi thường. Xem xét thực tế, ngày 17/6/2009, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1139/QĐ-UBND về việc phê duyệt đơn giá bồi thường các loại đất của dự án cụm sản xuất công nghiệp và dịch vụ VITACO, dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp Hòa Sơn – Lương Sơn từ giá 38.000 đồng/m2 lên 54.000 đồng/2 đất trồng cây hàng năm. Ngày 2/7/2009, UBND huyện Lương Sơn đã ban hành tiếp các Quyết định số 602 và 603 phê duyệt điều chỉnh – bổ sung dự toán bồi thường các dự án nêu trên. Tính cả hai dự án có 175 hộ dân thuộc thôn Cố Thổ, xã Hòa Sơn bị thu hồi đất, tổng diện tích đất thu hồi của hai dự án là 241.740,7 m2, tổng số tiền phê duyệt của hai dự án là 18,821 tỉ đồng, số tiền các hộ đã nhận đền bù là 12,452 tỉ đồng, số tiền các hộ chưa nhận là 6,369 tỉ đồng. Huyện đã tổ chức 2 đợt chi trả tiền bồi thường cho các hộ dân. Đã có 75 hộ nhận tiền bồi thường và bàn giao đất cho dự án, còn 46 hộ nhận tiền 1 lần và 54 hộ chưa nhận tiền lần nào. Tổng số có 100 hộ chưa chấp hành và bàn giao đất cho dự án.
Ông Nguyễn Đắc Thắng, Phó Chủ tịch Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư huyện cho biết: Nhìn chung các hộ dân đều đồng tình chủ trương đưa dự án vào địa bàn, đồng ý bàn giao đất. Vướng mắc cơ bản hiện nay là bất cập về đơn giá bồi thường thu hồi đất và đất dịch vụ. Người dân so sánh giá bồi thường đất của dự án so với khu vực giáp ranh (thuộc 2 xã của huyện Chương Mỹ - Hà Nội) đều thấp hơn nên không đồng ý, đề nghị nâng giá bồi thường. Như thời điểm tỉnh ta thực hiện bồi thường 38.000 đồng/m2 thì khu vực giáp ranh áp giá 54.000 đông/m2, thời điểm nâng lên 54.000 đồng/m2 thì khu vực giáp ranh là 105.000 đồng/m2. Ngày 4-5/3 vừa qua huyện đã tổ chức cưỡng chế hành chính nhưng người dân đã cản trở không cho lực lượng cưỡng chế thực hiện. Trong 2 ngày triển khai cưỡng chế đã san lấp được 16.000 m3 đất. Công ty VITACO cho chôn cọc rào làm hàng rào bao quanh dự án nhưng bị nhân dân nhổ cọc và cắt hàng rào. Từ đó đến nay, dự án hầu như không triển khai được vì nếu Công ty tiếp tục thi công thì người dân lại ra cản trở. UBND huyện đã có báo cáo số 23/BC-UBND ngày 20/4/2010 gửi Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh báo cáo quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng và cưỡng chế hành chính của hai dự án, đề nghị xem xét chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp cùng huyện bàn bạc tìm giải pháp thực hiện tạo được sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân trong vùng dự án.
Ông Nguyễn Đình Hiến, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn cho biết, công tác tuyên truyền, vận động thuyết phục, giải thích chế độ chính sách cho nhân dân đã được huyện, xã, chủ đầu tư thực hiện. Tuy nhiên, do mức chênh lệch về giá đền bù cao nên mặc dù đồng ý giao đất cho dự án nhưng hiện nay bà con vẫn chưa thực hiện. Bà con đến UBND xã kiến nghị xã cũng chỉ có thể giải thích cho bà con chứ không có thẩm quyền quyết định thay đổi đơn giá.
Anh Nguyễn Bá Việt, Trưởng xóm Cố Thổ cho biết: Các hộ dân có đất nằm trong dự án đều đồng ý với chủ trương thu hồi đất. Nhưng ngoài việc không đồng ý với đơn giá bồi thường quá thấp so với khu vực giáp ranh, bà con cũng có ý kiến về việc hỗ trợ để chuyển đổi nghề. Số tiền chi trả cho đi học nghề là 3 triệu đồng và không phải đóng tiền học phí. Tuy nhiên, với việc đi học ở Nam Định, người dân phải tự lo chí phí đi lại, ăn ở, thời gian học thấp nhất là 18 tháng, dài nhất là 36 tháng thì với 3 triệu đồng chi phí không đáp ứng yêu cầu nên xóm không có trường hợp nào đi học. Bên cạnh đó, với việc quy đổi hộ nào nhận 3 triệu đồng thì thôi đất dịch vụ, nếu có đất dịch vụ thì không được chi trả 3 triệu đồng, hầu hết bà con có nhu cầu hỗ trợ về đất dịch vụ để các hộ bị thu hồi đất có thể chuyển đổi nghề sinh sống.
Cũng theo anh Việt, xóm có 257 hộ, hơn 45 ha đất nông nghiệp. Trong đó, riêng dự án hai cụm công nghiệp nêu trên chiếm khoảng 26 ha và một số dự án khác, toàn xóm còn khoảng 10 ha đất nông nghiệp. Điều kiện sản xuất khó khăn, việc đưa ngành nghề về xóm như làm mây tre đan, đan hạt mành không có hiệu quả nên không duy trì được. Diện tích đất bị thu hẹp, người dân không có việc làm ổn định cũng là vấn đề đặt ra cho xóm trong việc phát triển kinh tế, chăm lo đời sống cho bà con.
Với những bất cập, vướng mắc trong đền bù giải phóng mặt bằng, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho người dân có đất bị thu hồi trong vùng dự án đối với dự án cụm sản xuất công nghiệp và dịch vụ VITACO, dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp Hòa Sơn – Lương Sơn tại thôn Cố Thổ, xã Hòa Sơn cần sớm được các ngành hữu quan phối hợp giải quyết. Có chế độ, chính sách đền bù hợp lý, thỏa đáng cho người dân, tạo điều kiện cho các hộ dân có đất bị thu hồi tạo lập cuộc sống ổn định. Tạo điều kiện cho nhà đầu tư triển khai đúng tiến độ, đảm bảo cho dự án được người dân đồng tình, ủng hộ triển khai thuận lợi.
(HBĐT) - Vụ chiêm xuân năm nay, tổng diện tích gieo trồng của huyện Lương Sơn thực hiện là 4.046 ha, trong đó diện tích lúa 2.057 ha, ngô 1.126 ha.
(HBĐT) - Theo Sở KH&ĐT, tháng 5 vừa qua, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của tỉnh ước đạt 450 tỷ đồng, tăng 6% so với tháng trước. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2010 ước đạt 2.258,5 tỷ đồng, thực hiện 46,1% kế hoạch năm.
(HBĐT) - Huyện Lạc Sơn vừa tổ chức phiên giao dịch việc làm lần thứ nhất, năm 2010 với sự tham gia của 15 đơn vị doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đăng ký tuyển dụng, thu hút hơn 300 lao động đến từ các xã, thị trấn trong huyện.
Hiện đã xuất hiện những điều kiện khả quan cho việc giảm lãi suất khi có thêm những nguồn vốn giá rẻ được bơm ra thị trường.
Bảo vệ môi trường trong sản xuất không chỉ là trách nhiệm xã hội mà còn đem lại nhiều lợi nhuận song các doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà
Theo ông Nguyễn Hùng Dũng, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương, thị trường nông thôn là nơi chiếm trên 70% dân số cả nước do bị bỏ ngỏ một thời gian dài đã trở thành "lãnh địa" của hàng lậu, hàng giả kém chất lượng, điều này đã gây khó cho doanh nghiệp trong việc đưa hàng về nông thôn.