Nghề mây giang đan giúp chị em phụ nữ xã Liên Sơn có thêm thu nhập ổn định cuộc sống.
(HBĐT) - Trước nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, thời gian gần đây, nhiều diện tích đất canh tác nông nghiệp ở Lương Sơn, nhất là các xã vành đai huyện bị thu hẹp. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc nhiều lao động nông thôn không có việc làm, đời sống gặp không ít khó khăn, tệ nạn xã hội có xu hướng phát triển.
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là nhiệm vụ mà các cấp uỷ Đảng, chính quyền và các cơ sở dạy nghề quan tâm. Theo báo cáo của UBND huyện, năm 2009, huyện Lương Sơn đã giải quyết việc làm cho 3.020 lao động, đào tạo dạy nghề cho 1.740 học viên. Công tác đào tạo nghề ở Lương Sơn thông qua nhiều kênh như Trung tâm dạy nghề huyện, các ban, ngành, đoàn thể phối hợp với các trường nghề hoặc tự các cơ sở sản xuất đào tạo nghề tại chỗ...
Tổ hợp sản xuất mây tre đan xuất khẩu tại xóm Gò Mè, xã Liên Sơn là cơ sở vừa sản xuất, vừa đào tạo nghề tại chỗ tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động. Chị Ngô Thị Thắng, chủ cơ sở cho biết: Năm 1999, UBND xã mở lớp dạy nghề mây tre giang đan cho hơn 30 chị em trong xã, nhưng sau khi học xong không ai làm nghề. Năm 2000, sau một lần về quê ở Chương Mỹ, thấy hàng mây tre đan xuất khẩu tạo được việc làm và thu nhập ổn định, chị đã ở lại học nghề sau đó nhận nguyên liệu và mẫu về nhà làm, đầu tiên chỉ làm mặt hàng cơi trầu. Vừa làm chị vừa dạy nghề cho các chị em trong gia đình rồi dần dần lan ra trong xóm. Năm 2001, tổ chợp chính thức được thành lập và đi vào hoạt động, ban đầu chỉ có 15 người đến nay đã phát triển lên 80 người. Chị trực tiếp ký hợp đồng với công ty Đoàn Kết 2 ở Chương Mỹ nhận mẫu mã và nguyên vật liệu về giao cho chị em trong tổ hợp làm. Từ khi hoạt động đến nay, tổ hợp của chị đã làm hàng trăm mã, bình quân mỗi tháng làm 5-6 mẫu sản phẩm mới, các sản phẩm làm ra tương đối đạt yêu cầu. Năm 2006, tổ hợp của chị được vay 50 triệu từ Tỉnh đoàn mở rộng nhà xưởng. Năm 2009, Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ máy phun sơn, máy rửa hàng, máy tuốt mây trị giá khoảng 50 triệu đồng. Mất 3 năm đầu, tổ hợp không có thu nhập vì vừa làm vừa dạy nghề, đầu tư nguyên vật liệu cho người học nghề, đến nay, tổ hợp sản xuất mây tre đan của chị Thắng đã hoạt động ổn định, bình quân mỗi năm sản xuất được 7-8 nghìn sản phẩm. Năm 2009, doanh thu của cơ sở đạt 970 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi hơn 500 triệu đồng, thu nhập người lao động đạt từ 800-1,2 triệu đồng/người/tháng...
Tuy mới thành lập và đi vào hoạt động, Trung tâm dạy nghề huyện Lương Sơn (thuộc Sở LĐ-TB&XH) đã thu hút khá đông người học các nghề cơ khí, hàn điện, điện dân dụng, may công nghiệp phục vụ ngành công nghiệp và du lịch, dịch vụ. Khắc phục khó khăn về địa điểm, Trung tâm tích cực phối hợp với các địa phương, đặc biệt là những nơi triển khai các dự án của tỉnh, diện tích đất canh tác bị thu hẹp để mở lớp đào tạo nghề tại chỗ. Việc mở lớp dạy nghề tại chỗ vừa tận dụng được địa điểm, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người học, giảm chi phí ăn ở, đi lại nếu học tập trung tại Trung tâm. Hiện nay, Trung tâm đang dạy nghề cho hơn 100 học sinh là lao động nông thôn với các nghề hàn, may dân dụng và công nghiệp, tập trung nhiều ở các xã thuộc địa bàn huyện.
Anh Trịnh Văn Luyến, Giám đốc Trung tâm dạy nghề huyện Lương Sơn cho biết: Để người học yên tâm gắn bó với nghề đã chọn, Trung tâm phối hợp với một số cơ sở thuộc khu công nghiệp để điều tra, nắm bắt nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp, trên cơ sở đó mở các lớp dạy nghề phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động. Vì vậy, sau khi tốt nghiệp, người học sẽ được Trung tâm giới thiệu vào làm việc trong các doanh nghiệp hoặc tự tạo việc làm tại chỗ. Năm 2009, Trung tâm đã tổ chức thành công sàn giao dịch việc làm phiên thứ nhất, đã có 20 doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng lao động thu hút trên 200 lao động tham gia.
Hiện nay, nhiều cơ sở đào tạo nghề đang được tiếp nhận nguồn kinh phí của TW và tỉnh để đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó ưu tiên những hộ không còn đất canh tác nông nghiệp. Các trường cũng đang hướng mạnh về cơ sở để mở lớp đào tạo nghề tại chỗ, thu hút ngày càng đông người học. Trong điều kiện đi lại vất vả, đời sống còn nhiều khó khăn, các cán bộ, giáo viên của Trung tâm vẫn nhiệt tình gắn bó với lớp học, nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các cơ quan, doanh nghiệp.
Nhờ đẩy mạnh hoạt động đào tạo nghề tại cơ sở nên hiện nay hàng nghìn lao động nông thôn đang được thu hút vào học nghề, có cơ hội tìm được việc làm, ổn định cuộc sống. Nhiều người sau khi học nghề đã được trang bị kiến thức, kỹ năng tay nghề để tự tạo việc làm tại gia đình, góp phần ổn định cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội./.
Đinh Thắng.
Giá USD trên thị trường đang ở mức dưới 19.000 đồng/USD (18.960 – 18.980 đồng/USD). Tuy nhiên, đã xuất hiện những lo ngại về khả năng căng thẳng USD dịp cuối năm. Đó là một quy luật từ nhiều năm khiến nhiều doanh nghiệp không thể yên tâm.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), đến ngày 20.6, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đã đạt 3,310 triệu tấn, trị giá đạt 1,396 tỉ USD.
(HBĐT) - Ngành điện Hòa Bình đã làm hết mình, tìm nhiều cách thông báo cho khách hàng thời điểm cắt điện. Nhưng trên thực tế do sản lượng điện được phân bổ giảm sút trầm trọng, có những thời điểm giảm gần 40%, đồng thời xuất hiện hiện tượng cắt không rõ lý do và cũng chẳng thông báo trước.
(HBĐT) - Tranh thủ thời tiết thuận lợi, bà con nông dân huyện Kim Bôi đã đồng loạt xuống đồng thu hoạch lúa chiêm - xuân và làm đất chuẩn bị gieo cấy vụ mùa. Đến ngày 20/6, huyện Kim Bôi đã tiến hành gặt được trên 85% diện tích, năng xuất ước đạt 55,7 tạ/ha.
Trái với hi vọng của EVN, tính đến 21/6, lũ tiểu mãn vẫn không về khiến nguồn cung ứng điện ngày càng vô cùng căng thẳng.
Hỏi giá cam để mua về vắt cho tụi trẻ, cô Hân tròn xoe mắt khi bà bán hoa quả ở chợ Khâm Thiên kêu giá 50.000 đồng/kg. Bà còn ngúng nguẩy chẳng muốn bán vì hai tuần nay, giá cam tăng gần gấp đôi, lại không có hàng mà lấy.