Với Nghị định số 41/2010/NĐ-CP mà Chính phủ, kênh tín dụng đối với khu vực nông thôn đã mở rộng hơn nhưng câu hỏi đặt ra là liệu vốn có thực sự đến được với bà con nông dân đúng như kỳ vọng?
Một trong những chính sách đáng chú ý trong vài ngày gần đây là Chính phủ đã ban hành Nghị định số 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Với Thông tư hướng dẫn từ Ngân hàng Nhà nước, giờ đây các hộ nông dân trong cả nước có thể vay ngân hàng đến 50 triệu đồng mà không cần tài sản thế chấp. Còn các hợp tác xã, chủ trang trại có thể vay tối đa lên đến 500 triệu đồng. Kênh tín dụng đối với khu vực nông thôn đã mở rộng hơn nhưng câu hỏi đặt ra là liệu vốn có thực sự đến được với bà con nông dân đúng như kỳ vọng hay không?
Trước khi có Nghị định 41, ngay từ năm 1999, tức là cách đây hơn 10 năm, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 67 về chính sách tín dụng đối với nông nghiệp, nông thôn. Đây có thể xem là bước ngoặt có tính chất lịch sử vì đã khơi những dòng chảy tín dụng đầu tiên về nông thôn. Bằng chứng là nếu như cuối năm 1998, dư nợ tín dụng đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn mới chỉ đạt khoảng 34.000 tỷ đồng, thì sau 10 năm, dư nợ cho vay khu vực này đã tăng gần 9 lần, đạt hơn 290.000 tỷ đồng.
Cho dù đã có bước tiến khá xa trong việc đưa vốn về nông thôn, thế nhưng, so với nhu cầu thực tiễn, nguồn vốn này mới chỉ như “muối bỏ bể”, vì nhu cầu đầu tư cho nông nghiệp – nông dân và nông thôn đã và đang rất lớn. Một thực tế chỉ ra là ở nhiều địa phương trong cả nước, trong đó riêng tại đồng bằng sông Cửu Long, có khoảng 80% nông dân vẫn phải chạy vạy vay vốn cho sản xuất từ “tín dụng đen”. Và nhiều nghiên cứu cho thấy, khu vực nông thôn vẫn đang trong tình cảnh “khát vốn trầm trọng".
Nghiên cứu mới đây của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn chỉ ra rằng, vốn tự có của nông dân chủ yếu là sức lao động và các tài sản giản đơn của gia đình, còn vốn tự có bằng tiền và vốn tín dụng ngân hàng chiếm tỷ trọng thấp, thậm chí nhiều nơi không có. Từ năm 2002 trở lại đây, mức tích lũy trung bình của người dân nông thôn chỉ từ 800.000 - 1.000.000 đồng/năm. Do vậy, việc nông dân dùng lợi nhuận để tái đầu tư rất ít, ngoại trừ các trang trại trồng trọt, chăn nuôi có quy mô lớn. Phần đông nông dân chỉ lấy công làm lãi như một cách tự trả công cho mình chứ không mấy khi nghĩ tới lợi nhuận và tái đầu tư. Tình trạng nông dân mua nợ vật tư nông nghiệp của các đại lý quen mặc cho giá cao hơn thị trường diễn ra phổ biến. Và đặc biệt, trước mỗi vụ, đa phần các hộ nông dân thường phải vay 40% vốn từ các quỹ tín dụng để phục vụ sản xuất. Do đó, nhu cầu được vay, cung ứng vốn trước khi vào vụ sản xuất là lớn và bức thiết.
Trong một cuộc họp mới đây, Bộ trưởng Bộ NNPTNT – ông Cao Đức Phát, đã nhận định rằng: tăng trưởng của ngành nông nghiệp có liên hệ mật thiết với tốc độ tăng trưởng tín dụng. So sánh cho thấy, nông nghiệp cần có 6% tăng trưởng tín dụng để được mức tăng trưởng 1%. Và Nghị định 4 được kỳ vọng sẽ tạo ra mức tăng trưởng tín dụng cho khu vực nông thôn lên mức 24% để đạt được mức tăng trưởng khu vực này lên 4% như kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, để đạt được điều này sẽ không đơn giản vì nhiều lẽ:
Thứ nhất: Cho đến giờ, Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn và Ngân hàng chính sách VN vẫn là 2 đơn vị có tỷ trọng dư dư nợ vay nông nghiệp – nông thôn lớn nhất nhưng vẫn chấp nhận một thực tế là “đói” vốn đầu vào so với nhu cầu ngày càng tăng mạnh của khu vực sản xuất này. Chính vì thế, đảm bảo nguồn vốn vay cho khu vực nông nghiệp-nông thôn đang thực sự là một thách thức không hề nhỏ.
Thứ hai: thủ tục luôn là vấn đề đáng nói nhất khi đi vay vốn. Những bất cập bộc lộ từ việc thực thi một loạt chính sách cho khu vực này, nhất là việc thực hiện Quyết định 67 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách tín dụng cho khu vực nông dân, nông thôn đã minh chứng điều đó. Mức vay tín chấp đã được tăng gấp 5 lần so với trước đây, song với những vướng mắc bắt nguồn từ thủ tục vay, vốn về tay bà con nông dân vẫn còn nhiều gian nan.
Thứ ba: Bản chất hoạt động của hầu hết các ngân hàng là “tìm kiếm lợi nhuận”, sở dĩ lâu nay dòng vốn tín dụng cho tam nông vẫn còn “chưa như ý” là do hiệu quả kinh tế không cao. Với hàng loạt món vay nhỏ lẻ, chi phí vốn cao trong khi rủi ro thiên tai, dịch bệnh rình rập, nên nhiều ngân hàng cũng vì thế mà không mặn mà mở rộng tín dụng.
Chính những khó khăn đó khiến cho việc thực hiện chính sách mới, cụ thể là Nghị định 41 của Chính phủ, dù nhiều ưu đãi, dù mở rộng hạn mức và điều kiện vay vốn nhưng kênh tín dụng nông thôn dự báo sẽ vẫn khó chảy một cách mạnh mẽ, nếu không được khơi thông và tháo gỡ những nút thắt hiện tại./.
Theo VOV
(HBĐT) - Đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, bạc màu, thường xuyên xảy ra hạn hán, lũ bão... Do vậy, trong những năm gần đây, bà con nông dân cần những giống cây nông nghiệp có năng xuất cao, chịu hạn tốt, ít sâu bệnh và chất lượng cao đáp ứng được nhu cầu thị trường. Giống ngô lai LVN25 của Trung tâm Nghiên cứu và sản xuất giống ngô sông Bôi đã được thử nghiệm thành công và đáp ứng được những yêu cầu này của nông dân.
Co.op Mart, Maximark, Citimart, Vinatex Mart là những thương hiệu siêu thị trong nước có tốc độ mở rộng hệ thống ra toàn quốc nhanh đến chóng mặt. Xét về số lượng, số siêu thị ngoại hiện diện ở VN còn thua xa siêu thị trong nước.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa cho biết, trong 3 năm tới Ngân hàng Thế giới (WB) sẽ tài trợ cho Việt Nam khoảng 6 tỷ USD.
Không chỉ là thị trường lớn nhất, tiềm năng nhất, Mỹ còn là thị trường xuất siêu lớn nhất của Việt Nam hiện nay. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch thương mại hai chiều Việt - Mỹ đạt 7,75 tỉ USD trong 5 tháng đầu năm 2010, trong đó VN xuất khẩu 6,09 tỉ USD, nhập khẩu 1,67 tỉ USD, thặng dư thương mại 4,42 tỉ USD.
Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank) đang triển khai Chương trình cho vay nông nghiệp, nông thôn và Chương trình cho vay doanh nghiệp xuất khẩu năm 2010 với những chính sách ưu đãi lãi suất hấp dẫn và các dịch vụ phụ trợ nhiều tiện ích.
(HBĐT) - Tỉnh ta có khoảng 80% dân số sống bằng sản xuất nông - lâm nghiệp. Trong những năm qua, cơ cấu kinh tế của tỉnh có bước chuyển dịch đáng kể theo hướng giảm dần tỷ trọng ngành nông - lâm nghiệp gắn liền với quá trình CNH - HĐH nền nông nghiệp.