Người tiêu dùng chọn mua hàng tại Co.op Mart Quảng Ngãi
Co.op Mart, Maximark, Citimart, Vinatex Mart là những thương hiệu siêu thị trong nước có tốc độ mở rộng hệ thống ra toàn quốc nhanh đến chóng mặt. Xét về số lượng, số siêu thị ngoại hiện diện ở VN còn thua xa siêu thị trong nước.
Mỗi năm mở 10 siêu thị
Ông Hoàng Thọ Xuân, nguyên vụ trưởng Vụ Chính sách thị trường trong nước (Bộ Công thương), nhận xét: sức ép cạnh tranh của các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại VN trong lĩnh vực bán lẻ cho tới nay chưa lớn, bởi các đại gia bán lẻ lẫy lừng như Carefour, Walmart... vẫn chưa xuất hiện.
“Rõ ràng VN không phải là mảnh đất trống để các DN FDI có thể tung hoành như suy nghĩ ban đầu, mà họ phải đối diện với sự cạnh tranh khá gay gắt từ các DN trong nước” - ông Xuân cho hay.
177 Đó là số siêu thị dự kiến phát triển tại TP.HCM đến năm 2015. Theo thống kê của Sở Công thương TP. HCM, hiện thành phố có khoảng 102 siêu thị và 28 trung tâm thương mại, như vậy cơ hội cho các nhà đầu tư là rất lớn. |
Thực tế, việc mở rộng hệ thống phân phối của các nhà bán lẻ trong nước đang tăng rất nhanh.
Bà Nguyễn Thị Hạnh, tổng giám đốc Liên hiệp HTX thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), cho biết đơn vị này hiện đang sở hữu 45 siêu thị, trong đó có 21 siêu thị tại TP.HCM và 24 siêu thị tại các tỉnh, thành phố lớn khác trong cả nước. Riêng trong tháng 7-2010, đơn vị này đã đưa vào hoạt động thêm một siêu thị tại Quảng Ngãi và một cửa hàng thực phẩm.
Theo bà Hạnh, mục tiêu của Co.op Mart là sẽ phát triển đến 100 siêu thị vào năm 2015, nghĩa là mỗi năm Saigon Co.op phải mở mười siêu thị mới.
Tương tự Saigon Co.op, hệ thống siêu thị Vinatex Mart của Tập đoàn Dệt may VN cũng đang kéo dài danh sách siêu thị và cửa hàng bán lẻ của mình, với 21 siêu thị có mặt khắp các tỉnh thành. Điểm chinh phục mới nhất là Bạc Liêu và Mỹ Tho.
Hệ thống siêu thị Citimart cũng đã nâng số siêu thị tại các khu dân cư, đô thị mới lên con số 18. Chủ đầu tư chuỗi siêu thị Maximark, bà Nguyễn Ánh Hồng, cũng tỏ ra rất quyết tâm với việc đưa vào kinh doanh trung tâm thương mại rộng 20.000m2 ở TP.HCM, trung tâm thương mại hiện đại thứ hai, sau Nha Trang, đáp ứng đầy đủ những yêu cầu từ mua sắm, giải trí, ăn uống đến chăm sóc sắc đẹp mà những siêu thị trước đó của Maximark chưa có được.
Chỉ số lượng là chưa đủ
Dù có phần nhỉnh hơn về lượng qua tốc độ mở mới siêu thị so với các DN FDI nhưng nếu xét về chất, các DN bán lẻ trong nước vẫn còn nhiều việc phải làm để có thể rút ngắn dần những khoảng cách so với các nhà đầu tư siêu thị nước ngoài. Đó là tiềm lực vốn và năng lực quản trị điều hành, hệ thống logistic hoàn chỉnh và chuyên nghiệp.
“Tôi thật sự không ngại cạnh tranh với họ. Nhưng thú thật, điều tôi sợ nhất ở các tập đoàn đa quốc gia chính là vốn và lực” - bà Nguyễn Ánh Hồng nói.
“DN nước ngoài có thể lỗ vài ba năm nhờ nguồn lực từ các công ty mẹ, trong khi DN trong nước chỉ cần lỗ một tháng thôi là to chuyện!” - bà Nguyễn Thị Hạnh chia sẻ.
Trong câu chuyện tìm kiếm mặt bằng, phần lép vế thường thuộc về những DN trong nước. Quan sát những vị trí đẹp ở TP.HCM hay một số thành phố lớn khác, dễ dàng nhận ra một thực tế là chúng đang dần thuộc về tay các thương hiệu nước ngoài.
Trước đây những cửa hàng thức ăn nhanh KFC, Lotte thay thế vị trí những quán cà phê, tiệm phở ở góc phố đẹp thì nay những mặt bằng đắc địa cũng về tay các siêu thị ngoại. Đề cập về khu đất có vị trí khá đẹp ở Gò Vấp hiện đã có một siêu thị ngoại thuê, lãnh đạo một công ty trong nước tiếc rẻ: “Chúng tôi từng đặt vấn đề trước với đơn vị chủ quản mảnh đất này nhưng họ đã thắng nhờ nguồn tài chính mạnh mẽ”.
Ngay cả khi các DN trong nước bắt tay thành lập Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển hệ thống phân phối VN (VDA) gồm: Công ty TNHH Phú Thái, Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) và Saigon Co.op với mục tiêu xây dựng VDA trở thành một tập đoàn thương mại, phân phối hàng hóa hàng đầu VN, đến thời điểm hiện tại VDA chỉ mới lập được tổng kho phân phối ở Hậu Giang và Đà Nẵng.
“So với kế hoạch, tốc độ như vậy là hơi chậm và chưa đạt được mong muốn ban đầu, trong đó có việc mở rộng mạng lưới bán lẻ” - một thành viên VDA xác nhận.
Cần đa dạng hóa mô hình bán lẻ
Trong dịp đến làm việc tại VN, ông Noh Byung Yong, tổng giám đốc Lotte Hàn Quốc, từng bày tỏ mong muốn hợp tác với Saigon Co.op vì những thế mạnh mà chuỗi siêu thị Co.op Mart đang sở hữu. “Người tiêu dùng VN rất ưa chuộng Co.op Mart, chúng tôi muốn học những điểm mà Co.op Mart đang làm rất tốt và chia sẻ những tiến bộ chúng tôi có” - ông Noh cho biết.
Lời ngỏ của ông giám đốc tập đoàn Hàn Quốc cho thấy nhà bán lẻ trong nước hiện nay không hề ở thế yếu như e ngại của nhiều chuyên gia. Bà Nguyễn Ánh Hồng cho rằng lợi thế của DN trong nước có được là yếu tố “tình cảm” luôn đi kèm trong văn hóa kinh doanh, trong khi DN nước ngoài dường như vẫn đặt cao yếu tố lợi nhuận.
Các hoạt động chăm sóc khách hàng như chia lợi nhuận cuối năm, tặng quà sinh nhật, tích lũy điểm thưởng... của siêu thị trong nước thường được đánh giá tốt hơn siêu thị nước ngoài.
Hoặc với cách chọn thị trường ngách như Citimart: chỉ tập trung vào các khu đô thị và dân cư mới để mở các siêu thị mini, xét về mặt quy mô lẫn độ lớn có thể không đạt yêu cầu cho mô hình siêu thị thông thường.
Tuy nhiên, nếu tính đến yếu tố đáp ứng nhu cầu và tiện ích mua bán thì “chúng tôi tin mình đang đi đúng hướng với chính sách giá bán rất phù hợp cho thành phần người tiêu dùng rất tiềm năng này” - ông Ngô Văn Hải, phó giám đốc kinh doanh hệ thống Citimart, khẳng định.
Bà Hạnh lại cho rằng “phải tìm ra sự khác biệt mới mong cạnh tranh nổi với DN nước ngoài”. Điểm khác biệt này được bà Hạnh ngụ ý cho các kế hoạch mở rộng mạng lưới phân phối ngày một nhiều hơn với tốc độ nhanh hơn nữa, vì “càng có nhiều điểm phân phối càng làm chủ được tình hình, càng có được giá tốt do chủ động trong khâu đàm phán giá”.
Saigon Co.op cũng nâng cấp chất lượng phục vụ siêu thị bằng cách tăng tiện ích, tiện lợi cho khách mua hàng thông qua việc đa dạng hóa mô hình bán lẻ, như chuỗi cửa hàng Co.op Food dành cho các bà nội trợ trong phạm vi gần, dần cạnh tranh trực diện với chợ.
Theo Báo Tuoitre
(HBĐT) - Đó là nội dung Tờ trình số 996/TT-UBND ngày 13/7/2010 của UBND tỉnh trình Bộ NN&PTNT về việc xin hỗ trợ kinh phí để triển khai các biện pháp chống hạn cho sản xuất vụ mùa năm 2010.
(HBĐT) - 6 tháng đầu năm, Chi cục thuế TP Hoà Bình đã chủ động phối hợp với cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý thuế, chống thất thu ngân sách và quan tâm khai thác nguồn thu từ CTN – NQD, các khoản phí, lệ phí và các khoản thu về đất đai, theo đó thu NSNN trên địa bàn ước thực hiện được 56.140,6 triệu đồng, đạt 53,8% dự toán pháp lệnh, đạt 49,4% dự toán HĐND thành phố giao và bằng 119% so với cùng kỳ năm 2009.
Doanh nghiệp sản xuất xe đạp VN phá sản, hàng ngàn công nhân mất việc trong 5 năm qua do EU áp thuế chống bán phá giá xuất khẩu vào thị trường châu Âu.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa yêu cầu Ban Chỉ đạo 127 các địa phương tập trung vào 4 trọng tâm đó là: chống buôn lậu trên các tuyến biên giới, chống gian lận thương mại tại các khu vực cảng biển, đẩy mạnh chống hàng giả, chống đầu cơ…
Việc chuyển đổi doanh nghiệp Nhà nước chỉ là bước đệm để doanh nghiệp thực hiện mục tiêu cổ phần hóa
Là một doanh nghiệp trẻ, tham gia thị trường cung cấp sản phẩm dịch vụ kỹ thuật dầu khí, Tổng Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí PTSC đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường trong nước, từng bước vươn ra thị trường quốc tế. Với tốc độ tăng trưởng từ 28 - 30%/năm, liên tục trong 5 năm qua, PTSC luôn dẫn đầu phong trào thi đua "năng suất chất lượng và hiệu quả" của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.