Sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trong khi tồn kho vẫn ở mức cao do tiêu thụ khó khăn hơn cùng kỳ năm ngoái.
Nhận định này được rút ra từ báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh ngành công nghiệp, vừa được Vụ Kinh tế công nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố.
Theo bản cáo này, giá trị sản xuất công nghiệp tháng 8/2010 theo giá so sánh ước tính đạt 69,5 nghìn tỷ đồng, tăng 1,6% so với tháng 7 và tăng 15,2% so với cùng kỳ trước. Tính đến tháng 8, giá trị sản xuất công nghiệp theo giá so sánh của cả nước ước tính đạt 504,2 nghìn tỷ đồng, tăng 13,7% so với 8 tháng đầu năm 2009.
Tuy nhiên, những điểm đáng lưu ý lại nằm ở các diễn biến liên quan, tính cho đến thời điểm này.
Thứ nhất, tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp theo tháng đã xuống mức thấp nhất trong tháng 8, xét trong 6 tháng gần đây. Trước đó, giá trị sản xuất công nghiệp thực hiện so với tháng trước tăng 3,8% vào tháng 4; giảm tốc còn 3,5% tại tháng 5; xuống 2% trong tháng 6; và vượt lên tăng 3,4% vào tháng 7.
Trong khi đó, Vụ Công nghiệp xây dựng (Tổng cục Thống kê) trong một báo cáo riêng cũng lưu ý một con số khác, mức tăng 15,2% của sản xuất công nghiệp tháng 8 so với cùng kỳ năm trước vẫn cao hơn mức tăng chung của ngành 8 tháng đầu năm 1,5 điểm phần trăm. Nguyên nhân có thể do tháng 8 năm 2009, tăng trưởng giá trị công nghiệp đã thấp hơn mức tăng chung 8 tháng đầu năm trước (4,5% so với 5,6%, theo Tổng cục Thống kê).
Tuy vậy, mức tăng của giá trị sản xuất công nghiệp 8 tháng đầu năm 2010 vẫn cao hơn mức kế hoạch năm 2010, được “ấn định” tăng 12% vào cuối năm ngoái.
Thứ hai, trong khi khu vực ngoài nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài có tốc độ tăng cao về giá trị sản xuất công nghiệp, khu vực kinh tế nhà nước có tốc độ tăng thấp hơn mức kế hoạch toàn ngành.
Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp của khu vực kinh tế nhà nước 8 tháng đầu năm ước tính đạt 114,5 nghìn tỷ đồng, chỉ tăng 9%; khu vực kinh tế ngoài nhà nước ước tính đạt 177,4%, tăng 12,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ước tính đạt 212,3 nghìn tỷ đồng, tăng 17,3% (dầu mỏ và khí đốt giảm 4,7%, các ngành khác tăng 20,3%).
Thứ ba, các lĩnh vực công nghiệp có sự tăng trưởng không đồng đều trong 8 tháng đầu năm 2010, với mức tăng trưởng rất thấp ở khối công nghiệp khai thác, trong khi tăng mạnh ở điện, nước, gas.
Tính theo chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IPP), mức tăng trưởng chung toàn ngành công nghiệp trong 8 tháng đầu năm đạt 8,8% so cùng kỳ. Trong con số đó, công nghiệp khai thác mỏ chỉ tăng 0,8%; công nghiệp chế biến tăng 11,6%; công nghiệp điện, nước, gas tăng tới 15,4% (điện sản xuất ước thực hiện 8 tháng năm 2010 đạt 60,1 tỷ Kwh tăng 14,7% so cùng kỳ).
Thứ tư, Vụ Kinh tế công nghiệp cũng lưu ý một số sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn trong ngành công nghiệp đã giảm tăng trưởng so với cùng kỳ, bao gồm dầu thô khai thác (giảm 4,5% do giới hạn kỹ thuật của các mỏ), than sạch (giảm 18,6% do chủ trương không khuyến khích xuất khẩu than, có thể chấp nhận giảm sản lượng để giành cho sản xuất điện ở trong nước), thép xây dựng (do nhu cầu trong nước giảm)...
Ngược lại, các sản phẩm ngành năng lượng (chủ yếu là điện, khí đốt thiên nhiên dạng khí; khí hoả lỏng...), các sản phẩm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu (sữa bột; giày thể thao; tủ lạnh, tủ đá...), vật liệu xây dựng và cơ khí ôtô (xi măng; kính thuỷ tinh; xe tải và xe chở khách...) có tốc độ tăng trưởng cao.
Thứ năm, trong tương quan với mức tăng trưởng 13,7% (nếu tính theo giá trị sản xuất) và 8,8% (nếu tính theo chỉ số IIP), chỉ số tiêu thụ sản phẩm công nghiệp 7 tháng đầu năm nay chỉ tăng khoảng 12% so với cùng kỳ; chỉ số tồn kho thời điểm 1/8 so với tháng 1/7 tăng 1,6% và so với cùng kỳ năm 2009 tăng 37,3%.
Như vậy, tồn kho tuy có “hạ nhiệt” chút ít so với con số 5,2% và 38,6% trong các so sánh tương ứng tại thời điểm 1/7 trước đó, tuy nhiên vẫn ở mức tăng rất cao
Tương quan này cho thấy “việc tiêu thụ sản phẩm công nghiệp gặp khó khăn so với cùng kỳ”, Vụ Kinh tế công nghiệp kết luận.
Theo VnEconomy
(HBĐT) - Những năm gần đây, cùng với những chuyển đổi chung của nền kinh tế, khu vực kinh tế tập thể của tỉnh cũng đã có những chuyển biến tích cực. Phần lớn các HTX đã thực hiện chuyển đổi theo quy định để thích ứng với cơ chế mới để từng bước khẳng định vị trí trong nền kinh tế. Tuy nhiên khu vực kinh tế tập thể vẫn còn nhiều “nút thắt” cần được tháo gỡ để tạo sự bứt phá đóng góp thiết thực vào việc giải quyết các vấn đề lao động, xã hội, tăng nguồn thu ngân sách cho địa phương.
(HBĐT) - Sau 3 năm đi vào hoạt động, Chi nhánh Vietinbank Hòa Bình đã xây dựng được 2 điểm giao dịch trên địa bàn TP Hòa Bình, phát triển tổng tài sản trên 600 tỷ đồng, quan hệ với trên 700 khách hàng là các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn, thực hiện huy động nguồn vốn đạt 300 tỷ đồng, dư nợ cho vay các thành phần kinh tế đạt 500 tỷ đồng.
Đại hội Đảng đang đến gần. Các kế hoạch, chiến lược đang được gấp rút hoàn thiện. Trong đó, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 sẽ quyết định triển vọng phát triển của VN. Trao đổi với Báo chí, TS Trần Đình Thiên, viện trưởng Viện Kinh tế VN, phân tích:
Gần nửa thế kỷ qua, dưới sự lãnh đạo của Ðảng, sự quản lý của Nhà nước, sự hỗ trợ, giúp đỡ hiệu quả của các bộ, ngành T.Ư, các địa phương, các đối tác và nhân dân cả nước, ngành dầu khí Việt Nam từ những bước đi chập chững ban đầu đã lớn mạnh cùng đất nước.
Trong giai đoạn khó khăn do tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, thị trường trong nước đã chứng tỏ vai trò làm điểm tựa vững chắc của các doanh nghiệp (DN) trong nước. Khai thác thị trường nội địa đã trở thành hướng phát triển lâu dài, bền vững của nhiều DN Việt Nam. Tuy nhiên, để làm được điều này, bên cạnh sự nỗ lực vươn lên của DN, vẫn rất cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước.
Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB) vừa triển khai chương trình “Tín dụng đặc biệt 3.000 tỷ đồng” dành cho các doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp tư nhân.