Giá các loại thịt gia súc, gia cầm có khả năng tăng cao do sức tiêu thụ mạnh. Hàng bình ổn duy trì mức giá bán đã đăng ký từ tháng 6-2010
Hai tháng trở lại đây, giá thịt gia súc, gia cầm trên thị trường liên tục tăng do sức mua phục hồi. Trong khi đó, nguồn cung từ các trang trại lại có dấu hiệu suy giảm. Với tình hình này, giá thịt heo, gà Tết khó giữ được ổn định.
Khách hàng mua thịt heo bình ổn giá tại cửa hàng Vissan. Ảnh: HỒNG THÚY
Thịt gà, heo sẽ căng thẳng
Theo các chủ trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, thời gian gần đây, giá thức ăn chăn nuôi tăng khá cao trong khi giá bán gia súc, gia cầm vẫn còn thấp nên người nuôi không dám đầu tư lớn. Ông Nguyễn Trí Công, chủ trại heo Trí Công ở Đồng Nai, cho biết đợt dịch heo tai xanh vừa qua, giá heo giảm còn 25.000 đồng - 28.000 đồng/kg nên người nuôi lỗ nặng, nhiều người phải giảm đàn, thậm chí chuyển nghề. Còn theo ông Chung Kim, Giám đốc Công ty TNHH Chăn nuôi và Chế biến Thức ăn Gia súc Kim Long (Bình Dương), giá thức ăn chăn nuôi quá cao nên người nuôi không có lãi, không cầm cự nổi nên phải giảm đàn.
Theo giới kinh doanh, hiện sức tiêu thụ thịt heo vẫn còn chậm nên cung đủ cầu. Tuy nhiên, đến Tết, sức tiêu thụ sẽ tăng cao, cộng với việc thương lái thu gom heo của các tỉnh phía Nam chuyển ra Bắc tiêu thụ và bán sang Trung Quốc thì giá heo hơi sẽ bị đẩy lên, có thể lên đến khoảng 40.000 đồng - 42.000 đồng/kg (tăng khoảng 4.000 đồng - 5.000 đồng/kg so với hiện nay). Các công ty chế biến lạp xưởng, chả lụa, giò thủ cũng cho biết do giá nhiều loại nguyên liệu như thịt heo, đường, bột ngọt, dầu ăn, bao bì đều tăng vài chục phần trăm nên giá hàng Tết sẽ tăng ít nhất 10%.
Tương tự, giới chăn nuôi gà cũng cho biết đang thua lỗ do giá thức ăn tăng quá cao, giá bán ra không đủ bù đắp chi phí nên nguồn cung một số loại khá hạn chế. Chẳng hạn, giá gà công nghiệp đã tăng lên 25.000 đồng/kg nhưng người nuôi vẫn lỗ 1.000 đồng/kg; giá gà tam hoàng gần đây tăng 2.000 đồng/kg, lên 31.000 đồng/kg nhưng người nuôi lỗ khoảng 3.000 đồng/kg...
Dự đoán, từ nay đến Tết, giá thịt gà sẽ tiếp tục tăng, có thể lên đến 40.000 đồng/kg gà tam hoàng (giá tại trại). Giá trứng tại các trại đang có xu hướng tăng như trứng gà vừa tăng thêm từ 50 đồng - 100 đồng/trứng, lên 2.100 đồng - 2.300 đồng/trứng vịt và 1.900 đồng - 2.000 đồng/trứng gà. Theo bà Phạm Thị Huân, Giám đốc Công ty Ba Huân, hiện đang vào mùa thu hoạch trứng vịt nên nguồn cung dồi dào. Riêng mặt hàng trứng gà đang gặp khó khăn do nguồn cung giảm; nguồn trứng từ phía Nam thời gian gần đây được thương lái thu gom chuyển ra các tỉnh miền Trung.
Hàng bình ổn giá đã sẵn sàng
Theo Sở Công Thương TPHCM, đến thời điểm này, các doanh nghiệp (DN) tham gia bình ổn giá đã chuẩn bị hàng cho thị trường Tết Nguyên đán vượt số lượng đăng ký. Chẳng hạn, Công ty Vissan được giao số lượng 2.250 tấn thịt heo, 900 tấn thực phẩm chế biến thì trên thực tế, Vissan đã chuẩn bị 2.460 tấn thịt heo và 3.450 tấn thực phẩm chế biến. Công ty CP Thực phẩm Công nghệ Sài Gòn đã chuẩn bị 2.250 tấn đường (số lượng được giao là 1.000 tấn), 400 tấn dầu ăn (lượng giao là 200 tấn). Công ty Huỳnh Gia Huynh Đệ chuẩn bị 1.030 tấn thịt gia cầm (số lượng được giao 525 tấn), Công ty Thành Thành Công 8.000 tấn đường (số lượng được giao 700 tấn), Công ty Ba Huân 20 triệu quả trứng gia cầm (số lượng được giao 13,5 triệu quả)...
Lượng gạo, nếp phục vụ cho tháng Tết được TP giao cho các DN là 4.500 tấn nhưng trên thực tế, các DN tăng lên 6.000 tấn. Một số mặt hàng khác đều chuẩn bị với số lượng lớn, cao hơn nhiều so với số lượng được giao như đường RE 11.050 tấn, dầu ăn 1.000 tấn, thịt gia súc 4.660 tấn, thịt gia cầm giao 2.552 tấn, thực phẩm chế biến 4.155 tấn... Với số lượng chuẩn bị hàng hóa vượt kế hoạch đăng ký này, các DN bình ổn giá sẽ chiếm lĩnh khoảng 30%- 40% thị trường.
Theo Sở Công Thương TPHCM, các mặt hàng bình ổn giá sẽ được giữ nguyên theo giá mà DN đã đăng ký và bán trong những tháng vừa qua. Chẳng hạn: Giá thịt heo đùi tháng Tết là 68.000 đồng/kg (có khả năng sẽ giảm thêm vài ngàn đồng/kg); giá bán của Công ty Huỳnh Gia Huynh Đệ đối với thịt vịt là 50.000 đồng/kg, gà tam hoàng 50.000 đồng/kg, thịt gà ta 90.000 đồng/kg, thịt gà công nghiệp 38.000 đồng/kg. Các mặt hàng khác như dầu ăn của các công ty bán bình ổn giá 24.500 đồng - 25.600 đồng/lít, đường 18.000 đồng/kg, trứng gà 2.100 đồng/trứng, trứng vịt 2.550 đồng/trứng...
Theo Báo NLĐ
(HBĐT)- Từ đầu năm đến nay, Sở KH-ĐT đã tham mưu với UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 52 dự án với tổng vốn đăng ký là 9.622 tỉ đồng, nâng tổng số dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh có 293 dự án. Trong đó, có 18 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, tổng vốn đăng ký 87,6 triệu USD; 275 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đăng ký 25.740 tỉ đồng.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 tăng 1,86% so với tháng 10, đưa CPI 11 tháng tăng tới 9,58%. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng đột biến lên tới 3,45% được xem là nguyên nhân chính khiến chỉ số giá tăng ở mức cao.
Tình trạng “găm” USD trên tài khoản của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đang khiến áp lực lên nguồn cung ngoại tệ tiếp tục căng thẳng.
Để lắng nghe các ý kiến đóng góp của các nhà quản lý, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu và cộng đồng doanh nghiệp trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách trong lĩnh vực dịch vụ bán lẻ, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) và Dự án Hỗ trợ Thương mại Đa biên giai đoạn III sẽ phối hợp tổ chức hội thảo “Tiếp tục hoàn thiện quản lý nhà nước trong lĩnh vực bán lẻ ở Việt Nam” vào ngày 26/11 tại TP. Hồ Chí Minh.
(HBĐT) - “Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Đề án 1956), có thời gian thực hiện dài, yêu cầu đông đảo lực lượng trong xã hội tham gia và số lao động sau đào tạo có việc làm đạt tỷ lệ cao. Vì vậy, đòi hỏi sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và lực lượng khác trong xã hội, đặc biệt là người lao động” .
(HBĐT) - Sản xuất vụ chiêm - xuân 2010 - 2011, theo dự báo thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, khô hạn diễn ra gay gắt. Hiện tại, các hồ, đập thuỷ lợi mới tích nước được khoảng 60%. Do vậy, chủ trương của tỉnh, ngành nông nghiệp chỉ đạo các địa phương chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, quản lý chặt các nguồn nước, điều tiết sử dụng nước tiết kiệm, chủ động đủ giống, phân bón, thuốc BVTV . Không cấy lúa ở những diện tích không chủ động nước tưới, chuyển sang trồng các loại cây sử dụng ít nước. Chủ động phòng - chống dịch bệnh, tăng cường áp dụng tiến bộ KH -KT vào sản xuất.