Lãi suất tiết kiệm cán mức 18%/năm rồi lập tức giảm xuống còn còn 14%-14,5%/năm chỉ trong một ngày

 

Một số ngân hàng (NH) mạnh tay tăng lãi suất tiết kiệm thêm 3%-4% so với mức lãi suất cũ, đẩy lãi suất huy động vốn kỳ hạn 1-2 tháng lên tới 18%/năm.

Lãi suất huy động của SeABank vào chiều 8-12 lên đến 18%/năm
 
Lãi suất huy động lên đến 17%-18%/năm
 
Sáng 8-12, NH Kỹ Thương VN (Techcombank) gây sốc khi tung ra chương trình “3 ngày vàng tiết kiệm”, lãi suất 17%/năm, thưởng tiền mặt 500.000 đồng cho người giới thiệu khách hàng mới; thưởng 500.000 đồng cho khách hàng đến thời điểm lĩnh tiền nhưng tiếp tục gửi lại. Tuy nhiên, mức lãi suất 17% chỉ áp dụng từ ngày 8 đến 10-12 đối với khoản tiền gửi từ 100 triệu đồng trở lên, kỳ hạn một tháng. Khách hàng không được rút tiền trước hạn. Việc tặng tiền chỉ áp dụng cho khách hàng gửi tiết kiệm từ 1 tỉ đồng trở lên. Như vậy, người gửi “bạc tỉ” được hưởng lãi suất thực tế là 17,6%/năm. Tuy nhiên, sổ tiết kiệm chỉ thể hiện lãi suất 13,5%, còn phần chênh lệch được NH chi trả bằng tiền mặt.
 
Ngay sau khi Techcombank huy động vốn với lãi suất mới, nhiều NH khác cũng tăng mạnh lãi suất đầu vào. Cụ thể, NH Quốc tế đẩy lãi suất tiết kiệm lên 17,3%/năm. NH Phát triển Nhà TPHCM (HDBank) cũng nâng lãi suất đầu vào lên 17%/năm. Thậm chí NH Hàng hải còn cho nhân viên phát tờ rơi huy động vốn đến tận nhà dân cũng với lãi suất tương tự... Đặc biệt, lúc 13 giờ, NH Đông Nam Á (SeABank) bất ngờ công bố số tiền gửi từ 5 triệu đồng, kỳ hạn gửi 1 và 2 tháng, lãi suất 18%/năm được thể hiện trên sổ tiết kiệm. Tìm hiểu lãi suất tại SeABank, chúng tôi được nhân viên NH này tư vấn nên gửi tiền gấp vì thông tin nội bộ cho biết mức lãi suất 18% chỉ thực hiện theo phương châm “đánh nhanh rút gọn”.
 
Xáo trộn thị trường
 
Theo các chuyên gia tài chính, một số NH đã rút ra bài học đắt giá từ cú sốc lãi suất giữa năm 2008. Lúc đó, các NH đua nhau tăng lãi suất tiết kiệm lên tới 18%/năm đối với kỳ hạn 36 tháng và đến thời điểm này có NH còn phải gồng lưng trả lãi. Do đó, đợt này, các NH chỉ áp dụng lãi suất từ 17%/năm trở lên đối với kỳ hạn 1-2 tháng và chỉ diễn ra trong vài ngày. Điểm khác biệt là NH lớn châm ngòi kích thích các NH nhỏ đua tăng theo khiến thị trường lãi suất bùng nổ.
 
Lãnh đạo nhiều NH cho biết trong ngày, lãi suất vay vốn NH bạn (thị trường liên NH) cũng hết sức lộn xộn. Một số NH mạnh vốn nâng lãi suất cho NH bạn vay tiền lên tới 35%/năm. Tổng giám đốc một NH ở TPHCM cho rằng NH huy động vốn từ dân cư với lãi suất 14%-15%/năm là để kinh doanh, còn NH nào tăng lãi suất đầu vào lên trên 17%/năm thực chất là để tồn tại. Trong khi đó, một số người trong cuộc cho rằng các NH chớp nhoáng huy động vốn nhằm tăng nhanh giá trị tổng tài sản của mình, tạo thanh thế trên thị trường chứng khoán... Hệ quả là người gửi tiền rút vốn từ NH này chuyển qua NH khác gây xáo trộn thị trường.
 
Trước tình hình trên, chiều 8-12, NH Nhà nước đã triệu tập tổng giám đốc các NH tăng mạnh lãi suất để định hướng lãi suất thị trường, lập tức những NH này giảm ngay lãi suất đầu vào từ 17%-18%/năm, xuống còn 14%-14,5%/năm ngang bằng với nhiều NH khác. Như vậy, sau 4 giờ tăng “sốc”, lãi suất huy động đã trở lại bình thường. Song song đó, NH Nhà nước cũng có văn bản yêu các NH thực hiện các mức lãi suất huy động và cho vay phù hợp với quy định của pháp luật, chủ trương của Chính phủ và nội dung đồng thuận giữa các thành viên của Hiệp hội NH Việt Nam là 12%/năm. Trong trường hợp thị trường tiền tệ diễn biến bất thường, NH Nhà nước có quyền quy định cơ chế điều hành, xác định lãi suất áp dụng trong quan hệ giữa các tổ chức tín dụng với nhau và với khách hàng.

Nên bơm tiền trực tiếp

 
TS Cao Sỹ Kiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cho biết vẫn còn sớm để bình luận về xu hướng lãi suất mới nhưng với việc lãi suất tăng nóng cho thấy tình hình cung cầu vốn đang khó khăn. Lãi suất cao là biện pháp bắt buộc để giảm lạm phát nhưng lãi suất đầu vào 18%/năm, đầu ra ít nhất cũng lên đến 22%-23%/năm là quá sức chịu đựng của doanh nghiệp. Để duy trì sản xuất kinh doanh, NH Nhà nước phải có chính sách thích hợp để giảm bớt áp lực lãi suất cho doanh nghiệp, cần can thiệp bằng nghiệp vụ chứ không phải chỉ kêu gọi thực hiện lãi suất hợp lý hoặc can thiệp hành chính.
 
Trong khi đó, PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TPHCM, cho rằng lạm phát của năm 2010 sẽ bằng phân nửa lạm phát của năm 2008 (trên 20%) nên một số NH tăng lãi suất đầu vào lên 17%-18%/năm là không hợp lý. Tuy lãi suất được áp dụng theo cơ chế thả nổi nhưng khi thị trường biến động bất thường cần phải có sự can thiệp của Chính phủ. Nếu một NH thực sự khó khăn về nguồn vốn, NH Nhà nước nên bơm tiền trực tiếp cho NH đó với lãi suất 12%/năm để ổn định lãi suất thị trường.
 
 
                                                                                         Theo NLD

Các tin khác


Bảo vệ cây trồng vụ xuân trước thời tiết diễn biến cực đoan

Theo dự báo, thời điểm giao mùa, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như giông, lốc, sét, mưa đá có thể ảnh hưởng lớn tới sản xuất nông nghiệp, đồng thời cũng tạo điều kiện cho các đối tượng, dịch bệnh phát sinh, gây hại trên cây trồng. Để bảo vệ diện tích lúa và cây trồng vụ xuân, ngành nông nghiệp và các đơn vị chuyên môn tích cực rà soát các địa bàn có nguy cơ xảy ra thiên tai ảnh hưởng tới sản xuất, đẩy mạnh tuyên truyền, đồng hành với nông dân, bám sát đồng ruộng để kịp thời kiểm soát sâu, bệnh gây hại, xử lý và khắc phục các tổn thất khi có tình huống xảy ra.

Xuất khẩu giày dép khởi sắc, nhưng vẫn đối mặt nhiều nỗi lo

Đơn hàng xuất khẩu giày dép đang dần hồi phục, tuy nhiên, ngành xuất khẩu đứng thứ 2 kim ngạch thế giới của Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức lớn.

Sáng 6/5, giá vàng SJC vượt 86 triệu đồng/lượng

Sáng 6/5, trong khi Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC vượt mốc 86 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra thì các công ty vàng bạc khác giá vàng cũng gần chạm mốc này.

Xã Xuân Thủy dồn sức về đích nông thôn mới

Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay, xã Xuân Thủy, huyện Kim Bôi hoàn thành được 12/19 tiêu chí. Trong năm 2024, xã phấn đấu hoàn thành 7 tiêu chí về giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, nghèo đa chiều, lao động việc làm, y tế, môi trường và an toàn thực phẩm, quốc phòng - an ninh.

Đánh thức tiềm năng vùng đất “chén vàng”

Đồng chí Trần Tuấn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Bôi cho biết: Huyện Kim Bôi đã hoàn thành được đồ án Quy hoạch vùng huyện đến năm 2040; lập đồ án Quy hoạch chung xây dựng 14 xã; 3 đồ án quy hoạch phân khu; 9 đồ án quy hoạch chi tiết các điểm dân cư nông thôn. Huyện cũng tích cực triển khai khoảng 25 đồ án quy hoạch khác làm cơ sở để quản lý xây dựng, thu hút đầu tư các dự án ngoài ngân sách, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và huy động các nguồn lực, đảm bảo phát triển trong dài hạn.

Bộ Tài chính thúc 6 địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Theo báo cáo, tỷ lệ giải ngân của 6 địa phương này cơ bản thấp hơn tỷ lệ giải ngân bình quân chung của cả nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục