Ngày 6-1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến dự và cắt băng khánh thành Nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất - Nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam được xây dựng tại huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (thứ ba từ trái qua) cắt băng khánh thành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Ảnh: Hà Minh.

NMLD Dung Quất được xây dựng tại Khu kinh tế Dung Quất với tổng diện tích 337 ha mặt đất và 471 ha mặt biển. Ngày 22-2-2009, nhà máy đã sản xuất ra dòng sản phẩm đầu tiên và từ khi nhận bàn giao, nhà máy luôn vận hành ổn định ở 100% công suất.

Tính từ thời điểm bắt đầu chạy thử đến hết tháng 12-2010, nhà máy đã tiếp nhận khoảng 8,3 triệu tấn dầu thô, chế biến và cung cấp cho thị trường 7,2 triệu tấn sản phẩm các loại đạt chất lượng. Năm 2010, tính từ khi bàn giao, nhà máy đạt doanh thu 60 ngàn tỷ đồng, lợi nhuận đạt trên 237 tỷ đồng và nộp ngân sách 10 ngàn tỷ đồng.

Phát biểu tại lễ khánh thành, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, NMLD Dung Quất là công trình trọng điểm của đất nước, có quy mô xây dựng và tổng mức đầu tư lớn nhất Việt Nam từ trước tới nay do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư, thực hiện theo hình thức tự đầu tư, quản lý, vận hành và có công nghệ hiện đại. Mặc dù trong quá trình triển khai thực hiện, dự án gặp rất nhiều khó khăn, nhất là về xử lý địa chất công trình, huy động nguồn vốn đầu tư, lựa chọn hình thức đầu tư và lựa chọn nhà thầu, trình độ quản lý còn nhiều hạn chế trong khi giá cả nguyên vật liệu có nhiều biến động, thiên tai. Cùng với việc xây dựng nhà máy, còn phải đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật trên 1.000 người để vận hành nhà máy... Tuy nhiên sau 44 tháng triển khai hợp đồng xây dựng, ngày 22-2-2009 dòng sản phẩm xăng dầu đầu tiên của Nhà máy đã ra đời đúng tiến độ hợp đồng.

Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đi vào hoạt động. Ảnh: T.T.X-Thái Bằng

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhiệt liệt biểu dương sự cố gắng, nỗ lực, tinh thần vượt khó, hăng say lao động, sáng tạo của cán bộ công nhân viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Ban quản lý dự án NMLD Dung Quất, tổng thầu Technip, các nhà thầu khác trong và ngoài nước; sự chỉ đạo sát sao, tích cực của Ban chỉ đạo Nhà nước các công trình trọng điểm về dầu khí; sự phối hợp có hiệu quả của các bộ, ngành liên quan. Đặc biệt là sự ủng hộ tích cực của nhân dân huyện Bình Sơn đã di dời đến nơi ở mới bàn giao mặt bằng để xây dựng nhà máy.

Thủ tướng nhấn mạnh, việc đưa NMLD Dung Quất vào hoạt động có ý nghĩa quan trọng cả về chính trị, kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; khẳng định việc lựa chọn địa điểm và xây dựng nhà máy là một quyết định đầu tư đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta...

Theo Thủ tướng, sự thành công của dự án còn có ý nghĩa đặt nền móng, đánh dấu bước khởi đầu quan trọng cho sự phát triển ngành công nghiệp lọc hóa dầu của nước ta, đồng thời là hạt nhân công nghiệp tại tỉnh Quảng Ngãi và khu vực miền Trung, tạo điều kiện cho phát triển nhanh các ngành công nghiệp, dịch vụ liên quan, góp phần thúc đẩy phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh và khu vực miền Trung, từng bước tạo ra sự phát triển kinh tế cân đối giữa các vùng, miền trong cả nước.  

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, với những bài học, kinh nghiệm quý giá trong quá trình xây dựng NMLD Dung Quất, tiếp tục thực hiện thành công việc nâng cấp mở rộng NMLD Dung Quất, Dự án lọc hóa dầu tại Nghi Sơn (Thanh Hóa), Long Sơn (Bà Rịa – Vũng Tàu). Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh Quảng Ngãi, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất, NMLD Dung Quất có trách nhiệm cùng nhau tiếp tục chăm lo giải quyết  tốt việc làm, đời sống cho đồng bào địa phương, nhất là đồng bào phải tái định cư đến nơi ở mới để bàn giao mặt bằng cho xây dựng nhà máy...

Bể chứa sản phẩm Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Ảnh: HÀ MINH

"Việc đưa NMLD Dung Quất vào hoạt động có ý nghĩa quan trọng cả về chính trị, kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; khẳng định việc lựa chọn địa điểm và xây dựng nhà máy là một quyết định đầu tư đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta..."

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng 

Hà Minh - TTXVN

Những dấu mốc quan trọng

NMLD Dung Quất là công trình trọng điểm quốc gia, được Chính phủ giao cho Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) triển khai thực hiện tại Khu kinh tế Dung Quất, Quảng Ngãi với số vốn đầu tư ban đầu 1,5 tỷ USD (sau đó đội lên  hơn 3 tỷ USD), có công suất chế biến 6,5 triệu tấn dầu thô/năm, khi đi vào vận hành sẽ đáp ứng hơn 30% nhu cầu sử dụng xăng dầu trong cả nước.

Năm 1997, dự án được triển khai theo Quyết định 514/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Giai đoạn từ cuối năm 1998 đến 2003, chúng ta hợp tác với Nga để xây dựng nhà máy theo tỷ lệ góp vốn 50/50. Tháng 2-2003, dự án chính thức do Việt Nam tự đầu tư 100% vốn.

Ngày 17-6-2005 Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 546/QĐ-TTg điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án. Cũng trong tháng 6-2005, hợp đồng EPC (thiết kế, mua sắm, xây dựng và chạy thử) gói 1+4 do PetroVietnam ký với Tổ hợp nhà thầu Technip có hiệu lực, tiến độ tổng thể của dự án là 44 tháng.

Ngày 28-11-2005, lễ khởi công các gói thầu EPC 1+2+3+4 được Tổ hợp nhà thầu Technip phối hợp với PetroVietnam tổ chức tại công trường xây dựng nhà máy. Quá trình thực hiện dự án từ năm 2005 đến nay, theo PetroVietnam, “gặp rất nhiều khó khăn, thử thách liên quan đến thiết kế kỹ thuật, thời tiết, điều kiện địa chất, thị trường và nguồn nhân lực” do đây  là lần đầu tiên VN xây dựng một nhà máy lọc hóa dầu với công nghệ hiện đại, tổng mức đầu tư lớn nhất so với các dự án trọng điểm quốc gia khác tại thời điểm đầu tư.

Việc chạy thử từng phần của nhà máy bắt đầu từ cuối năm 2008.

Ngày 22-2-2009, nhà máy đã sản xuất ra dòng sản phẩm đầu tiên. Với sự trợ giúp của 141 chuyên gia vận hành nước ngoài từ nhà thầu SK (Hàn Quốc) và KBC (Anh) từ tháng 10-2009, sau một năm, các kỹ sư và công nhân của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn đã dần thay thế được nhiều vị trí quan trọng. Số chuyên gia nước ngoài nay chỉ còn 81 vị trí và đến cuối năm 2011 sẽ tiếp tục giảm xuống dưới 40 người.

Năm 2011, nhà máy phấn đấu đạt doanh thu 77 ngàn tỷ đồng, lợi nhuận 550 tỷ đồng và nộp ngân sách 15 ngàn tỷ đồng. Để gia tăng hiệu quả, độ linh hoạt trong chế biến của nhà máy và không ngừng tăng nguồn thu cho ngân sách quốc gia, ngay từ năm 2008, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã lập kế hoạch tổng thể thay thế dần việc sử dụng dầu thô Bạch Hổ giá trị cao bằng chế biến dầu thô nhập khẩu. Hiện nay Tập đoàn đang cùng các đối tác nước ngoài nghiên cứu khả năng nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất.

Cuối tháng 10-2010, Tập đoàn đã thuê Tư vấn JGC - Nhật Bản lập Dự án đầu tư, theo đó nguyên liệu sẽ được bổ sung bằng dầu chua có giá rẻ và nguồn cung dồi dào hơn, công suất cũng sẽ được nâng lên đến gần 10 triệu tấn/năm.

Dự kiến việc nâng cấp, mở rộng NMLD sẽ hoàn thành vào năm 2016 với số vốn đầu tư bổ sung trên 1 tỷ đôla Mỹ.

Ng.Phương

 

Sổ tay: Cuộc sống đã đổi thay nhiều lắm!

Sáng sớm 6-1, trời Dung Quất bất chợt đổ mưa. Mọi người đã nghĩ một lễ khánh thành sẽ không được thuận lợi về mặt thời tiết. Nhưng khoảng 1 tiếng sau, mưa tạnh, nắng lại hửng lên.

Lão nông dân Nguyễn Đông, nay đã hơn 87 tuổi, nhà nằm ngay ven đường mang tên cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, cách NMLD chừng 100m, nói: “Cuộc sống đã đổi thay nhiều lắm. 10 năm trước, nhà tui phía sau mép đồi, gần con đường dẫn lên tháp quan sát NMLD. Khi nhà máy được xây dựng, được bố trí ra đây ở, gần mặt đường, nhận tiền hỗ trợ di dời, giải tỏa mở quầy tạp hóa kinh doanh nên có đồng ra đồng vào, no ấm hơn, thay đổi rõ hơn chứ”.

Buổi sáng hôm khánh thành, dù trời mưa, rất nhiều người dân đã đội mưa mắt đăm đăm nhìn về phía nhà máy. Tôi hỏi chị Lê Thị Hồng, 43 tuổi, ở xã Bình Trị, nhìn gì ở đó? Chị bảo, thấy những tấm pano treo thông báo khánh thành nhà máy nên dù đang ra đồng làm cỏ gần đấy cũng bỏ để lên xem lễ khánh thành. Xa thế sao chị nhìn thấy được? (để bảo đảm an toàn nhà máy, từ vành đai bảo vệ đi vào nhà máy cách cả trăm mét - PV).

“Tui ở gần đây, biết chớ. Chỉ hôm nào ngọn đuốc kia không cháy nữa, khi đó nhà máy ắt có chuyện chi đó. Nay thì vẫn cháy, tỏa sáng đều thế kia, rõ là họ đã làm xong hết và khánh thành rồi” - chị trả lời. Còn cụ bà Phạm Út, đã hơn 80 tuổi, vẫn một ước mong giản dị từ ngày nhường đất xây dựng nhà máy: khánh thành rồi, cuộc sống của con cháu sẽ khá hơn!

 

                                                                                   Theo SGGP

Các tin khác

Không có hình ảnh
Năm 2010, toàn tỉnh đã  hoàn thành và đưa vào sử dụng 320 công trình khí sinh học.
Nhóm NNHC xóm Đồng Bưng, xã Nhuận Trạch (Lương Sơn) cung ứng rau, củ quả cho thị trường thủ đô.
Lãi suất bình quân liên ngân hàng trong tuần qua đối với giao dịch bằng VND các kỳ hạn tăng, riêng lãi suất không kỳ hạn giảm nhẹ.

Huy động vốn quốc tế

Trong bối cảnh vay vốn trong nước khó khăn, huy động quốc tế thông qua việc phát hành trái phiếu ra nước ngoài đang được nhiều công ty trong nước hướng tới.

Vietnam Airlines tăng thêm 99 chuyến bay nội địa

Chiều 5/1, ông Lê Hoàng Dũng, người phát ngôn của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết, để đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong dịp cao điểm Tết Tân Mão, tổng công ty sẽ thực hiện tăng chuyến trên các đường bay địa phương trong giai đoạn từ ngày 24-29 tháng Chạp và từ ngày 2-12 tháng Giêng.

Kim bôi: đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án dồn điền - đổi thửa

(HBĐT) - Đề án dồn điền - đổi thửa ở Kim Bôi nhằm quy hoạch vùng sản xuất phù hợp với yêu cầu sản xuất hàng hoá, thuận lợi cho đầu tư, thâm canh, giảm chi phí đầu vào, tạo điều kiện cho đề án xây dựng cánh đồng thu nhập cao đạt hiệu quả.

Lạc Sơn: Không để gia súc chết vì đói, rét

(HBĐT) - Đó là lời khẳng định của ông Bùi Văn Dậy, Phó phòng NN & PTNT huyện Lạc Sơn về công tác phòng - chống đói, rét cho đàn gia súc trong mùa đông năm nay của địa phương. Rút kinh nghiệm từ vụ rét đậm, rét hại vào cuối năm 2007, đầu năm 2008, toàn huyện đã có 2.653 con trâu, bò chết rét. Ngay từ đầu mùa đông năm 2010, huyện đã triển khai nhiều biện pháp tích cực phòng chống - đói, rét cho trâu, bò.

Thành phố Hòa Bình: Tổng thu NSNN đạt 115.635 triệu đồng

(HBĐT) - Năm 2010, TP Hòa Bình đã quản lý chặt chẽ các nguồn thu NSNN và tăng cường thực hiện các biện pháp cải tiến quản lý thu, chống thất thu. Nhờ đó, tổng thu NSNN trên địa bàn ước thực hiện được 115.635 triệu đồng, đạt 107% dự toán tỉnh giao, 101,8% dự toán HĐND thành phố giao, tăng 8% so với thực hiện năm 2009.

HTX dịch vụ điện năng Tử Nê: Nâng cao hiệu quả mạng lưới điện nông thôn trên địa bàn

(HBĐT) - Cùng với 8 HTX DVĐN đang hoạt động trên địa bàn huyện Tân Lạc, HTX Tử Nê đã đóng góp tích cực vào quản lý điện nông thôn, góp phần nâng cao hiệu quả mạng lưới điện ở Tân Lạc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục