Lãi suất vay ở mức cao đang khiến nhiều doanh nghiệp “ngại” đến ngân hàng.

Lãi suất vay ở mức cao đang khiến nhiều doanh nghiệp “ngại” đến ngân hàng.

Lãi vay ngân hàng (NH) cao đến 17%-19%/năm khiến nhiều doanh nghiệp có tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu thấp hơn mức này co cụm không dám vay vốn hoạt động vì sợ lỗ.

 

Nhận định về tình hình lãi suất (LS), ông Trần Bắc Hà - Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - cho rằng LS huy động hiện nay 14%/năm là mức hỗ trợ tốt nhất cho chính sách thắt chặt tiền tệ mà NH Nhà nước đang thực thi. Tuy nhiên, so với "sức khỏe" của doanh nghiệp (DN), 17%-19%/năm lại là mức LS khá cao. LS huy động hợp lý chỉ nên ở mức 12,5%/năm, để LS cho vay khoảng 15%-16%/năm. "Nhưng trong bối cảnh kỳ vọng lạm phát còn cao, việc giảm mặt bằng LS huy động, cho vay ngay lập tức sẽ không khả thi", ông nói.

Một điểm sáng tích cực, theo ông Hà, là các chính sách tiền tệ của NH Nhà nước sẽ thực sự phát huy hiệu quả khoảng 6 tháng. Vì vậy, LS sẽ có xu hướng hạ nhiệt sớm nhất vào thời điểm cuối quý 2 và đầu quý 3 năm 2011 khi các chỉ số kinh tế vĩ mô cải thiện, thị trường tiền tệ ổn định hơn. Với dự báo tương tự, theo TS Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, nhiều khả năng LS sẽ giảm dần từ quý 3 vì Chính phủ đã tuyên bố kiên trì thắt chặt chính sách tiền tệ từ đầu năm, sau đó khi lạm phát được kiểm soát, chính sách tiền tệ sẽ được nới lỏng dần. Bên cạnh đó, việc cắt giảm mạnh đầu tư công, trái phiếu phát hành chỉ bằng nửa năm ngoái, nguồn vốn này được điều tiết sang khu vực tư nhân, DN tư nhân sẽ dồi dào hơn.

Trong khi đó, theo tổng giám đốc một NH thương mại cổ phần lớn tại Hà Nội, những đợt tăng giá liên tục trong thời gian qua đã làm tăng mạnh chi phí sản xuất của DN, cùng mức LS vay vốn lên tới 17%-19%/năm, khiến khả năng sinh lời của các DN suy giảm rất lớn. Ông này lo ngại, nếu các yếu tố vĩ mô không nhanh chóng chuyển biến tích cực, rất có thể chất lượng tín dụng của hệ thống NH sẽ kém đi. Hệ quả tất yếu kéo theo sự làm ăn kém hiệu quả của DN. Các ngành chịu ảnh hưởng mạnh nhất là các ngành phụ thuộc vào nhập khẩu, may mặc sử dụng nhiều nhân công, ngành thi công xây lắp.

Khó khăn về nguồn vốn do LS cao đang bao trùm lên đại bộ phận các DN trong nền kinh tế. Tổng giám đốc một công ty chứng khoán làm phép so sánh: tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) của các DN đứng đầu cả hai sàn chứng khoán khoảng 17% (chưa kể các tổ chức tín dụng) vẫn thấp hơn so với LS vay 19%. Rõ ràng DN càng vay vốn đầu tư, sản xuất càng chịu lỗ. “Các DN hoạt động hiệu quả nhất nền kinh tế còn rơi vào cảnh như vậy, huống chi các DN vừa và nhỏ” - vị lãnh đạo NH này lo lắng.

Ưu tiên cho DN xuất khẩu

Với chủ trương của Chính phủ giảm tổng cầu, giảm tăng trưởng tín dụng từ 25% xuống dưới 20%, giảm cung tiền ra nền kinh tế..., có thể nói, trước mắt nhiều DN sẽ gặp khó khăn, có khả năng rơi vào thua lỗ, phá sản. Giải pháp tháo gỡ vốn được đề cập đến, tuy nhiên theo các giám đốc NH thương mại, hiện chỉ có DN thuộc lĩnh vực được ưu tiên có khả năng chống đỡ, còn đối với DN khác thì cơ hội rất mong manh.

Ông Nguyễn Mạnh, Giám đốc Ban Kinh doanh và Nguồn vốn của BIDV, cho rằng NH thương mại buộc phải giảm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng theo định hướng chung. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn phải tăng trưởng nên cần phải có những giải pháp để tháo gỡ vốn cho các lĩnh vực sản xuất chính, quan trọng. Đối với BIDV, theo ông Mạnh, trong 2011, tăng trưởng tín dụng của NH khoảng 19% (doanh số cho vay phát sinh trong kỳ khoảng 540.000 tỉ đồng) sẽ tập trung ưu tiên vốn phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh, nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DN vừa và nhỏ, các dự án trọng điểm… Tổng vốn dành cho các DN này trong năm nay là 85%-87%/tổng dư nợ. Đặc biệt, kiểm soát và giảm tối đa tăng trưởng tín dụng cho khu vực phi sản xuất, khống chế cho vay bất động sản dưới 9%/tổng dư nợ và chứng khoán 0,5%/tổng dư nợ.

Cụ thể, theo ông Mạnh, BIDV dành doanh số cho vay từ 50.000 đến 55.000 tỉ đồng đối với các DN thu mua xuất khẩu (gấp 2 lần so với 2010). Doanh số cho vay 165.000 đến 170.000 tỉ đồng với DN vừa và nhỏ (gấp 1,5 lần so với 2010), nâng tổng tỷ trọng cho vay đối với các DN này lên 20% tổng dư nợ. Đặc biệt, khung LS dành cho các đối tượng thuộc lĩnh vực này sẽ thấp hơn từ 1-1,5%/năm so với mức thông thường.

Tuy nhiên, theo tổng giám đốc một NH khác, dù có ưu tiên hay không ưu tiên thì thực tế lãi vay hiện tại đang quá cao khiến không chỉ DN mà NH thương mại rất đau đầu về chất lượng tín dụng của các khoản vay. Khách hàng của ông  thời gian qua không muốn vay thêm, vì lợi nhuận không bù nổi lãi vay. Ông cho rằng, mục tiêu trước mắt kiểm soát lạm phát, nhưng NH Nhà nước cũng phải có những kế hoạch, lộ trình để giảm dần LS thị trường. Trước mắt, NH Nhà nước cần tăng cung ứng vốn ngắn hạn cho các NH thương mại, cho vay tái cấp vốn đối với một số NH thương mại chủ lực nhằm hỗ trợ cho vay đối với các dự án trọng điểm, cho vay xuất khẩu, phục vụ nông nghiệp nông thôn. Theo vị này, hiện tại nguồn vốn ngoại tệ ngắn hạn tại các NH đang gửi tại NH nước ngoài khá lớn với LS thấp khoảng 0,4%/năm, trong khi vốn VND hạn chế dẫn tới khả năng cung vốn cho nền kinh tế khó khăn, hạn chế khả năng giảm LS cho vay. NH Nhà nước có thể tính tới thực hiện hoán đổi nguồn vốn (swap) USD/VND các kỳ hạn 3-6 tháng với chi phí swap không quá 12%/năm.

 

                                                                            Theo ThanhNien

 

Các tin khác

Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Khách hàng lựa chọn mua sữa tại siêu thị Vì Hòa Bình

Ông Cao Sỹ Kiêm - Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa: Nên cắt giảm chi phí thay vì tăng giá

Theo ông Cao Sỹ Kiêm, doanh nghiệp năm 2011 sẽ gặp khó nhiều hơn năm 2008 bởi những yếu tố tác động vào sản xuất kinh doanh đều lớn hơn.

Đối phó với lạm phát: Nhà nước và doanh nghiệp cùng điều chỉnh

Nhiều ngành đã triển khai Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Và vấn đề được dư luận xã hội quan tâm nhiều nhất là chính sách tiền tệ.

Doanh nghiệp xoay xở trong 'bão' giá

Tỷ giá, lãi suất, và giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh đã tác động lớn đến doanh nghiệp. Các doanh nghiệp sẽ xoay xở ra sao để vượt bão?

Đề xuất phương án sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân

Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết đang trình Chính phủ sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất hai phương án.

Quyết liệt triển khai các giải pháp bình ổn thị trường

(HBĐT) - Thành phản ứng dây chuyền kể từ sau tăng giá xăng, dầu và điện vào thời điểm cuối tháng 2, đầu tháng 3, hiện, hầu hết các mặt hàng có mặt trên thị trường đã bắt đầu tăng giá. Nguy cơ hình thành một mặt bằng giá mới là rất lớn, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống người dân.

Tránh lãng phí vốn trái phiếu Chính phủ

Về thực chất, trái phiếu Chính phủ (TPCP) là khoản đầu tư thường không tính đến lợi nhuận của Nhà nước nhằm vào các lĩnh vực “đói” vốn như giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục,… và như dạng vốn mồi để thúc đẩy sự phát triển tại những địa bàn khó khăn. Tuy nhiên, từ trước đến nay, các cơ quan có trách nhiệm thường chủ yếu tập trung vào việc làm sao phân bổ, giải ngân hết chỉ tiêu của từng năm. Chính vì vậy, hiệu quả của đầu tư TPCP đến đâu vẫn chưa được đánh giá kỹ lưỡng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục