Công ty TNHH BanDai thực hiện nhiều biện pháp tiết kiệm điện, nâng cao hiệu quả sản xuất. Trong ảnh: Công nhân tập trung sản xuất tại khu vực nhà xưởng để tránh tiêu thụ nhiều điện.
(HBĐT)- Trong khi nguồn cung cấp điện còn thiếu, việc tiết kiệm chưa được các cơ quan, doanh nghiệp và người dân quan tâm thực hiện đúng mức. Sở Công thương đã trình UBND tỉnh ban hành chỉ thị về thực hiện tiết kiệm điện. Tuy vậy, điều quan trọng là mọi người dân cùng thực hiện tiết kiệm điện bằng những việc làm cụ thể.
Nỗ lực đảm bảo cung cấp điện vào giờ cao điểm
Công ty Điện lực Hòa Bình vừa có công điện gửi các điện lực trực thuộc yêu cầu rà soát, hiệu chỉnh kịp thời phương thức vận hành để đảm bảo điện cho phụ tải sinh hoạt trong khoảng thời gian từ 18- 22h hàng ngày. Đồng thời, thực hiện tốt phân bổ công suất, sản lượng của công ty. Các điện lực nên lập phương án cắt điện các phụ tải sản xuất từ từ 18-22h, các phụ tải sinh hoạt từ 10-13h30. GĐ các điện lực chủ động phương thức cắt điện cho phù hợp thực tế địa phương. Như vậy, theo tinh thần công điện này, vào giờ cao điểm buổi tối sẽ không cắt điện trừ khi có sự cố. Tuy nhiên, nếu không tăng cường thực hiện tiết kiệm điện và phân bổ công suất, sản lượng hợp lý, việc cấp điện này sẽ vẫn gặp khó khăn.
Ông Bùi Chí Chiến, Phó GĐ Điện lực Kim Bôi cho biết: Toàn huyện có trên 18.000 khách hàng sử dụng điện. Trong các tháng mùa khô, sản lượng điện được phân bổ thấp hơn nhu cầu sử dụng. Đơn cử như tháng 3 đăng ký 1.951.732 kWh, chỉ được phân bổ 1.764.860 kWh, mỗi ngày được 56.931 kWh, trong đó, giờ bình thường 33.020 kWh, giờ cao điểm 13.663 kWh, giờ thấp điểm 10.248 kWh. Các tháng 4, 5, 6 cũng chung tình trạng thiếu hụt điện so với nhu cầu. Trên cơ sở đó, Điện lực Kim Bôi đã lập kế hoạch thực hiện cắt giảm sản lượng điện chi tiết theo lộ từng ngày, từng tháng nhưng vẫn đảm bảo cung cấp điện sinh hoạt vào giờ cao điểm buổi tối. Ví như từ ngày 10- 20/3, đối với các công ty cắt điện từ 17- 22h, khu dân cư cắt từ 9h30- 13h30. Để thực hiện được điều này, ngoài phải có kế hoạch cắt điện luân phiên hợp lý, việc tăng cường thực hiện tiết kiệm điện của người dân rất quan trọng. Phó GĐ Sở Công thương Đinh Tiến Dũng cho biết: Nếu mỗi gia đình, đơn vị tiết kiệm được trên 10% sản lượng điện thì việc cung cấp điện sẽ ổn định hơn.
Tiết kiệm điện bằng những việc làm cụ thể
Để đảm bảo cung cấp điện ổn định cho sản xuất, kinh doanh và nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của nhân dân, tăng cường sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, Sở Công thương đã trình UBND tỉnh ban hành chỉ thị về thực hiện tiết kiệm điện. Theo đó, các cơ quan, ban, ngành của tỉnh, doanh nghiệp Nhà nước xây dựng kế hoạch tiết kiệm điện của đơn vị. Tắt các thiết thị dùng điện không cần thiết khi ra khỏi phòng và hết giờ làm việc. Tận dụng tối đa ánh sáng và thông gió tự nhiên, tắt bớt đèn chiếu sáng khi số người làm việc trong phòng giảm. Chỉ sử dụng điều hòa khi thật cần thiết, cài đặt chế độ làm mát từ 25oC trở lên. Khi cải tạo hoặc trang bị mới phải sử dụng thiết bị có dán nhãn tiết kiệm năng lượng. Đưa nội dung sử dụng điện tiết kiệm vào chỉ tiêu thi đua khen thưởng. Các gia đình hạn chế sử dụng các thiết bị tiêu thụ điện lớn như điều hòa, bình nước nóng, bàn là vào giờ cao điểm từ 17 -21 giờ. Khuyến khích sử dụng bóng đèn compact hoặc đèn huỳnh quang T8, T5. Các nhà hàng, cơ sở dịch vụ giảm 50% công suất chiếu sáng quảng cáo, trang trí ngoài trời vào giờ cao điểm tối. Các doanh nghiệp sản xuất bảo đảm sử dụng đúng công suất và biểu đồ phụ tải đã đăng ký. Bố trí kế hoạch sản xuất hợp lý, hạn chế tối đa huy động các thiết bị tiêu thụ công suất điện lớn vào giờ cao điểm, không để các thiết bị điện hoạt động không tải…
Công ty TNHH BanDai (phường Hữu Nghị, TPHB) mặc dù nằm trong diện khách hàng được ưu tiên cấp điện nhưng đã triển khai nhiều biện pháp tiết kiệm điện. Bà Bùi Thị Liên, quản lý công ty cho biết: Tiết kiệm điện không những chia sẻ khó khăn với ngành điện mà còn góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất. Công ty tận dụng tối đa ánh sáng mặt trời trong quá trình sản xuất; tập trung công nhân sản xuất tại một khu vực nhà xưởng; không dùng điều hòa nóng; không sản xuất vào giờ cao điểm tối; trang bị máy móc hiện đại tiêu thụ ít nhiên liệu; tắt điện khi nghỉ giữa ca và tắt bớt bóng đèn trong khuôn viên vào buổi tối. Rút kinh nghiệm tình trạng thiếu điện năm 2010, nhiều người dân đã chủ động thay thế, sử dụng bóng tiết kiệm điện, sử dụng ắc quy, thiết bị kích điện ngay từ đầu tháng 3. Chị Nguyễn Thị Cúc ở tổ 23, phường Tân Thịnh (TPHB) cho biết: Chị đã mua bóng đèn compact thay cho hệ thống đèn tròn sợi đốt, hạn chế đóng, mở tủ lạnh, khi đi ra khỏi nhà tắt hết các thiết bị điện. Nếu người dân, cơ quan, doanh nghiệp nào cũng có ý thức tiết kiệm điện, tình hình cấp điện sẽ được cải thiện tốt hơn.
Cẩm Lệ
(HBĐT)- Thực hiện Nghị định 11NĐ-CP của Chính phủ và chỉ thị của Thống đốc ngân hàng cũng như sự chỉ đạo của UBND tỉnh cùng các văn bản của Ngân hàng Nhà nước tỉnh, trong những ngày qua, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp. Việc đồng loạt các giải pháp được hệ thống ngân hàng thương mại thực hiện như lãi suất huy động vốn, thắt chặt dần tiền tệ... Mặc dù vậy, riêng với tỉnh ta, do nguồn vốn cho vay đều thuộc lĩnh vực sản xuất nên chủ trương thắt chặt nguồn vốn không bị tác động mạnh.
(HBĐT) - Thực hiện Đề án ổn định dân cư, phát triển KT -XH vùng chuyển dân sông Đà giai đoạn 2009-2015, trong 2 năm 2009- 2010 đã giải ngân trên 67.700 triệu đồng, giá trị xây dựng cơ bản thực hiện đạt trên 85.500 triệu đồng.
Quán triệt Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đã tích cực triển khai thực hiện và đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn tồn tại những khó khăn cần khắc phục... Bởi vậy, theo một số chuyên gia kinh tế nên chăng cần có thêm những giải pháp bổ sung.
Do còn phụ thuộc vào nhập khẩu và giá phân bón thế giới liên tục biến động theo chiều hướng tăng; ở trong nước, thị trường bị đẩy lên đến đỉnh điểm khi nguồn cung thiếu hụt cục bộ, khiến giá phân bón có những thời điểm trở nên khó kiểm soát.
Tổng nguồn thu từ dịch vụ logistics (bao gồm kho vận, giao nhận, vận chuyển và phân phối) vào khoảng 15-20% GDP của VN là một con số khổng lồ (khoảng 12 tỉ USD/năm). Nhưng 70% doanh thu hiện đang rơi vào túi các DN nước ngoài.
Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt trần lãi suất (LS) 14%/năm, áp mức LS tiền gửi rút trước kỳ hạn ở mức thấp nhất của tiền gửi không kỳ hạn khiến LS huy động không kỳ hạn nhiều ngân hàng (NH) tăng vọt, và người gửi tiền có xu hướng dồn vào kỳ hạn ngắn.