Với lý do khu vực còn nhiều khó khăn, vốn ít lại phải đầu tư lớn, số lượng dự án đầu tư công phải cắt giảm của 5 tỉnh Tây Nguyên chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Thậm chí một số tỉnh còn đề nghị tăng thêm vốn xây dựng trụ sở mới, cho dự án chưa thực sự cấp bách.
Chỉ những công trình cấp bách, sắp hoàn thành mới được ưu tiên bố trí vốn trong năm 2011 (Trong ảnh: Thi công đường Trường Sơn Đông đoạn qua địa bàn huyện Krông Bông ,Đắk Lắk) - Ảnh: T.N.Q |
Xin vốn xây trụ sở, tượng đài...
Trong năm 2011, 5 tỉnh Tây Nguyên được đầu tư khoảng hơn 10 nghìn tỉ đồng vốn đầu tư phát triển (cả vốn T.Ư và địa phương). Theo báo cáo của các địa phương này, hầu hết vốn đầu tư công chủ yếu tập trung vào các công trình an sinh xã hội: y tế, giáo dục, giao thông... Vì vậy, số lượng các dự án (DA) cắt giảm, điều chuyển vốn, dừng khởi công mới vô cùng khiêm tốn. Một số địa phương, dù chưa rà soát hết DA cũ, thiếu hiệu quả đã muốn xin thêm vốn ngân sách nhà nước (NSNN), trái phiếu chính phủ (TPCP) để tiếp thêm vốn, khởi công DA mới.
Báo cáo của Sở KH-ĐT Gia Lai cho thấy trong năm 2011, tổng vốn đầu tư phát triển từ ngân sách T.Ư là 1.381 tỉ đồng và địa phương 1.534 tỉ đồng. Qua rà soát các công trình, DA cần ngừng, đình hoãn, giãn tiến độ, tỉnh đề xuất cắt giảm vốn chỉ là 1 công trình thuộc NSNN chưa có quyết định đầu tư (10 tỉ đồng) và điều chuyển vốn 1 công trình 5 tỉ đồng. Riêng với nguồn vốn TPCP và chương trình mục tiêu quốc gia 2011 Gia Lai vẫn chưa rà soát được với lý do đang trình HĐND tỉnh xem xét, phân bổ vốn.
Viện lý do còn nhiều khó khăn, cần đầu tư lớn, Gia Lai đề nghị được bổ sung thêm vốn từ ngân sách cho nhiều DA, công trình trong năm 2011. Chẳng hạn một DA xây tượng đài có tổng mức đầu tư 112 tỉ đồng, hiện chưa giải phóng xong mặt bằng; DA nâng cấp sân bay Pleiku, xin thêm 17,5 tỉ đồng để giải phóng mặt bằng (trước đó T.Ư đã cấp hơn 52 tỉ đồng)... Trong khi đó, với các DA đang được triển khai, tốc độ giải ngân ước thực hiện trong tháng 3 của Gia Lai khá chậm: vốn NSNN giải ngân 132 tỉ/1.208 tỉ đồng (11%), vốn trái phiếu 12,3 tỉ/261 tỉ đồng (đạt gần 5%).
Tại Kon Tum, với tổng vốn T.Ư giao hơn 1.000 tỉ đồng, địa phương 1.134 tỉ đồng, trong năm 2011 tỉnh có tất cả 170 DA được phân bổ vốn. Qua rà soát, đối với nguồn NSNN, ngoài lý do đặc thù tỉnh khó khăn, do tất cả DA đã ký hợp đồng, làm xong thủ tục đấu thầu vì vậy UBND tỉnh đề nghị không cắt giảm vốn hay tạm dừng bất cứ công trình đầu tư nào. Tương tự, đối với nguồn vốn TPCP, dù tốc độ giải ngân đến hết tháng 2 mới chỉ đạt có 0,5%, tỉnh vẫn kiến nghị không điều chỉnh kế hoạch vốn đã bố trí.
Tỉnh Kon Tum đề xuất năm nay sẽ không khởi công những DA không cấp thiết. Tuy nhiên nhu cầu đầu tư xây dựng mới cơ quan làm việc rất cấp thiết, đề nghị T.Ư hỗ trợ thêm vốn cho công trình, trụ sở làm việc...
Rà soát chậm
Theo đánh giá của các đoàn kiểm tra về đầu tư công của Chính phủ, khu vực này tiến độ rà soát, báo cáo DA cần cắt giảm, giãn, hoãn, dừng khởi công mới khá chậm. Nhiều tỉnh xin "khất" đoàn kiểm tra báo cáo sau. Điển hình, tại Lâm Đồng khi đoàn kiểm tra tới làm việc, tỉnh vẫn chưa có báo cáo DA nào dừng khởi công mới, phải điều chỉnh, DA nào giãn, hoãn do đầu tư kéo dài, thiếu hiệu quả. Mặc dù năm 2011 Lâm Đồng được bố trí 1.475 tỉ đồng vốn NSNN và TPCP cho hàng trăm DA trong đó có 38 DA khởi công mới, số DA có khả năng hoàn thành chỉ 61.
Tại Đắk Lắk, qua rà soát tỉnh mới loại bỏ 1 DA sử dụng vốn TPCP do chưa triển khai được giải phóng mặt bằng là công trình thủy lợi hồ chứa nước Chư Drang. Về số DA phải điều chuyển vốn NSNN, TPCP năm 2011 tỉnh lấy lý do mới được giao kế hoạch nên chưa có phát sinh điều chuyển. Trọng tâm của việc rà soát để lên danh sách các DA dừng khởi công mới, hoãn giãn tiến độ do đầu tư thiếu hiệu quả thì tỉnh "nợ" đoàn kiểm tra do chưa rà soát kịp. Theo báo cáo của UBND tỉnh, năm 2011 Đắk Lắk bố trí 1.700 tỉ đồng vốn NSNN, vốn TPCP gần 457 tỉ đồng, vốn vay tín dụng ưu đãi 50 tỉ đồng. Năm 2011 tỉnh có 22 công trình khởi công mới, dự kiến hoàn thành 95 DA.
Theo Báo Thanhnien
Mấy ngày qua, những cơn mưa bất chợt, trải dài khắp cả nước tuy có làm dịu tiết trời nhưng vẫn không thể cải thiện được mực nước tại các hồ thủy điện. Nguy cơ thiếu trầm trọng nguồn cung điện tiếp tục gia tăng trong những tháng mùa khô. Cả nước đang nỗ lực triển khai đồng loạt các giải pháp ứng phó với tình trạng thiếu điện nhằm hạn chế tối đa thiệt hại.
Liên Bộ Tài chính - Công Thương vừa chấp thuận đề nghị điều chỉnh tăng giá xăng, dầu của các doanh nghiệp kinh doanh đầu mối. Theo đó, giá xăng tăng thêm 2.000 đồng/lít, các loại dầu tăng từ 2.000 đồng - 2.800 đồng/lít, kể từ 22h ngày 29/3.
Chiều 29-3, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) Nguyễn Tiến Nghi cho biết, trong vòng hai tháng qua, thép Trung Quốc loại phi 6 và phi 8 được nhập khẩu ồ ạt vào thị trường phía nam, chủ yếu là thép có chứa nguyên tố hợp kim vi lượng Bo, hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0%.
(HBĐT) - Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng xã hội quí I /2011 toàn tỉnh ước đạt 1.559, 82 tỷ đồng, so với cùng kỳ quí I /2010 tăng 10,90%.
(HBĐT)- Theo Sở Công thương, trong quý I/2011, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh ước đạt 1.383,7 tỷ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2010, đạt 24,06% kế hoạch năm.
(HBĐT)- Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng (gọi tắt là Dự án 661) được triển khai tại huyện Đà Bắc từ năm 1999 ở 9 xã, thị trấn với tổng diện tích tự nhiên trong vùng dự án hơn 35.000 ha, trong đó, diện tích đất lâm nghiệp hơn 31.000 ha. Sau 12 năm thực hiện với tổng cộng hơn 1.500 lượt hộ dân tham gia, dự án hỗ trợ sinh kế cho đồng bào dân tộc huyện vùng cao Đà Bắc, góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong trồng, bảo vệ rừng.