Giá đầu vào tăng, lãi suất cao cộng với điện cắt phải mua dầu chạy máy nổ... đang khiến doanh nghiệp sản xuất khó khăn. Nhiều doanh nghiệp, hiệp hội cho biết đơn hàng của đối tác đang chuyển từ VN sang các nước khác.
Chế biến hạt điều xuất khẩu tại Công ty TNHH sản xuất - thương mại - dịch vụ Hà Mỵ 1 ở ấp Thái Dũng, xã Tân Tiến, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước - Ảnh: N.C.T. |
Ngày 5-4, tại cuộc họp giao ban xuất nhập khẩu ba tháng đầu năm do Bộ Công thương tổ chức, Hiệp hội Điều, Hiệp hội Chế biến thủy sản... đề xuất cần sớm có biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trong đó, một số hiệp hội đề xuất miễn giảm cả thuế VAT.
Vẫn khát vốn...
Theo ông Tăng Văn Hấn - phó tổng thư ký Hiệp hội Dệt may VN, nguyên phụ liệu cho ngành dệt may đã tăng cao nhất từ trước đến nay. Trong khi đó, doanh nghiệp lại đang phải chịu nhiều loại chi phí, phụ phí, trong đó có nhiều loại phí tự đặt ra, rất vô lý. Chẳng hạn khi xuất khẩu hàng hóa, do lượng hàng xuất đi không bằng lượng hàng nhập về nên doanh nghiệp bị thu phí giao hàng. Ngoài ra còn phí dọn container và nhiều loại phí khác. “Chúng tôi không biết kêu ai, tất cả chi phí cứ đè hết vào sản xuất” - ông Hấn kêu.
Đứng nhìn vì thiếu vốn Theo ông Đỗ Hà Nam - phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê ca cao VN, ba tháng đầu năm 2011 ngành cà phê đã xuất khẩu hơn 1 tỉ USD nhưng thực chất lợi nhuận đang nằm ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vì họ có vốn, mua được cà phê từ rất sớm. Doanh nghiệp trong nước biết giá tăng nhưng chỉ đứng nhìn vì không có vốn. |
Trong khi đang phải chống đỡ với tăng chi phí thì nhiều doanh nghiệp phải lo mua dầu chạy máy phát nhằm đối phó với tình trạng cúp điện. Theo ông Hấn, khoản chi phí trên càng khiến doanh nghiệp nặng gánh.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất thời điểm này được tất cả đại diện doanh nghiệp nêu là tình trạng “khát” vốn. Ông Nguyễn Thái Học, chủ tịch Hiệp hội Điều, cho biết nhu cầu vốn của ngành điều khoảng 25.000 tỉ đồng, doanh nghiệp cố “tự lo” được 5.000-6.000 tỉ đồng, phần còn lại phải đi vay. Nhưng trong quý 1-2011 “các doanh nghiệp chỉ mới tiếp cận được khoảng 10% trên tổng nhu cầu trên”.
Còn trong quý 2 sắp tới, vốn là thời điểm quan trọng nhất của năm, nhưng “việc tiếp cận vốn vẫn khó”. Doanh nghiệp xuất khẩu điều đang phải bán giá thấp hơn giá thành gần 400 USD/tấn. “Nhiều doanh nghiệp đang cầm cự được từ vốn tự có. Nhưng chắc chắn không thể kéo dài nếu không nhận được sự giúp sức của ngân hàng” - ông Học lo lắng.
Cắt điện phải báo trước
Một trong những đề xuất được doanh nghiệp nhấn mạnh để vượt khó khăn là ưu tiên điện cho sản xuất. Ông Tăng Văn Hấn đề nghị phải có biện pháp rõ ràng cải thiện điện cho sản xuất, nếu cắt điện phải có lịch chính xác vì hiện nay “nhiều khi cắt điện không báo”. Bên cạnh chủ trương giãn thuế thu nhập doanh nghiệp của Chính phủ, ông Nguyễn Thái Học đề xuất cần miễn giảm cả thuế VAT cho doanh nghiệp. Việc giãn thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, ông Học cũng cho rằng khó phân biệt một cách công bằng, cần giãn cho cả những doanh nghiệp mua nguyên liệu xuất khẩu.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản, cũng cho rằng nên miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời gian nửa năm hoặc một năm “vì khi lãi suất vay ngân hàng 21% mà thuế thu nhập doanh nghiệp vẫn cao thì doanh nghiệp khó có thể chịu được”.
Theo ông Trần Quốc Mạnh, phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ, hiện nhiều đơn hàng của đối tác nước ngoài đã không chọn VN mà chuyển sang Malaysia do chi phí tại VN tăng cao. Ông Mạnh cho rằng đến nay vẫn chưa thấy có giải pháp đột phá nào để gỡ khó về vốn cho doanh nghiệp nên kiến nghị Nhà nước cần hỗ trợ hình thành hệ thống kho hàng tại các nước. “Tại EU, Mỹ, nếu có kho hàng doanh nghiệp sẽ giảm được chi phí cho trung gian, giảm giá thành, bớt khó khăn”... - ông Mạnh nói.
Về việc doanh nghiệp kêu khó tiếp cận vốn, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết ngân hàng đã chỉ đạo quyết liệt vốn cho sản xuất. Tuy nhiên, doanh nghiệp nào không vay được thì cần xem lại tình hình tài chính. Ngân hàng Nhà nước luôn chỉ đạo đảm bảo vốn vay, vấn đề là doanh nghiệp phải đủ điều kiện, không lỗ.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên thừa nhận khó khăn của doanh nghiệp có sự suy giảm sức cạnh tranh, đơn hàng bị chuyển từ VN sang nước khác. Tuy nhiên, ông Biên đề nghị cần điều tra cụ thể mất cạnh tranh ở thị trường nào, từ đó đề xuất hướng giải quyết.
Theo Báo Tuoitre
Là những địa phương có nhiều khu công nghiệp tập trung, với số lượng doanh nghiệp khá lớn, trong thời gian này, các doanh nghiệp ở Đồng Nai và Bà Rịa- Vũng Tàu đang tập trung cao độ thực hiện các giải pháp tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội theo Nghị quyết 11 của Chính phủ.
Thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đình hoãn, giãn tiến độ gần 300 công trình, hạng mục công trình với tổng số tiền 12.572 tỷ đồng, so với kế hoạch đầu tư năm 2011 là 65.875 tỷ đồng.
Ngày 4/4, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký Nghị định số 22/2011/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu chung thực hiện từ 1/5/2011 là 830.000 đồng/tháng, tăng 100.000 đồng/tháng so với mức lương 730.000 hiện đang áp dụng.
(HBĐT) - Tân Lạc có số lượng bò được nuôi rải rác ở 24 xã, thị trấn với khoảng 8.000 con. Số bò được nuôi hiện nay chủ yếu là giống bò vàng địa phương có tầm vóc nhỏ, năng suất thịt - sữa thấp. Do vậy, việc dùng bò đực giống Zêbu thuần hoặc lai từ 3/4 máu ngoại để lai tạo với đàn bò cái địa phương nhằm tận dụng những ưu thế lai ở thế hệ con như tầm vóc lớn hơn, tăng tốc độ sinh trưởng nhanh, nâng cao năng suất thịt- sữa, có khả năng thích nghi với điều kiện thời tiết khí hậu của địa phương là chủ trương đúng đắn của Đảng bộ và chính quyền huyện Tân Lạc.
(HBĐT)- Đà Bắc là một huyện vùng cao đặc biệt khó khăn của tỉnh. Trong nhiều năm qua, huyện, đang nỗ lực tìm hướng đi nhằm xoá đói, giảm nghèo, ổn định đời sống cho bà con. Những định hướng phát triển kinh tế đã được Đảng bộ, các cấp chính quyền Đà Bắc tập trung trong mấy năm qua đó là phát triển hạ tầng, nông, lâm nghiệp và chăn nuôi đang dần tạo đà cho phát triển bền vững.
(HBĐT) - Trong quý I/2011, kim ngạch xuất khẩu tỉnh ta ước đạt 15,7 triệu USD, so với cùng kỳ năm trước tăng 58,6% và đạt 26% kế hoạch năm. Trong đó, xuất khẩu hàng hoá đạt 9,3 triệu USD; xuất khẩu dịch vụ đạt 6,4 triệu USD. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 5,9 triệu USD, tăng 59% so cùng kỳ và thực hiện được 15,32% kế hoạch năm. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là: dệt may, rau quả, điện tử…