Dù nguồn cung eo hẹp nhưng giá thực phẩm vẫn tăng phi mã, nguyên nhân theo các chuyên gia và nhà hữu trách là do hiệu ứng tâm lý và đầu cơ theo kiểu "té nước theo mưa".
Thịt lợn ế ẩm nhưng vẫn đội giá Tại các tỉnh phía Nam, các trại chăn nuôi ở khu vực miền Đông (Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương…) cho biết giá lợn hơi bán tại trại mấy ngày nay tăng nhanh, hiện ở mức 60.000 đồng - 61.000 đồng/kg; thậm chí có nơi giá tăng lên mức 62.000 đồng/kg; tăng 15.000 -17.000 đồng/kg so với thời điểm cuối năm 2010. Đây là mức giá cao nhất từ trước tới nay. Do giá lợn hơi tăng cao nên giá bán lẻ thịt heo ở các chợ TP HCM đã tăng lên 90.000 đồng - 100.000 đồng/kg; thậm chí một số chợ có giá lên đến 110.000 đồng/kg - 115.000 đồng/kg. Nguyên nhân khiến giá lợn hơi tăng nhanh và ở mức cao như hiện nay là do trước đây 1 tháng, thương lái đua nhau gom hàng từ các tỉnh phía Nam vận chuyển ra Bắc, kể cả bán sang Trung Quốc để hưởng chênh lệch giá dẫn đến nguồn cung bị giảm mạnh. Thêm vào đó là tình hình dịch bệnh; giá thức ăn chăn nuôi tăng cao nên nguồn cung hiện nay càng thêm thiếu hụt. Còn tại các tỉnh miền Bắc, tình trạng cũng không mấy khả quan hơn. Tại Hà Tây, số lượng đàn lợn đang bị giảm sút do chi phí đầu vào tăng quá nhanh. Trong khi nỗi lo dịch bệnh gia súc trong năm 2010 vẫn ám ảnh người chăn nuôi. Tại một số khu vực chăn nuôi lân cận như Hưng Yên, Hải Dương tình trạng cũng tương tự. Tuy nhiên, mặc dù nguồn cung eo hẹp nhưng do giá ở mức cao nên sức tiêu thụ thịt lợn lại giảm sút mạnh. Giá thịt cao trong khi mọi thứ đều tăng, bắt buộc người dân phải cắt giảm chi phí từ đồ ăn thức uống hàng ngày. Tại Hà Nội, giá lợn mông sấn bán lẻ tuần này tăng thêm 5.000 đồng/kg so với tuần trước, lên mức 90.000 đồng/kg, giá thịt lợn thăn ở mức 100.000 -120.000 đồng/kg.
Thịt lợn bày bán ê hề nhưng vẫn ế ẩm vì giá cao.
Ào ào tăng giá theo kiểu "đục nước béo cò"
Cùng với thịt lợn, giá các loại thịt gà chưa có dấu hiệu ngừng tăng. Giá gà công nghiệp tăng từ 1.000-4.000 đồng/kg, lên 36.000 đồng/kg (tăng 105%). Giá các mặt hàng thủy hải sản vẫn ở mức cao. Nguồn hàng từ các chợ đầu mối về giảm do thời tiết không ổn định, tàu thuyền không ra khơi đánh bắt nhiều trong khi giá xăng dầu điều chỉnh tăng được cho là nguyên nhân tăng giá trong những ngày qua. Giá rau, củ quả: Tại TP HCM, các loại rau củ quả thường được ưa chuộng cho các bữa họp mặt gia đình như cải bẹ xanh, cải thảo, xà lách...giá đều tăng 20-30%, tương đương 2.500-4.000 đồng/kg.
Những ngày đầu tháng 4/2011, giá rau xanh và thực phẩm đội lên từng ngày tại các chợ lớn nhỏ trên địa bàn Hà Nội khiến người tiêu dùng khó lựa chọn. Thế nhưng, nguồn rau các tiểu thương mua từ người nông dân vẫn ở mức rất thấp, giá bị nâng lên ngất ngưỡng tại chợ với lý do giá xăng tăng, điện tăng… Tuy nhiên, khi thời tiết ấm áp, tạo thuận lợi cho sự sinh trưởng của cây trồng đã khiến giá bán của mặt hàng rau xanh hạ nhiệt, giá bán của các loại rau củ đã giảm đáng kể…
Tuy nhiên, theo ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam, hiện nguồn cung thực phẩm tươi sống, nhất là thịt lợn không thiếu, hiện số đầu lợn và đàn lợn đang phục hồi trở lại, nhưng tăng chủ yếu ở những nơi nuôi tập trung và tại các trang trại chăn nuôi. Theo ông Lịch, trong tháng 4 giá thức ăn chăn nuôi chỉ tăng nhẹ (khoảng 2%), vì thế, lý do tăng giá thịt lợn do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao là không đúng, hiện người chăn nuôi gia súc, gia cầm vẫn có lãi.
Nhận xét về việc tăng giá thực phẩm tươi sống, ông Trương Quang Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Bộ Công thương cho rằng, trong khi nguồn thực phẩm không thiếu, tỉ lệ đàn gia súc, gia cầm đang phục hồi, giá thức ăn chăn nuôi không tăng cao, chi phí đẩy không ảnh hưởng nhiều đến người nuôi, người chăn nuôi vẫn có lãi thì việc giá thực phẩm, nhất là thực phẩm tươi sống tăng cao là không hợp lý. "Như vậy, ở đây có yếu tố tăng giá do tâm lý", ông Nam khẳng định.
Theo công bố mới nhất của Tổng cục Thống kê, ngành chăn nuôi trong quý 1/2011 mặc dù chịu nhiều khó khăn từ đầu vào lẫn đầu ra nhưng vẫn đạt được kết quả tăng trưởng khá ấn tượng tăng 6,1%. Cũng theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, ước tính đàn trâu, bò và đàn lợn 3 tháng đầu năm giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước, đàn gia cầm do không bị ảnh hưởng nhiều của thời tiết và dịch bệnh nên tăng khoảng hơn 7%.
Để đối phó với việc "đục nước béo cò", UBND TP Hà Nội đã chính thức đồng ý tạm ứng 474 tỷ đồng với lãi suất 0% để các doanh nghiệp thương mại thực hiện chính sách bình ổn giá dự trữ 10 mặt hàng thiết yếu.
Ông Nguyễn Văn Đồng, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, rút kinh nghiệm đợt bình ổn cuối năm 2010 là nhiều mặt hàng bình ổn bán giá cao hơn giá thị trường, năm 2011, công tác bình ổn giá sẽ tập trung vào biện pháp kiểm soát giá. Đồng thời, Hà Nội sẽ tăng gấp đôi số lượng điểm bán hàng bình ổn, đưa hàng bình ổn vào tận các chợ dân sinh, trung tâm thương mại, khu vực nông thôn và khu công nghiệp; bổ sung đại diện cơ quan báo chí vào Ban chỉ đạo bình ổn giá cả thị trường của thành phố để tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền
Theo CAND
Xe ô tô tự lái, máy ảnh bán chuyên là 2 trong số nhiều dịch vụ đã “cháy” hàng trước thời điểm nghỉ lễ 30/4.
Hôm qua 29.4, Bộ Tài chính cho biết không chấp thuận phương án xin tiếp tục tăng giá bán xăng của các doanh nghiệp đầu mối vừa gửi lên Liên bộ Tài chính - Công thương.
(HBĐT) - Theo lời giới thiệu của chị Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Hội PN xã Nhuận Trạch (Lương Sơn), chúng tôi đến thăm cơ ngơi và mô hình làm vườn, chăn nuôi của chị Nguyễn Thị Mai, chi hội trưởng Hội PN xóm Đồng Chanh.
Bộ trưởng Công Thương vừa chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) không thực hiện điều hòa, tiết giảm điện trong tháng 5. Ngành điện phải đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định trong kỳ nghỉ lễ và trong thời gian bầu cử Quốc hội sắp tới.
Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 4.2011 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước tính đạt 16 tỷ USD, giảm 1,9% so với tháng trước. Ước tính đến hết tháng 4.2011, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 58,77 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2010.
Hàng lậu hiện đang là vấn nạn gây thất thu thuế, ảnh hưởng tới sự phát triển của đất nước. Hàng lậu khiến các doanh nghiệp làm ăn chân chính bị mất thị phần, kéo theo tình trạng các thương hiệu lớn phát triển không hiệu quả. Trên thị trường hiện nay, nhiều hàng hóa thông dụng hay bị làm giả, làm nhái, làm lậu. Chẳng hạn như laptop, mỹ phẩm, đồ may mặc… Thương hiệu càng tên tuổi càng bị làm giả, nhưng không phải người tiêu dùng nào cũng nhận biết được điều này. Có một thực tế đã tồn tại từ lâu nhưng chưa được xử lý triệt để là hàng xách tay đang tràn ngập trên thị trường.