Như Báo CAND đã phản ánh về việc ông Tổng Giám đốc công ty cho thuê tài chính 2 (ALC 2) Vũ Quốc Hảo và một số cán bộ liên quan mở toang "cánh cửa" kho quỹ của ALC 2 vung tiền cho các doanh nghiệp (DN) kinh doanh vận tải biển tư nhân thuê bao tài chính hay còn gọi là thuê tàu; mà thực chất đây là hình thức cho vay để mua tàu và thế chấp bằng chính con tàu đã mua.
Đến giờ này đã có thể khẳng định một điều: Nếu không có lợi lộc gì, chắc chắn không bao giờ ông Hảo cùng các cộng sự của mình lại xé rào các quy định về quản lý tài chính để "rải" tiền ra cho thuê nhiều như vậy. Đằng sau sự hào phóng qua việc "vung" tiền bạc ra cho vay, việc ông Hảo và những người có liên quan được hưởng lợi tổng cộng bao nhiêu chỉ còn đợi thời gian để cơ quan điều tra làm rõ.
Nợ xấu cho vay mua tàu biển chiếm gần 2/3 tổng dư nợ
Dù Tổng Giám đốc Vũ Quốc Hảo và những tay chân thân tín đã bị bắt tạm giam để phục vụ điều tra. Song hậu quả nặng nề mà ông Hảo và các đối tượng liên quan để lại cho ALC 2 không dễ gì một sớm một chiều có thể nói chuyện khắc phục. Bởi chỉ được cử làm Tổng Giám đốc ALC 2 chưa đầy 3,5 năm, nhưng với khoảng thời gian ngắn này ông Vũ Quốc Hảo đã kịp gián tiếp hoặc trực tiếp gây ra khoản lỗ lên tới 3.005 tỷ đồng, gấp gần 10 lần vốn điều lệ của ALC 2.
|
Một trong những con tàu có nguồn gốc từ ALC 2 tại cảng. |
Đó là chưa kể khoản tiền đầu tư tài sản cho thuê trị giá 1.937 tỷ đồng đang có nguy cơ tổn thất. Kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước còn chỉ ra rằng, cũng trong khoảng thời gian này, ông Hảo đã kịp đẩy dư nợ tài chính của ALC 2 tăng vọt lên tới con số 6.916 tỷ đồng, trong đó nợ xấu đã chiếm 4.181 tỷ đồng. Và chỉ riêng nợ xấu trong lĩnh vực đầu tư mua tàu biển cho thuê đã ngốn hơn 3.917 tỷ đồng, chiếm hơn một nửa tổng dư nợ của ALC 2.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đến thời điểm cuối tháng 12/2009, tức là lúc ông Vũ Quốc Hảo bị buộc phải thôi chức Tổng giám đốc của ALC 2, tổng giá trị tài sản mà ALC 2 đã đầu tư tiền ra mua sắm để cho thuê là 4.595 tỷ đồng. Nhưng chỉ riêng lĩnh vực cho thuê tàu biển đã được đầu tư hết 4.500 tỷ đồng. Số tiền này ALC 2 dùng để mua 76 tàu vận tải biển quốc tế cũ mới các loại.
Đầu tư mua tàu ồ ạt như vậy, nhưng ông Hảo đã đi ngược lại với xu thế hoạt động vận tải biển quốc tế khi chỉ tập trung vào mua tàu chở hàng rời để cho thuê trong lúc nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng tàu container đang dần thay thế tàu chở hàng rời.
Thời điểm ông Hảo nắm quyền ký duyệt cho vay cũng là khoảng thời gian xảy ra khủng hoảng tài chính thế giới, lúc đó giá sắt thép vật tư giảm kỷ lục, giá tàu mới khá rẻ nhưng ngay cả những con tàu "chuột" chỉ có tải trọng chừng 3.264 tấn, đã "nát bấy" và chỉ được một DN vận tải biển trả giá chừng 28 tỷ đồng là tàu Phúc Hải 06 cũng được ông Hảo "vung" tiền ra mua với cái giá hơn 29 tỷ đồng để cho thuê.
Với một DN vận tải biển đã sắp "chìm" là Công ty Đại Dương tại Hải Phòng, ngay thời điểm đó giới vận tải biển tư nhân ở địa phương này đã đồn ầm lên rằng ALC 2 cứu ông chủ T "béo" của công ty này bằng một loạt hợp đồng đóng mới tàu để cho thuê.
Đằng sau các hợp đồng mờ ám này, 2 con tàu chỉ có tải trọng vài ngàn tấn là tàu NĐ 01 và T.T 68 được ALC 2 giao cho Công ty Đại Dương đóng mới thời điểm đó chỉ hết chừng gần 40 tỷ nhưng đã được đẩy giá lên mức trên 70 và 80 tỷ đồng khi hoàn thành. Sở dĩ có việc này là bởi ông Hảo cùng các tay chân thân tín bị bắt cùng đợt vừa qua từ lâu đã "cùng hội cùng thuyền" với T. "béo", tức đã có ăn có chịu với nhau từ trước đó vài năm.
Không đủ điều kiện, bị cấm vẫn cứ cho vay
Chỉ mới kiểm tra với 29 hồ sơ với cam kết cho vay 1.361 tỷ đồng để đầu tư mua tàu, Kiểm toán Nhà nước cũng đã phát hiện nguyên nhân dẫn đến chuyện thua lỗ, rủi ro số tiền rất lớn trong việc đầu tư cho thuê tàu biển còn nằm ở chỗ người có trách nhiệm của ALC 2 đã bỏ qua quy định về đầu tư ứng trước tài sản cho thuê; không coi trọng việc thẩm định dự án, dự toán; đầu tư vào tài sản cho thuê nhưng không có cơ sở xác định giá tài sản hoặc có dấu hiệu bất thường trong việc định giá tài sản…
Cụ thể, ngay cả với những khách hàng là DN vận tải biển thiếu trung thực trong báo cáo tình hình tài chính như Công ty TNHH Phúc Hải, Công ty cổ phần Vận tải Trường Thành, Công ty TNHH MTV Vận tải biển Hoàng Anh và công ty cổ phần Vận tải biển Hoàng Gia, ALC 2 vẫn sẵn sàng cho vay số tiền rất lớn, DN ít nhất cũng được vay 39,2 tỷ; nhiều DN được ALC 2 "bơm" đến 101,1 tỷ đồng thông qua việc mua tàu cho thuê. Đành rằng, ALC 2 bỏ vốn ra mua tàu để cho thuê, tài sản thế chấp của khách hàng là chính con tàu mang tên chủ sở hữu là ALC 2.
Như vậy ngay cả khi đi biển rủi tàu có chìm thì đã có bảo hiểm bồi thường… Cách làm tưởng như nắm đằng chuôi này của ALC 2 theo nhận xét của một cán bộ ngành tài chính ngân hàng là hết sức mạo hiểm. Khi với các công ty TNHH mới thành lập, vốn điều lệ thấp như Công ty TNHH Vận tải biển Á Châu chỉ đăng ký vốn có 7 tỷ đồng vẫn được ALC 2 cho thuê tới 199,5 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Vận tải biển Hoàng Anh chỉ có vốn điều lệ 6,5 tỷ đồng cũng được đầu tư cho con tàu trị giá 82,8 tỷ đồng.
Thậm chí ngay cả khi Công ty Khai thác thủy sản Đại Dương đang lâm vào cảnh khó khăn về tài chính, có dư nợ nhóm 3 tại Ngân hàng Nông nghiệp, ALC 2 vẫn cứ bất chấp, dành cho DN này thuê tài sản trị giá tới 76,6 tỷ đồng...
Đằng sau những vụ việc cho vay, cho thuê tài sản lòng vòng, đầy mờ ám này, cách đây vài năm, dư luận trong giới kinh doanh vận tải biển ở Hải Phòng, Thái Bình và Thanh Hóa đã đồn ầm lên rằng: để được nhận mỗi con tàu từ ALC 2, giá tàu đã được phù phép, đẩy lên từ một vài tỷ đến cả chục tỷ đồng so với giá mua tàu bằng tiền mặt ngoài thị trường. Tất cả chỉ nhằm một mục đích bòn rút tiền nhà nước.
Là những người làm nghề kinh doanh tài chính, việc mua bán tài sản cho thuê đã có nghề, ít nhất ông Vũ Quốc Hảo và tay chân cũng thừa biết cách dọ giá cả máy móc, tài sản trên thị trường trong nước và quốc tế ngoài các quy định phải áp dụng giá tham chiếu, giá chào thầu… chứ không dễ gì bị lừa về giá.
Nên chỉ với một chiếc xe cẩu thủy lực 250 tấn mua của Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Quang Vinh, nhóm này đã "ăn" tới hơn 30 tỷ đồng khi chính DN bán xe cẩu cho ALC 2 chỉ mua xe này trước đó 7 ngày với cái giá có 31,87 tỷ đồng. Việc mua bán những con tàu với cái giá hoặc tù mù, hoặc trên trời của ALC 2 không thể có chuyện minh bạch trong đó.
Chính vì các hợp đồng mua tài sản cho thuê với những cái giá đầy mờ ám và béo bở như vậy, nên ngay cả khi HĐQT ALC 2 đã có nghị quyết yêu cầu ban tổng giám đốc ngưng toàn bộ việc đầu tư tài sản cho thuê kể từ ngày 5/3/2009 thì sau thời điểm này ông Vũ Quốc Hảo và các đệ tử còn phóng tay ký thêm 22 hợp đồng cho thuê tài chính với tổng vốn cam kết sẽ đầu tư lên tới 693 tỷ đồng và hơn một nửa trong số này lại nhanh chóng được giải ngân.
Và điều này giải thích tại sao ông Hảo và các đối tượng liên quan lại sốt sắng đi huy động vốn, kể cả vay với lãi suất cao để cho các DN vận tải biển vay thuê mua tàu dù biết rằng việc làm này đã đẩy ALC 2 vào tình trạng mất cân đối tài chính nghiêm trọng