Trong những năm gần đây, vấn đề quản lý hoạt động của các tập đoàn kinh tế được Chính phủ đặc biệt quan tâm. Đến nay, Chính phủ đã thành lập 12 tập đoàn kinh tế nhà nước hoạt động trong các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế quốc dân. Tuy nhiên, mô hình tổ chức, cơ cấu quản lý và quản trị các tập đoàn đang là vấn đề cần nghiên cứu hoàn thiện.
Ở những nước khác nhau trên thế giới, tập đoàn kinh tế có những cấu trúc khác nhau. Các tập đoàn kinh tế của Thụy Điển hay Đức đã trải qua nhiều thay đổi lớn, trong đó quan hệ sở hữu đan xen và cấu trúc hình kim tự tháp dần biến mất.
Ở Nhật Bản, các tập đoàn kinh tế được tổ chức hoặc theo chiều dọc hoặc theo chiều ngang và phát triển tùy theo các ngành nghề, các doanh nghiệp cung cấp nguyên liệu, vật liệu, linh kiện hoạt động như những vệ tinh xoay quanh một nhà máy sản xuất lớn trên cơ sở chia sẻ công nghệ, thương hiệu và quy trình sản xuất, kinh doanh. Các tập đoàn gồm một ngân hàng, một công ty mẹ hoặc một công ty thương mại và một nhóm các hãng sản xuất.
Ở Hàn Quốc, các tập đoàn kinh tế thường được kiểm soát bởi một gia đình hoặc một nhóm ít gia đình và được tổ chức thống nhất theo chiều dọc. Các tập đoàn kinh tế ở Trung Quốc lại phát triển theo cấu trúc riêng biệt, đó là các tập đoàn kinh tế đa ngành quy mô lớn có mối ràng buộc chặt chẽ với Nhà nước chứ không phải với các gia đình riêng biệt như ở Hàn Quốc. Có thể nói, quá trình hình thành các tập đoàn kinh tế nhà nước của Trung Quốc mang đậm dấu ấn của Chính phủ và theo một trình tự gắn chặt với nhau. Tất cả quá trình này đều nhằm yêu cầu nâng cao sức cạnh tranh quốc tế và thực hiện chính sách công nghiệp.
Theo nhận định của ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương), các tập đoàn kinh tế nhà nước về bản chất là thuộc sở hữu toàn dân. Chính phủ là người đại diện thực hiện quyền sở hữu toàn dân đó. Chính phủ không thể trực tiếp thực hiện quyền của chủ sở hữu, nên Chính phủ cử ra hội đồng quản trị làm đại diện. Ở đây xuất hiện một số vấn đề, trước hết là mối quan hệ giữa chủ sở hữu và đại diện chủ sở hữu. Hiện không có quy định nào thể hiện sự giám sát tập thể của chủ sở hữu nhà nước đối với đại diện chủ sở hữu. Theo ông Tuyển, tình trạng hiện nay là tập đoàn có rất nhiều chủ, nhưng thực tế các ông chủ này chỉ quản lý các tập đoàn về mặt hành chính, trong đó, mỗi bộ được giao làm một mảng. Không có ông chủ sở hữu đích thực.
Bên cạnh đó, cũng không có cơ chế giám sát của toàn dân trong quá trình hoạt động của tập đoàn, vốn thuộc sở hữu toàn dân. Nhân dân chỉ có thể giám sát kết quả hoạt động nếu kết quả ấy được báo cáo công khai theo một quy định chặt chẽ. Trong khi hội đồng quản trị - người đại diện chủ sở hữu nhà nước, chỉ lập báo cáo định kỳ hoặc báo cáo theo yêu cầu của Thủ tướng.
Tiếp theo là thành phần hội đồng quản trị. Hiện thành phần này phần lớn là cán bộ quản lý doanh nghiệp. Họ có lợi ích gắn chặt với lợi ích của doanh nghiệp và thường là những lợi ích ngắn hạn sẽ chi phối quyết định của họ. Việc này sẽ có ảnh hưởng lớn đến khả năng thực hiện những mục tiêu chiến lược dài hạn và trong nhiều trường hợp là xung đột với lợi ích của chủ sở hữu. Trong thành phần hội đồng quản trị của những tập đoàn quan trọng có một số thành viên từ các bộ, ngành. Sự tham gia của các thành viên này cũng dẫn đến hai hệ lụy: xung đột lợi ích giữa chủ sở hữu và lợi ích của chính doanh nghiệp; thiên vị doanh nghiệp, làm méo mó chính sách quản lý.
Từ những phân tích trên cho thấy, vấn đề tổ chức quản lý, các quy định về đầu tư kinh doanh cùng chế độ trách nhiệm của hội đồng quản trị và tổng giám đốc trong các tập đoàn cần phải được xem xét hoàn thiện để nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh. Cần nhấn mạnh rằng, không có bằng chứng lý thuyết nào khẳng định, doanh nghiệp nhà nước là không hiệu quả dù trên thực tế nhiều doanh nghiệp nhà nước rất kém hiệu quả, nhưng cũng có những doanh nghiệp hiệu quả. Vấn đề là nằm ở khâu quản trị doanh nghiệp và cơ chế quản lý quá trình quản trị đó.
Theo Tiến sĩ Trần Xuân Giá, nguyên Trưởng ban Nghiên cứu đổi mới doanh nghiệp nhà nước của Chính phủ, trong số vấn đề cần thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các tập đoàn kinh tế nhà nước, trước tiên, cần xác định lại mục tiêu thành lập tập đoàn và các quy định về đầu tư. Hai mục tiêu mà hoạt động kinh doanh của đối tượng này cần hướng đến là: thực hiện chính sách cơ cấu. Theo đó, các tập đoàn đầu tư kinh doanh trong những lĩnh vực then chốt của nền kinh tế quốc dân (những lĩnh vực là xu hướng phát triển lâu dài trong nền kinh tế toàn cầu), các ngành có tác động lan tỏa mạnh; mục tiêu thứ hai là tối đa hóa lợi nhuận. Hai mục tiêu này có liên quan nhưng không phải lúc nào cũng cùng nhịp. Khi thực hiện mục tiêu thứ nhất có thể chưa thực hiện được ngay yêu cầu tối đa hóa lợi nhuận. Ngược lại, nếu vì tối đa hóa lợi nhuận mà chạy theo những lợi ích ngắn hạn thì sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu thứ nhất.
Trong 10 năm tới, các tập đoàn kinh tế nhà nước cần tập trung vào mục tiêu thứ nhất. Như vậy, những ngành nghề mà khu vực tư nhân đã phát triển mạnh, Nhà nước không cần chiếm cổ phần chi phối. Chuyển nguồn vốn từ các doanh nghiệp này đầu tư cho các doanh nghiệp thực hiện chính sách cơ cấu. Đồng thời, cũng nên đặt các tập đoàn, tổng công ty nhà nước vào môi trường cạnh tranh quốc tế, kiểm soát chặt chẽ độc quyền tự nhiên. Trên cơ sở đó cần quy định chặt chẽ việc đầu tư chéo giữa các thành viên tập đoàn. Quy định các tỷ lệ đầu tư chéo khác nhau vào các công ty thành viên có vị trí khác nhau trong việc thực hiện chính sách cơ cấu. Trường hợp cần thiết, công ty mẹ có thể điều chuyển một phần vốn từ các công ty con để thực hiện nhiệm vụ đổi mới công nghệ, phát triển sản phẩm chính. Cùng với đó, hạn chế đầu tư ra ngoài tập đoàn, giảm tỷ lệ đầu tư ra ngoài. Chỉ cho phép đầu tư ra ngoài nếu đạt mức tăng hàm lượng nội địa và giá trị gia tăng của sản phẩm, tỷ lệ xuất khẩu. Không đầu tư kinh doanh các dịch vụ tài chính và bất động sản.
Đặc biệt, cần đặt các tập đoàn kinh tế nhà nước vào môi trường cạnh tranh quốc tế cũng như kiểm soát chặt độc quyền tự nhiên; Đồng thời, thực hiện công khai, minh bạch kết quả hoạt động của tập đoàn, trên cơ sở các quy định về kiểm toán bắt buộc và báo cáo kết quả này trước Quốc hội. Đây là cơ sở để Quốc hội – người đại diện của nhân dân giám sát hoạt động của tập đoàn và tăng thêm trách nhiệm chủ sở hữu của các cơ quan Chính phủ.
Cuối cùng, cần tăng cường cơ chế và tổ chức quản lý các tập đoàn, chẳng hạn như: Tăng số lượng thành viên độc lập trong hội đồng quản trị; thiết lập cơ chế đánh giá tập thể của Chính phủ về hoạt động của hội đồng quản trị của các tập đoàn; quy định lại tỷ lệ nợ trên vốn sở hữu; xây dựng hệ tiêu chí đánh giá hiệu quả cho từng tập đoàn kinh tế theo mục tiêu dài hạn, nhằm phục vụ cho chính sách cơ cấu của Chính phủ.
Theo Báo ĐCSVN
(HBĐT) - Ngày 30/9, Kho bạc Nhà nước (KBNN) tỉnh tổ chức gặp mặt kỷ niệm 20 năm ngày thành lập (1/10/1991- 1/10/2011). Đến dự có đồng chí Trần Đăng Ninh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện các sở, ban, ngành, đoàn thể, cán bộ hưu trí và cán bộ ngành Kho bạc.
(HBĐT) - Đến nay, tỉnh đã có 8 KCN được phê duyệt quy hoạch, trong đó, 7/8 KCN được công bố quy hoạch.
(HBĐT) - Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Nghị quyết Trung ương 7 (khoá X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn (gọi tắt là tam nông), bức tranh nông thôn tỉnh ta đã có nhiều mảng sáng. Điều này thể hiện rõ nhất ở việc kết cấu hạ tầng nông thôn được hoàn thiện, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp - nông thôn rõ nét.
(HBĐT) - Ngày 30/9, Sở KH&ĐT phối hợp với các sở ngành liên quan, các tổ chức hội doanh nghiệp của tỉnh xây dựng kế hoạch tổ chức buổi lễ tôn vinh các doanh nghiệp, doanh nhân tỉnh Hòa Bình tiêu biểu lần thứ nhất năm 2011.
(HBĐT) - Điểm lại những khung thời gian mươi năm trước mới thấy công nghiệp của tỉnh đang có sức vươn mạnh mẽ.
(HBĐT) - Với nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế, cơ cấu lao động tỉnh ta cũng dần chuyển biến theo hướng tích cực. Lao động trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng chiếm 11,5%; dịch vụ - thương mại 15,5%; nông - lâm - ngư nghiệp giảm còn 73%. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị là 4,5%; tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở khu vực nông thôn đạt 85% (Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đến năm 2015 đạt 87%).