Dù lãi suất cao nhưng nhiều NH nhỏ vẫn phải vay để duy trì khả năng thanh toán.
Lãi suất liên ngân hàng (NH) tăng cao đang khiến nhiều NH nhỏ rơi vào cảnh khốn khó, cũng như tạo ra những rủi ro lớn cho thị trường.
Lãi suất liên NH (nơi các ngân hàng vay vốn của nhau) vẫn đang tăng, lên trên 20% cho kỳ hạn tuần, cao gấp 3 lần so với lãi suất huy động trong dân cư. Không chỉ là căng thẳng nguồn vốn, lãi suất liên NH tăng mạnh còn đang báo động rủi ro thanh khoản tại nhiều NH nhỏ.
Thiếu hụt thanh toán
Nếu nhìn bề nổi, việc lãi suất liên NH tăng mạnh những ngày gần đây là do các NH lớn, thừa vốn cố tình đẩy lên cao để trục lợi. Bởi khi NHNN "thiết quân luật" trần lãi suất huy động 14% và 6%, hiện tượng rút vốn từ NH nhỏ chuyển sang các thương hiệu NH lớn đã xảy ra, một phần không nhỏ vốn cũng được chuyển sang đầu tư vàng. "Cửa" duy nhất mà các NH nhỏ, yếu vốn có thể tìm đến là vay vốn của các NH lớn trên thị trường liên NH. Nắm rõ thế bí của các NH nhỏ, các NH thừa vốn lập tức tăng lãi suất.
Nhưng lý do bị rút vốn vì trần lãi suất có lẽ chưa đủ để ép các NH nhỏ phải chấp nhận mức lãi suất lên tới 20 - 23% như nói trên. Lý do quan trọng và cấp bách hơn là do các NH nhỏ đang rơi vào tình thế báo động về thiếu hụt thanh toán, đối diện với nguy cơ mất thanh khoản. Không quá khó để suy luận điều này bắt nguồn từ việc bãi bỏ quy định các tổ chức tín dụng chỉ được cho vay 80%/85% từ vốn huy động theo Thông tư 22 của NHNN có hiệu lực cách đây chưa đầy 2 tháng. Nghĩa là NH huy động được 10 đồng, được phép cho vay cả 10 đồng thay vì chỉ được cho vay 8 hay 8,5 đồng như quy định trước đó. Cho vay nhiều thì lợi nhuận nhiều, đương nhiên các NH tìm mọi cách cho vay bằng hết vốn huy động. Việc không giữ lại một tỷ lệ dự trữ lại phải đối mặt với việc rút vốn do trần lãi suất huy động bị siết chặt như nói trên đẩy các NH nhỏ tới bước đường cùng. Phải chấp nhận vay vốn trên thị trường liên NH với bất cứ giá nào để đảm bảo thanh toán. Lãi suất liên NH vì thế liên tục bị đẩy lên cao.
Cứu thanh khoản
Vào thời điểm bình thường, việc huy động bao nhiêu, cho vay bấy nhiêu sẽ khiến chi phí vốn của các NH giảm xuống, tạo điều kiện để giảm lãi suất. Nhưng về lâu dài, những quy định nói trên sẽ khiến hệ thống NH dễ bị mất thanh khoản, dễ bị tổn thương. Đặc biệt, sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008, vấn đề thanh khoản và an toàn vốn của hệ thống NH được các nước trên thế giới chú trọng. Vì vậy, việc "tháo" vốn của Thông tư 22 theo ông Lê Đạt Chí, Tổ trưởng Bộ môn Tài chính, trường Đại học Kinh tế TP.HCM, cho thấy chúng ta mới tập trung vào việc gia tăng tiêu chuẩn an toàn vốn chứ chưa chú trọng vào việc nâng cao khả năng đảm bảo thanh khoản của các NH.
Thực tế cho thấy vấn đề thanh khoản đang trở nên đáng lo ngại và là nguyên nhân dẫn đến những hệ lụy trên thị trường NH những năm gần đây. Do thiếu thanh khoản, các NH nhỏ đẩy mạnh hoạt động huy động vốn, chạy đua lãi suất huy động từ dân cư và cả trên thị trường liên NH. Cuộc chạy đua lãi suất những tháng đầu năm nay giữa các NH lớn và NH nhỏ đã đẩy lãi suất huy động lên mới 18 - 20%, lãi suất cho vay cũng đội lên tới 25%. Cuộc chạy đua này đã khiến hàng loạt DN rơi vào tình thế phá sản khi không thể hoặc không dám tiếp cận vốn NH. Không chỉ thế, các NH lớn tiếp tục găm giữ vốn tạo nên cơn khát vốn của các NH nhỏ và đưa đến lãi suất trên thị trường liên NH tăng cao. Bài toán lãi suất chưa thể giải quyết, bế tắc của ngành NH vẫn còn nguyên.
Bí vốn, các NH nhỏ vẫn phải chấp nhận vay NH thừa vốn với lãi suất cao, nhưng với "thể trạng" như nói trên, liệu các NH nhỏ sẽ cầm cự được bao lâu khi tình trạng người dân rút vốn dự báo sẽ tiếp tục diễn ra. Một trần lãi suất cho thị trường liên NH để các NH thừa vốn không còn cửa trục lợi các NH khó khăn là điều cơ quan quản lý cần phải xem xét để gấp cứu thanh khoản cho các NH nhỏ. Về lâu dài, theo ông Chí, NHNN cần hướng tới việc thiết lập các tiêu chuẩn pháp định về tính thanh khoản, xây dựng lộ trình thực hiện một cách phù hợp để giúp các NH có thể ổn định và vững chãi kể cả trong các thời điểm xấu kéo dài.
Theo ThanhNien
Sau những phiên giao dịch trồi sụt thất thường với biên độ khá rộng, giá vàng đã khép lại tuần qua với mức tăng 2,5% - mức tăng mạnh nhất kể từ đầu tháng 9 đến nay, đồng thời cũng là tuần tăng thứ hai liên tiếp của kim loại quý.
Sau TP.HCM, Lâm Đồng, mới đây tại Bình Dương lại “lòi” ra thêm hàng loạt doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài từ lỗ thành lãi sau khi cơ quan thuế đẩy mạnh hoạt động chống chuyển giá.
Tiếp sau thương vụ ngân hàng Mizuho (MHCB) mua 15% cổ phần của Vietcombank, nhiều người đang kỳ vọng vào khả năng các tổ chức đầu tư quốc tế sẽ quay trở lại, qua đó củng cố “sức khỏe” và nâng cao năng lực của các ngân hàng này.
Ngày 14/10, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 90/2011/NĐ-CP về việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc và phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế của doanh nghiệp.
Nhân Ngày Lương thực Thế giới (16/10), Tổ chức Nông Lương Thế giới (FAO) cho biết nguyên nhân chính của tình trạng biến động giá lương thực là do thế giới giảm đầu tư cho nông nghiệp.
Càng về gần cuối năm, áp lực ngoại tệ càng đè nặng lên vai các doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu. Trong khi đó, tỷ giá liên ngân hàng (NH) đang có xu hướng được điều chỉnh tăng lên, áp lực giữ tỷ giá không quá 1% trở nên khó hơn trong bối cảnh thị trường nhiều biến động.