Những cây chè shan tuyết cổ thụ tại xã Pà Cò (Mai Châu).
(HBĐT) - Liên hoan trà quốc tế lần thứ nhất tại Thái Nguyên là dịp để người làm chè, các doanh nghiệp trồng, chế biến và tiêu thụ được giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về cây chè, từng bước nâng cao hiệu quả SX -KD đối với cây chè và sản phẩm trà Việt Nam. Thông qua lễ hội, các sản phẩm trà của Hòa Bình được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến, từ đó đã thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại, người làm chè Hoà Bình đúc rút được nhiều kinh nghiệm quý báu trong việc xây dựng thương hiệu cho chè Hoà Bình.
Festival Trà Thái Nguyên - Nơi tôn vinh trà Việt
Thái Nguyên trước đây tự hào là trung tâm của thủ đô kháng chiến, giờ đây, mỗi khi nhắc đến Thái Nguyên là chúng ta muốn nói đến địa danh gắn liền với cây chè và các sản phẩm trà nổi tiếng. Trong hương sắc trà Việt, Tân Cương (Thái Nguyên) từ lâu đã được người tiêu dùng trong và ngoài nước vinh danh là “Đệ nhất danh trà”. Cùng với đó là các vùng trà nổi tiếng như Trại Cài, Phổ Yên, Phú Bình, Định Hóa đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc gia và quốc tế đã và đang góp phần khẳng định thương hiệu “Đệ nhất danh Trà”. Phát triển cây chè đã trở thành một trong những mục tiêu trọng tâm của chương trình xây dựng nông thôn mới ở Thái Nguyên theo phương châm: “Đẩy nhanh việc đưa các giống chè mới có năng suất cao, chất lượng tốt vào thay thế diện tích chè giống cũ già cỗi, năng suất thấp; tập trung trồng các giống chè phù hợp, có năng suất, giá trị kinh tế cao, phấn đấu đến năm 2015 toàn tỉnh có 50% diện tích chè giống mới, có nhiều làng nghề và doanh nghiệp sản xuất chè có thương hiệu mạnh trên thị trường, xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh sản xuất hàng hóa theo tiêu chuẩn ViệtGap”.
Festival Trà Thái Nguyên là một hoạt động văn hóa, kinh tế nhằm tôn vinh cây chè, người trồng chè và xây dựng thương hiệu các sản phẩm trà của Việt Nam, là nơi hội tụ giao lưu với các quốc gia, vùng lãnh thổ có sử dụng các sản phẩm trà và nhập khẩu trà của Việt Nam. Festival đã thu hút được hơn 30 đoàn trà của các tỉnh có thế mạnh về cây chè, trong đó, Hòa Bình có 2 doanh nghiệp sản xuất và chế biến chè đã tham dự trưng bày gian hàng và giới thiệu sản phẩm chè Hòa Bình đó là Công ty y dược và đầu tư thương mại Sông Đà và Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh giống cây trồng Phương Huyền. Với mong muốn giới thiệu cho du khách trong và ngoài nước biết đến hương vị trà đặc biệt của vùng cửa ngõ thủ đô, tỉnh đã hỗ trợ toàn bộ kinh phí trưng bày gian hàng tại liên hoan trà cho các doanh nghiệp. Với 2 sản phẩm chè là trà xanh shan tuyết và trà giảo cổ lam, các gian hàng trưng bày của tỉnh được ban tổ chức đánh giá cao về hình thức, chất lượng sản phẩm.
Trà Hoà Bình - Xây dựng thương hiệu từ niềm tin của khách hàng
Là một trong những tỉnh có điều kiện thiên nhiên phù hợp với sự phát triển của cây chè, đã từ lâu, người dân Hòa Bình đã biết trồng, chế biến và sử dụng chè. Tuy nhiên, trước đây, việc trồng chỉ mang tính tự phát, nhỏ lẻ và chế biến sản phẩm thô rồi bán cho thị trường Hà Nội. Những năm gần đây, việc quy hoạch vùng nguyên liệu đang được hình thành và phát triển. Trên địa bàn tỉnh có nhiều công ty, cơ sở chế biến chè. Sản phẩm chè Hòa Bình được các thị trường khó tính như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng chấp nhận. Thương hiệu chè Hòa Bình đang dần được khẳng định trên thị trường.
Khi đến với Festival Trà Thái Nguyên, Công ty y dược và đầu tư thương mại Sông Đà (tổ 17, phường Tân Thịnh - TPHB) với tiêu chí Không chỉ là ẩm thực, sản phẩm Trà giảo cổ lam của công ty có hình thức xanh như trà mạn, khi uống thấy vị đắng dịu, rồi sau đó đọng lại là vị ngọt thơm. Bên cạnh tiêu chí ẩm thực, trà giảo cổ lam còn có tác dụng phòng và chữa bệnh mỡ nhiễm máu, tiểu đường, ung thư... ông Đỗ Đức Nhuận, phụ trách chuyên môn của Công ty y dược và đầu tư thương mại Sông Đà cho biết: Theo một số tài liệu nghiên cứu, cây giảo cổ lam phải sống trên địa hình cao hơn 1.000 m so với mặt nước biển và hoàn toàn tự nhiên, là loại cây thân leo, rễ bám nông nên khi thu hái phải rất tỷ mỷ, cẩn thận nếu không cây sẽ lụi và chết dần. Tuy nhiên, qua thực tế tại Hòa Bình, cây vẫn sinh trưởng và phát triển tốt tại độ cao khoảng vài trăm mét so với mặt nước biển. Qua sách báo, sự hỗ trợ của bạn bè đồng nghiệp, hiện nay, ông đã trồng thành công cây giảo cổ lam và cho thu hoạch nhiều vụ /năm. Hiện nay, Công ty đã trồng được trên 2 ha giảo cổ lam, đảm bảo cho sản xuất. Đặc biệt, Công ty là đơn vị duy nhất tự tạo giống, trồng, chế biến và có chi nhánh phân phối sản phẩm trà giảo cổ lam của Việt
Gian hàng trà của tỉnh được đánh giá cao tại liên hoan trà Quốc tế lần thứ nhất tại Thái Nguyên.
Tuy quy mô sản xuất còn nhỏ nhưng Công ty luôn lấy tiêu chí phát triển bền vững, tạo dựng niềm tin đối với khách hàng làm phương châm hoạt động. Quả đúng như vậy, ngay từ những ngày đầu thành lập, Công ty đã đem trồng thử cây trà giảo cổ lam ở nhiều điều kiện khí hậu, kết quả cây giảo cổ lam được trồng dưới ánh nắng mặt thời cho năng suất cao nhất, tuy nhiên, chất lượng lại không bằng cây được trồng dưới các tán lá. Từ đó, trước khi trồng giảo cổ lam, Công ty đầu tư cây trồng có tán tạo bóng râm, chuẩn bị nguồn nước tự nhiên sạch, đất trồng chưa từng bị nhiễm chất hóa học như thuốc trừ sâu, chất bảo vệ thực vật. Nhờ đó, Công ty đã trồng được những cây giảo cổ lam sạch đạt chất lượng như mong muốn. Dù rằng từ trước đến nay, Công ty chưa một lần quảng bá, giới thiệu sản phẩm nhưng sản phẩm trà luôn có sức tiêu thụ mạnh, vì chất lượng đã được khẳng định trên thị trường. Khi được tham gia lễ hội trà quốc tế, Công ty đã hình thành ý tưởng xây dựng một gian hàng giới thiệu sản phẩm. Tại đây, khách hàng có thể ra vườn chăm sóc trà, thu hái, thăm gia chế biến và mua chính những sản phẩm do mình làm ra. Đây sẽ là hoạt động giới thiệu sản phẩm hiệu quả nhất đến với khách hàng. Cũng theo ông Nhuận, kế hoạch xây dựng gian hàng sẽ được tiến hành trong quý I năm 2012.
ở độ cao trên 1.000 m so với mặt nước biển, vùng đất Pà Cò (Mai Châu) quanh năm mây mù sương phủ, cũng chính vì thế đã tạo nên một hương vị rất riêng cho cây chè. Lá chè to, dài, xanh ngăn ngắt, đầy đặn, đen thẫm. Nhiều thân chè to, rêu xanh, nấm mốc trắng bàng bạc phủ kín gốc. Chén trà rót ra, thấy nước chỉ phơn phớt vàng, nhấp một ngụm thấy chan chát nhưng vài phút sau vị ngòn ngọt lại đọng mãi nơi đầu lưỡi, cả trong họng. Đây chính là sự khác biệt với hương vị béo ngậy, ngọt ngon của chè Thái Nguyên.
Cũng đã có lúc cây chè shan tuyết tưởng như mất hẳn trên mảnh đất mù sương, tuy nhiên bằng sự cố gắng của Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh giống cây trồng Phương Huyền (tổ 18, phường Tân Thịnh - TPHB) đã nỗ lực cùng với đồng bào Mông khôi phục lại vùng chè cổ Pà Cò. Đến nay, cùng với 1.500 cây chè cổ, nhiều diện tích trước đây chỉ quen với cây thuốc phiện thì giờ đây đã xanh ngắt lá chè. Hơn 200 hộ của đồng bào Mông có thu nhập ổn định từ việc trồng chè. Vùng nguyên liệu ổn định, Công ty gặp thuận lợi trong chế biến và tiêu thụ. ông Đỗ Minh Hòa, Phó giám đốc Công ty cho biết: Là một trong 2 doanh nghiệp của tỉnh vinh dự được chọn tham gia Festival Trà Quốc tế lần thứ nhất, Công ty đã học tập được nhiều kinh nghiệm trong xây dựng vùng chè sạch của Thái Nguyên. Hiện nay, chè shan tuyết của Công ty được biết đến là một sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng, để thương hiệu chè xanh shan tuyết Pà Cò (Mai Châu) có vị trí nhất định trên thị trường chè Việt Nam, Công ty sẽ tiếp tục hướng đến xây dựng vùng nguyên liệu sạch, đảm bảo chất lượng.
ông Mai Châu Tuấn, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại tỉnh cho biết: Trong thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh việc mở rộng quy mô trồng và sản xuất chè nhằm tạo ra những vùng trồng chè lớn cung cấp đủ cho các cơ sở, doanh nghiệp chế biến. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, giới thiệu sản phẩm thông qua việc tổ chức các hội chợ, đưa các doanh nghiệp chế biến chè tham gia lễ hội, hội chợ quốc tế nhằm quảng bá sâu rộng sản phẩm chè Hòa Bình. Bằng những hoạt động tích cực đó, chắc chắn rằng, sản phẩm trà Hòa Bình sẽ được bạn bè trong nước, quốc tế biết đến và đón nhận.
Hồng Nhung
Giờ thì đã có thêm một "xã tỏi" Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa trồng tỏi theo kiểu Lý Sơn, Quảng Ngãi. Những ngày giáp Tết, cánh đồng tỏi ở đây xanh ngát, bạt ngàn xóa sạch dấu tích của dải biển Ninh Phước vốn khô cằn, quanh năm cát bay, cát nhảy.
(HBĐT) - Sản xuất nông nghiệp mang những sắc thái mới. Người nông dân không còn lam lũ quẩn quanh mà đã biết cách hạch toán, tư duy để nâng cao hiệu quả sản xuất gieo trồng. Một chuyên gia ngành nông nghiệp cho rằng, Hòa Bình có lợi thế là tỉnh duy nhất ven Hà Nội chưa bị biến đổi nhiều bởi công nghiệp hóa và đô thị hóa. Tỉnh có điều kiện thuận lợi phát triển nông nghiệp sạch và sinh thái. Nông dân Lương Sơn cũng đã nhanh nhạy nắm bắt cơ hội này, chuyển đổi tư duy tham gia các dự án, chương trình sản xuất an toàn và đem lại hiệu quả cao.
(HBĐT) - Nhà máy thủy điện Suối Nhạp sau một năm vận hành an toàn và mang lại hiệu quả kinh tế cao, thực sự hòa vào nhịp sống bản làng Đồng Chum- Đồng Ruộng (Đà Bắc), chứng tỏ định hướng đầu tư đúng đắn và táo bạo trong chiến lược phát triển doanh nghiệp và bảo đảm an sinh xã hội của Công ty CP Đầu tư năng lượng xây dựng thương mại Hoàng Sơn (Công ty Hoàng Sơn).
(HBĐT) - Dịp Tết, trong khi nhiều loại trái cây trong nước và nhập khẩu tiếp tục tăng giá bán thì cam, mía – một trong những hàng nông sản chủ lực của tỉnh lại giữ giá. Đây cũng là lợi thế để cam, mía địa phương khẳng định chỗ đứng trên thị trường.
(HBĐT) - Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong ba, bốn năm lại đây, người dân xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi) đã mạnh dạn chuyển nhiều diện tích đất sang trồng các loại hoa màu khác có giá trị hơn như khoai tây và bước đầu đã góp phần đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Tuy nhiên, vụ khoai tây năm nay, nông dân xã Vĩnh Đồng đang phải đối mặt với việc khoai tây mất giá.
(HBĐT) - Theo Sở NN&PTNT, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 513 trang trại, bao gồm: 44 trang trại trồng trọt, 64 trang trại lâm nghiệp, 64 trang trại chăn nuôi, 27 trang trại nuôi thuỷ sản và 314 trang trại tổng hợp.