Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 đang hoàn tất giai đoạn cuối trước khi phát điện - Ảnh: V.Toàn
Vốn ODA, vốn vay thương mại đã được các tập đoàn dồn vào làm nhà máy điện... Thế nhưng, lãnh đạo Tập đoàn Điện lực VN (EVN) đã cảnh báo: ngay cả khi có nhà máy điện, người dân cũng chưa chắc hết thiếu điện vì không có đường dây.
Tháng 11-2011, tại Khu kinh tế Vũng Áng, Kỳ Anh, Hà Tĩnh, Tổng công ty Lắp máy VN đã lắp đặt thành công stator máy phát tổ máy 2 Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1. Đây là dự án nhiệt điện có tổng vốn đầu tư lên tới trên 1 tỉ USD do Tập đoàn Dầu khí (PVN) làm chủ đầu tư.
Có nhà máy, không có đường dây
"Chúng tôi kiến nghị năm 2012 cho một lần tăng giá điện chỉ dành cho truyền tải. Chúng tôi sẵn sàng minh bạch, mời kiểm toán vào và cam kết sẽ không lấy lợi nhuận. Chỉ cần thêm 50 đồng cho một kWh thì truyền tải sẽ bớt gánh nặng" Ông NGUYỄN MẠNH HÙNG |
Dự kiến nhà máy này sẽ phát điện trong năm 2012. Tuy nhiên, mới đây ông Nguyễn Mạnh Hùng, tổng giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (NPT - thuộc EVN), lại cảnh báo Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng này ngay cả khi hoàn thành đúng tiến độ cũng có nguy cơ... nằm đó, không thể phát điện bởi không có đường dây truyền tải.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, dù PVN đã cam kết sẽ hỗ trợ làm hạ tầng truyền tải nhưng đến nay vì nhiều lý do NPT vẫn đang phải tự làm là chính. Nếu tình trạng cứ như thế này, ông Hùng cho rằng có nguy cơ đến lúc Nhà máy Vũng Áng 1 xong rồi nhưng vẫn sẽ không phát được điện vì không có đường dây tải điện đi. Khi đó, đất nước sẽ thiệt hại vì thiếu điện và chủ đầu tư cũng chịu thiệt bởi nhà máy xong mà điện không thể bán.
Ngay thủ đô Hà Nội được ưu tiên tối đa nhưng cũng không thoát khỏi nguy cơ thiếu điện do đủ nguồn điện nhưng thiếu đường dây. Cụ thể, Hà Nội ngay trong mùa hè này hoàn toàn có khả năng bị cắt điện luân phiên nếu các công trình lưới điện không hoàn thành đúng tiến độ để đáp ứng tăng cung điện về Hà Nội.
Hiện việc thực hiện các đường dây 220kV đấu nối vào trạm 220kV Vân Trì đang chậm do giải phóng mặt bằng. “Nhiều nguồn điện như Thủy điện Hòa Bình, Sơn La sẵn sàng được ưu tiên đưa về Hà Nội. Tuy nhiên, nếu các đường dây làm không xong, khả năng riêng Hà Nội bị cắt điện luân phiên là hoàn toàn hiện thực” - một quan chức Tổng cục Năng lượng, Bộ Công thương công nhận.
Dự án nhiều, năng lực vốn ít
Cũng giống các công trình hạ tầng như cầu, cảng, đường sá... các công trình điện cũng gặp vấn đề lớn là thiếu vốn. Theo báo cáo của EVN, năm 2011 tổng giá trị đầu tư xây dựng mà tập đoàn này thực hiện đã lên tới trên 63.000 tỉ đồng (khoảng 3 tỉ USD). Tuy nhiên, riêng trả các khoản nợ gốc, nợ lãi và góp vốn đầu tư các dự án nguồn điện đã chiếm tới trên 20.000 tỉ (gần 1 tỉ USD).
Có thực tế là hiện nay nhiều tập đoàn lớn như Dầu khí, Than, thậm chí cả Sông Đà... cũng đầu tư điện. Tuy nhiên, đầu tư lưới điện thì hầu như chỉ một mình EVN làm. Mà EVN lại giao gần như toàn bộ việc đầu tư, bảo dưỡng, vận hành hệ thống truyền tải điện cho NPT. Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng trong hai năm gần đây đã liên tiếp “kêu” về tình hình tài chính của NPT. Trong lễ tổng kết năm 2010, ông Hùng khẳng định “tài chính của chúng tôi nguy ngập đến nơi rồi”. Ông Hùng không quên cảnh báo “các anh cứ đầu tư nguồn phát điện mà không có đường dây truyền tải điện đi thì cũng vô nghĩa”.
Đến lễ tổng kết năm 2011 diễn ra vào đầu năm 2012,ông Hùng tiếp tục khẳng định “tình hình tài chính của chúng tôi là xấu”. Theo ông Hùng, hiện NPT đang được trả gần 80 đồng/kWh điện, trong khi thế giới là khoảng 200 đồng/kWh.
Số tiền này, theo ông Hùng, là “khấu hao không đủ trả lãi”. Nên nguồn vốn đầu tư của NPT hầu hết là đi vay. Nhưng ngay cả khi Thủ tướng chỉ đạo, nhiều ngân hàng cũng cứ lấy lý do này, lý do khác nên mãi không thấy vốn đâu. “Có ngân hàng ban đầu đồng ý cho vay 700 tỉ đồng, nhưng sau đó giảm còn 200 tỉ, nhưng 200 tỉ mãi đến giờ cũng chưa thấy đâu” - ông Hùng nói.
Trong một báo cáo gửi Chính phủ mới đây, EVN cho rằng nếu không có giải pháp ngay, toàn miền Nam sau năm 2013 sẽ đối diện nguy cơ thiếu điện bởi điện năng sản xuất ở khu vực này không đủ đáp ứng cho nhu cầu tăng lên.
Trong chín dự án cấp bách đề xuất để chống thiếu điện miền Nam sau năm 2013, EVN nêu tới sáu dự án lưới điện truyền tải. Thế nhưng, ông Hùng cho biết vẫn chưa thấy vốn đâu! Thậm chí ngay như đường dây 220kV Đắk Nông - Phước Long - Bình Long..., theo ông Hùng, có tình trạng nhà thầu đã làm nhưng Tổng công ty Truyền tải vẫn chưa có tiền trả.
Chỉ cần nhà thầu bỏ là hệ thống điện có thể gặp nguy nên ông Hùng kiến nghị cần coi đầu tư cho truyền tải điện như đầu tư cơ sở hạ tầng, cần ưu tiên về cơ chế.
Đầu tư thiếu đồng bộ
Trao đổi về chuyện đường dây cho dự án nhiệt điện Vũng Áng 1, ông Vũ Huy Quang, tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực dầu khí, cho biết đúng là có chuyện NPT khó khăn về vốn nên đề nghị PVN ứng vốn làm một phần hệ thống truyền tải đi. Tuy nhiên theo quy định hiện nay, EVN phải lo hệ thống truyền tải vào đến chân nhà máy.
Đánh giá về tính đồng bộ trong hạ tầng điện, ông Tô Quốc Trụ, giám đốc Trung tâm Tư vấn năng lượng (Hiệp hội Năng lượng), cho biết trung tâm ông đang tư vấn, giúp đẩy mạnh để thực hiện sân phân phối 500kV phục vụ Nhà máy điện Vũng Áng 1. Hiện PVN đã ứng vốn và đang tích cực thực hiện làm sân phân phối này với tổng vốn hơn 700 tỉ đồng. Còn từ trạm đến đường dây truyền tải chắc chắn phải do EVN lo liệu để đầu tư dù họ thiếu vốn.
Ông Tô Quốc Trụ cho biết theo quy hoạch điện 6, lưới truyền tải hiện nay mới chỉ đáp ứng khoảng 50%, nhiều hạng mục trong quy hoạch đáng ra phải làm nhưng chưa làm. “Đáng lẽ nguồn và lưới phải được đầu tư cùng nhau, không nên tách ra” và theo ông Trụ, Chính phủ cần có biện pháp duy trì dòng vốn cho Tổng công ty Truyền tải điện, bởi sau này thị trường điện cạnh tranh, các nhà máy có thể do các tập đoàn khác nhau sở hữu nhưng đường dây thì Nhà nước phải giữ.
Theo tin mới nhất, NPT vừa được hỗ trợ vay khoản vốn lên tới khoảng 750 triệu USD nên theo ông Trụ, NPT cần đảm bảo cho các nhà máy khi hoàn thành phải có lưới sẵn sàng để phát điện. “Nhà máy điện đã đầu tư chậm một nhịp so với nhu cầu phát triển. Cần tránh khả năng có nhà máy mà vẫn không có điện vì thiếu đường dây. Đặc biệt, cần nỗ lực hơn để giảm những lưới điện quá rệu rã, không tải hết được nguồn điện sản xuất ra” - ông Trụ nói.
Theo Báo Tuoitre
(HBĐT) - Về vùng trọng điểm lúa Hợp Thịnh, Phú Minh, Yên Quang của huyện Kỳ Sơn những ngày này, toàn bộ diện tích ruộng gần như đã được phủ xanh lúa mới cấy.
(HBĐT) - Theo báo cáo của huyện Yên Thủy, trong tháng 1/2012, tình hình thị trường trong huyện tương đối ổn định, hàng hóa phục vụ nhân dân, đặc biệt là trong dịp Tết đa dạng, phong phú về chủng loại.
Chủ đề ‘Đường bay thẳng’ của Tiến sĩ Trần Đình Bá nóng trở lại với hội thảo tổ chức chiều qua tại Hà Nội. Tuy nhiên, trừ tác giả, các bên liên quan tiếp tục cho rằng đề án không khả thi.
Báo Lao Động đã có bài “Thương trường còn... hơn chiến trường” trên số báo ra ngày 7.2.2012, nói về sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường mua hàng theo nhóm (groupon) dù mới du nhập vào Việt Nam khoảng 1,5 năm với minh chứng điển hình nhất là Cty VNG đã phải khai tử website ZingDeal kể từ ngày 8.2 vừa qua.
(HBĐT) - Ngày 10/02, Chi Cục thuế TP Hoà Bình tổ chức Hội nghị tổng kết công tác thuế năm 2011 và triển khai nhiệm vụ công tác thuế năm 2012.
(HBĐT) - Dù gặp phải những diễn biến phức tạp của thời tiết nhưng năm 2011 hầu hết diện tích, năng suất, sản lượng các loại cây trồng chủ lực ở Yên Thủy đều tăng so với năm 2010.