Mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học của anh Lê Văn Luyến có quy mô trên 150 con.
(HBĐT) - Tình hình dịch bệnh liên tiếp xảy ra, giá cả không ổn định, nạn ô nhiễm môi trường… là những vấn đề đặt ra trong công tác chăn nuôi. Để tìm giải pháp tháo gỡ, hướng cho nông dân áp dụng kỹ thuật chăn nuôi mới, thành phố Hòa Bình đã xây dựng mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học. Đề án bắt đầu thực hiện từ năm 2011. Xã điểm xây dựng NTM Yên Mông được chọn triển khai với nguồn hỗ trợ từ chương trình khuyến khích phát triển kinh tế.
Theo ông Hà Văn Thiểm, Chủ tịch UBND xã Yên Mông, xuất phát từ thực tế chăn nuôi ở địa bàn, xã đã lựa chọn xóm Mị làm điểm mô hình. Từ nhiều năm nay, xóm Mị là xóm đứng đầu về chăn nuôi của xã cả về số hộ tham gia và quy mô chuồng trại. Toàn xóm có 105 hộ có tới 80 hộ chăn nuôi, tuy nhiên, trong khuôn khổ đề án chỉ có 2 hộ đảm bảo các tiêu chuẩn hỗ trợ. Cùng với quá trình làm điểm, xã mong muốn các hộ khác trong xóm, trong xã tham quan, học hỏi, qua đó có thể áp dụng vào thực tế chăn nuôi cá thể, giúp mô hình nhân ra diện rộng.
Anh Lê Văn Luyến ở xóm Mị là một trong 2 hộ được hỗ trợ xây dựng mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học. Anh Luyến cho biết: Trước đây, gia đình đã chăn nuôi với quy mô hàng trăm đầu lợn/lứa. Tuy nhiên, để triển khai theo hướng chăn nuôi thâm canh như thế này là điều mới mẻ. Với mức hỗ trợ 50 triệu đồng/mô hình, anh huy động thêm vốn liếng tự có của gia đình xây dựng hệ thống chăn nuôi có quy mô tập trung theo hướng gia trại. Nhờ thực hiện quy trình thâm canh đảm bảo vệ sinh môi trường, trong đó, chất thải được thu gom, xử lý bằng bể bioga nhựa nên không những hạn chế tới mức thấp nhất ô nhiễm môi trường mà còn tạo nguồn khí đốt dư sức phục vụ đun nấu và thắp sáng cho gia đình.
Hiện nay, cùng với gia đình anh Luyến, gia đình anh Hải ở xóm Mị cũng thực hiện mô hình với quy mô đàn trên, dưới 100 đầu lợn/lứa/gia trại. Riêng gia trại của anh Luyến duy trì chăn nuôi từ 150 – 160 đầu lợn/lứa. Bên cạnh đó, anh còn sản xuất giống tại chỗ nhằm chủ động về giống, kiểm soát dịch bệnh từ khâu ban đầu với tổng số 18 con lợn nái ngoại thuần chủng và nái hậu bị. Để mô hình thực hiện có hiệu quả, ngoài sự hỗ trợ, khích lệ của đề án, các gia đình ở đây đã áp dụng chăn nuôi theo đúng quy trình hướng dẫn từ con giống, thức ăn, vệ sinh phòng bệnh. Trong đó, phải đảm bảo yếu tố chuồng trại đủ tiêu chuẩn sạch, thoáng, mát, sử dụng nguồn thức ăn hợp lý, quan tâm đến biện pháp phòng bệnh cho lợn bằng tiêm phòng.
So với phương thức chăn nuôi bán công nghiệp hay chăn nuôi truyền thống trước đây, chăn nuôi lợn an toàn sinh học có nhiều ưu việt. Theo ông Tạ Ngọc Doanh – Phó trưởng phòng Kinh tế thành phố Hòa Bình, xu thế “chăn nuôi lợn sạch”, chăn nuôi lợn an toàn sinh học ngoài tăng nguồn lợi kinh tế còn góp phần giải quyết tình trạng ô nhiễm, làm thay đổi ý thức, hành vi của hộ chăn nuôi về công tác vệ sinh môi trường. Hơn nữa, nguồn thực phẩm cung cấp ra thị trường đáp ứng tiêu chuẩn sạch. Thông qua tập huấn, hướng dẫn, hộ chăn nuôi đã tiếp cận và ứng dụng tốt kỹ thuật chăn nuôi mới vào thực tiễn sản xuất.
Hiệu quả sau 1 năm thực hiện mô hình, đàn lợn lớn nhanh với trọng lượng đảm bảo có thể xuất bán sau 80 – 90 ngày/lứa, lợn sạch bệnh và được thị trường trong, ngoài tỉnh tin dùng nguồn thực phẩm. Trừ mọi chi phí, các hộ tham gia mô hình còn đảm bảo thu nhập vài trăm triệu đồng/năm. Nguyện vọng của các hộ chăn nuôi hiện nay là được hỗ trợ vốn để tiếp tục mở rộng quy mô chuồng trại, tạo điều kiện thành lập tổ hợp tác chăn nuôi xóm Mị tập hợp, liên kết hộ chăn nuôi hướng tới tìm kiếm thị trường, giảm thiểu rủi ro, tăng tối đa lợi nhuận. Đây cũng là cách tốt nhất huy động hộ tiến đến chăn nuôi bền vững.
Bùi Minh
(HBĐT) - Tính đến hết quý I, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của tỉnh đạt 16,49 triệu USD, tăng 5,04% so với cùng kỳ, bằng 23,23% KH năm.
(HBĐT) - Hiện nay, toàn tỉnh đã hoàn thành gieo trồng vụ chiêm - xuân với tổng số 15.808 ha lúa, trên 36.000 ha cây màu. Diện tích lúa, màu đang được các địa phương đẩy mạnh chăm sóc, trong đó, ngô xuân trà sớm đã được 6 - 8 lá, lạc trà sớm phân cành, đậu tương trà sớm ra 3 - 5 lá. Đáng chú ý có 307 ha lúa đã cấy bị hạn, tập trung ở các huyện Lương Sơn (120 ha), Kim Bôi (135 ha).
(HBĐT) - Xóm Tớn là xóm đặc biệt khó khăn của xã Nam Sơn (Tân Lạc) đã và đang hưởng lợi từ dự án giảm nghèo (DAGN). Triển khai DAGN giai đoạn 2, BQL dự án huyện, UBND xã đã tổ chức họp dân trong thông tin mục đích, ý nghĩa của dự án, bàn bạc, lấy ý kiến người dân đi đến thống nhất triển khai ba tiểu dự án là làm đường giao thông thôn xóm, xây dựng mương tưới cho lúa, hoa màu, trồng su su lấy ngọn là những nhu cầu bức thiết về xây dựng hạ tầng và cải thiện điều kiện sản xuất.
(HBĐT) - Ngày 27/3, Ngân hàng CSXH tỉnh tổ chức hội nghị tập huấn nghiệp vụ ủy thác cho vay đối với các tổ chức chính trị - xã hội của 11 huyện, thành phố. Tham gia tập huấn có 120 cán bộ lãnh đạo Hội HND, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội CCB và các tổ trưởng tổ tín dụng các Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH các huyện.
(HBĐT) - Tổ chức các lớp huấn luyện nông dân (HLND) về IPM trên cây ngô, cây rau và hình thành các nhóm nông dân cùng sở thích là 2 nội dung chính được HND tỉnh phối hợp với văn phòng dự án ADDA triển khai tại 6 huyện Cao Phong, Đà Bắc, Kỳ Sơn, Lạc Sơn, Lạc Thủy, Kim Bôi. Vụ hè - thu 2011 là vụ thứ tư của pha 2 dự án, trung bình mỗi vụ, Ban quản lý dự án đều triển khai thực hiện 35 lớp HLND về IPM trên cây ngô, cây rau và hình thành 30 nhóm nông dân cùng sở thích mới.
(HBĐT) - Năm 2012, Quỹ hỗ trợ nông dân của tỉnh được T.ư HND Việt Nam ủy thác cho vay 5 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi 0,8%/tháng, tương đương với 9,6%/năm. Ngoài ra, quỹ có thêm 1 tỷ đồng trích từ nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ.