Ông Đinh Xuân Thành, xóm Liên Hồng, xã Liên Hòa (Lạc Thủy) cùng cán bộ Phòng NN&PTNT huyện thăm mô hình trồng cam của gia đình.
(HBĐT) - Là huyện miền núi thấp nằm ở phía đông nam của tỉnh, Lạc Thủy có diện tích tự nhiên trên 31.000 ha, chủ yếu là đất đồi rừng, mặt nước. Với những lợi thế về tiềm năng đất đai, ngoài phát triển du lịch, các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Lạc Thủy đã xác định phát triển kinh tế nông nghiệp là mặt trận hàng đầu. Đặc biệt chú trọng phát triển kinh tế vườn rừng, trang trại làm mũi nhọn tạo khâu đột phá để đưa nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa.
Để thực hiện tốt chủ trương này, huyện đã chủ động sắp xếp, bố trí, quy hoạch lại các loại đất, phân bổ lại cơ cấu cây trồng cho phù hợp với từng vùng, từng chân đất. Đặc biệt, một trong những chính sách giúp các chủ trang trại có điều kiện thuận lợi trong việc phát triển kinh tế như: hỗ trợ vay vốn ngân hàng để phát triển kinh tế trang trại; hỗ trợ giống, vốn để khôi phục sản xuất, khi xảy ra thiên tai, gặp trường hợp rủi ro… đã phát huy được nguồn lực, khai thác tiềm năng đất đai, lao động của nhân dân phát triển kinh doanh trang trại tổng hợp và phát triển bền vững. Nhiều hộ yên tâm đầu tư mở rộng quy mô sản xuất tăng về số lượng và từng bước nâng cao hiệu quả SX-KD. Điển hình như hộ gia đình ông Đinh Xuân Thành ở xóm Liên Hồng, xã Liên Hòa đã chọn cây cam là hướng phát triển kinh tế chính cho gia đình. Nhận thấy cây cam phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng tại xóm, với diện tích 5 ha, gia đình ông Thành đầu tư vào trang trại trồng 1.300 gốc cam là giống cam Vinh lòng vàng và V2. Với 500 gốc đang cho thu hoạch bình quân 30 kg/ cây, giá bán 15.000 đồng/kg, vụ cam năm 2011 đã mang về cho gia đình ông 220 triệu đồng, ngoài ra, gia đình ông còn trồng thêm bưởi Diễn và nuôi ong lấy mật.
Hộ gia đình ông Quách Xuân Sinh, thương binh hạng 3/4 ở thôn Đồng Nhất, xã Đồng Tâm lại tìm cho mình một hướng đi phát triển kinh tế khác là đầu tư vào trang trại chăn nuôi. Những năm đầu, gia đình ông gặp nhiều khó khăn, nhưng được sự quan tâm hỗ trợ nguồn vốn, cộng với sự ham học hỏi, kiên trì, chịu khó lao động, đến nay, gia đình ông đã mở rộng mô hình trang trại chăn nuôi và đầu tư 1,2 tỷ đồng xây dựng 500 m2 chuồng kín nuôi trên 3.000 con gà Aicập lai. Nhờ kinh nghiệm tích lỹ được qua từng năm nên trang trại của gia đình ông năm sau luôn cho thu hơn năm trước. Bên cạnh việc đầu tư chăn nuôi gà, trong chuồng nhà ông lúc nào cũng có 20 con lợn giống địa phương và gần 1.000 m2 ao thả cá, bình quân mỗi năm ông thu về 150 triệu đồng. Không chỉ phát triển kinh tế cho gia đình, ông Sinh còn giúp bà con nhân dân trong vùng những kinh nghiệm về chăn nuôi gia súc, gia cầm để nhân rộng mô hình trang trại tại địa phương.
Trong những năm qua, kinh tế trang trại của huyện phát triển mạnh tăng dần về số lượng và từng bước nâng cao hiệu quả SX-KD. Hiện, toàn huyện có 274 trang trại bao gồm 5 lĩnh vực: trang trại kinh tế tổng hợp, trồng trọt, trồng cây lâm nghiệp, chăn nuôi và trang trại nuôi thủy sản. Các mô hình trang trại đã duy trì hoạt động hiệu quả với bình quân thu nhập 50 triệu đồng/trang trại, trong đó có 13,7% số trang trại thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Từ đa dạng và hiệu quả kinh tế của các trang trại trên địa bàn huyện, đã góp phần thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng hàng hóa, tạo ra nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tạo thêm việc làm, tăng thêm thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho nhiều hộ gia đình ở địa phương.
Ông Ngọ Đình Tâm, Phó Phòng NN&PTNT huyện Lạc Thủy cho biết: Trong những năm qua, huyện đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích người dân tham gia phát triển kinh tế trang trại như: trích ngân sách hỗ trợ 20% lãi suất cho các hộ khi vay vốn ngân hàng để phát triển kinh tế trang trại từ 40 triệu đồng trở lên, những trang trại trồng các giống cây có giá trị kinh tế cao được hỗ trợ 1 triệu đồng/ha; khi thời tiết không thuận lợi, gặp rủi ro, các hộ được hỗ trợ giống, vốn để khôi phục sản xuất; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính, quỹ đất cho các hộ tham gia phát triển kinh tế trang trại. Bên cạnh đó, huyện đặc biệt chú trọng quan tâm bồi dưỡng cán bộ KNKL để tập huấn kiến thức về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, thú y, quản lý trang trại; tổ chức đi tham quan, trao đổi kinh nghiệm cho các hộ với các chủ trang trại trồng trọt, chăn nuôi lớn, điển hình trong và ngoài tỉnh. Từ những chính sách tích cực trên đã hình thành nên cơ cấu kinh tế nhiều thành phần trong sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp, phát triển nhiều mô hình kinh tế hộ sản xuất hàng hoá đạt hiệu quả cao. Đặc biệt, trong tổng số 274 trang trại trên địa bàn huyện được cấp giấy chứng nhận đã có 39 trang trại được đáng giá đạt tiêu chí mới theo Thông tư của Bộ NN&PTNT, thu nhập bình quân của các trang trại đạt trên 350 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.
Thực tế đã chứng minh phát triển kinh tế trang trại ở Lạc Thủy không những là động lực thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, giúp nhiều hộ dân giảm nghèo, từng bước vươn lên làm giàu mà còn định hướng cho người nông dân từ bỏ sản xuất tự cung, tự cấp, vươn tới sản xuất hàng hóa với quy mô gắn với thị trường, đồng thời tạo nhu cầu thúc đẩy quá trình hợp tác kinh tế trong sản xuất nông nghiệp.
Hoàng Huy
(HBĐT) - Nhằm tăng cường thực hiện một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường theo Nghị quyết số 13/NQ-CP của Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh vừa chỉ đạo thành lập Tổ công tác tháo gỡ khó khăn trong SXKD cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
(HBĐT) - Công tác quản lý đầu tư công còn bất cập và yếu kém. Đây được xem là mắt xích trọng yếu chi phối hiệu quả sử dụng các nguồn lực của Nhà nước. Với quyết tâm củng cố và tăng cường hiệu quả đầu tư phát triển, từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh đã có sự điều hành, chỉ đạo quyết liệt nhằm chấn chỉnh công tác quản lý đầu tư công. Hoạt động đầu tư 8 tháng nhờ đó đã khởi sắc hơn so với cùng kỳ nhiều năm trước.
(HBĐT) - 5 năm lại đây, TPHB đã đầu tư 193 công trình, dự án với tổng kinh phí đầu tư gần 1.640 tỷ đồng. TP có 286,7 km đường đã và đang được nâng cấp, cải tạo, cải thiện đáng kể hạ tầng giao thông đô thị. Một số tuyến đường quan trọng có vai trò mở rộng không gian đô thị đã hoàn thành và đưa vào sử dụng như đường Trương Hán Siêu, Trần Hưng Đạo, Trần Quý Cáp, Hữu Nghị, Thịnh Lang, Phùng Hưng, đường tránh QL 6, đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình.
(HBĐT) - Theo Sở KH-ĐT, trong tháng 8/2012, kim ngạch xuất khẩu (XK) của tỉnh ước đạt 5,530 triệu USD, tăng 4% so với tháng trước. Trong đó, XK dịch vụ ước đạt 1,83 triệu USD, tăng 1,6% so với tháng trước; XK hàng hóa ước đạt 3,7 triệu USD, tăng 5,3% so với tháng trước. Với kết quả đó, kim ngạch XK của tỉnh trong 8 tháng năm 2012 ước đạt 44,118 triệu USD, tăng 12,44% so với cùng kỳ, đạt 62,14% KH.
(HBĐT) - Có lẽ không ai ở xóm Quê Kho, xã Tú Sơn (Kim Bôi) lại không biết anh nông dân Bùi Thành Thạo. Nhà anh to, đẹp, khang trang nhất, nhì xóm Quê Kho. Thu nhập từ nông nghiệp của gia đình anh cũng khiến bao người ao ước. Với hơn 5 ha đất canh tác - đều là đất khai hoang phục hóa, nhà anh luân phiên trồng ngô và mía tím. Ngoài ra còn duy trì đàn lợn vài chục con để bình quân mỗi năm xuất từ 3-5 lứa. Quy mô kinh tế hộ khá lớn, nhu cầu vốn đầu tư cao đồng nghĩa với việc anh Thạo là khách hàng truyền thống của NHNN& PTNT huyện Kim Bôi.
(HBĐT) - Đó là nội dung văn bản số 926, ngày 27/8/2012 của UBND tỉnh gửi đến các sở, ban, ngành và UBND huyện, thành phố.