Người dân xếp hàng chờ rút tiền từ máy ATM ở Khu công nghiệp Long Thành, Đồng Nai - Ảnh: T.T.D.
Không chỉ phí rút tiền ngoại mạng, theo dự thảo thông tư quy định phí giao dịch ATM, chủ thẻ “gánh” thêm hàng loạt phí khác như phí rút tiền nội mạng (rút tại chính máy ATM của ngân hàng phát hành thẻ), phí chuyển khoản...
Nhiều chuyên gia cho rằng ngân hàng (NH) và doanh nghiệp (DN) là những đơn vị hưởng lợi “kếch sù” từ việc trả lương qua thẻ. Do đó không thể dồn tất cả phí cho người lao động.
3.000 đồng là thêm gánh nặng
Tuy nhiên, bức xúc hơn là thu phí cao nhưng chất lượng dịch vụ không tương xứng. Vào ngày 30 và mồng 10 hằng tháng - thời điểm các DN chi lương - dù có đến hơn 10 máy ATM nhưng thế nào cũng có vài máy hỏng hóc, hết tiền hoặc chỉ cho phép kiểm tra số dư. Vài chục ngàn công nhân tập trung xếp hàng rồng rắn ở những máy ATM còn hoạt động được. Nhiều khi đành phải chịu đợi 1-2 ngày sau mới rút được tiền. “Số lượng công nhân tăng từng năm nhưng số máy rút tiền vẫn vậy” - chị Vân nói.
Không chỉ công nhân, nhiều viên chức văn phòng cũng không vui trước thông tin NH dự kiến thu phí rút tiền nội mạng từ tháng 3-2013. Chị Liên, nhân viên một trường đại học tại quận 1, TP.HCM, nói nếu được chọn chị vẫn thích nhận lương bằng tiền mặt vì được lĩnh một lần, không mất phí, lại không lo rút phải tiền rách. Chưa kể nhiều NH còn giới hạn số tiền mỗi lần rút 2 hoặc 3 triệu đồng. Như vậy, muốn rút hết tiền lương phải mất đến hai giao dịch. “NH phải cân nhắc kỹ việc thu phí nội mạng chứ nếu cứ khai thác triệt để người dùng thẻ thế này chúng tôi sẽ vào quầy rút tiền. Khi đó chính NH sẽ phải tốn tiền tuyển thêm nhân sự làm việc thủ công này” - chị Liên nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều chuyên gia cho rằng mức phí rút tiền nội mạng mà NH Nhà nước đề xuất là 1.000 đồng/lần áp dụng cho năm 2013 và sẽ tăng theo từng năm, đến năm 2015 lên mức 3.000 đồng/lần, bằng với mức phí rút tiền ngoại mạng hiện nay là quá cao và không hợp lý. Chưa kể mức phí chuyển khoản tối đa mà các NH được phép thu lên đến 15.000 đồng/lần trong khi hiện nay mới chỉ chuyển khoản được nội mạng.
Ngân hàng, doanh nghiệp hưởng lợi
Cũng theo các chuyên gia, từ trước đến nay các NH luôn cho rằng trả lương qua tài khoản có lợi cho người lao động, nhưng thực tế người lao động không phải là đối tượng duy nhất hưởng lợi từ việc trả lương qua tài khoản. Giám đốc bán lẻ khu vực phía Nam một NH cổ phần cho rằng không phải tất cả tiền lương đều bị rút sạch sau khi chủ DN chi trả. Nghiên cứu từ chính NH của mình, ông thấy rằng chỉ một bộ phận người có thu nhập thấp sau khi nhận lương mới phải rút ngay tiền ra để chi xài, nhưng cũng có quá trình. Thông thường DN trả lương ngày 25 thì phải đến ngày 30 người lao động mới rút hết. Trong năm ngày này, NH chỉ phải trả lãi suất không kỳ hạn từ 1,5-2%/năm, thấp hơn lãi suất huy động vốn dân cư từ 7-7,5%/năm. Như vậy “ngồi không” mà NH tự nhiên có được khoản lãi còn cao hơn cả hoạt động cho vay. Chưa kể những thời điểm lãi suất liên NH sốt nóng, NH còn có thể thu lãi khủng nhờ việc kinh doanh trên số tiền gửi không kỳ hạn này.
Với người có thu nhập cao, từ 10-20 triệu đồng/tháng trở lên, số tiền duy trì trong tài khoản thẻ rất nhiều. Từ đó họ còn sử dụng các dịch vụ gia tăng khác trên máy ATM như chi trả tiền điện, nước, Internet. NH còn thu được phí trên các dịch vụ gia tăng này.
Tuy nhiên, được hưởng lợi nhiều nhất từ việc trả lương qua thẻ không phải NH mà chính là chủ DN, đặc biệt những DN có số lao động lên đến hàng ngàn hoặc hàng chục ngàn người. Kế toán một DN tại quận Phú Nhuận cho biết trước khi có máy ATM, để trả lương hằng tháng cho người lao động phải chuẩn bị trước vài ngày: lên danh sách lương, in phiếu nhận tiền của từng người, sau đó phải nhận tiền từ NH, đổi tiền lẻ, kiểm đếm rồi chi trả cho từng trường hợp.
Giám đốc trung tâm thẻ một NH lớn tại TP.HCM cho biết với những DN có đến vài ngàn hoặc vài chục ngàn công nhân thì việc trả lương bằng tiền mặt còn nhiêu khê hơn. Có DN phải thuê mướn đến vài chục người chỉ để phục vụ việc trả lương công nhân, chi phí phải trả hằng năm rất lớn. Chưa kể mỗi khi đến kỳ trả lương từng tốp công nhân phải ngừng việc, tính trung bình một lao động từ khi rời vị trí đến bộ phận nhận lương, kiểm đếm xong rồi trở về, ổn định lại công việc cũng mất đứt nửa giờ. Với DN có hàng chục ngàn lao động thì tính sơ sơ mất đứt mấy ngàn giờ làm việc, nhân với đơn giá tiền công khoảng vài chục ngàn đồng/giờ tính ra DN thiệt hại ít nhất vài trăm triệu đồng mỗi kỳ trả lương bằng tiền mặt.
Còn hiện nay trả lương qua tài khoản thì chỉ cần “bấm nút”, lập tức tiền được chuyển đến tài khoản công nhân, việc rút lương chỉ được thực hiện ngoài giờ làm việc, lực lượng làm công tác tiền lương được tinh gọn tối đa. Chính vì vậy, theo một chuyên gia kinh tế, việc thu phí rút tiền nội mạng nếu có thì DN phải trả thay, bởi họ là một trong những đối tượng hưởng lợi nhiều nhất chứ không phải tất cả đều “đổ” cho người lao động.
(HBĐT) - Ngày 14/12, Sở NN&PTNT tổ chức Hội nghị tổng kết 20 năm (1993-2012) hoạt động khuyến nông của tỉnh. Đến dự có các đồng chí: Hoàng Việt Cường - Bí thư Tỉnh ủy, Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh qua các thời kỳ, cùng nhiều đại biểu đến từ các cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh.
(HBĐT) - Ngày 13/12, Ban chỉ đạo Dự án ổn định dân cư phát triển kinh tế - xã hội vùng chuyển dân sông Đà huyện Mai Châu đã tiến hành nghiệm thu hợp phần phát triển sản xuất tại 3 xã Tân Dân, Tân Mai và Phúc Sạn.
(HBĐT) - Trên địa bàn huyện Mai Châu có 4 điểm sản xuất rau tập trung với quy mô lớn, có khả năng cung ứng cho thị trường gồm: xóm Hải Sơn - xã Mai Hịch, xóm Piềng Phung - xã Nà Phòn, xóm Cha Long - xã Tòng Đậu và xóm Xuân Tiến - xã Xăm Khòe. Đặc biệt, các vùng rau tuy hình thành tự phát nhưng nhờ ý thức, nhận thức tiến bộ của người trồng về ATTP, nguồn rau được sản xuất từ các điểm vùng này được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn.
(HBĐT) - Với việc thị trường bất động sản (BĐS) trầm lắng cùng các công trình xây dựng giảm mạnh đã tác động không nhỏ đến nguồn thu ngân sách của tỉnh trong năm 2012. Không những vậy, cơ chế phối hợp chưa rõ ràng giữa các ngành chức năng với ngân hàng cũng phần nào gây nên tình trạng hụt thu đáng kể NSNN.
(HBĐT) - Cử tri huyện Lương Sơn: Hiện nay xã Lâm Sơn còn có nhiều hộ dân không có đất để canh tác. Đề nghị tỉnh thu hồi một phần diện tích đất của lâm trường Lâm Sơn ở khu vực giáp ranh với xã giao lại cho những hộ dân bị thu hồi hết đất để có đất sản xuất.
(HBĐT) - Theo Sở KH&ĐT, Năm 2012, tổng số doanh nghiệp (gồm cả chi nhánh, văn phòng đại diện) đăng ký thành lập mới là 250 đơn vị với tổng vốn đăng ký 960 tỷ đồng. So với năm 2011, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm 150 đơn vị.