Từ chính sách vay vốn phát triển sản xuất của Chính phủ, nông dân xã Cao Sơn (Đà Bắc) mở rộng diện tích trồng cây sâm hành, góp phần tăng thu nhập cho gia đình. Ảnh: P.V
(HBĐT) - Ngày 4/12/2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg về chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn giai đoạn 2012-2015.
Đối tượng áp dụng gồm: Thực hiện cho vay vốn đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn để phát triển sản xuất, ổn định đời sống, thoát nghèo bền vững. Hộ đồng bào dân tộc thiểu số (kể cả các hộ có vợ hoặc chồng là người dân tộc thiểu số) sống ở các xã, phường, thị trấn thuộc vùng khó khăn quy định tại Quyết định 30/2007/QĐ-TTg ngày 5/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn, có đủ 2 tiêu chí: có mức thu nhập bình quân đầu người hàng tháng từ 50% trở xuống so với chuẩn hộ nghèo theo quy định hiện hành. Có phương án sản xuất nhưng thiếu hoặc không có vốn sản xuất. Nguyên tắc thực hiện: công khai, dân chủ, đúng đối tượng. Hàng năm rà soát để bổ sung và đưa ra những hộ không còn thuộc diện đặc biệt khó khăn. Việc cho vay phải dựa trên các phương án sử dụng vốn vay và cam kết cụ thể của từng hộ có hướng dẫn cách làm ăn của chính quyền và các tổ chức CT-XH các cấp; ưu tiên những hộ khó khăn hơn được vay vốn trước. Ngân hàng CSXH thực hiện việc cho vay và có thể ủy thác từng phần cho các tổ chức CT-XH tại cấp xã trong việc cho vay vốn và thu hồi nợ.
Điều kiện được vay vốn: Các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn quy định tại Điều 1, Quyết định này, có nơi cư trú hợp pháp, có trong danh sách do UBND cấp xã lập và được UBND cấp huyện phê duyệt; có phương án hoặc nhu cầu sử dụng vốn vay để SX-KD được chính quyền cùng các tổ chức CT-XH của thôn, bản hỗ trợ gia đình lập hoặc xác nhận; phải sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, không được sử dụng khoản vốn vay để gửi lại vào các ngân hàng khác. Hình thức mức vay và thời hạn cho vốn: Có thể vay một hoặc nhiều lần; tổng mức vay không quá 8 triệu đồng/hộ; không phải dùng tài sản để bảo đảm tiền vay và được miễn lệ phí làm thủ tục hành chính trong việc vay vốn. Căn cứ vào chu kỳ SX-KD và khả năng trả nợ của hộ vay vốn nhưng tối đa không quá 5 năm. Xử lý và gia hạn nợ: trường hợp đến hạn trả nợ nhưng hộ vay vốn vẫn thuộc diện hộ đặc biệt khó khăn và có nhu cầu tiếp tục sử dụng vốn vay thì căn cứ thực tế để xử lý cho phù hợp; nếu hộ vay còn thuộc diện hộ đặc biệt khó khăn và có nhu cầu tiếp tục sử dụng vốn được xem xét kéo dài thời gian trả nợ nhưng tối đa không quá 5 năm; nếu hộ vay đã thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn nhưng chưa thoát nghèo theo chuẩn nghèo và hộ gặp khó khăn tài chính tạm thời chưa có nguồn trả nợ có thể được xem xét kéo dài thời gian trả nợ nhưng tối đa không quá 2,5 năm; nếu hộ vay đã thoát nghèo theo chuẩn nghèo thì phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Trường hợp hộ vay không thực hiện nghĩa vụ trả nợ, áp dụng lãi suất quá hạn bằng 130% lãi suất khi cho vay; lãi suất cho vay bằng 0,1%/tháng tương ứng với 1,2%/năm; đối với các hộ gặp rủi ro do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh hoặc các khó khăn bất khả kháng khác không trả được nợ thì được xử lý rủi ro theo quy chế xử lý nợ bị rủi ro tại NHCSXH theo quy định hiện hành.Thời gian thực hiện: giai đoạn 2012-2015. Hàng năm, các địa phương bố trí kinh phí quản lý từ nguồn ngân sách địa phương để thực hiện Quyết định này. Mức trích bằng 5% so với tổng mức kinh phí T.Ư phân bổ.
Nguồn vốn thực hiện: Đối với các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách. Ngân sách Trung ương cấp vốn cho NHCSXH để thực hiện việc cho vay theo Quyết định này. Đối với các địa phương tự cân đối được ngân sách: kinh phí thực hiện được tính vào ngân sách địa phương. Hàng năm, UBND các cấp bố trí khoản kinh phí này trong dự toán ngân sách địa phương, trình HĐND phê duyệt và chuyển cho Ngân hàng CSXH thực hiện.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/2/2013
Phòng BĐ-TL (TH)
Ngày 19.12 tại TPHCM, Bộ GTVT và Bộ Tài chính đã tổ chức triển khai các nghị định, thông tư hướng dẫn về thu phí bảo trì đường bộ (áp dụng từ 1.1.2013) cho các tỉnh, thành từ Đà Nẵng trở vào. Nhiều ý kiến của các hiệp hội, doanh nghiệp (DN) vận tải, cảng biển tỏ ra bức xúc về một số vấn đề bất hợp lý của một số quy định hướng dẫn.
(HBĐT) - Ngày 19/12, Ban chỉ đạo tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản tỉnh đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2011. Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
(HBĐT) - Đến nay, sau hơn 3 tháng triển khai hoạt động hỗ trợ sinh kế thuộc hợp phần ngân sách phát triển xã (DAGN giai đoạn II), đối tượng hộ nghèo, cận nghèo trong diện thụ hưởng ở xã Cao Sơn (Đà Bắc) đã nắm bắt cơ hội vươn lên phát triển kinh tế, từng bước thoát nghèo.
(HBĐT) - Cử tri huyện Lạc Sơn: Đề nghị Nhà nước quan tâm nâng cấp tuyến đường liên xã Phúc Tuy - Phú Lương, Tân Mỹ - Hương Nhượng, Chí Thiện - Thượng Cốc; đầu tư xây dựng cầu ở xóm Câu (Tân Mỹ), cầu treo Ba Rẽ (Phú Lương), cầu treo xóm Rồng (Chí Thiện).
(HBĐT) - Toàn tỉnh hiện có 1 Phòng công chứng và 3 văn phòng công chứng với 6 công chứng viên. Năm 2012, các đơn vị công chứng đã thực hiện công chứng 6.868 hợp đồng, giao dịch, thu phí công chứng trên 1.551 triệu đồng, nộp NSNN trên 628 triệu đồng, giảm 854 trường hợp, giảm trên 840 triệu đồng phí thu và giảm trên 469 triệu đồng tiền nộp NSNN so với năm 2011.
(HBĐT) - Toàn tỉnh hiện có 386 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Trong đó, 167 dự án đầu tư đã đi vào hoạt động sản xuất - kinh doanh, chiếm 43,2% tổng dự án, tăng 23 dự án so với cuối năm 2011. Đây chủ yếu là các dự án sản xuất công nghiệp.