Toàn tỉnh đã có khoảng 1.500 ha cây có múi là cam, quýt, bưởi. Ảnh: ông Trần Thanh Hùng, xã Thanh Hối (Tân Lạc) giới thiệu về mô hình trồng bưởi đỏ, bưởi da xanh đem lại hiệu quả kinh tế cao.
(HBĐT) - Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, Sở NN&PTNT đã phối hợp với các sở, ngành chức năng xây dựng một số cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa trong lĩnh vực trồng trọt giai đoạn 2013-2018 trên địa bàn tỉnh. Khi được phê duyệt và khi đi vào thực hiện chắc sẽ tạo lực đẩy cho sản xuất hàng hóa của tỉnh. Phóng viên Báo Hòa Bình đã trao đổi với đồng chí Hoàng Văn Tứ, UVBTV Tỉnh ủy, Giám đốc Sở NN&PTNT xung quanh cơ chế này.
P.V: Xin đồng chí đánh giá đôi nét về tiềm năng phát triển vùng sản xuất hàng hóa của tỉnh?
Đồng chí Hoàng Văn Tứ: Hòa Bình là tỉnh phía tây, kề cận với Thủ đô Hà Nội, điều kiện đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp phát triển nhiều loại sản phẩm nông nghiệp là lợi thế so sánh lớn của tỉnh. Thực tế trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đã bước đầu xuất hiện những vùng sản xuất hàng hóa tập trung cho hiệu quả khá dựa trên lợi thế so sánh sát với Thủ đô. Đó là vùng mía, cam, cây ăn quả, một số cây trồng bản địa đang được thị trường tiêu thụ ổn định. Toàn tỉnh có gần 1 vạn ha mía, 1.500 ha cây có múi, cam, bưởi, chanh, tập trung ở các huyện Cao Phong, Lạc Thủy, Kim Bôi... Hình thành vùng su su, tỏi tía ở các xã vùng cao, bí xanh ở Lạc Thủy, Yên Thủy, Kim Bôi, Lạc Sơn... rau ngót, lặc lày ở Lương Sơn. Các vùng cây ăn quản ở Kim Bôi, Lạc Thủy. Vùng chè ở Sông Bôi, 2/9, các xã vùng cao Mai Châu, Đà Bắc. Chăn nuôi cũng phát triển khá mạnh theo hướng công nghệp quy mô lớn, chăn nuôi trang trại và chăn nuôi theo hướng gia trại thực hiện quy trình khép kín từ con giống, sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Đã hình thành vùng chăn nuôi gà đồi, chăn nuôi gia cầm bản địa thị trường tiêu thụ khá tốt. Về thủy sản, tỉnh có tiềm năng khá lớn, đặc biệt là vùng hồ Hòa Bình diện tích 8.000 ha, hình thành phát triển thủy sản bằng nuôi cá lồng, thực hiện các mô hình sản xuất, chăn nuôi cá tầm, cá lăng bước đầu cho kết quả. Ngoài ra, tỉnh có khoảng 80.000 ha vùng nguyên liệu rừng phục vụ cho công nghiệp chế biến. Đã xuất hiệu nhiều dự án đầu tư vào chế biến nông nghiệp, nông thôn như dự án Vinafor (Yên Thủy), dự án nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi Coofeed Việt Nam (Kỳ Sơn)... tạo đầu ra cho nông - lâm sản của tỉnh.
P.V: Xin đồng chí cho biết những nội dung cơ bản của dự thảo cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa trong lĩnh vực trồng trọt giai đoạn 2013-2018 trên địa bàn?
Đồng chí Hoàng Văn Tứ: Lý do để các sở, ngành chức năng đề xuất và xây dựng cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa trong lĩnh vực trồng trọt theo chỉ đạo của UBND tỉnh là từ trước đến nay, chúng ta chưa thực sự có cơ chế đủ mạnh tạo sức lan tỏa cho sản xuất hàng hóa của tỉnh. Trong khi đó, nhiều địa phương khác đã thành công ở cơ chế tương tự. Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, các ngành chức năng đã hoàn thành dự thảo cơ chế hỗ trợ trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt. Theo đó, về chính sách sẽ hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt sau đầu tư cho tổ chức, cá nhân tham gia trồng mới vùng tập trung (trồng cam, quýt, bưởi), liền khoảnh từ 2 ha trở lên với mức hỗ trợ 20 triệu đồng/ha, trong đó, 10 triệu đồng/ha năm thứ nhất và 10 triệu đồng/ha năm thứ 2; trồng rau an toàn 10 triệu đồng/ha. Quyết định cũng quy định chi tiết cơ chế tín dụng đầu tư cho sản xuất, mức hỗ trợ NSNN hỗ trợ điều tra cơ bản quy hoạch vùng sản xuất tập trung chi phí phân tích, đánh giá mức độ an toàn của đất trồng, nguồn nước tưới theo tiêu chuẩn quốc gia, kinh phí bình tuyển, công nhận cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng, thuê tổ chức chứng nhận đánh giá và cấp GCN sản phẩm an toàn hoặc sản phẩm VietGap. Đồng thời quy định chính sách hỗ trợ nghiên cứu khoa học và chuyển giao kỹ thuật; chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại sản phẩm theo các quy định của Nhà nước. Nguồn kinh phí thực hiện gồm nguồn ngân sách T.Ư, ngân sách tỉnh, ngân sách huyện và các nguồn khác được cân đối, bố trí trong dự toán thực hiện hàng năm của cấp huyện theo quy định hiện hành. Dự thảo quyết định cũng quy định rõ trách nhiệm của các sở, ngành, UBND các cấp triển khai thực hiện cơ chế hỗ trợ sản xuất trồng trọt của tỉnh.
P.V: Để tham gia và tiếp cận nguồn hỗ trợ đầu tư cho sản xuất theo cơ chế trên cần những nguyên tắc cơ bản gì, thưa đồng chí?
Đồng chí Hoàng Văn Tứ: Trước hết, đối tượng được hỗ trợ là các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất các loại cây trồng cam, quýt, bưởi và rau an toàn (rau ăn lá, rau ăn quả, rau ăn củ, rau gia vị) vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nằm trong quy hoạch hoặc kế hoạch sản xuất trồng trọt được UBND cấp tỉnh hoặc huyện phê duyệt. Tổ chức, cá nhân tham gia phải đáp ứng yêu cầu về địa điểm sản xuất, đất canh tác, nước tưới và thực hiện các quy trình kỹ thuật quốc gia, bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất và sơ chế được cơ quan chuyên môn đánh giá. Về nguyên tắc, việc thực hiện cơ chế hỗ trợ không dàn trải mà hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, làm đến đâu chắc đến đó, phải tuân thủ chặt chẽ quy trình sản xuất an toàn, thực hiện tái cơ cấu cây trồng, tập trung vào những sản phẩm có lợi thế như cam, quýt, rau an toàn. Hỗ trợ đúng đối tượng, kịp thời, thực hiện công khai, dân chủ, không hỗ trợ 2 lần trên một đơn vị canh tác trong cả giai đoạn thực hiện, chính sách hỗ trợ không trùng lắp với nguồn vốn khác. Để tiếp cận nguồn hỗ trợ, các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện phải làm đơn tự nguyệõn đăng ký tham gia. Trên cơ sở đó, UBND xã tổng hợp gửi UBND huyện, bổ sung, đề xuất vào kế hoạch phát triển KT-XH hàng năm làm cơ sở để các sở, ngành, tổ chức, cơ quan chuyên môn thẩm định, báo cáo, trình UBND tỉnh quyết định bố trí kinh phí vào dự toán ngân sách để thực hiện cơ chế hỗ trợ. Xin được nhấn mạnh, các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện theo đúng quy hoạch, thực hiện theo đúng quy trình sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm hoặc theo tiêu chuẩn VietGap, kết nối với thị trường tiêu thụ sản phẩm, có kiểm tra giám sát của cơ quan chức năng và ngành nông nghiệp. Các tổ chức, cá nhân tham gia đều có trách nhiệm sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí hỗ trợ quý báu này, trở nhanh nguồn xúc tác, động lực để phát triển vùng cây trồng hàng hóa, trên cơ sở khai thác lợi thế cạnh tranh của tỉnh theo quy hoạch được duyệt.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Lê Chung (thực hiện)
(HBĐT) - Tính đến nay đã được hơn 4 năm, hộ ông Nguyễn Xuân Trường ở xóm Bái Yên, xã Dân Chủ (TPHB) nhận thầu hồ chứa khu vực rừng lim của HTX nông nghiệp Dân Chủ để nuôi, thả cá nhằm phát triển kinh tế gia đình. Với hồ chứa có diện tích mặt nước 2 ha, ông tập trung nuôi đa dạng các loại thủy sản, chủ yếu như cá trôi Trường Giang, rô phi đơn tính, trắm, trôi, mè, chim trắng và mới đây là đưa vào nuôi thử nghiệm 600 cá nheo giống.
(HBĐT) - Theo phòng NN&PTNT huyện Đà Bắc, hiện có hàng nghìn hộ dân đang sinh sống trên địa bàn làm nghề nuôi, đánh bắt thủy sản trên vùng hồ sông Đà. Cuộc sống của bà con ngày càng ổn định hơn nhờ chủ động tận dụng lợi thế mặt nước hồ tự nhiên hơn 6.000 ha để nuôi thủy sản, đồng thời được sự hỗ trợ thiết thực về vốn, giống của các dự án, chương trình lồng ghép phát triển KT-XH.
(HBĐT) - Theo số liệu của Cục Thuế tỉnh, 10 tháng năm nay, toàn tỉnh có 33.890 lượt đối tượng phải nộp tờ khai thuế. Qua công tác quản lý, đôn đốc của cơ quan Thuế, đã có 97,2% đối tượng nộp tờ khai, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2012.
(HBĐT) - Ngày 18/11, thực hiện Chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ xây dựng NTM cấp tỉnh, huyện và xã năm 2013, Chi cục Phát triển nông thôn tổ chức lớp tập huấn đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ tham gia làm công tác xây dựng NTM của 7 xã thuộc thành phố Hoà Bình. Lớp tập huấn diễn ra đến hết ngày 25/11, thu hút hơn 30 học viên là các thành viên của Ban chỉ đạo, Ban quản lý xây dựng nông thôn mới cấp xã.
(HBĐT) - Vụ đông – xuân được huyện Lạc Sơn xác định là vụ sản xuất lớn, loại cây trồng đa dạng và điều kiện thâm canh đạt năng suất cao, quyết định đến kết quả sản xuất cả năm.
(HBĐT) - Trong những năm gần đây, công tác XĐ-GN được các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Cao Phong đặc biệt quan tâm. Bằng những việc làm thiết thực như: hỗ trợ vốn, trao phương tiện sản xuất, hướng dẫn cách làm ăn... đã tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống và thoát nghèo bền vững.