Gia đình anh Bùi Văn Phú, xóm Nam Thượng, xã Nam Thượng (Kim Bôi) phơi thóc vụ chiêm, năng suất đạt 70 tạ/ha.
(HBĐT) - Cứ 3 năm, chúng tôi lại có dịp về thăm vùng quê âm vang tiếng cồng, thơm hương bánh dày, cơm lam. Vùng quê non nước hữu tình ấy là xã Nam Thượng (Kim Bôi). Nam Thượng cách trung tâm huyện 9 km. Đất trồng trọt nằm hai bên đường 12B và bờ sông Bôi. Mùa lúa chín ta đi dọc quốc lộ sẽ có cảm giác như đang lướt trên dòng sông lóng lánh màu vàng. Sau mùa gặt hai bên đường là màu xanh mướt của ngô, bí, khoai lang... Người dân Nam Thượng cần cù sản xuất, không cho đất ngơi nghỉ. Nam Thượng có gần 1000 hộ, 96% là người dân tộc Mường, tổng diện tích gieo trồng cả năm có 890 ha.
Nam Thượng thay đổi nhanh quá, nếu ai về thăm cuối năm nay phải ngỡ ngàng. Tôi đi trong màu nắng nhàn nhạt của tháng 11 ở Nam Thượng, ngắm nhìn vùng quê đổi mới, nhớ. Tiếng máy rộn rã, đường cày sâu lật tung vùng đất màu. Cánh đồng làng vẫn còn thơm mùi lúa vừa gặt xong. Nông dân tấp nập ra đồng trồng ngô, khoai, đậu
Trên đường làng, chúng tôi gặp anh Bùi Văn Nheo, Chủ tịch UBND xã. Anh Nheo quần xắn cao, bàn chân còn lấm tấm đất bùn. Chúng tôi quen nhau đã từ lâu, nay gặp lại, anh Nheo cởi mở: Tôi vừa cùng đi với kỹ sư Văn Bộ, Phó phòng NN&PTNT huyện Kim Bôi để kiểm tra chất lượng mương Tra Hai - Nam Hạ, con mương này dài 1.000 m, rộng 40 cm, đáy bê tông thành gạch, mương nhận nước từ đập, Tra Hai và từ sông Bôi tưới đủ cho 50 ha lúa, hoa màu.
Nghe anh Nheo kể chuyện thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Nam Thượng lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2010 - 2015. Thực hiện chương trình NTM năm 2013, xã bám sát kế hoạch hướng dẫn của huyện về tổ chức chiến dịch toàn dân làm giao thông thủy lợi. Nam Thượng đã phát huy sức mạnh, sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, 10 tháng huy động được 3.320 công lao động làm giao thông nông thôn, chủ yếu là phát quang, đào rãnh thoát nước 12 km, nạo vét 16 km tuyến mương, sửa chữa đường nội đồng 2 km; kiểm tra, bảo dưỡng các hồ, đập đảm bảo tưới tiêu phục vụ sản xuất nông - lâm nghiệp. Năm 2013 trồng mới 43 ha keo, rừng khoanh nuôi bảo vệ được 1.030 ha. Có nguồn rừng phong phú, Nam Thượng đủ nước tưới tiêu cho cây trồng.
Chiều ngày hôm ấy, anh Nheo bận tiếp đoàn cán bộ huyện, anh cử kỹ sư trẻ Bùi Duy Hưng, chuyên viên văn phòng UBND xã đưa tôi đi thăm một số đồng đất trong xã. Hưng đưa tôi đi thăm đồng ngô nếp đang chờ thu hoạch, cánh đồng khoai lang luống vun cao bởi đất Nam Thượng thuộc vùng chiêm trũng, đông vui nhất là cánh đồng nông dân đang làm đất trồng khoai tây. Chúng tôi cùng nhìn về phía đầu thôn Bôi Cả, chiếc máy cày MTZ50 đang qua dốc chở phân bón về ruộng. Kỹ sư Bùi Duy Hưng khoe :Toàn xã hiện có 60 máy cày nhỏ, 3 máy cày kéo lớn. Ở Bôi Cả có hộ anh Bùi Văn Trường, anh Bùi Văn Nghĩa, ở xóm đội 3 hộ anh Bùi Văn Cường. Máy cày lớn các hộ mua hơn 100 triệu đồng. Xã đang mở rộng đường nội đồng sẽ thuận tiện cho máy cày lớn ra tận ruộng chở lúa, ngô, phân bón Kỹ sư Hưng đưa tôi đi thăm một con mương xây từ những năm trước và hai con mương xây dựng mới, đáy, thành mương chắc chắn, kiên cố. Hưng tâm sự: Ngày xưa có câu: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, chính theo câu nói ấy mà Nam Thượng đã đầu tư mạnh vào đắp đập giữ nước, xây mương máng thật nhiều để đủ tưới tiêu cho cây trồng. Nước thì phải nhất rồi, ở thời nào cũng vậy nhưng còn phân, cần, giống phải thay đổi vị trí trong câu. Nông dân Nam Thượng thường nói vui: Nhất nước, nhì giống, tam cần, tứ phân. Giống lúa, giống ngô quan trọng lắm. Đồng chí Bí thư Đảng ủy xã, Chủ tịch UBND xã đều là cử nhân kinh tế, nắm bắt chỉ đạo sản xuất sâu sát, cụ thể như điều hành nước, giống mới, phân bón kịp thời.
Kỹ sư Hưng đưa tôi đến thăm làng văn hóa xã Nam Thượng, nơi đưa giống lúa mới ưU69, giống 838 vào cấy đầu tiên ở xã. Ngay tại nhà văn hóa thôn, chúng tôi gặp anh Bùi Đức Dân, Bí thư chi bộ thôn Bùi Văn Thiên, Trưởng thôn, hai anh đang hội ý bàn về nội dung đẩy mạnh tiến độ trồng ngô đông, khoai tây trong tháng 11. Anh Thiên mời chúng tôi đi thăm đập Tuổn. Nước hồ đập Tuổn xanh biếc in hình núi Thấu và cánh rừng dẻ, rừng trẹo cây cao to tôn thêm vẻ đẹp của vùng quê đầm ấm. Bí thư chi bộ Bùi Đức Dân tâm sự: Hồ đập Tuổn rộng 8 ha nối với hồ là con mương xây dài 2.000 m đủ tưới cho 68 ha hoa màu 2 vụ. Anh Thiên tiếp lời: Thôn Nam Thượng có nhiều ao, đầm, một năm thu 20 tấn cá, chăn nuôi khấm khá cũng nhờ từ cây lúa, ngô
Thôn đã bê tông hóa hầu hết các đường nhánh, còn 2 km đường nội đồng, nhân dân đã tự nguyện hiến đất, năm 2014 sẽ làm nốt.
Hai anh Dân, Thiên đưa tôi đi thăm một số hộ sản xuất giỏi, đến hộ anh Bùi Văn êm Tổ trưởng tổ sản xuất 1. Trước sân nhà, anh êm đang cùng mấy người thu dọn thóc vừa phơi khô để đóng vào bao. Anh êm tâm tình: Lúa Uư69, cây cứng chắc, chịu được hạn, kháng được bệnh. Còn lúa Khang Dân cấy trước đây cây mảnh dẻ dễ đổ khi có gió mạnh, lúa Uư69 vụ mùa mới thu hoạch không đạt năng suất bằng vụ chiêm do năm nay mưa nhiều, cũng giống lúa ưư69 này vụ chiêm vừa qua, toàn xã đạt trên 7 - 8 tấn/ha. Các giống lúa cũ như Khang dân, CR 203 năm được mùa cũng chỉ cho 5 tấn/ha.
Chia tay bà con nông dân ở làng văn hóa Nam Thượng, tôi cùng kỹ sư trẻ Bùi Duy Hưng còn đi thăm một số ruộng trồng ngô ở thôn Nam Hạ, thôn Bãi Xe, cánh đồng Nà Trạo, Nà Đình. Cây ngô ở xã Nam Thượng thường trồng xen ở các đồi keo vừa mới thu, trồng vụ đông - xuân ở các bưa bãi. Năng suất ngô NK66, LVN10 đạt 6 tấn/ha. Gia đình ông Đỗ Văn Hiệp thu từ cây ngô, cây lúa, cây ăn quả và chăn nuôi một năm tổng thu được 900 triệu đồng.
Nhân dân Nam Thượng nhờ sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy Đảng, chính quyền, toàn dân có sự đoàn kết thống nhất nên trong những năm qua, Nam Thượng đã thu được những thắng lợi về kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng. Đời sống nhân dân ổn định, hàng trăm gia đình trở lên giàu có từ lao động sản xuất. Nam Thượng đã và đang thực hiện có hiệu quả chương trình NTM. Là một trong ba xã dẫn đầu huyện Kim Bôi về hệ thống hồ, đập, kênh mương, đường giao thông liên thôn và năng suất cây lúa, ngô. Tin rằng, những năm tiếp theo trong chương trình thực hiện NTM đã được phê duyệt, Nam Thượng vẫn dẫn đầu huyện về sản lượng cây trồng.
Trần Quốc Dũng
(TTV)
(HBĐT) - Toàn tỉnh hiện có 2.450 ha nuôi trồng thủy sản, tăng 11,9% (tăng 262 ha) so với năm 2012.
(HBĐT) - UBND huyên Lạc Thuỷ vừa tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2014.
(HBĐT) - Ngày 27/11, Ban chỉ đạo Dự án PSARD Hòa Bình đã tổ chức phiên họp lần thứ 5. Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ Dự án PSARD tỉnh chủ trì phiên họp.
(HBĐT) - Đồng chí Bùi Văn Binh, Chủ tịch UBND xã Phong Phú (Tân Lạc) cho biết: Từ năm 2010, xã được chọn làm mô hình điểm của huyện xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015. Trong 3 năm qua, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, nhân dân trong xã đã đoàn kết xây dựng KT-XH từng bước ổn định, bộ mặt NTM của xã có nhiều khởi sắc.
(HBĐT) - Huyện Kim Bôi là địa phương có nhiều tiềm lực cho phát triển kinh tế. Có lợi thế về nguồn tài nguyên khoáng sản, nguồn lao động dồi dào, những năm qua, huyện đã có nhiều nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư.
(HBĐT) - Về xã Nhuận Trạch (Lương Sơn) ai cũng biết gia đình chị Nguyễn Thị Hiệp, hội viên hội phụ nữ xóm Đồng Si. Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, nhưng với tinh thần chịu khó, ý thức sáng tạo trong lao động sản xuất, gia đình chị đã vươn lên làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất quê hương.