Ông Trần Phượng, xóm Tân Hương 2, xã Thanh Hối (Tân Lạc) chăm sóc đàn ong trong khu vực vườn của gia đình.
(HBĐT) - Ông Trần Phượng ở xóm Tân Hương 2, xã Thanh Hối, huyện Tân Lạc đến với nghề nuôi ong là một sự tình cờ và gắn bó với nó. Nhưng cái duyên đó bắt đầu từ việc làm quen, nuôi nhỏ lẻ 1-2 đàn đến ham thích nghề nuôi ong và chịu khó học hỏi, rút kinh nghiệm qua thực tế công việc, đã mang lại thu nhập cao cho gia đình.
Đến với nghề nuôi ong một cách tình cờ, năm 1963, sau khi gia đình chuyển từ huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định lên xóm Tân Hương, xã Thanh Hối (Tân Lạc) để làm ăn sinh sống, ông Phượng thấy có những con ong nhỏ đến làm tổ sau nhà. Sau một thời gian, thấy ong tạo được mật nên ông đã nghĩ đến việc đóng những thùng gỗ để cho ong đến làm tổ. Ban đầu, ông chỉ nuôi 1 thùng, 2 thùng để lấy mật phục vụ cho nhu cầu gia đình là chính. Vì mới bắt đầu nuôi, kiến thức nuôi ong không có, kinh nghiệm càng không nên ông đã gặp không ít khó khăn trong việc chăm sóc đàn ong từ việc lấy mật cho đến phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo thức ăn... nhiều khi luống cuống ông bị ong đốt sưng hết cả chân tay. Với sự cần cù, chịu khó và quyết tâm, ông Phượng đã tự tìm hiểu qua sách, báo về kỹ thuật nuôi ong. Sau một thời gian dài tích lũy kinh nghiệm và đọc thêm tài liệu về nuôi ong, ông nhận thấy nuôi ong lấy mật khá đơn giản, không khó nhưng đòi hỏi người nuôi phải khéo léo, tỉ mỉ. Hơn nữa, người nuôi cần phải am hiểu về đặc tính của chúng như xây tổ, chia đàn, am hiểu về các loài hoa, mùa hoa nở, mùa ong đi lấy mật, biết cách luân chuyển đàn ong tìm kiếm những nơi có nguồn mật hoa dồi dào. Từ đó mới có thể duy trì và tăng nhanh số lượng đàn ong. Chia sẻ với chúng tôi về một số kinh nghiệm trong nghề nuôi ong, ông Phượng cho biết: Nuôi ong hiệu quả cao do không tốn diện tích đất, chi phí đầu tư ban đầu thấp và đặc biệt ít tốn công chăm sóc. Tuy nhiên, nuôi ong phải lưu ý đến bệnh thối trùng và tập tính của ong. Ong có tập tính theo mùa, mùa lấy mật có 2 đợt: đợt 1 từ tháng 2 đến tháng 3; đợt 2 vào tháng 10 âm lịch. Đến thời điểm giao mùa, tháng 6, tháng 7, ong có hiện tượng thường bay đi mất vào thời điểm này, nếu không có kinh nghiệm nuôi ong thì dễ mất. Ngoài ra cần phải thường xuyên chú ý đến việc chuyển đàn ong đến các vùng có nhiều hoa để ong hút mật. Công việc này thường phải làm trong đêm, vì khi đó đàn ong đã về tổ ngủ, không bị phân tán đàn và ít bị ảnh hưởng do thay đổi vùng khí hậu đột ngột”...
Hiện nay, với diện tích rộng trên 2.000 m2, gia đình ông có gần 100 thùng ong, mỗi thùng được ông tự thiết kế lấy theo kiểu hình chữ nhật với chiều dài khoảng 45 cm, lòng trong thùng khoảng 42 cm còn sâu, rộng tùy sở thích của mỗi người nuôi. Trong mỗi thùng ông để khoảng 4-5 cầu. Xung quanh nhà ông Phượng đâu đâu cũng thấy thùng ong. Ngồi nhâm nhi chén trà cùng ông mà nhìn những con ong bay qua, bay lại. Khi mùa xuân về, cây trái đâm chồi nảy lộc, hoa lá khoe sắc cũng là lúc những con ong chăm chỉ lại làm nhiệm vụ của mình. Loài cây để ong lấy mật tốt nhất là cây ăn quả, các loại hoa đặc biệt là hoa nhãn, vải và các loại mật ở lá cây keo, cây bạch đàn… Mỗi năm cho ông thu nhập vài trăm lít mật ong với giá hiện nay ông bán từ 160.000 – 170.000đồng/lít mật nên mỗi năm thu nhập từ nuôi ong cũng được từ 70 - 80 triệu đồng. Ngoài nuôi ong, gia đình ông còn trồng thêm 10 ha cây keo tai tượng và nhiều loại cây cảnh khác nhau. Nhờ trồng rừng, nuôi ong lấy mật mà gia đình ông vừa có mật ong để sử dụng, vừa góp phần phát triển kinh tế gia đình ngày càng khá giả sung túc. Ông Phượng chia sẻ: “Mật ong miền núi được mọi người ưa chuộng, nhiều người đến mua và đặt hàng nên mật làm ra không bao giờ bị ế.
Qua tìm hiểu và thăm quan thực tế tại mô hình nuôi ong lấy mật của ông Trần Phượng, chúng tôi nhận thấy hiệu quả từ mô hình nuôi ong lấy mật, ngoài lợi ích về kinh tế, còn tạo việc làm cho người lao động lúc nông nhàn, phù hợp với mọi lứa tuổi, mọi giới miễn là có sự đam mê về nuôi loài này, nhất là ở các vùng có diện tích vườn đồi, nhiều cây lâm nghiệp, trang trại trồng trọt, cây ăn quả…
Hoàng Huy
(HBĐT) - Ngày 26/2, Quỹ tín dụng nhân dân (TDND) liên phường Phương Lâm - Đồng Tiến tổ chức Đại hội thành viên thường niên tổng kết hoạt động kinh doanh năm 2013, đề ra phương hướng hoạt động năm 2014.
(HBĐT) - Ngày 25/2, Ngân hàng CSXH huyện Tân Lạc tổ chức hội nghị tổng kết công tác tín dụng năm 2013, triển khai nhiệm vụ năm 2014.
(HBĐT) - Tính đến ngày 24/2/2014 toàn huyện Lạc Thủy đã cấy được 1.388 ha lúa chiêm xuân 2013 – 2014, đạt 96,2% kế hoạch. Diện tích cấy trước Tết nguyên đán là 1.100 ha, chiếm 76,2%, cấy từ sau Tết đến nay 288 ha, chiếm 20%.
(HBĐT) - Hợp Thịnh là xã điểm xây dựng NTM của tỉnh, mặc dù đời sống người dân còn nhiều khó khăn nhưng xã đang là điểm sáng của huyện Kỳ Sơn trong phong trào xây dựng NTM. Đầu tiên phải kể đến phong trào hiến đất làm đường của người dân nơi đây. Ở xóm Trung Thành A, gia đình ông Dương Văn Tấn được coi là một trong những hộ gương mẫu, đi đầu trong phong trào hiến đất. Ngay sau khi có chủ trương của xã, gia đình đã tự nguyện hiến 225 m2 đất vườn cho xóm làm sân chơi thể thao, trị giá khoảng 58 triệu đồng.
(HBĐT) - Đồng chí Bùi Văn Vưn, Chủ tịch UBND xã Nhân Nghĩa (Lạc Sơn) cho biết: Là xã điểm xây dựng NTM của huyện, trên cơ sở đề án được UBND huyện phê duyệt, Đảng ủy xã tổ chức triển khai, quán triệt trong cán bộ, đảng viên và ra nghị quyết lãnh đạo.
(HBĐT) - Trong năm 2013, huyện Lương Sơn đã cứng hóa đường trục xóm, liên xóm và đường ngõ xóm được 20,201 km, nâng cấp 18,12 km với tổng kinh phí 57.216 triệu đồng, cứng hóa 31,6 km, đạt 36,8%.