BQL Dự án Giảm nghèo tỉnh, huyện chia vui với bà con nông dân xã Bảo Hiệu (Yên Thủy) về thành công của liên kết trồng và tiêu thụ mía đường nguyên liệu.

BQL Dự án Giảm nghèo tỉnh, huyện chia vui với bà con nông dân xã Bảo Hiệu (Yên Thủy) về thành công của liên kết trồng và tiêu thụ mía đường nguyên liệu.

(HBĐT) - Chưa bao giờ trên đồng đất các xã nghèo, vùng nghèo lại rộn rã, đông vui như ngày bà con dân tộc thiểu số tham gia hoạt động liên kết thị trường tổ chức thu hoạch sản phẩm mía, gừng giao cho đối tác. Trong mắt bao người ánh lên niềm hân hoan bởi sau một năm nỗ lực giữa các bên liên quan, hoạt động đã mang về kết quả mong đợi.

 

Trên 223 ha mía, 13 ha gừng, gần 7 ha và 32 km đường biên rào mây nếp là những con số thống kê ấn tượng về diện tích thực hiện các liên kết trong khuôn khổ Dự án Giảm nghèo. Cùng với đó, 57 nhóm đồng sở thích với hơn 1.100 hộ, đa số là hộ dân tộc thiểu số nghèo ở các xã trên địa bàn huyện Đà Bắc, Tân Lạc, Mai Châu, Yên Thủy được thu hút tham gia. Trong khi hiện nay, nhiều sản phẩm hàng hóa bà con nông dân làm ra bị tồn đọng, không tiêu thụ  được trên thị trường thì ở liên kết này, hộ nghèo tham gia không phải lo “đầu vào” lẫn “đầu ra” sản phẩm. Giống, phân bón đã có Dự án Giảm nghèo hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm đã có đối tác DN lo. Điều này dấy lên niềm tin và sự lạc quan đối với hộ dân khi thực hiện liên kết thị trường.   

 

Để hoạt động vừa hiệu quả, vừa bền vững, quá trình triển khai các liên kết luôn có sự phối hợp chặt chẽ 3 bên từ bước tổ chức họp thôn, bản lấy ý kiến người dân đến lựa chọn địa bàn, giống cây có giá trị kinh tế cao, thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, tập quán canh tác địa phương. Nếu như ở các xã vùng dự án của huyện Đà Bắc, Yên Thủy, Tân Lạc lựa chọn trồng mía đường nguyên liệu, mây nếp thì ở huyện vùng cao Mai Châu, cây gừng được đưa vào trồng trên địa bàn xã vùng dự án Ba Khan. Quy trình kỹ thuật từ khi chuẩn bị triển khai làm đất trồng, bón phân, hom cây, lấp đất lên cây đến các thời điểm quan trọng của quá trình chăm sóc, thu hoạch đều được tập huấn, hướng dẫn tỉ mỉ.

 

Sức sống của cây khi được trồng trên đồng đất phù hợp, năng suất, sản lượng cao, thậm chí vượt trên mong đợi là minh chứng rõ ràng cho hiệu quả của hoạt động của các liên kết thị trường. Theo đối tác doanh nghiệp mía đường Việt - Đài và Công ty mía đường Hòa Bình việc tuân thủ đúng các quy trình kỹ thuật, giống tốt, diện tích mía ở địa bàn huyện Yên Thủy, Tân Lạc, Đà Bắc đạt trữ lượng đường cao, năng suất bình quân 75 tấn/ha. Một số diện tích nhờ chăm sóc tốt đạt năng suất tới 100 -115 tấn/ha. Các điều, khoản trong hợp đồng ký kết được các bên liên quan tuân thủ thực hiện nghiêm túc, không có hiện tượng phá vỡ liên kết. Các liên kết này cũng thu hút số hộ tham gia đông đảo nhất với gần 1.000 hộ, tổng diện tích trồng 223 ha, 100% diện tích sẽ thu hoạch gọn trong tháng 3. Đối với diện tích hơn 10 ha gừng trồng liên kết ở huyện Mai Châu, qua tổng kết đã thu được hơn 309 tấn sản phẩm với giá thu mua 5.500 đồng/kg, cao hơn 1.000 đồng/kg so với giá trong hợp đồng ký kết.

 

Kết quả hạch toán cuối vụ thu hoạch, các nhóm, hộ SX mừng rỡ bởi cùng với năng suất, sản lượng đạt cao hơn đề xuất, giá trị sản phẩm, lợi nhuận thu được rất khả quan. Cụ thể đối với cây gừng với tổng chi phí vốn WB thực tế gần 600 triệu đồng, tổng giá trị sản phẩm đạt được trên 1,1 tỷ đồng, bình quân giá trị sản phẩm đạt 137 triệu đồng trên mỗi ha. Với trồng mía nguyên liệu, giá trị sản phẩm bình quân đạt 67,5 triệu đồng/ha, sau khi trừ chi phí đầu tư vốn WB, lợi nhuận bình quân đạt xấp xỉ 35 triệu đồng/ha. Ông Bùi Văn Dương, Trưởng nhóm đồng sở thích trồng mía xóm Yên Tân, xã Lạc Lương hào hứng: Trừ chi phí, người dân còn thu lãi hơn nửa. So với các loại cây nông sản khác đang trồng ở xã như ngô, dong riềng, sản phẩm gừng liên kết rõ ràng có giá trị cao hơn, nhà nông lại không phải lo tìm mối tiêu thụ vì đã có DN cam kết bao tiêu sản phẩm.

 

       

Khách hàng của doanh nghiệp đối tác liên kết bao tiêu sản phẩm kiểm tra chất lượng gừng trồng tại vùng Dự án xã Ba Khan (Mai Châu).         

 

Có một thuận lợi là liên kết thị trường đã nhận được sự ủng hộ từ phía nhà quản lý các cấp tại địa phương cùng chung mục tiêu thúc đẩy giảm nghèo bền vững. Hiện 15 liên kết ở 5 huyện vùng dự án đã cơ bản hoàn thành, những hộ tham gia có nguồn thu nhập không nhỏ để cải thiện cuộc sống. Một chu kỳ trồng liên kết mới lại được khởi động. Nhận thấy hiệu quả hoạt động liên kết thị trường, hàng trăm hộ nghèo chưa thực hiện liên kết đã đề xuất mở rộng và đề nghị được gia nhập nhóm đồng sở thích. Hầu hết các hộ ở chu kỳ đầu đều bày tỏ nguyện vọng tiếp tục tham gia ở chu kỳ kế tiếp. Hiện nay, diện tích mía nguyên liệu hợp đồng liên kết mới tại huyện Yên Thủy đã tăng thêm 70 ha. Công ty mía đường Hòa Bình dự kiến mở rộng thêm diện tích trồng nguyên liệu tại huyện Lạc Sơn. Chu kỳ thứ hai của liên kết gừng trồng tại huyện Mai Châu cũng mới bắt đầu với diện tích đã trồng hơn 4 ha.

 

Bên lề hoạt động liên kết trồng và tiêu thụ, đồng bào dân tộc thiểu số nghèo hưởng lợi có thể phát triển thêm các hoạt động tăng nguồn sinh kế khác như chăn nuôi gia súc để tận dụng phụ phẩm lá, ngọn mía. Trong tương lai gần, các nhóm đồng sở thích sẽ được nâng lên thành các tổ hợp tác, HTX đảm bảo yêu cầu quản lý kinh tế tự chủ, dự kiến trong năm nay sẽ tiến hành làm điểm ở huyện Yên Thủy. Hoạt động liên kết thị trường sẽ ngày càng đa dạng loại hình ở năm tiếp theo, thêm nhiều triển vọng với việc mở rộng một số liên kết mới tạo nhóm SXHH tốt, hộ dân tìm được thị trường tiêu thụ ổn định, tiếp tục có được thành quả xứng đáng khi tham gia liên kết, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH ở địa phương.

 

                                                                                   

                                                                         Lạc Bình

 

 

Các tin khác


Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Huyện Lạc Sơn: Tổng đàn vật nuôi có trên 1,3 triệu con

Theo báo cáo của UBND huyện Lạc Sơn, hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện đạt trên 1,3 triệu con.

Đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn thành lập thị xã Lương Sơn

Ngày 26/4, Ban chỉ đạo hoàn thiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn của tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn. Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì hội nghị.

Cựu chiến binh huyện Lạc Thủy thi đua làm kinh tế giỏi

Những năm qua, phong trào "Cựu chiến binh (CCB) thi đua làm kinh tế giỏi" trên địa bàn xã Hưng Thi (Lạc Thủy) có sức lan tỏa sâu rộng, được các hội viên nhiệt tình hưởng ứng. Từ phong trào xuất hiện nhiều CCB điển hình, gương mẫu trong phát triển kinh tế, trở thành tấm gương trong lao động sản xuất, đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục