Gia đình bác Hà Văn Dân (Tân Sơn, Toàn Sơn) có nguồn thu đa dạng từ chăn nuôi bò, gà, lợn và phát triển kinh tế đồi rừng. Riêng đàn bò của gia đình hiện ước tính trị giá trên 100 triệu đồng.
(HBĐT) - Trở lại xóm Tân Sơn (xã Toàn Sơn, huyện Đà Bắc) sau lần đến cách đây gần 7 năm, nay thấy miền quê này có nhiều điều đổi thay đáng mừng. Trên đồng bãi dưới chân đồi Hang Ản, xen lẫn những vườn ngô là những vườn bưởi Diễn, thanh long đỏ. Ngồi cùng xe máy với trưởng thôn Đinh Công Hà đi dọc xóm, cảm nhận được một cuộc sống thanh bình yên ả của miền sơn cước. Trên con đường bê tông (toàn xóm có khoảng 5 km, hầu hết đều dẫn đến các gia đình bằng các nhánh), những đàn bò đủng đỉnh bước vào ngày chăn thả mới. Không giấu nổi niềm vui, bác Trưởng thôn chia sẻ: Năm 2013, với những nỗ lực từ nhiều phía, nhất là sức mạnh nội lực của các gia đình và cộng đồng, Tân Sơn đã được tỉnh tặng cờ cho khối các thôn, xóm có thành tích cho phong trào thi đua xây dựng NTM…
Không phải một sớm, một chiều để có một Tân Sơn phát triển và trù phú như hôm nay. Thời những hộ dân từ vùng lòng hồ chuyển đến (năm 1985), vùng đất này toàn lau lách với những triền đồi thoai thoải, đìu hiu. Bác Hà Văn Dân, một trong những người đầu tiên đến đây lập làng mới nhớ lại, lúc đó, không có diện tích cấy lúa nước, các hộ chỉ biết trông chờ những mùa khoai, sắn năng suất thấp, chuyện bữa no, bữa đói là chuyện thường diễn ra chứ chưa nói đến chuyện có của ăn, của để. Nhưng từ trong gian khó đó, người dân Tân Sơn đã nắm bắt được những cơ hội để đổi đời. Trong đó, bà con đã nhận được sự quan tâm, đầu tư của các cấp, ngành. Từ năm 1987, điện lưới đã đem lại ánh sáng mới cho các hộ dân nơi đây. Rồi các lớp tập huấn chuyển giao KHKT, chăn nuôi, trồng cây ăn quả, kỹ thuật thâm canh ngô… được triển khai tại miền quê này. Trong định hướng chung của các cấp uỷ, chính quyền, cùng sự học hỏi cách làm ăn, phát triển kinh tế, xây dựng quê hương, đồng bào các dân tộc nơi đây đã làm quen dần với sản xuất hàng hoá. Năng động và chịu khó học hỏi, bà con Tân Sơn đã “giải” được các bài toán về phát triển kinh tế: cũng số diện tích này, trồng cây gì để có hiệu quả kinh tế. Một thời cả xóm trồng mía trắng cho nhà máy đường, đem lại sức bật khởi đầu cho các hộ đã chứng minh cho sự lựa chọn đó (năm 1995, xóm trồng tới 45 ha mía đường). Dần theo thời gian, cùng với việc nắm bắt nhu cầu thị trường cũng như hiệu quả của đưa tiến bộ mới trong thâm canh cây ngô, từ năm 2005, bà con đã đưa những giống ngô lai cho năng suất cao về trồng ở đất bãi. Mỗi năm, cả xóm trồng tới 84 ha ngô (trong đó, ngô bãi có 42 ha). Nếu trước đây, năng suất ngô chỉ dao động ở mức 40 tạ/ha, nay đã đạt bình quân từ 65 -70 tạ/ha. Cây ngô đem lại nguồn thu nền tảng cho bà con (tạo nguồn lương thực, phục vụ cho chăn nuôi, là hàng hoá trao đổi mua-bán nhằm trang trải cuộc sống). Từ năm 2005 đến nay, Tân Sơn liên tục được mùa ngô đã tạo cho bà con một cuộc sống khá no đủ và từng bước có tích luỹ. Cây ngô đã là chỗ dựa cho hầu hết các hộ vào những lúc chuyển giao khó khăn, nhất là thời điểm bỏ hẳn cây mía…Khi cuộc sống đã khấm khá cũng là lúc nhiều hộ tiếp tục có những tìm tòi và áp dụng những kiến thức có được trong phát triển gia đình. Nhiều hộ đã mạnh dạn có các bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm đạt được hiệu quả cao nhất trong làm ăn. Nhiều điển hình làm ăn khá hiệu quả đã xuất hiện ở Tân Sơn. Gia đình anh Bùi Văn Mịu đã trải qua nhiều cây, con trong phát triển và nay gia đình anh đang say sưa, tâm huyết với vườn bưởi Diễn, thanh long. Anh cho biết, với diện tích này, nếu trồng ngô cũng chỉ được 2 tấn hạt/năm (bán được 6 triệu đồng). Năm 2013, cũng trên phần diện tích này, lứa bưởi Diễn thứ hai của gia đình đã bán được trên 40 triệu đồng. Năm 2014, thêm nhiều cây đến kỳ thu hoạch, chắc chắn gia đình có nguồn thu nhiều hơn. Ở Tân Sơn còn có nhiều hộ có vườn bưởi trên 100 cây như gia đình anh Hà, Khắc Hùng, Như, Tuyên…Một số vườn đã cho nguồn thu đáng kể. Trong khi nhiều hộ khác trồng cây ăn quả, bác Hà Văn Dân lại mở trang trại nuôi gà đồi (mỗi năm bán được hàng tạ gà thương phẩm, giá bán tại vườn được 120.000 đồng/kg), chăn nuôi bò (10 con, giá bán hiện nay 15-16 triệu/ con). Từ ngày chăn thả gà đồi, mô hình chăn nuôi của bác Dân đã tác động, thúc đẩy nhiều hộ khác có hẳn các trang trại gà đồi như gia đình ông Hùng, ông Dung. Nhiều hộ cũng đã đầu tư chăn thả đàn bò đem lại nguồn thu lớn (xóm hiện có 140 con bò)…Chịu khó làm ăn và đạt hiệu quả, cuộc sống của người dân Tân Sơn đã có sự đổi thay đáng kể. Năm 2013, mức thu nhập bình quân ở xóm đạt 13,7 triệu đồng/năm. Trong 67 hộ (253 nhân khẩu), hết năm 2013, số hộ nghèo đã giảm xuống còn 16 hộ (giảm 5 hộ so với năm 2012). Cả xóm chỉ còn 1 nhà tạm. Các điều kiện phục vụ cho nhu cầu đi lại, thưởng thức thông tin, VH-TT được đáp ứng với 100% số hộ có ti vi và 78 xe máy. Mong ước thoát nghèo ở Tân Sơn đã và đang thành hiện thực. Điều trăn trở ở Tân Sơn hiện nay chỉ là làm sao giúp các hộ nghèo còn lại thoát nghèo, nguồn nước sinh hoạt được cải thiện hơn. Bên cạnh đó, bà con đang nghĩ kế để làm sao xây dựng được Nhà văn hoá thôn, bản mới. Điều ai cũng thấy rằng, một làng văn hoá lại không có nhà văn hoá khó có thể chấp nhận. Điều đó cũng có thể thành hiện thực, vì từ năm 1985 đến nay, chưa việc gì mà bà con nơi đây đồng lòng, đồng sức làm lại không thành công.
Văn Tưởng
(HBĐT) - Dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 433 đoạn km 0 - km 23 (TP.Hòa Bình đi Đà Bắc) có tổng mức đầu tư 988 tỷ đồng (trong đó, xây lắp 691,3 tỷ đồng; chi phí tư vấn và chi phí khác: 35,9 tỷ đồng; GPMB: 62 tỷ; dự phòng: 199 tỷ đồng). Công trình được triển khai thi công từ tháng 12/2012, thời gian thực hiện 48 tháng. Hiện nay, chủ đầu tư đang phối hợp với các địa phương tập trung giải phóng mặt bằng, chỉ đạo nhà thầu thi đẩy nhanh tiến độ thi công nhằm bảo đảm kế hoạch.
(HBĐT) - Theo rà soát, tổng hợp của hệ thống thú y, trên địa bàn tỉnh hiện có 68 cơ sở chăn nuôi gia cầm quy mô lớn, trong đó có 55 cơ sở chăn nuôi gà thương phẩm sản xuất được khoảng hơn 2 triệu con xuất chuồng/năm, sản lượng thịt hơi gần 5.800 tấn, có 20 trang trại chăn nuôi lợn nái và hậu bị quy mô từ 300 - 3.000 con, cung cấp khoảng 15.000 con lợn giống, 19.100 con lợn hậu bị/năm. Ngoài ra còn có hàng trăm gia trại chăn nuôi trong nông hộ có thể phát triển chăn nuôi một số con nuôi đặc sản như lợn bản địa, don, nhím. Tổng đàn gia súc, gia cầm của tỉnh gồm gần 105.000 con trâu, bò, dê, hơn 5,3 triệu con gà, vịt.
(HBĐT) - Liên Bộ KH&ĐT và Tài chính vừa ban hành Thông tư liên tịch số 02/2014/TTLT-BKHĐT-BTC hướng dẫn lồng ghép các nguồn vốn thực hiện Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30A/2008/NQ-CP của Chính phủ.
(HBĐT) - Ngày 21/3, trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh đã phối hợp với huyện Tân Lạc mở sàn giao dịch việc làm phiên thứ I năm 2014 tại xã Lỗ Sơn.
(HBĐT) - Ngày 21/3, Công ty Điện lực Hòa Bình đã tổ chức hội nghị đại biểu người lao động nhằm đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội CNVC năm 2013, bàn biện pháp thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2014. Tham dự có 132 đại biểu đến từ các phòng chức năng của Công ty và đơn vị cơ sở.
(HBĐT) - Quốc lộ 6 lên Tây Bắc có vai trò đặc biệt quan trọng. Chủ đầu tư tập trung chỉ đạo nhà thầu và các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ dự án cấp bách kiên cố hóa, khắc phục sạt lở mái taluy (đoạn qua Hòa Bình) nhằm phòng tránh đất, đá sạt lở, gây ách tắc giao thông, phục vụ nhu cầu đi lại an toàn của người tham gia giao thông, nhất là chuẩn bị bước vào mùa mưa bão.