Ông Vũ Duy Bổng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP BĐS An Thịnh - Hòa Bình ký kết hợp đồng đóng tàu du lịch chất lượng cao phục vụ khai thác du lịch lòng hồ sông Đà. ảnh: P.V
(HBĐT) - Công ty CP BĐS An Thịnh - Hòa Bình đã hoàn tất mua 100% Công ty CP Du lịch Hòa Bình và tổ chức khai trương Công ty CP Du lịch An Thịnh, chính thức bước vào lĩnh vực kinh doanh dịch vụ du lịch, trên nền bản sắc Hòa Bình độc đáo và có sức hút cao. Chủ tịch HĐQT Công ty CP BĐS An Thịnh - Hòa Bình đã chia sẻ với phóng viên Báo Hòa Bình xung quanh việc đầu tư phát triển du lịch với tư duy mới chuyên nghiệp, chất lượng dịch vụ đẳng cấp hơn, mang phong cách An Thịnh.
P.V: Thưa ông, là doanh nghiệp hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng, lý do nào khiến ông quyết định mở rộng đầu tư kinh doanh sang lĩnh vực du lịch?
Ông Vũ Duy Bổng: Thật ra 18 năm trước, chúng tôi đã bắt đầu kinh doanh các dịch vụ lưu trú, nhà hàng, khách sạn. Chúng tôi có 3 khách sạn hoạt động khá thành công, 2 khách sạn ở Thủ đô Hà Nội và 1 khách sạn tại khu du lịch Tam Đảo - Vĩnh Phúc. Bây giờ, quyết định đầu tư sang lĩnh vực dịch vụ du lịch trong khi gần 10 năm nay, lĩnh vực hoạt động chủ yếu của chúng tôi là làm chủ đầu tư một số dự án trọng điểm và xây dựngcơ sở hạ tầng KCN tại Hòa Bình,
Xây dựng cơ sở hạ tầng KCN tại Hòa Bình, chúng tôi thấy, đầu tư sang lĩnh vực mới cũng đúng mà hiểu là quay về với một trong những lĩnh vực kinh doanh truyền thống nhưng đòi hỏi tiêu chuẩn cao hơn, chuyên nghiệp hơn, đẳng cấp hơn với tư duy mới hơn cũng không phải là không có cơ sở.
Có duyên với Hòa Bình từ những năm 2005, Hòa Bình trong suy nghĩ và tình cảm của cá nhân tôi đó là vùng đất rất đẹp, giàu bản sắc, truyền thống. Hòa Bình có địa hình đồi núi, rừng nguyên sinh, sông, hồ, hang động, bản, làng... rất đẹp. Văn hóa Hòa Bình có từ lâu đời, đặc biệt là văn hóa Mường vốn được xem là cái nôi của văn minh người Việt cổ. Những yếu tố thuận lợi đó phát triển du lịch tại Hòa Bình là nguồn tài nguyên rất quý giá. Với mong muốn được làm một điều gì đó góp phần nhỏ bé của mình vào phát triển dịch vụ du lịch tại địa phương, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa Hòa Bình, chúng tôi mạnh dạn mở rộng đầu tư sang lĩnh vực dịch vụ du lịch.
P.V: Theo ông, khó khăn lớn nhất đối với Công ty An Thịnh khi đầu tư khai thác tiềm năng du lịch vào tỉnh Hòa Bình?
Ông Vũ Duy Bổng: Tất nhiên, khi kinh doanh chúng tôi phải nghĩ đến lợi nhuận. Nhưng tôi lại không đặt quá nặng việc phải cân đong, đo đếm giá trị lợi nhuận cụ thể trong trường hợp này. Đầu tư cho bảo tồn và phát triển văn hóa là đầu tư cho phát triển bền vững và cao hơn hết là thể hiện tình cảm của mình đối với quá khứ và trách nhiệm của mình đối với tương lai. Giá trị mà chúng ta có được không phải chỉ là lợi nhuận đơn thuần, giá trị tinh thần, giá trị văn hóa là điều có ý nghĩa lớn lao hơn nhiều. Khi ấy, chắc chắn chúng tôi sẽ đạt được giá trị vật chất rất cụ thể. Trong quá trình cùng các cán bộ của mình đi khảo sát, đánh giá các tuyến điểm du lịch tại Hòa Bình, tôi rất chạnh lòng và thật sự thấy xót khi thấy nhiều hang động xuống cấp. Trong câu chuyện này, Nhà nước không là chưa đủ mà cần phải xã hội hóa, ngược lại, doanh nghiệp không cũng chưa đủ, phải có Nhà nước tham gia cùng để có cơ chế và chính sách quản lý, tạo điều kiện tối đa để doanh nghiệp chúng tôi mạnh dạn đầu tư.
P.V: Từ trước đến nay, không nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch thành công tại Hòa Bình. Vậy, Công ty CP Du lịch An Thịnh đã có trong tay những gì để đầu tư khai thác tài nguyên du lịch hiệu quả ở Hòa Bình?
Ông Vũ Duy Bổng: Chúng tôi có được cái lớn nhất là tấm lòng, tình yêu của mình đối với đất và con người Hòa Bình. Không dám nhận là đột phá, chuyên nghiệp... nhưng vì chúng tôi có được tấm lòng và tình yêu đối với quê hương Hòa Bình mà trong quá trình xây dựng và phát triển các sản phẩm dịch vụ du lịch mang đậm bản sắc văn hóa Hòa Bình, chúng tôi nhận được rất nhiều sự đồng cảm, chia sẻ, giúp sức tận tâm của những người anh, người bạn là các nhà văn hóa lớn, nhà khoa học lịch sử, khảo cổ học, dân tộc học, xã hội học, nhạc sĩ... sự ủng hộ của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND, lãnh đạo Sở VH-TT&DL tỉnh Hòa Bình. Bên cạnh đó, với phương châm làm thật, chúng tôi sẵn sàng đầu tư tài chính để phát triển các dịch vụ lưu trú, dịch vụ gia tăng đạt chuẩn. Đặc biệt là việc xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân sự giỏi chuyên môn, nhiều kinh nghiệm, nhiệt huyết trong công việc.
P.V: Ông có thể cho biết về một số định hướng của Công ty CP Du lịch An Thịnh tại Hòa Bình?
Ông Vũ Duy Bổng: Công ty CP Du lịch An Thịnh tại Hà Nội là cánh tay nối dài của Công ty CP Bất động sản An Thịnh - Hòa Bình trong phát triển các dịch vụ lữ hành nội địa và quốc tế, truyền thông, quảng cáo, tổ chức sự kiện, các dịch vụ về vận chuyển, vé máy bay, visa..., trong đó, chúng tôi đặt trọng tâm cho việc xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa tại Hòa Bình, tập trung tổ chức lữ hành, giới thiệu và thu hút du khách đến với Hòa Bình, nhất là sau khi các dịch vụ hoàn chỉnh.
Trước mắt, Công ty chúng tôi đầu tư 85 tỷ đồng để xây dựng lại khách sạn Hòa Bình 1 và Hòa Bình 2. Dự kiến trong khoảng thời gian ngắn nhất từ 14 - 16 tháng hoàn tất 2 khách sạn nhà sàn mang đặc trưng văn hóa, kiến trúc người Mường đạt chuẩn 3 sao. Đồng thời, chúng tôi đã ký kết với đối tác để đầu tư đóng tàu du lịch cao cấp đạt chuẩn 3 sao trên lòng hồ Hòa Bình. Đó là tàu 2 thân, 100 ghế, tổng sức chứa 200 người, không chỉ vận chuyển khách mà còn có công năng tổ chức các sự kiện, thưởng ngoạn cảnh đẹp trên lòng hồ. Nội thất tàu hiện đại, công suất máy đảm bảo với tổng trị giá 30 tỉ đồng. Đối với nhóm khách nhỏ và vừa (từ 20 - 50 khách), chúng tôi sẽ có 3 tàu nhỏ cũng với thiết kế đẹp, sang trọng, hiện đại tổng trị giá 21 tỉ đồng. Tàu dự kiến hạ thủy vào tháng 11/2014 cùng lúc khánh thành KS Hòa Bình 1, sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu cho du khách khi du lịch trên lòng hồ.
Sắp tới, chúng tôi sẽ có báo cáo chính thức với lãnh đạo tỉnh để đề nghị xin làm chủ đầu tư 1 hòn đảo, 2 hang động. Nếu được chấp thuận, trước mắt, trong năm 2015, chúng tôi sẽ tập trung xây dựng các dịch vụ ăn uống đạt chuẩn 3 sao có thể phục vụ cho từ 400 - 500 khách/ngày, sau đó sẽ xây dựng nơi lưu trú cao cấp để đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài nước, đặc biệt là khách châu âu và khách Pháp.
Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ liên kết với một số hộ dân bản địa tại các bản, xóm đồng bào Mường, Mông, Thái... để xây dựng các dịch vụ lưu trú, trải nghiệm cuộc sống cộng đồng đạt chất lượng. Tổ chức các cuộc mạn đàm, hội thảo chuyên đề với sự góp sức của các nhà khoa học đầu ngành, có uy tín nhằm đánh thức tiềm năng văn hóa Hòa Bình trong phát triển kinh tế dịch vụ của địa phương, tiến hành khảo sát, đánh giá chất lượng toàn bộ các điểm đến có thể tạo sản phẩm du lịch của Hòa Bình, mạnh dạn đề xuất với lãnh đạo tỉnh tham gia xã hội hóa một số điểm nổi bật, đang cần bảo tồn và khai thác hợp lý, xây dựng các sản phẩm truyền thông đa dạng để quảng bá du lịch Hòa Bình đến thị trường trong và ngoài nước... Hy vọng rằng, sự nỗ lực của An Thịnh sẽ là đòn bẩy và là chất men xúc tác để ngày càng có nhiều hơn nữa doanh nghiệp trong nước và FDI đầu tư cho phát triển dịch vụ du lịch tại Hòa Bình.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Lê Chung (T.H)
(HBĐT) - Ngày 28/3/2014, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã có ý kiến về việc gia hạn thời gian thực hiện và thanh toán vốn trái phiếu Chính phủ kế hoạch năm 2013 của dự án thủy lợi tỉnh Hòa Bình.
(HBĐT) - Quý I, ngành NN& PTNT đã thành lập 2 đoàn kiểm tra các cơ sở sản xuất, giết mổ, sơ chế, chế biến, kinh doanh nông, lâm, thuỷ sản tại TP Hoà Bình và các huyện: Cao Phong, Kim Bôi, Lạc Thủy, Kỳ Sơn, Lương Sơn, Yên Thủy. Đoàn kiểm tra 146 cơ sở, trong đó có 91 hộ kinh doanh thịt (lợn, bò và gia cầm), 8 hộ kinh doanh gia cầm sống, 15 hộ kinh doanh thủy sản, 1 cơ sở sơ chế thịt lợn, 4 cơ sở chế biến, 12 cơ sở giết mổ và 15 cơ sở chăn nuôi.
(HBĐT) - Ngày 13/3/2012, Chính phủ ban hành Nghị định số 18 quy định Quỹ bảo trì đường bộ và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2013. Theo đó, phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, bao gồm: xe ô tô, máy kéo; rơ moóc, sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô, máy kéo và xe mô tô hai bánh, xe mô tô 3 bánh, xe gắn máy thuộc đối tượng chịu phí sử dụng đường bộ.
Từ 0 giờ ngày 1-4, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã có điều chỉnh giảm giá dầu diesel, dầu mazut và dầu hỏa trong khi giữ nguyên giá xăng theo chỉ đạo của Bộ Tài chính.
(HBĐT) - 3 tháng đầu năm, lực lượng QLTT đã phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, kiểm soát, tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và các hành vi gian lận thượng mại. Tổng số đã kiểm tra, kiểm soát 702 vụ, qua đó, phát hiện và xử lý 539 vụ vi phạm. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính và trị giá hàng hóa tịch thu 999,91 triệu đồng, trong đó, phạt vi phạm hành chính gần 716,5 triệu đồng; trị giá hàng tịch thu xấp xỉ 263,5 triệu đồng.
(HBĐT) - Về huyện Yên Thủy những ngày này, đến đâu cũng thấy nói về chuyện xây dựng NTM, các gia đình chủ động chỉnh trang nhà cửa, các xã thi đua lao động sản xuất. Với người dân Yên Thủy, họ đã hiểu xây dựng NTM là làm cho chính mình. Diện mạo nông thôn của huyện từng bước khởi sắc. Huyện đang từng bước thực hiện dồn điền, đổi thửa xây dựng cánh đồng mẫu lớn cho thu nhập cao với diện tích đã dồn đổi được 82,72 ha đất nông nghiệp. Đây được coi là điển hình trong xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn liên kết giữa 3 nhà, là bước đệm quan trọng để Yên Thủy thực hiện thành công chương trình xây dựng NTM.