Công chức có thể được vay đến 300 triệu hỗ trợ lãi suất trong gói 30 nghìn tỷ đồng.
Gói ưu đãi mua nhà ở xã hội 30 nghìn tỷ đồng mới chỉ “sống” ở các thành phố lớn, chứ chưa “màng” tới công chức tỉnh lẻ, nơi không có các dự án chung cư nhà ở xã hội, khiến một lượng lớn người lao động cảm giác bị chính sách “bỏ rơi”.
Chính sách không “màng” tỉnh lẻ
Đi làm đã hơn chục năm, anh Trần Việt – một phó phòng ở UBND thị xã Bỉm Sơn (Thanh Hóa) mới chỉ tích cóp được chút tiền, cùng với sự hỗ trợ của gia đình, mua một mảnh đất nho nhỏ ở thị xã Bỉm Sơn. Tuy nhiên, hai vợ chồng trẻ vẫn phải ở nhờ nhà bố mẹ, do chưa có tiền xây nhà.
Nghe thông tin về gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng, anh Việt tìm đến một phòng giao dịch ngân hàng Vietinbank – một trong năm ngân hàng được chỉ định thực hiện chương trình – để tìm hiểu. Tại đây, anh được nhân viên ngân hàng cho biết, dù anh là công chức, và điều kiện thu nhập và tài sản thế chấp của anh đáp ứng được điều kiện để ngân hàng vui lòng cho anh vay 250 triệu đồng như đề nghị, nhưng anh không thể vay trong khuôn khổ gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng, do anh vay để xây nhà chứ không phải để mua nhà thuộc dự án nhà ở xã hội hay dự án nhà thương mại giá rẻ có diện tích dưới 70m2 giá dưới 15 triệu đồng/m2.
“Thanh Hóa chỉ có dự án nhà ở cho người thu nhập thấp ở thành phố Thanh Hóa, chứ ở các thị xã nhỏ, các huyện lỵ, thì không có nhà ở xã hội, chung cư thương mại giá rẻ” – anh Việt nói – “Như thế, những công chức nhà nước như chúng tôi, thu nhập thấp, dù có mảnh đất nhỏ làm tài sản thế chấp, vẫn không được chính sách của Nhà nước quan tâm”.
Giống như anh Việt, anh Hoàng Nam – một công chức ở Thái Nguyên – khẳng định, Thái Nguyên hiện không có dự án nhà ở xã hội, do đất đai trên Thái Nguyên rẻ, vì thế không ai bỏ mấy trăm triệu mua một căn hộ. “Thay vào đó, chúng tôi sẽ mua một lô đất khoảng 50 m2, xây nhà trên đó. Vì thế, đều là công chức như nhau, công chức ở thành phố lớn được vay tiền ưu đãi lãi suất mua nhà ở xã hội, nhà thương mại giá rẻ, còn công chức tỉnh lẻ như chúng tôi lại không được vay ưu đãi để tạo lập chỗ ở. Thế là bất công” – anh Nam nói.
Rõ ràng, dự án chung cư nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp chưa “phủ” toàn quốc, bởi lẽ, ở các đô thị lớn, đất chật người đông, quy hoạch xây chung cư được coi trọng, nhưng ở các tỉnh lị, thị trấn…, nơi đất đai rộng hơn, không chủ đầu tư nào dại dột đi xây chung cư. “Thế nên, muốn sống ở thành phố lớn, người ta phải chấp nhận ở chung cư. Còn chúng tôi ở tỉnh, việc ở nhà mặt đất là chuyện đương nhiên. Đó cũng là điều phản ánh đúng thực trạng đời sống, diễn biến thị trường bất động sản” – anh Hoàng Nam bày tỏ.
Công chức có thể được vay tới 300 triệu đồng xây, sửa nhà
Tính đến cuối tháng 3 năm nay, gói tín dụng hỗ trợ lãi suất cho người thu nhập thấp mua nhà ở xã hội, nhà thương mại giá rẻ trị giá 30 nghìn tỷ đồng mới cam kết giải ngân được khoảng 10% giá trị của gói, với số tiền đạt 3.124 tỷ đồng, trong đó, đã giải ngân theo tiến độ cho 3.495 khách hàng với dư nợ 840 tỷ đồng.
Trước thực trạng giải ngân ì ạch của gói hỗ trợ tín dụng 30 nghìn tỷ đồng, để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn của chương trình, đồng thời đẩy nhanh tiến độ giải ngân, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng đã đề xuất “nới” một số điều kiện để được vay tiền gói 30.000 tỷ đồng, như kéo dài thời gian vay, mở rộng đối tượng… Đặc biệt, tại cuộc họp Ban chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản mới đây, Ngân hàng Nhà nước còn đề xuất bổ sung đối tượng là các hộ dân ở đô thị, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang tại các đô thị ở tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có đất ở phù hợp với quy hoạch, có khó khăn về nhà ở (chưa có nhà ở hoặc có nhà ở nhưng xuống cấp hư hỏng) được vay để xây dựng hoặc sửa chữa nhà ở, nhưng tổng số vốn vay không quá 300 triệu đồng.
“Đề xuất này, nếu được Chính phủ chấp nhận, sẽ “mở đường” cho nhiều công chức tỉnh lẻ vay được tiền giá rẻ để xây nhà” – anh Hoàng Nam nhận định – “Nhưng chúng tôi vẫn mong chính sách an sinh phải bảo đảm công bằng ở các vùng miền, chứ không chỉ đưa ra nhằm vào lợi ích của một nhóm người nhất định, sau đó chỉnh sửa, bổ sung để “gỡ khó” trong quá trình thực hiện như những gì đang diễn ra đối với gói 30 nghìn tỷ đồng”.
Theo Báo ND
(HBĐT) - Nam Sơn là xã vùng cao, đặc biệt khó khăn của huyện Tân Lạc, địa hình đồi, núi cao, chia cắt, đường giao thông đến 7 xóm chưa được bê tông hoàn thiện, làm hạn chế đến sự phát triển KT-XH. Năm 2013, thu nhập bình quân đầu người của xã mới đạt 8 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo ở mức 45%. Xuất phát điểm thấp nên việc xây dựng nông thôn mới gặp không ít khó khăn.
(HBĐT) - Trong những năm qua, TTCN, ngành nghề nông thôn có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn góp phần nâng cao đời sống, xóa đói - giảm nghèo cho một số gia đình ở nông thôn. Việc phát triển các ngành nghề ở nông thôn một cách bền vững sẽ tạo điều kiện chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, cơ cấu lao động ở nông thôn theo hướng CNH-HĐH.
(HBĐT) - Quý I, số lượng khách đến du lịch trên địa bàn huyện Mai Châu tăng so với cùng kỳ, tổng số đoàn đến tham quan, du lịch 3.554 đoàn với 13.340 lượt người, trong đó khách quốc tế là 3.452 lượt người, doanh thu đạt trên 2,8 tỷđồng, tăng gần 100 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2013.
(HBĐT) - Từ đầu năm đến nay, Sở TN&MT đã tham mưu cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 15 tổ chức với diện tích 8.013.288 m2; quyết định thu hồi đất cho thuê 4 tổ chức, diện tích 167.103,1 m2; thu hồi giao đất cho 5 tổ chức, diện tích 174.593,4 m2; hợp đồng thuê đất cho 4 tổ chức gồm 59 khu đất hết thời gian ổn định đơn giá thuê đất với diện tích 49.826,2 m2; hợp đồng thuê đất mới cho 1 tổ chức, diện tích 2004,5 m2.
(HBĐT) - Ngày 18/4, LĐLĐ tỉnh phối hợp với UBND xã Bảo Hiệu (Yên Thủy) tổ chức khánh thành tuyến đường GTNT xóm Bảo Yên, xã Bảo Hiệu. Đây là một trong những công trình do LĐLĐ tỉnh phối hợp thực hiện nhằm hưởng ứng phong trào “CNVCLĐ chung tay xây dựng nông thôn mới” và chào mừng “tháng công nhân” năm 2014.
(HBĐT) - Sáng ngày 17/4, công đoàn ngành Công thương đã khai mạc lớp tập huấn cán bộ công đoàn năm 2014. Tham dự có các đồng chí Giám đốc, Phó Giám đốc các doanh nghiệp thuộc ngành; Chủ tịch, Phó Chủ tịch công đoàn cơ sở khối doanh nghiệp; các đồng chí phụ trách công tác kiểm tra, công tác nữ công công đoàn.