(HBĐT) - Tỉnh ta đang tập trung thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thực sự thông thoáng, minh bạch, thuận lợi cho các thành phần kinh tế; phấn đấu cải thiện điểm các chỉ số thành phần, đạt mức xếp vào nhóm trung bình so với cả nước. Phóng viên Báo Hòa Bình đã chọn lọc, tổng hợp một số ý kiến tại hội nghị triển khai các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao thứ bậc chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh do UBND tỉnh tổ chức ngày 1/8 vừa qua.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc: PCI là thước đo ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức
Kinh tế đang ở giai đoạn khó khăn bậc nhất. Đã có khoảng 1/3 số doanh nghiệp rời khỏi thị trường. Hiện, cả nước có khoảng 500 nghìn doanh nghiệp, những năm trước con số nay là 800 nghìn. 6 tháng năm 2014, số doanh nghiệp giải thể tăng, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường thu hẹp lại. Trước đây có từ 60-70% doanh nghiệp hoạt động có lãi, hiện giờ chỉ có khoảng 40%, còn lại sản xuất cầm chừng, thậm chí lỗ. Tình trạng này không dễ sớm cải thiện được. Chính phủ đang quyết liệt chỉ đạo tạo bước đột phá về thể chế, tạo động lực phát triển kinh tế. Từ đầu năm tới nay đã có những đổi mới quan trọng, quyết liệt chỉ đạo, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Trong đó đặt mục tiêu cách mạng năng lực cạnh tranh của đất nước phải bằng mức trung bình của các quốc gia phát triển trong khối ASEAN. Cần sự quyết liệt trong tổ chức thực hiện của các cơ quan Chính phủ và các địa phương. Các địa phương đẩy mạnh cao độ cải cách hành chính, phải đạt ở mức tốt để hỗ trợ doanh nghiệp, đạt đến sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) là tiếng nói của doanh nghiệp tư nhân, cảm nhận của doanh nghiệp dân doanh, xếp hạng sự tín nhiệm của chính quyền các cấp đối với doanh nghiệp và người dân. Chỉ số này không đo lường tư duy quyết tâm của lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành mà là thước đo ý thức, trách nhiệm của từng chuyên viên làm trực tiếp giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp và người dân. Thực tế có khoảng cách rất lớn giữa cấp trên và cách hành xử của cấp dưới. Chủ trương, định hướng của cấp trên rất quyết liệt và nóng nhưng đến cán bộ, công chức nhiều khi đã nguội lạnh, có khi vô cảm. Chúng ta phải làm cho chủ trương, chính sách trở thành hành vi, hành động cụ thể quyết liệt của cán bộ, công chức. Để làm được điều này, nhất thiết phải có cơ chế giám sát, việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, công chức. Để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nhiều tỉnh, thành phố đã ban hành NQ về nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Chúng tôi thấy bước đi của tỉnh Hòa Bình đúng đắn khi Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp làm Trưởng BCĐ cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao thứ bậc năng lực canh tranh. Thiết nghĩ, giám đốc các sở, ngành phải là tổng tư lệnh trong lĩnh vực của ngành mình, đơn vị mình để đôn đốc và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về việc đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Tỉnh nên thành lập sớm Hiệp Hội DN tỉnh, ghi nhận phản ánh kịp thời những kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp; tổ chức đối thoại với các cơ quan Nhà nước triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất- kinh doanh.
Ông Đậu Anh Tuấn, chuyên gia Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt
Qua nghiên cứu và thực thế, chúng tôi thấy rằng: Chính quyền và doanh nghiệp là 2 đối tượng rất quan trọng trong nền kinh tế. Thực tế, khoảng cách từ doanh nghiệp đến các cấp chính quyền hiện nay là rất lớn. Sự phối hợp liên ngành lòng vòng và gây phiền hà, nhiều khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Qua khảo sát, các doanh nghiệp ở Hòa Bình cho rằng chính quyền tốt nhưng chưa làm được nhiều việc. Phần lớn các doanh nghiệp cho rằng, chính quyền có sáng kiến tốt nhưng chưa được thực thi. Đa phần các doanh nghiệp tư nhân có tâm lý bi quan cho rằng các công trình, dự án chỉ rơi vào một số doanh nghiệp lớn. Thông tin về hình ảnh của Hòa Bình chưa toàn diện. Nhiều tỉnh, thành phố như Đà Nẵng có cách tiếp cận về PCI rất thực tế, hiệu quả và tạo được chuyển biến mạnh mẽ về môi trường kinh doanh… Để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tỉnh cần giải quyết 2 vấn đề, đó là cải thiện hạ tầng và chất lượng điều hành. Hạ tầng của tỉnh còn khó khăn phải mất nguồn lực và thời gian mới cải thiện được. Nâng cao chất lượng điều hành là việc có thể làm được vì không mất nhiều nguồn lực, nhưng lại cần sự đồng lòng quyết tâm cao của các cơ quan và các cấp chính quyền. Tỉnh cần xây dựng và vận hành tốt quy chế gắn trách nhiệm của người đứng đầu đối với việc giải quyết các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp và người dân. Có như vậy môi trường đầu tư, kinh doanh mới thực sự minh bạch, thông thoáng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.
Ông Vũ Duy Bổng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP BĐS An Thịnh- Hòa Bình: Trang bị cho doanh nghiệp đủ năng lực để thành công
Công ty CP BĐS An Thịnh- Hòa Bình đã thành công khi kịp thời nắm chủ trương thu hút đầu tư và đến đầu tư tại tỉnh Hòa Bình. KCN Lương Sơn không có nhiều lợi thế khi so sánh với các tỉnh trong khu vực. Thế nhưng KCN Lương Sơn của An Thịnh tạo được niềm tin của các doanh nghiệp đầu tư và đang được lấp đầy. Hiện tại KCN Lương Sơn có 29 dự án, trong đó có 12 dự án FDI chủ yếu của các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Công, Đài Loan. Nhiều dự án đi vào hoạt động sản xuất- kinh doanh, đóng góp chuyển dịch cơ cấu kinh tế bền vững tại địa phương. Chúng tôi thành công khi đầu tư tại tỉnh chính vì chuẩn bị nguồn lực tài chính vững chắc, chú trọng quản trị điều hành, tập hợp được đội ngũ cán bộ có trình độ cao và chuyên nghiệp thực hiện các mục tiêu đã xác định. Đối với KCN Lương Sơn chúng tôi thành lập xúc tiến đầu tư đủ năng lực, sát cánh hỗ trợ nhà đầu tư giải quyết các thủ tục liên quan đến dự án, đầu tư xây dựng, đất đai, môi trường, lao động theo pháp luật hiện hành. Phòng XTĐT của An Thịnh là cầu nối hữu hiệu giữa các doanh nghiệp đầu tư với các sở, ngành, lãnh đạo tỉnh, giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp triển khai dự án tại KCN. Tin tưởng với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, môi trường đầu tư, kinh doanh, năng lực cạnh tranh của tỉnh sẽ có chuyển biến mạnh mẽ. Tranh thủ chính sách thu hút đầu tư của tỉnh, An Thịnh đang chuyển hướng đầu tư sang lĩnh vực du lịch trên cơ sở khai thác tiềm năng văn hóa, thiên nhiên, con người Hòa Bình.
Ông Nguyễn Cao Sơn, Chủ tịch Hội DNN&V tỉnh, Chủ tịch HĐQT Công ty Hoàng Sơn: Hỗ trợ doanh nghiệp bằng những việc làm cụ thể
Doanh nghiệp của tỉnh có quy mô vừa và nhỏ, siêu nhỏ, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây lắp đang đứng trước nhiều áp lực, khó khăn. Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp bảo đảm ổn định, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, trong đó ban hành Nghị định 182/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định về mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân và cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động. Song chi phí tiền lương lại chưa được thực hiện tại tỉnh. Mặt khác, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 103/NĐ-CP ngày 4/12/2013 thay thế Nghị định 182/NĐ-CP áp dụng mức lương tối thiểu vùng năm 2014. Để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chúng tôi đề nghị lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành chức năng hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp bằng những việc làm thiết thực. Cụ thể, đề nghị xem xét và điều chỉnh văn bản về điều chỉnh chi phí nhân công để lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng trên địa bàn và văn bản xác định tiền lương nhân công để lập và quản lý đầu tư xây dựng công trình, nhằm bảo đảm quyền lợi cho người lao động và tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trên địa bàn. Chúng tôi cũng đề xuất các sở, ngành chức năng rà soát các văn bản không còn phù hợp, khắc phục việc chồng chéo trong thanh, kiểm tra, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn yên tâm sản xuất, kinh doanh.
Ông Quách Tùng Dương, Chủ tịch UBND TP Hòa Bình: Nâng cao hiệu quả hoạt động bộ phận “một cửa”
Doanh nghiệp và người dân giao dịch làm các thủ tục hành chính chủ yếu thông qua bộ phận “một cửa” làm các thủ tục liên quan đến địa chính cấp GCN, chuyển nhượng, thừa kế, cho tặng, chuyển mục đích sử dụng đất, đăng ký, xóa thế chấp; cấp phép xây dựng, cấp phép kinh doanh; lĩnh vực tư pháp, đăng ký nhân hộ khẩu… Các ý kiến, bức xúc phàn nàn của doanh nghiệp và người dân cũng phát sinh từ bộ phận này. Chúng tôi cho rằng để cải thiện tình trạng trên, cần tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của bộ phận này, trong đó chú trọng đặc biệt quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, bố trí nhân sự có trình độ, trách nhiệm; thực hiện công khai, minh bạch các trình tự, thủ tục hành chính nhất là về xây dựng, đất đai, các dự án đầu tư… thời gian giải quyết cần cụ thể. Đặc biệt quan tâm đến chất lượng công vụ, tăng cường ý thức trách nhiệm và tinh thần, thái độ phục vụ, giảm phiền hà cho tổ chức và công dân khi có nhu cầu giải quyết công việc. Đồng thời có chế tài giám sát, xử lý trách nhiệm cụ thể đối với cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận “một cửa”, tạo điều kiện thuận lợi nhất giải quyết các công việc cho doanh nghiệp và người dân. Thực tế, các trang thông tin điện tử của các địa phương và sở, ngành rất nghèo nàn. Doanh nghiệp và người dân muốn truy cập tìm hiểu nhưng ít thông tin có giá trị cao. Do vậy, trang thông tin điện tử cần cập nhật đầy đủ các thông tin về chủ trương, chính sách, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy trình thủ tục giải quyết các thủ tục hành chính, kế hoạch phát triển KT-XH, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tìm hiểu.
LC (thực hiện)
(HBĐT) - Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh ta nói riêng và cả nước nói chung, do nhiều nguyên nhân khác nhau, tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản, chậm quyết toán vốn đầu tư các dự án hoàn thành sử dụng vốn Nhà nước diễn ra khá phổ biến đã gây ảnh hưởng xấu đến an ninh tài chính, an toàn nợ công và tăng trưởng kinh tế bền vững.
(HBĐT) - Từ nguồn vốn của Dự án Giảm nghèo, huyện Tân Lạc có 9 xã thuộc vùng thụ hưởng với tổng mức đầu tư giai đoạn 2012 - 2014 đạt 55, 4 tỷ đồng.
HBĐT) - Theo phòng NN&PTNT huyện Kim Bôi, bằng các nguồn vốn lồng ghép, trong 6 tháng đầu năm huyện đã xây dựng được 7 mô hình phát triển sản xuất như: mô hình nuôi gà Quý phi có 12 hộ tham gia quy mô 1.200 con, kinh phí hỗ trợ 61,28 triệu đồng;
(HBĐT) - Sáng 31/7, Sở KH – ĐT phối hợp với UBND thành phố Hòa Bình tổ chức hội nghị triển khai các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (CPI). Tham dự hội nghị có đại diện các phòng, ban, đoàn thể chức năng; UBND các xã, phường cùng đại diện hàng chục doanh nghiệp trên địa bàn.
(HBĐT) - Là một trong những xã trồng cây mía tím nhiều nhất ở huyện Tân Lạc, Mỹ Hòa đang có sức phát triển mạnh mẽ và dần đưa giống mía này trở thành cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế.
(HBĐT) - Cụ thể hóa quy hoạch vùng sản xuất cam; đầu tư cho công tác khuyến nông, nghiên cứu khoa học và kỹ thuật; huy động nguồn vốn trung hạn với lãi suất thấp để phát triển trồng cam; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm… Đó là những giải pháp quan trọng đã được UBND huyện Cao Phong hoạch định nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế cho sản phẩm cam, quýt Cao Phong, hướng tới mục tiêu sản xuất hàng hóa mang giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững.