Người dân chen chúc xếp hàng chờ rút tiền qua thẻ ATM.
Lộ trình thu phí thẻ ATM đã được cơ quan quản lý lên kế hoạch từ năm 2013 và cho cả những năm dài sau đó. Nhưng song hành cùng quãng đường này, vấn đề chất lượng đã khiến không ít người tiêu dùng cảm thấy sốt ruột khi chất lượng dịch vụ họ nhận được thấp hơn rất nhiều so với chi phí bỏ ra. Trong khi những "bệnh cũ" như ATM hết tiền, nghẽn mạch,... vẫn chưa được khắc phục triệt để, "căn bệnh mới" như hạn mức rút tiền mặt giảm, sự cố khi giao dịch qua POS (máy chấp nhận thanh toán thẻ) lại nảy sinh.
Phí thu, ATM vẫn hết tiền
Toát mồ hôi hột mới rút được năm triệu đồng từ một cây ATM của Ngân hàng Agribank trên phố Hàng Trống (Hà Nội), chị Nguyễn Thị Giang không khỏi ngán ngẩm, đây là điểm đến thứ hai chị mới rút được tiền.
Trước đó, chị đã ghé vào cây ATM trên đường Lê Hồng Phong, nhưng ở đây hiện dòng chữ: "Sorry, I'm out of service" (Xin lỗi, không có dịch vụ).
Chị phàn nàn: Mọi khi tôi chỉ cần thực hiện một giao dịch là rút luôn được năm triệu đồng, nhưng hôm nay rút không được, xuống bốn triệu cũng không xong, và chỉ rút ba triệu đồng máy mới nhận. Thay vì mất phí 1.000 đồng, tôi bị mất 2.000 đồng do phải rút hai lần. Số tiền chẳng đáng là bao, nhưng mất thêm tiền lại rước thêm bực mình.
Đối với những người ở trung tâm thành phố lớn đã vậy, còn khu vực ngoại vi, tập trung đông dân cư như trường đại học, khu công nghiệp, khu chế xuất thì tình trạng nghẽn mạng, hết tiền,... diễn ra phổ biến hơn. Cảnh công nhân, sinh viên xếp hàng dài chờ rút tiền tại các máy ATM sau giờ làm việc, tan ca, hay những ngày nghỉ,... không còn hiếm gặp. Và máy ATM nuốt thẻ, nhả tiền rách, hoặc không nhả tiền nhưng vẫn trừ tài khoản,... cũng không còn là sự cố đặc biệt khiến chủ thẻ bất ngờ.
Nhìn lại việc thực hiện trả lương qua tài khoản cho các đối tượng hưởng lương ngân sách Nhà nước theo Chỉ thị số 20/2007/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ có thể thấy, kể từ khi được chính thức khởi động đầu năm 2008 đến nay, hầu hết các địa phương đều đã triển khai thực hiện đến từng cơ quan, đơn vị. Cùng với chủ trương đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, các ngân hàng cũng không ngừng đẩy mạnh phát triển các sản phẩm, dịch vụ như: Thanh toán hóa đơn điện, nước, điện thoại; đa dạng hóa các kênh thanh toán qua mạng in-tơ-nét, điện thoại, máy rút tiền,... Những con số khách hàng sử dụng dịch vụ qua tài khoản ngân hàng không ngừng tăng mạnh qua từng năm, nhất là dịch vụ thẻ.
Ước tính, các ngân hàng đã phát hành hơn 68 triệu thẻ ATM, và khi lượng khách hàng nhiều lên, cũng là lúc các ngân hàng tính phí "mạnh tay hơn".
Theo tìm hiểu, với mỗi một chiếc thẻ ATM, chủ thẻ có thể sử dụng được nhiều giao dịch, như nộp - rút tiền, chuyển khoản, in sao kê,... Với chính sách thu hút khách hàng, trước đây, phần lớn các dịch vụ này đều miễn phí. Nhưng sau đó, với lý do bù đắp chi phí đầu tư ban đầu cũng như duy trì hoạt động hệ thống, các ngân hàng đã dần áp dụng thu phí ATM. Việc thu phí được hợp thức hóa vào cuối năm 2012 khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành thông tư cho phép tổ chức phát hành thẻ được thu phí dịch vụ theo một lộ trình đã được quy định; đồng thời, ban hành thông tư quy định khá cụ thể về tiêu chuẩn kỹ thuật đối với ATM cũng như trách nhiệm của ngân hàng cung ứng dịch vụ thanh toán để bảo đảm chất lượng dịch vụ ATM cho khách hàng. Khuôn khổ pháp lý đã được xây dựng với việc phân định rạch ròi hai vế: phí dịch vụ - chất lượng dịch vụ thẻ. Tuy nhiên, trong khi phí dịch vụ được thực hiện từng bước đúng theo lộ trình: từ miễn phí, tới áp dụng mức phí 1.000 đồng/giao dịch rút tiền ATM nội mạng (năm 2013), đến nay, hầu hết các ngân hàng đều áp dụng thu phí, thậm chí có ngân hàng còn tăng gấp hai lần theo đúng lộ trình được phép của năm 2014. Ngược lại, "chất lượng dịch vụ thẻ" không có cải thiện gì đáng kể, nếu không muốn nói là vẫn giẫm chân tại chỗ. Trường hợp máy ATM hết tiền, hoặc cảnh hàng nghìn công nhân phải chen chúc, chờ hàng giờ đồng hồ mới rút được lương,... là các lỗi tái diễn từ năm này qua năm khác. Phí sử dụng dịch vụ hằng tháng vẫn trả đều đặn, nhưng người sử dụng thẻ thường xuyên bức xúc vì những trục trặc, sự cố phát sinh từ máy ATM, khiến họ cảm thấy không thỏa đáng. Đó là chưa kể nhiều ngân hàng còn tiến hành thu phí thêm nhiều dịch vụ mới trong khi chất lượng không được đáp ứng tương xứng cũng khiến không ít khách hàng cảm thấy bực bội.
Cần chế tài, tăng cường kiểm soát
Theo tính toán sơ bộ, trung bình mỗi thẻ ATM, khách hàng phải gánh trên dưới mười loại phí: Phí phát hành thẻ lần đầu, phí phát hành lại thẻ, phí thường niên, phí cấp lại số pin, phí tra soát thông tin, phí chuyển khoản, phí rút tiền, phí truy vấn số dư hoặc in sao kê, phí sử dụng dịch vụ tin nhắn,... Mỗi ngân hàng lựa chọn cho mình cách thu phí dịch vụ khác nhau. Chiếc thẻ ATM phải "cõng" hàng chục khoản thu khá lớn. Riêng phí dịch vụ tin nhắn thay đổi trên tài khoản thẻ (SMS Banking), mỗi tháng Agribank thu 9.500 đồng/tài khoản, Vietcombank và Vietinbank thu 8.800 đồng/tài khoản,... Tuy nhiên, khách hàng vẫn phàn nàn không ngớt vì trục trặc khó rút tiền, giao dịch gặp sự cố. Gần đây, khi một số ngân hàng khống chế hạn mức rút tiền 2 - 3 triệu đồng/giao dịch, vô hình trung về lý thuyết không hề tăng phí nhưng thực chất khách hàng phải trả thêm phí cho hoạt động rút tiền.
Không chỉ ATM mới thường xuyên gặp trục trặc, sự cố, các POS lắp đặt tại hệ thống các siêu thị, cửa hàng cũng không ít lần khiến khách hàng khó chịu. Anh Lương Đức Anh, nhà ở phố Đội Cấn (Hà Nội) đi mua điện thoại tại một cửa hàng trên phố Lý Quốc Sư. Anh sử dụng thẻ Tienphongbank thanh toán trên POS của Vietcombank để mua chiếc điện thoại trị giá 3.890.000 đồng. Khi nhân viên cửa hàng quẹt thẻ, máy báo không giao dịch được nên phải quẹt lần hai. Nhưng ngay sau đó, anh nhận được tin nhắn thông báo đã bị trừ tiền hai lần. Sau nhiều thủ tục tra soát, mặc dù đã nhận lại được số tiền của mình sau khi kiểm tra đúng cả hai lần quẹt thẻ tiền đều được chuyển vào tài khoản của chủ cửa hàng, song sự cố này cũng khiến anh trở nên dè chừng hơn trong những lần thanh toán bằng thẻ tiếp theo. Tương tự, chị Nguyễn Diệu Hương khi mua điện thoại trên đường Hàng Bài cũng gặp phiền phức với việc thanh toán qua POS. Sau khi mua, về nhà kiểm tra hóa đơn, chị tá hỏa khi phát hiện ra mình bị trả thêm 3% giá trị chiếc điện thoại. Nghĩ đến việc quay trở lại đòi số tiền nhỏ rất mất thời gian mà kết quả chưa biết đi đến đâu, chị Hương đành "tự hứa" không bao giờ quay lại cửa hàng này giao dịch lần thứ hai.
Có thể nói, việc thu phí ATM được hiểu là để bù đắp phần nào chi phí mà ngân hàng đã bỏ ra. Đồng thời, cũng nhằm mục đích hạn chế việc rút tiền trên ATM và hướng người tiêu dùng sử dụng thẻ trong thanh toán hằng ngày; chuyển thói quen tiêu tiền mặt của người dân sang thanh toán qua thẻ. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế đất nước còn khó khăn, người lao động phải gánh chịu nhiều khoản chi phí tăng như hiện nay, nhiều chuyên gia kinh tế đã lên tiếng cảnh báo các ngân hàng nên cân nhắc khi đặt thêm các loại phí cũng như tăng phí ATM nội mạng vào thời điểm này. Thay vào đó, cần chú trọng hơn việc nâng cao chất lượng dịch vụ như nghiên cứu lắp đặt, bổ sung, tiếp quỹ thường xuyên. Ngay cả hệ thống ATM cũng cần bố trí hợp lý, tránh tình trạng nơi thừa, nơi thiếu; tính toán, sắp xếp lượng tiền tại các khay phù hợp, tránh đẩy rủi ro về phía khách hàng khi rút phải toàn tiền mệnh giá nhỏ do hết tiền mệnh giá lớn tại máy.
Theo Báo ND
(HBĐT) - Theo Văn bản số 2350, ngày 31/12/ 2008 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh ta có 8 KCN được điều chỉnh, bổ sung vào quy hoạch phát triển các KCN Việt Nam. Theo đó, tháng 8/2009, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển các KCN tỉnh Hòa Bình đến năm 2020 và 8 KCN đã lập, phê duyệt, tổ chức công bố quy hoạch chi tiết, tổng diện tích quy hoạch 1.672 ha. Trong đó, 7 KCN quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 và KCN Lương Sơn quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2.000.
Ngày 12-8, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chủ trì buổi làm việc với các bộ, ngành liên quan về tiến độ xây dựng văn bản hướng dẫn Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7-7 về một số chính sách phát triển thuỷ sản. Nghị định có hiệu lực từ ngày 25-8 tới đây, có nhiều chính sách ưu đãi đối với ngư dân về đầu tư, tín dụng, bảo hiểm, thuế, hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ thép, vật liệu mới,…
Đối tượng hỗ trợ: Các xã thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia XDNTM trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2014-2020. Hộ gia đình và chủ trang trại trên địa bàn nông thôn; HTX, tổ hợp tác và doanh nghiệp nhỏ trên địa bàn nông thôn.
(HBĐT) - Trung tâm dịch vụ hỗ trợ vùng dân tộc thuộc Ban Dân tộc tỉnh vừa tổ chức hỗ trợ bò giống laisind cho xã Phú Vinh, huyện Tân Lạc và xã Miền đồi, Quý Hòa, huyện Lạc Sơn.
Quy định danh mục chi tiết các khoản phí, lệ phí; mức thu và tỷ lệ phần trăm trích, nộp những khoản phí, lệ phí
(HBĐT) - Các KCN trong tỉnh có 63 dự án đầu tư, trong đó có 16 dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với số vốn đăng ký 366, 5 triệu USD và 47 dự án đầu tư trong nước vốn đăng ký 7.600 tỷ đồng. Theo Ban quản lý các KCN tỉnh, hiện đã có 33 dự án đi vào hoạt động sản xuất - kinh doanh. Hết tháng 7, doanh nghiệp KCN đã tạo việc làm mới cho 3.500 lao động, lũy kế đến nay đã tạo việc làm cho gần 1 vạn lao động.