Mô hình chăn nuôi lợn của hộ ông Quách Văn Thầm, thôn Bùi Trám, xã Hoà Sơn (Lương Sơn) cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm.
(HBĐT) - Những năm qua, chăn nuôi được huyện Lương Sơn đặc biệt chú trọng, coi đây là đòn bẩy thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hiệu quả kinh tế từ các mô hình chăn nuôi ở địa phương này góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững.
Gia đình ông Quách Văn Thầm, thôn Bùi Trám, xã Hoà Sơn tự gây dựng nuôi lợn từ năm 1998, ban đầu số lượng ít, quý mô nhỏ. Từ năm 2000 đầu tư quy mô lớn, xây dựng hệ thống chuồng trại khoảng 400 triệu đồng với 15 gian chuồng, dao động trên dưới 100 con/lứa, chủ yếu là lợn siêu nạc, ngoài ra còn có 6 con lợn nái để chủ động nguồn giống. Theo ông Thầm, khoảng 3-3,5 tháng là xuất chuồng 1 lứa. Thời điểm cuối năm 2013, giá lợn xuống thấp nên gia đình ông thu lãi thấp. Tuy nhiên, thời gian gần đây, giá lợn đã bắt đầu tăng dần, đến nay đã đến mức 46.000 - 48.000 đồng/kg, với mức giá này, người chăn nuôi lợn đã có lãi khoảng 10.000 - 12.000 đồng/kg, bình quân 1 năm xuất 10-12 tấn, cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm.
Tại xóm 3/2 B, xã Thành Lập gia đình ông Nguyễn Sáu Tám tập trung phát triển chăn nuôi gà lấy trứng. Để chăn nuôi với quy mô lớn, ông Tám đã đầu tư 100 triệu đồng để xây dựng hệ thống chuồng trại đảm bảo vệ sinh môi trường. Hiện tại, ông Tám nuôi khoảng 800 con gà bố mẹ. Sau 6 tháng khai thác thu nhập đạt trên 200 triệu đồng.
Ngoài những mô hình trang trại, gia trại chăn nuôi gà, lợn thương phẩm, hiện nay, huyện Lương Sơn còn tập trung phát triển chăn nuôi bò sữa. Năm 2013, từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất của chương trình xây dựng NTM, xã Liên Sơn tập trung hỗ trợ nông dân chăn nuôi bò sữa với các nội dung xây dựng chuồng trại, mua con giống, mua máy thái cỏ, trồng cỏ, máy vắt sữa, điểm lưu trữ sữa, tập huấn kỹ thuật và thành lập tổ hợp tác chăn nuôi bò sữa xóm Liên Khuê gồm 8 hộ tham gia. Tổng vốn thực hiện mô hình gần 1,4 tỉ đồng, trong đó, vốn do ngân sách cấp 148 triệu đồng, vốn do nhân dân tự đóng góp, vay tín dụng, vay hỗ trợ từ quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh trên 1 tỉ đồng.
Những năm gần đây, Lương Sơn chú trọng phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Tuy nhiên, để giúp người dân phát triển chăn nuôi ổn định, thích nghi với phương thức sản xuất chăn nuôi hàng hóa, huyện đã có nhiều chương trình đầu tư phát triển chăn nuôi như: chương trình Sind hóa đàn bò, hình thành các khu chăn nuôi theo hướng tập trung, chăn nuôi bò lấy sữa cùng nhiều chính sách khuyến khích nông dân trong xây dựng các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm. Từ đó, trên địa bàn xuất hiện và hình thành ngày càng nhiều mô hình chăn nuôi mang lại hiệu quả cao. Kinh tế trang trại trên địa bàn có bước phát triển khá, giá trị sản xuất cao, đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường. Để hỗ trợ nông dân trong chuyển giao KHKT, ngành nông nghiệp huyện đã kết hợp với các ngành, đoàn thể, trường CĐ NN& PTNT Bắc Bộ, Trung tâm giống vật nuôi – thủy sản tỉnh và các xã, thị trấn tổ chức hàng trăm lớp tập huấn kỹ thuật cho bà con. Bình quân mỗi năm, trạm KN - KL xây dựng 4 mô hình chăn nuôi ở các xã. Bên cạnh đó tổ chức hoặc tạo điều kiện cho một số nông dân đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm quản lý mô hình, trang trại chăn nuôi tại tỉnh bạn.
Đồng chí Nguyễn Anh Đức, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lương Sơn cho biết: Theo thống kê toàn huyện có 44 trang trại chăn nuôi quy mô lớn theo thông tư 27 và 38 gia trại chăn nuôi. Phương thức chăn nuôi trang trại, gia trại đang được các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đẩy mạnh phát triển, tạo điều kiện áp dụng KHKT vào sản xuất chăn nuôi, góp phần giải quyết ô nhiễm môi trường, xử lý tốt dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Sản lượng thịt hơi, trứng, sữa bò nhờ áp dụng công nghệ mới và phát triển theo hướng chăn nuôi tập trung đã góp phần tăng giá trị sản xuất. Đáng kể nhất là tỷ trọng ngành chăn nuôi chiếm tới trên 50% giá trị sản xuất nông – lâm nghiệp của huyện. Đặc biệt, thị trường đầu ra ngành chăn nuôi duy trì ổn định, ngoài thị trường trong tỉnh còn đáp ứng nhu cầu hàng hóa phục vụ Thủ đô Hà Nội và vùng lân cận. Đây cũng là hướng đi đúng đắn trong sản xuất nông nghiệp được huyện Lương Sơn xác định tập trung mở rộng trong những năm tiếp theo.
Hải Linh
(HBĐT) - Cách thị trấn Mường Khến (Tân Lạc) hơn 30 km, giữa bạt ngàn núi rừng, nơi chỉ toàn đá tai mèo sắc lẹm, khô cằn, nhờ bàn tay lao động cần cù và óc thông minh, sáng tạo, những con người dám nghĩ, dám làm đã thực sự biến “sỏi, đá thành cơm” làm nên một kỳ tích. Đó là anh Hà Văn Hưng ở xóm Bái, xã Nam Sơn. Năm 1996, với ý chí quyết tâm thoát nghèo, không chịu khuất phục trước khó khăn, anh Hưng đã cùng gia đình cải tạo biến vùng đất rộng hơn 6.000 m2 lởm chởm đá thành trang trại cho hiệu quả kinh tế hàng trăm triệu đồng/năm.
(HBĐT) - Ban Quản lý các KCN tỉnh vừa cấp Giấy chứng nhận đầu tư đăng ký thành lập doanh nghiệp và thực hiện dự án đầu tư cho Công ty TNHH CNPLUS VINA triển khai tại KCN Lương Sơn.
(HBĐT) - Theo UBND huyện Đà Bắc, năm 2014, tổng kế hoạch vốn các chương trình dự án thực hiện trên địa bàn huyện là 208,4 tỉ đồng.
(HBĐT) - Ngày 20/8, Ban tổ chức Hội chợ Nông nghiệp – Công nghiệp – Thương mại vùng miền núi phía Bắc Hòa Bình năm 2014 đã tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch tổ chức Hội chợ. Đồng chí Bùi Văn Khánh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
(HBĐT) - Tính đến tháng 8, xã đã đạt được 12 tiêu chí NTM. Mặc dù đứng ở tốp thứ 2 trong phong trào xây dựng NTM của huyện và theo quy định, mục tiêu phấn đấu có thể kéo dài đến năm 2020. Tuy nhiên, đến thời điểm này, đại diện BCĐ xây dựng NTM xã Đông Phong (Cao Phong) đã vững vàng một niềm tin: xã sẽ về đích sớm hơn dự định. Niềm tin này được xây dựng bởi chính những việc làm cụ thể.
(HBĐT) - Dự án giảm nghèo (DAGN) giai đoạn II được thực hiện ở huyện Tân Lạc với 9 xã gồm: Bắc Sơn, Nam Sơn, Ngổ Luông, Ngòi Hoa, Gia Mô, Lỗ Sơn, Do Nhân, Phú Cường và Phú Vinh. Theo đồng chí Đinh Công Sứ, Chủ tịch UBND huyện, không những cải thiện việc tiếp cận cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, các hoạt động của dự án còn tập trung vào tăng cường năng lực thể chế của chính quyền cơ sở và năng lực sản xuất của cộng đồng địa phương, tăng cường liên kết thị trường. Từ đó góp phần nâng cao mức sống của hàng nghìn hộ nghèo, người nghèo.