Đại biểu Nguyễn Thanh Hải phát biểu tại hội trường.
(HBĐT) - Ngày 31/10, Quốc hội thảo luận tại Hội trường vào kết quả thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2014. Phát biểu tại Hội trường, đại biểu Nguyễn Thanh Hải, Đoàn Hòa Bình góp ý vào các nội dung cụ thể, đó là:
Căn cứ số liệu trong Báo cáo của Chính phủ, chúng ta đều thấy ước thu ngân sách năm 2014 tăng 10,6% so với dự toán tương ứng là tăng thêm 63.700 tỷ đồng. Có thể nói số thu ngân sách hàng năm phụ thuộc vào các yếu tố như sau:
Thứ nhất, phụ thuộc vào nền kinh tế cũng như tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.
Thứ hai, phụ thuộc vào tài sản của Nhà nước như đất đai, tài nguyên, khoáng sản.
Thứ ba, phụ thuộc vào các chính sách thu thuế, phí và lệ phí, mức thuế, phí và lệ phí.
Thứ tư, phụ thuộc vào tổ chức bộ máy thu ngân sách Nhà nước và năng lực thực hiện của bộ máy thu này.
Vì vậy, nếu nhìn vào con số tăng thu sẽ cho thấy ngay là nền kinh tế của ta đã có sự tăng trưởng và các chính sách nuôi dưỡng nguồn thu thuế, phí và lệ phí là có tác dụng tích cực và đây là một điều, một tín hiệu đáng mừng đã có nhiều đại biểu Quốc hội phát biểu trước tôi phân tích về con số này. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu một số số liệu về số thu ngân sách trong khoảng thời gian từ 2004 đến năm 2011, tôi nhận thấy tăng thu ngân sách năm 2014 không phải hiện tượng đặc biệt mà nó mang tính tương đối thường niên. Vì vậy, tôi xin phép Quốc hội được phân tích con số tăng thu ngân sách dưới một góc độ khác. Cụ thể như sau:
Nếu xem xét so sánh số liệu về dự toán thu ngân sách ước thực hiện quyết toán ngân sách Nhà nước từ năm 2004 đến năm 2011 cho thấy số thu ngân sách Nhà nước hàng năm như tôi đã phân tích ở trên chắc chắn sẽ phụ thuộc phần lớn vào tăng trưởng GDP. Thế nhưng trong khi tỷ lệ giữa GDP thực hiện theo giá thực tế từ năm 2004 đến năm 2011 so với kế hoạch chỉ dao động tăng thêm từ 7,4% đến 10,8% thì số thu ngân sách theo quyết toán so với dự toán dao động tăng thêm từ 12,1% đến 67,8% và so với số ước thực hiện dao động từ 8% đến 60,6%, thậm chí năm 2009 GDP theo giá thực tế giảm 7,4% thì số thu ngân sách vẫn vượt 61,3% so với số dự toán. Rõ ràng ta thấy việc lập dự toán thu thấp hơn thu thực tế đã diễn ra từ nhiều năm, từ việc lập dự toán thu thấp, xa rời thực tế sẽ dẫn tới tỷ lệ trích thưởng do tăng thu ngân sách theo Khoản 5, Điều 59 Luật ngân sách Nhà nước hiện hành và đặc biệt sẽ có khả năng tạo thêm nguồn thu cho phần tự quyết định chi đối với ngân sách địa phương. Ở đây trong báo cáo phân tích về tăng thu ngân sách Nhà nước tôi không thấy nêu vấn đề này, mặc dù nó đã diễn ra và mang tính chất thường niên như vậy. Từ việc nêu ra thế này, đề nghị cần đưa ra và nêu ra biện pháp khắc phục trong công tác quản lý, kiểm soát việc lập dự toán, xem xét thông qua kế hoạch thu, chi ngân sách hàng năm đảm bảo các cơ sở thực tiễn chặt chẽ và khoa học.
Thứ hai, căn cứ vào số liệu của năm 2004 đến năm 2011, tôi nhận thấy tỷ lệ huy động cho ngân sách Nhà nước giữa dự toán thu với GDP kế hoạch và giữa quyết toán thu với GDP thực hiện có khoảng cách rất lớn. Tỷ lệ giữa dự toán thu ngân sách Nhà nước với GDP kế hoạch dao động từ 21% đến 26,3%. Thực tế thực hiện giữa quyết toán thu ngân sách với GDP thực hiện dao động trong khoảng từ 26,7% đến 39,2%. Tỷ lệ huy động GDP cho ngân sách nhà nước cao như vậy là chưa thực sự đúng với các nghị quyết của Đảng. Cũng có thể tỷ lệ cao đó nguyên nhân là do chính sách thu thuế, phí, lệ phí chưa hợp lý hoặc nền kinh tế chủ yếu dựa vào khai thác, bán tài nguyên, khoáng sản hoặc tăng thu xuất, nhập khẩu.
Tôi nêu ra một số liệu của năm 2014 trong tài liệu chúng tôi được phát là ước thu từ thuế, phí trên GDP của năm 2014 là 19,7% và dự toán cho năm 2015 là tỷ lệ giữa thu từ thuế, phí trên GDP lại có xu hướng giảm chỉ còn 18,9%. Vì vậy tôi thấy cơ cấu thu của chúng ta chưa hợp lý. Cần phải phân tích rõ tại sao ta lại lập tỷ lệ giữa thuế, phí trên GDP cho năm 2015 lại có xu hướng giảm như vậy và các biện pháp khắc phục.
Bích Ngọc
Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh và HĐND tỉnh(Tổng hợp)
Tại Phiên họp thường kỳ tháng 10 năm 2014, Chính phủ đã thảo luận, thống nhất chỉ đạo tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh xử lý nợ xấu gắn với tái cơ cấu các tổ chức tín dụng theo đề án được duyệt.
Tại Phiên họp thường kỳ tháng 10 năm 2014, Chính phủ đã thảo luận, thống nhất chỉ đạo tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng cường quản lý nợ công, bảo đảm trong giới hạn cho phép, sử dụng vốn vay để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội đi đôi với kiểm soát chặt chẽ, nâng cao hiệu quả, không để thất thoát lãng phí và bố trí nguồn trả nợ đầy đủ, đúng hạn theo quy định.
(HBĐT) - Sáng ngày 30/10, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015. Phát biểu tại Hội trường, đại biểu Nguyễn Cao Sơn, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình cho rằng, sau khi nghe Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2014; nhiệm vụ năm 2015 và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, có thể nói Báo cáo của Chính phủ đã đánh giá khá đầy đủ và toàn diện tình hình kinh tế - xã hội của đất nước.
(HBĐT) - Tâm lý trông chờ ỷ lại vào sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước từng ăn sâu trong nếp nghĩ, cách làm của bà con các dân tộc Thái, Mường, xã Mai Hạ (Mai Châu). Nhưng từ sau khởi động chương trình MTQG xây dựng NTM, cách nghĩ, cách làm của bà con đã có những chuyển biến bước ngoặt.
(HBĐT) - Kim ngạch xuất khẩu tháng 10 ước đạt 13, 95 triệu USD, tăng 2,05% so với tháng trước. Lũy kế 10 tháng ước đạt 122,6 triệu USD, thực hiện đạt 81,72% kế hoạch năm, tăng 46,6% so với cùng kỳ năm trước.
(HBĐT) - Ngày 29/10, Quốc hội nghe Tờ trình về chủ trương đầu tư xây dựng Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành; Báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư xây dựng Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành; Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hàng không dân dụng Việt Nam. Đa số các ý kiến đồng tình và thống nhất với việc cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Cao Sơn, Đoàn Hòa Bình đóng góp vào các nội dung cụ thể, đó là: