Tuyến buýt Hòa Bình – Lạc Sơn đã chủ động thực hiện giảm giá cước phù hợp với giảm giá nhiên liệu đầu vào, thỏa mãn lợi ích với người sử dụng dịch vụ vận tải.
(HBĐT) - Thời gian qua, dư luận cả nước cũng như nhân dân trong tỉnh đặc biệt quan tâm đến tình hình giảm giá xăng, dầu và những tác động đến việc điều chỉnh giá cước vận tải. Để giá cước vận tải trên địa bàn phù hợp với sự biến động của chi phí nhiên liệu, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, Sở GT-VT, Sở Tài chính đã triển khai các văn bản yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải khách, vận tải hàng hóa kê khai giảm giá cước cho phù hợp với mức giảm của giá xăng, dầu.
Cụ thể, căn cứ vào Nghị định số 86/2014/NĐ – CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; Thông tư số 152 ngày 15/10/2014 của Bộ GT-VT hướng dẫn thực hiện giá cước vận tải bằng xe ô tô và giá dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, Sở GT-VT đã ban hành văn bản số 1674, ngày 14/11/2014 về việc điều chỉnh giá cước vận tải phù hợp với việc điều chỉnh của giá nhiên liệu đầu vào và văn bản số 1725, ngày 20/11/2014 về việc rà soát giá cước vận tải bằng ô tô gửi các đơn vị kinh doanh vận tải khách, vận tải hàng hóa trên địa bàn. Bà Bùi Thị Hòa Bình – Trưởng phòng Quản lý Vận tải – Sở GT-VT cho biết: Theo tính toán của các chuyên gia, giá xăng, dầu đã giảm nhiều lần từ đỉnh điểm 25.640 đồng/lít xuống còn giá như hiện nay. Để ổn định hoạt động vận tải, các văn bản đã được triển khai kịp thời tới các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh cá thể kinh doanh vận tải khách, vận tải hàng hóa yêu cầu nghiêm túc thực hiện tính toán lại giá thành cước phù hợp với việc điều chỉnh của giá nhiên liệu đầu vào, cụ thể là giá xăng, dầu. Đồng thời yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa rà soát giá cước vận tải trên các tuyến đơn vị đang khai thác, lập phương án giá, điều chỉnh, kê khai lại giá cước để giảm giá cước phù hợp, trường hợp tuyến nào không giảm giá cước phải có báo cáo giải trình.
Toàn tỉnh hiện có 23 doanh nghiệp vận tải, bao gồm 1 doanh nghiệp xe buýt, 10 doanh nghiệp taxi, 5 doanh nghiệp vận tải và 7 HTX. Đến nay, Sở GT-VT đã nhận được bản kê khai lại giá cước của 6 doanh nghiệp vận tải, bao gồm: Công ty TNHH MTV Thanh Chắt, công ty TNHH ô tô buýt Hòa Bình, Công ty TNHH TM & DV Hiển Vinh, công ty TNHH DVVT Hòa Bình, Công ty CP VT & TM Hải An, HTX vận tải Hoàng Kim với tổng số 24 tuyến vận tải khách cố định được giảm giá cước, mức giảm từ 4% – 20% so với giá cước cũ. Đáng chú ý, kể từ ngày 1/12/2014, doanh nghiệp ô tô buýt Hòa Bình đã thực hiện giảm giá tuyến 5.000 đồng, trong đó nội thành từ 10.000 đồng giảm còn 8.000 đồng, chặng Hòa Bình – Cao Phong từ 20.000 đồng giảm còn 15.000 đồng, chặng Hòa Bình – chợ Chùa (Tân Lạc) từ 30.000 đồng giảm còn 25.000 đồng, tuyến Hòa Bình – Lạc Sơn từ 40.000 đồng giảm còn 35.000 đồng. Tiên phong trong số 10 doanh nghiệp taxi trên địa bàn là công ty TNHH MTV Thanh Chắt thực hiện giảm tới 20% giá cước, cụ thể giảm từ 10.000 đồng xuống 8.000 đồng giá mở cửa. Các doanh nghiệp, HTX kinh doanh vận tải khách chưa kê khai giảm giá cước chủ yếu là các đơn vị trong 2 – 3 năm qua vẫn giữ ổn định giá cước vận tải mà không điều chỉnh giá cước, kể cả thời điểm xăng dầu tăng cao. Theo giải trình của ông Nguyễn Kiên Cường, Giám đốc công ty TNHH dịch vụ vận tải Hòa Bình: Thời gian gần đây, giá dầu Diezel đã điều chỉnh giảm một số lần nhưng đơn vị vẫn chưa điều chỉnh giá cước vận tải vì tại thời điểm tháng 10 năm 2013, công ty kê khai lại giá cước vận tải thì giá nhiên liệu lúc đó là 22.430 đồng/lít còn hiện nay đã giảm 3.000 đồng/lít. Bên cạnh đó, các yếu tố tạo nên giá thành giá cước vận tải còn bao gồm các khoản mục khác đều tăng, cụ thể giá phương tiện vận tải, lệ phí bến bãi, vật tư phụ tùng… Hơn nữa, do có sự điều chỉnh, phân luồng của thành phố Hà Nội nên lộ trình vận tải của doanh nghiệp bị kéo dài thêm 9km/lượt. Công ty cam kết nếu giá nhiên liệu đầu vào tiếp tục giảm sẽ có sự điều chỉnh lại giá cước cho phù hợp với quy định của pháp luật và để phục vụ hành khách tốt hơn. Một trường hợp khác là HTX vận tải Sông Đà cũng giải trình về việc không tăng giá, giảm giá cước vận tải khách do kể từ năm 2011, HTX kê khai giá cước vận tải với cơ quan chức năng với giá vé 38.000 đồng/hành khách suốt tuyến Hòa Bình – Hà Nội (Yên Nghĩa). Qua nhiều lần giá dầu biến động tăng, giảm nhưng nhờ đơn vị tiết kiệm chi tiêu như không tăng lương, giảm chi phí văn phòng… nên vẫn giữ được nguyên giá vé kê khai để đảm bảo cho việc đi lại cũng như sinh hoạt của nhân dân không bị gián đoạn.
Việc giảm giá cước vận tải của một số doanh nghiệp đã tạo hiệu ứng tích cực đối với đời sống xã hội. Theo bà Hoàng Thị Lan, khách hàng thường xuyên di chuyển trên tuyến buýt Hòa Bình – Lạc Sơn, từ ngày 1/12, vé xe buýt giảm đã phần nào giúp tôi giảm chi phí đi lại và vận chuyển hàng hóa, qua đó, tôi có kế hoạch giảm bớt giá thành các mặt hàng gia đình đang kinh doanh. Các doanh nghiệp đi trước một bước trong giảm giá cước cũng cho biết từ sau giảm cước, lượng khách hàng sử dụng dịch vụ của doanh nghiệp tăng lên 5% - 10%. Đồng chí Lê Ngọc Quản – Phó Giám đốc Sở GT-VT cho biết: Về cơ bản, các doanh nghiệp vận tải đã thực hiện kê khai giảm giá cước, các doanh nghiệp không giảm giá đều giải trình kịp thời. Sở đang tiếp tục theo dõi và đôn đốc các doanh nghiệp vận tải thực hiện giá cước vận tải theo quy định tại Thông tư 152/2014/TTLT – BTC – BGTVT và khẩn trương điều chỉnh giảm giá cước như cam kết thực hiện trước đó.
Kể từ 15h, ngày 22/12, giá xăng, dầu tiếp tục giảm mạnh với mức giảm lớn nhất kể từ đầu năm. Theo đó giá bán lẻ mỗi lít xăng RON 92 về mức 17.880/lít, giảm 2.050 đồng/lít. Các doanh nghiệp vận tải còn lại đang cân đối lại chi phí để điều chỉnh giá cước phù hợp. Theo thông tin từ Công ty TNHH dịch vụ vận tải Hòa Bình, kể từ ngày 23/12, xe khách Bình An đã thực hiện giảm 6% giá cước tuyến Hòa Bình – Hà Nội. Cùng thời điểm, hãng taxi Phượng Hoàng đã giảm giá mở cửa từ 10.000 đồng xuống mức 8.000 đồng.
Bùi Minh
(HBĐT) - Sáng 23/12, Công ty CP Đầu tư năng lượng xây dựng thương mại Hoàng Sơn đã khai trương Hoàng Sơn PLAZA tại phường Đồng Tiến, TP Hòa Bình. Tới dự có các đồng chí: Bùi Văn Tỉnh, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; Hoàng Việt Cường, nguyên Bí thư Tỉnh ủy; Bùi Văn Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Bùi Đức Sòn, Giám đốc Công an tỉnh; đại diện các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố, đông đảo đối tác của Công ty Hoàng Sơn.
(HBĐT) - Tại kỳ họp thứ 10 diễn ra từ ngày 3-5/12, HĐND tỉnh khóa XV đã tiến hành chất vấn 5 giám đốc, thủ trưởng các sở, ngành của tỉnh. Báo Hòa Bình trích đăng một số nội dung chính trả lời chất vấn như sau:
(HBĐT) - Xã Địch Giáo (Tân Lạc) có 14 xóm với 869 hộ, 3.917 nhân khẩu. Là xã thuần nông, thu nhập chủ yếu của người dân vẫn là sản xuất nông - lâm nghiệp, chăn nuôi và buôn bán nhỏ, các ngành nghề phụ chưa phát triển.
(HBĐT) - Từ năm 2011 đến nay, Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo được Sở LĐ-TB&XH triển khai trên địa bàn các huyện Lạc Thuỷ, Đà Bắc, Kim Bôi, Tân Lạc, Lạc Sơn, Yên Thuỷ và Mai Châu. Dự án đã mang lại kết quả đáng kể giúp cho các hộ nghèo có kiến thức kỹ thuật cơ bản trong nuôi gia súc, gia cầm; tạo việc làm, tăng thu nhập góp phần cùng các chương trình, dự án khác giảm tỷ lệ hộ nghèo của địa phương.
(HBĐT) - Từ năm 2012-2014, Sở Công thương đã phối hợp với Hội Nông dân tỉnh thực hiện nội dung đào tạo nghề, truyền nghề và phát triển nghề cho lao động nông thôn.
(HBĐT) - Giữa cái lạnh se sắt của mùa đông, người dân trong tỉnh đang háo hức đón chào mùa Giáng sinh diễn ra với không khí ấm áp, vui tươi. Chuẩn bị cho dịp này, trên thị trường đã cung ứng nhiều hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng, mua sắm. Cũng kể từ đầu năm đến nay chưa có thời điểm nào mà các hoạt động quảng bá, chương trình khuyến mãi lại đa dạng và tưng bừng như ở dịp này.