Tại buổi giao dịch xã Độc Lập (Kỳ Sơn), các tổ tiết kiệm và vay vốn nộp lãi đạt trên 90% lãi phải thu.
(HBĐT) - Những năm qua, nguồn vốn tín dụng của NHCSXH đã giúp cho hàng ngàn người dân huyện Kỳ Sơn có thêm nguồn vốn để phát triển sản xuất - kinh doanh, phục vụ đời sống và thực sự trở thành nguồn vốn quan trọng, không thể thiếu với hộ nghèo và các đối tượng chính sách, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, ổn định an sinh xã hội trên địa bàn.
Một ngày cuối năm, cùng với cán bộ tín dụng chúng tôi ngược dốc từ Dân Hạ lên xã vùng cao Độc Lập đúng ngày giao dịch của NHCSXH. Không khí tại điểm giao dịch diễn ra khẩn trương, sôi động làm cho thời tiết dường như bớt lạnh hơn. Các tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) lo việc nộp lãi cho các tổ viên. Phiên giao dịch cuối năm diễn ra suôn sẻ, tỷ lệ lãi phải thu đạt trên 90%. Sau phần giao dịch, cán bộ NHCSXH cùng với lãnh đạo xã và các tổ chức nhận uỷ thác, các tổ TK&VV tổ chức họp giao ban định kỳ đánh giá lại những kết quả đã đạt được trong năm và đề ra những giải pháp hoạt động hiệu quả cho năm tới.
Chúng tôi đến thăm mô hình kinh tế của gia đình chị Bùi Thị Yên, xóm Nội. Gia đình chị có 4 khẩu, trước đây là hộ nghèo của xã. Năm 2011, gia đình chị được vay 15 triệu đồng từ chương trình hộ nghèo mua 2 con bò. Nhờ chăm chỉ làm ăn, năm 2013, gia đình chị đã thoát nghèo và trả hết nợ. Mới đây, gia đình chị vừa được vay 20 triệu đồng từ chương trình hộ cận nghèo mua thêm 2 con bò. Đến nay, đàn bò phát triển lên 9 con.
Theo ông Nguyễn Minh Dịn, cán bộ chuyên trách ban xoá đói - giảm nghèo xã, Độc Lập là xã khó khăn của huyện, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của xã chiếm trên 50%. Thời gian qua, nhờ nguồn vốn của NHCSXH đã góp phần không nhỏ trong xóa đói - giảm nghèo ở xã, giúp người dân ổn định cuộc sống. Xã có 9 tổ TK&VV thực hiện 8 chương trình tín dụng ưu đãi với 379 khách hàng còn dư nợ tổng vốn trên 10 tỉ đồng. Hàng năm, UBND xã đều phối hợp với các tổ chức, đoàn thể rà soát các hộ nằm trong diện được vay để lập danh sách đề nghị NHCSXH huyện cho vay. Việc xét duyệt các tiêu chuẩn vay vốn được công khai, minh bạch, góp phần tạo sự đoàn kết, thống nhất trong từng tổ cũng như tăng cường trách nhiệm giữa các thành viên. Trong hoạt động ủy thác, các tổ TK&VV luôn coi trọng công tác kiểm tra, giám sát quá trình sử dụng vốn vay. Tổ trưởng cùng các thành viên đều có trách nhiệm theo dõi, giám sát các thành viên khác trong sử dụng vốn. Trước ngày đến hạn, cán bộ tổ đến từng hộ đôn đốc nhắc nhở, nắm bắt tình hình. Nếu có khó khăn đột xuất không trả đúng hạn sẽ cùng phối hợp với ngân hàng có biện pháp giúp đỡ, giải quyết kịp thời. Các tổ còn tư vấn, hướng dẫn các hộ gia đình cách làm ăn hiệu quả.
Đến nay, phòng giao dịch NHCSXH huyện Kỳ Sơn thực hiện 11 chương trình tín dụng ưu đãi, chủ yếu ủy thác thông qua 4 tổ chức hội, đoàn thể, thành lập được 141 tổ TK&VV với tổng dư nợ đạt 107.058 triệu đồng với 5.568 khách hàng còn dư nợ, tổ chức được 10 điểm giao dịch tại các xã, thị trấn. Trong đó, dư nợ chương trình SXKD cao nhất đạt gần 39 tỉ đồng. Quy trình cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách được chia thành 9 công đoạn, trong đó, NHCSXH trực tiếp thực hiện 3 công đoạn là giải ngân, thu nợ và hạch toán kế toán, 6 công đoạn còn lại do các tổ chức hội thực hiện. Đơn vị đã quản lý tốt nguồn vốn cho vay các chương trình và sử dụng đúng mục đích, bảo đảm việc thu hồi vốn. Tỷ lệ nợ quá hạn thấp, chiếm 0,35%.
Đánh giá về hiệu quả nguồn vốn chính sách, đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc phòng giao dịch NHCSXH huyện Kỳ Sơn cho biết: 11 năm qua, nguồn vốn của NHCSXH đã giúp cho gần 3.000 lượt hộ thoát nghèo, 1.784 hộ tại vùng khó khăn có vốn SXKD cải thiện cuộc sống, 1.523 HS-SV có hoàn cảnh khó khăn yên tâm học tập; xây dựng được 3.366 công trình nước sạch - vệ sinh môi trường, giúp cho 206 hộ xoá được nhà tạm. Các chương trình tín dụng ưu đãi của NHCSXH huyện Kỳ Sơn đã góp phần nâng thu nhập bình quân trên địa bàn đạt trên 28 triệu đồng/người/năm và giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 5,62%; góp phần đáng kể vào thực hiện mục tiêu quốc gia về xoá đói, giảm nghèo, tạo việc làm và an sinh xã hội trên địa bàn.
Với những người nghèo, nguồn vốn chính sách chính là người bạn đồng hành đem đến những mùa xuân ấm áp và no đủ.
Đinh Thắng
(HBĐT) - Bà Nguyễn Thị Huệ (Kim Bôi) hỏi: Đề nghị cho biết những trường hợp nào được miễn tiền sử dụng đất?
(HBĐT) - Ngày 9/2, UBND xã Văn Nghĩa (Lạc Sơn) tổ chức hội nghị thống nhất các hoạt động sử dụng quỹ Phát triển xã (CDF) năm 2015 với sự tham dự của 18 đại diện ban, ngành xã, 10 trưởng thôn và điều phối huyện.
(HBĐT) - Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông. Trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình, anh thanh niên dân tộc Tày Vi Ngọc Tiến, trú tại thôn Đông Hà, xã Mỵ Hòa (Kim Bôi) luôn trăn trở: Làm sao để thoát nghèo và làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương?
(HBĐT) - Trong bối cảnh kinh tế chưa có nhiều chuyển biến tích cực, cộng với hoạt động SX-KD còn khó khăn khiến việc thưởng Tết năm nay tại nhiều doanh nghiệp có vốn trong nước trên địa bàn tỉnh chưa được như kỳ vọng của người lao động. Trong khí đó, chuyện thưởng Tết tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) được đánh giá khá cao, bình quân gấp hơn 2 lần so với mức thưởng Tết của khối doanh nghiệp trong nước.
(HBĐT) - Nhận thức đúng đắn, quyết liệt trong tổ chức thực hiện, động viên, khích lệ kịp thời, kiểm tra, giám sát thường xuyên, nhờ đó, phong trào thi đua yêu nước đi vào thực chất và phát huy hiệu quả cao, tạo động lực to lớn để năm 2014, huyện Kỳ Sơn hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu KT-XH. Huyện đã được khối thi đua các huyện, thành phố suy tôn đơn vị dẫn đầu.
(HBĐT) - Tết Nguyên đán Ất Mùi chỉ còn tính bằng ngày, thị trường hàng hóa thương mại trên địa bàn đã bắt đầu sôi động. Lượng hàng hóa dồi dào được các doanh nghiệp, đại lý, cửa hàng cung ứng hoàn tất việc tập kết, dự trữ đảm bảo phục vụ nhân dân trong tỉnh suốt thời gian trước, trong và sau Tết.