Ở Lạc Thủy, bà con tận dụng mọi diện tích bỏ trống để chăn thả dê.
(HBĐT) - Từ nhiều đời nay, con dê đã gắn với đời sống bà con xã Đồng Tâm, huyện Lạc Thủy. Nơi đây núi đá vôi bao quanh, đất canh tác ít nên con dê là lựa chọn số 1 để phát triển kinh tế gia đình và cũng chẳng có cây gì, con gì hơn con dê.
Ngồi trên hiên nhà nhâm nhi chén trà nóng, anh Trịnh Ngọc Vùng, xóm Đồng Mới, xã Đồng Tâm tâm sự: “Anh cứ ngồi uống nước một lúc nữa là đàn dê về. Dê của cả xóm đi kín đường, anh tha hồ mà chụp ảnh. Trời cứ xâm xẩm tối là dê tự động về không phải gọi, không phải đuổi - rồi anh bộc bạch: “Tôi chẳng nhớ nuôi dê được bao nhiêu năm nữa. Chắc có khi trên 30 năm. Từ ngày sinh ra, lớn lên ở vùng đất này, tôi đã thấy các cụ nuôi. Nhà ai cũng nuôi dê. Gắn bó lâu như vậy nên tôi hiểu rõ đặc tính của dê. Có con dễ tính, dễ nuôi nhưng quan trọng là mình phải hiểu nó. Cũng là loài động vật hoang dã, ngoài những bệnh dịch như đậu, tụ huyết trùng, viêm ruột, người nuôi rất sợ dê ăn phải lá có sương, có mưa đầu mùa. Dê là giống phàm ăn, nhiều lá cây trâu, bò không ăn, dê ăn được hết. Do vậy, vào mùa đông không nên thả dê vào sáng sớm vì lúc đó sương chưa tan, dê ăn vào chướng hơi, đầy bụng. Khi chăn thả cũng cần để ý thời tiết. Nhiều khi sáng nắng đến trưa, chiều trời đổ mưa, không đuổi về thì dê ăn lá dính nước mưa cũng bị bệnh.
Những năm trước, chuyện nuôi dê ở Lạc Thủy không hẳn để kinh doanh. Nhiều nhà nuôi chỉ như con lợn, con gà trong nhà. Vừa để vui cửa vui nhà, có việc đi chăn dê và sử dụng khi gia đình có công việc. Từ khoảng năm 1998, xu hướng thị trường tìm đến những sản phẩm giàu dinh dưỡng, không nuôi công nghiệp, chỉ ăn cỏ, uống nước lã và con dê có chỗ đứng. Lúc này dê trở thành hàng hóa. Anh Vùng chia sẻ: Căn nhà hai tầng này tôi xây năm 2011 hết hơn 800 triệu đồng cũng từ dê mà ra. Cả xóm khá lên từ dê. Không có con gì, cây gì ở đây có thể thoát nghèo và làm giàu nhanh như con dê. Tính trung bình nuôi 1 con dê cái mỗi năm đẻ từ 1-2 con cho thu nhập từ 2-3 triệu đồng trở lên. Hiện tại, nhà tôi có 34 con, trong đó, 20 con cái mỗi năm cho thu nhập trên 100 triệu đồng. Với lượng nuôi như thế chỉ cần một người đi chăn và trông nom. Cả xóm Đồng Mới có 50 hộ dân thì có đến 45 hộ nuôi dê. Tuy chưa có quy mô trang trại hàng trăm đến hàng nghìn con nhưng đủ cung cấp ra thị trường giúp đời sống của bà con ổn định. Nhiều hộ gia đình chọn mô hình nuôi nhỏ vài chục con. Với lượng như thế thì họ dễ chăm sóc, quản lý dịch bệnh.
Ngồi một lúc, văng vẳng từ đằng xa nghe tiếng dê gọi nhau. Cả đàn con trước, con sau về. Đến nhà ai dê tự động tách đàn về nhà mình. Thấy lạ, tôi hỏi, anh Vùng cho biết: Chúng quen rồi chẳng bao giờ về nhầm nhà, nhầm chuồng. Quy định ở đây, ban ngày nếu không thả lên núi thì nhốt dê, không được thả lên đồi. Ngoài chăn thả, khi tối về bổ sung thức ăn tinh như sắn, ngô và nước muối. Vị nước muối để dê nhớ chuồng, nhớ nhà không thể bỏ nhà được. Tuy nhiên cũng có trường hợp dê bỏ nhà là do lạ đàn. Khi nhà chủ bắt thêm dê về thả cùng đàn cũ thì bị những con cũ bắt nạt đánh nên dê “dỗi” bỏ nhà lên núi. Trong mấy chục năm nuôi dê, anh Vùng cũng bị mấy lần như vậy. Có con 2-3 năm mới tìm được. Chúng sống trên núi. Ban ngày đi ăn cùng đàn, ban đêm ngủ luôn trên núi. Khi tìm được chúng đã có con ở trên đó. Nhưng rất khó bắt được những con đó, trừ khi dê con còn nhỏ bắt về, dê mẹ theo mới thuần phục được.
Cạnh nhà anh Vùng là nhà anh Trịnh Ngọc Tuyên cũng nuôi 16 con dê, trong đó 11 con cái. Với số lượng này, chăm tốt, mỗi năm anh Tuyên thu gần 100 triệu đồng từ bán dê con thương phẩm. Nếu ngày nào không mưa, anh thả theo đàn dê của xóm lên núi. Chiều đàn dê tự về. Vợ anh Tuyên cho biết: Nuôi dê nhàn hơn trâu, bò nhiều vì chúng phàm ăn, đầu tư ít hơn. Nếu như nuôi trâu, bò đầu tư từ 15 triệu trở lên, trong khi đó, nuôi dê từ 2-3 triệu đồng là nuôi được, tỷ lệ rủi ro cũng thấp. Với mức đầu tư như vậy phù hợp với những hộ nghèo ít vốn.
Ngồi rít điếu thuốc lào, anh Nguyễn Văn Hòa ở xóm Rộc Yểng, xã Đồng Tâm tâm sự: Trông thế này thôi, tôi đi chăn 8 con dê mẹ và 7 con dê con nhưng tính ra trung bình cũng được trên 70 triệu đồng /năm. Ngày mưa cho dê ăn cỏ dự trữ, ngày nắng thả từ chiều đến tối rồi về. Ở nơi khác, người ta có tiềm năng đất đai chọn cây ăn quả, cây công nghiệp để làm giàu nhưng ở Lạc Thủy, nhiều nhà dựa vào tiềm năng núi đá để nuôi dê phát triển kinh tế hộ gia đình. Trong cơ chế thị trường, hướng đi này ngày càng khẳng định đúng. Bà Hoàng Thị Thu Hằng, Trưởng phòng NN & PTNT huyện cho biết: Riêng trong năm 2014, đàn dê của huyện đạt 7.500 con, vượt kế hoạch 119,4%. Hướng phấn đấu trong năm 2015, đàn dê đạt 7.600 con. Trong những năm tới, UBND huyện khuyến khích, hỗ trợ những mô hình chăn nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên ở địa phương, phù hợp với xu hướng thị trường.
Việt Lâm
(HBĐT) - Theo lời bài hát “Nhớ mãi Kim Bôi” của nhạc sỹ Huy Tâm: “Anh ơi, anh hãy về Kim Bôi quê mẹ giữa mùa hoa mơ trắng ríu rít phiên chợ Bo Kim Bôi chén vàng xưa đong đầy nước mắt. Suối khoáng trong nhưng đời vẫn đục. Kim Bôi chén vàng nay đong đầy no ấm. Suối khoáng trong soi đời đẹp giàu ”... chúng tôi về thăm Mường Động đúng vào mùa hoa mơ, hoa đào khoe sắc thắm. Về Kim Bôi để tận mắt chứng kiến sự đổi thay của vùng đất chén vàng.
(HBĐT) - Những ngày này, BCĐ 389/ĐP tỉnh, BCĐ 389/ĐP các huyện, thành phố đang tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp Tết Nguyên đán, nỗ lực thực hiện các giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi, không để hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng trà trộn vào địa bàn.
(HBĐT) - Vào ngày này, ở khắp các tuyến đường của thành phố Hòa Bình ngập ngời sắc đỏ hoa đào, những chậu mai, chậu quất và cam Canh vàng ruộm rực rỡ đón xuân. Một loại cây cảnh mới được nhiều người chú ý là đu đủ với dáng thế cong, lá, quả mướt mát, xum xuê cũng đã xuất hiện trên thị trường Tết này.
(HBĐT) - Ngọc Mỹ (Tân Lạc) là xã thuần nông, đời sống của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nhưng công trình thuỷ lợi xuống cấp, chủ yếu phụ thuộc vào thiên nhiên không đảm bảo cho sản xuất, thâm canh tăng vụ hàng năm. Mặt khác xã không có ngành nghề phụ nên tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên chỉ chiếm hơn 33%. Tỷ lệ hộ nghèo 27,5%, hộ cận nghèo 31%, thu nhập bình quân đầu người đạt 12 triệu đồng/năm.
(HBĐT) - Năm 2014, huyện Kỳ Sơn đã tập trung huy động nhiều nguồn lực để xây dựng NTM, trong đó vốn huy động của cộng đồng dân cư đạt trên 5,7 tỷ đồng. Nhiều hộ đã tự nguyện hiến khoảng 47.060 m2 đất các loại để làm đường giao thông và các công trình hạ tầng xã hội khác.
(HBĐT) - Theo BCĐ 800 huyện Kim Bôi, từ nhiều nguồn vốn khác nhau, trong năm 2014, toàn huyện đã làm mới được 34,3 km đường giao thông nông thôn các loại, kiên cố hóa 13,92 km kênh mương, làm mới 12,8 km đường điện và 5 trạm biến áp.