Các lực lượng khẩn trương khắc phục sự cố tại đê Thanh Lương (Lương Sơn).
(HBĐT) - Tình hình thiệt hại do mưa lũ xảy ra từ ngày 16 – 18/9 trên địa bàn tỉnh ở mức độ nghiêm trọng với 3 người chết do bị nước lũ cuốn trôi; đời sống sinh hoạt của hàng nghìn hộ dân gặp khó khăn vì ngập úng, nguy cơ mất an toàn; nhiều công trình giao thông, cầu, cống, công trình điện bị hư hỏng. Sản xuất nông nghiệp cũng thiệt hại nặng nề. Bên cạnh việc triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả trong, sau mưa lũ còn cần có sự hỗ trợ, cứu trợ thiên tai để sản xuất sớm được khôi phục, đời sống của các hộ gặp thiên tai sớm ổn định.
* Huyện Lương Sơn: Theo thống kê mới nhất tính đến hết ngày 19/9 mưa lũ đã làm 2 người chết. Mưa lớn đã gây ngập cục bộ tại nhiều nơi trên địa bàn huyện. Nước lũ dâng cao đã làm ngập 261 nhà; làm sập 2 nhà, cuốn trôi 3 nhà dân; 12 hộ dân bị sạt lở đất; cuốn trôi, làm đổ nhiều chuồng trại chăn nuôi; ngập và làm hư hỏng nhiều tài sản có giá trị của nhân dân. Ngoài ra, nước lũ đã làm ngập úng khoảng 500ha lúa và 300ha hoa màu; cuốn trôi 6 nghìn gia cầm, 3 nghìn con lợn, 11 con dê; làm vỡ, tràn khoảng 10ha ao cá của các hộ dân. Mưa lũ dâng cao ở các sông, suối đã gây ngập, tràn qua nhiều tuyến đường và các ngầm dân sinh, trong đó một số nơi còn bị nước lũ phá hủy mặt ngầm; một số tuyến đường bị sạt lở đất đá, gây ách tắc giao thông. Nước lũ đã gây thiệt hại nghiêm trọng về hệ thống điện; làm xói lở, cuốn trôi, vỡ 200 bai tạm, 20 bai kiên cố, gây mất an toàn trên tuyến đê Thanh Lương... Trận mưa lũ đã gây thiệt hại về kinh tế cho huyện Lương Sơn ước tính khoảng 100 tỷ đồng. Trước diễn biến bất thường của mưa lũ, huyện Lương Sơn đã chủ động thực hiện các biện pháp ứng phó, huy động lực lượng tổ chức CHCN; triển khai công tác TKCH - CN. Qua đó, đã tổ chức cứu và đưa được 715 người tại các điểm trũng, ngập lụt, mưa lũ nặng về nơi sơ tán đảm bảo an toàn.
Tính đến 14h30 ngày 20/9, các lực lượng của huyện Lương Sơn vẫn tiếp tục tìm kiếm 1 người bị mất tích do nước lũ cuốn trôi. UBND huyện trích kinh phí hỗ trợ các gia đình có người bị chết và mất tích số tiền 4,5 triệu đồng/người. Ngoài ra, UBND huyện cũng đang tiến hành thống kê, rà soát tình hình thiệt hại để có các phương án hỗ trợ kịp thời cho các hộ dân bị thiệt hại nặng. Nhất là đối với các hộ dân bị thiệt hại nặng về nhà cửa, tài sản; chỉ đạo các lực lượng tập trung xử lý môi trường, đảm bảo không để xảy ra dịch bệnh sau lũ; huy động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia giúp đỡ các hộ gia đình bị thiệt hại nặng; tập trung khắc phục các sự cố, sạt lở trên các tuyến đường giao thông, thủy lợi trên địa bàn; tiếp tục bố trí lực lượng canh gác, cảnh báo tại các điểm còn ngập sâu, nguy hiểm không để người và phương tiện qua lại.
* Huyện Lạc Thuỷ: là địa phương có mức độ thiệt hại nghiêm trọng chỉ đứng sau huyện Lương Sơn với 1 người chết do bị lũ cuốn trôi; khoảng 1.500 ha lúa, ngô, cây hoa màu bị ngập úng, trong đó có trên 400 ha nguy cơ mất trắng. Mưa lũ cũng gây thiệt hại đáng kể đối với các công trình nhà ở, giao thông, thuỷ lợi, gây tình trạng ách tắc, chia cắt cục bộ. Tổng thiệt hại đến thời điểm này ước 13,7 tỷ đồng.
Trường hợp cháu bé ở thôn Đầm Bíp, xã Yên Bồng bị chết do lũ cuốn trôi khi đi qua địa bàn xã Khoan Dụ, phòng LĐ – TB & XH đã thực hiện hỗ trợ 4,5 triệu đồng theo quy định hỗ trợ hộ rủi ro. UBND, Ban chỉ huy PCTT & TKCN của huyện đã tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ 2 triệu đồng. Một số ngành, đoàn thể của huyện cũng đã đến thăm hỏi, hỗ trợ đối với gia đình nạn nhân.
Hiện nước lũ đã cơ bản rút gần xuống mức bình thường ở các vùng sản xuất lúa, ngô, tình trạng ngập nước chỉ còn ở một số diện tích úng trũng. Nhân dân có diện tích thiệt hại đang tích cực thực hiện các biện pháp cứu diện tích ngô bằng cách khoắng rửa bùn bám, dùng máy bơm để xử lý tiêu úng, nạo vét bùn, đất tại các mương bị đất lở. Giao thông đi lại giữa các vùng trên địa bàn đã trở lại bình thường. Ban chỉ huy PCTT & TKCN huyện đang tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn tiếp tục rà soát, thống kê lại thiệt hại, nhất là các công trình điện bị sự cố phát sinh do lũ. Chậm nhất đến ngày 23/9 sẽ cơ bản hoàn thành công tác khắc phục hậu quả.
* Huyện Kỳ Sơn: Đợt mưa lớn kéo dài từ ngày 16/9 đến 18/9 đã làm cho trên 140 ha lúa và hoa màu bị úng ngập. 3 điểm trên tuyến đường Dân Hạ - Độc Lập bị sạt lở gây ách tắc giao thông, học sinh các trường Mầm non, Tiểu học, THCS Dân Hạ C và Độc Lập phải nghỉ học. Hệ thống ngầm tràn liên hợp trên địa bàn nước dâng cao khiến việc đi lại rất khó khăn, nguy hiểm. Đặc biệt, do mưa lớn kéo dài đã có bốn gia đình ở xóm Dụ 5 và một gia đình ở xóm Vành, xã Mông Hóa bị sạt lở đất đá làm sập nhà và công trình phụ. Rất may không có thương vong về người
Ngay sau khi nhận được thông tin, BCH phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Kỳ Sơn đã huy động 50 CBCS Công an huyện, BCHQS huyện và lực lượng dân quân cơ động xã Mông Hóa cùng nhân dân và phương tiện, máy móc để ứng cứu người, di dời toàn bộ tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm tại xóm Dụ 5. UBND huyện Kỳ Sơn đã quyết định hỗ trợ 3 triệu đồng/hộ cho 4 hộ bị đất đá sạt lở. Lực lượng dân quân và nhân dân xã Mông Hoá tập chung giúp các hộ bị thiệt hại hàng trăm ngày công dọn dẹp nhà cửa, vườn tược và chuẩn bị vật liệu làm lại nhà ở để sơm ổn định cuộc sống. Hệ thống bơm tiêu của các xã hoạt động hết công suất góp phần giảm thiểu thiệt hại lúa và hoa màu do ngập úng. Tình trạng sạt lở trên tuyến đường Dân Hạ - Độc Lập cũng được giải toả, việc lưu thông trên tuyến đã trở lại bình thường.
* Huyện Mai Châu: Theo số liệu của phòng Kinh tế & Hạ tầng huyện, thiệt hại do mưa lũ gây ra ước trị giá 1,9 tỷ đồng, chủ yếu về các công trình cầu, đường bộ của 2 xã Phúc Sạn, Xăm Khoè. Cụ thể tuyến đường 60 (Đồng Bảng – Phúc Sạn) xảy ra sạt lở ta luy âm tại km 3 + 300, ta luy dương tại km 9 + 300, trị giá thiệt hại 400 triệu đồng. Tuyến đường 64A (Xăm Khoè - Piềng Vế) sạt lở ta luy âm điểm km 3 + 100; tuyến đường 64B (Piềng Vế - Cun Pheo) sạt lở ta luy dương tại km 1 + 850, km 2 + 450, trị giá thịêt hại khoảng 500 triệu đồng. Về công trình cầu xóm Sun – xã Xăm Khoè ngập, xói mòn, lún, sụt mố cầu, mặt cầu nghiêng không đảm bảo đi lại, thiệt hại 1 tỷ đồng. Để tạm thời xử lý, khắc phục hậu quả, nhân dân các xã có công trình giao thông đã được huy động hót dọn đất, đá sạt xuống nền đường để đảm bảo việc đi lại. Riêng công trình cầu xóm Sun hiện đã hạn chế người, cấm không cho các loại phương tiện đi trên cầu, đưa cầu vào danh mục đầu tư mới.
* Huyện Yên Thuỷ: Mưa lũ đã gây ngập úng, sạt lở đất ở nhiều khu vực trên địa bàn. Tình trạng bị ngập sâu, chia cắt diễn ra trong suốt nhiều giờ đồng hồ ở các xã, nhiều nhất là các xã Ngọc Lương, Đoàn Kết, Bảo Hiệu với khoảng trên 730 hộ gia đình, trong đó có 27 hộ phải di dời đến nơi an toàn. Diện tích cây trồng bị ngập, ảnh hưởng đến năng suất gần 800 ha, cuối trôi hàng nghìn con gia cầm, 70 ha diện tích nuôi trồng thuỷ sản mất trắng. Triển khai các biện pháp phòng, chống kịp thời, hiện nay tình trạng ngập úng đã cơ bản được khắc phục. Thể theo đề nghị của UBND huyện, huyện Nho Quan (Ninh Bình) đã mở đập Ngựa Lồng trên sông Lạng để giúp tiêu thoát nước cho 2 xã Ngọc Lương, Đoàn Kết. 27 hộ dân phải di dời đã quay về nơi ở cũ ổn định. Huyện đã huy động máy móc, phương tiện múc, vận chuyển 3m3 đất, đá vùi lập đường giao thông để nhân dân đi lại.
* Thành phố Hoà Bình: Xuất hiện hàng chục điểm sạt lở đất trên các tuyến đường giao thông, tình trạng úng ngập cục bộ gây nhiều ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, đời sống dân sinh tại các phường Tân Hoà, Tân Thịnh, Hữu Nghị, Thịnh Lang, các xã Trung Minh, Hoà Bình, Dân Chủ, Sủ Ngòi, Thái Thịnh. Giao thông tại ngầm Cang, xã Hoà Bình bị chia cắt 12 giờ đồng hồ. Sạt lở ta luy đồi đã làm ảnh hưởng đến công trình nhà ở, sập bếp, công trình phụ của hơn 10 hộ dân các xã Hoà Bình, Thái Thịnh, Trung Minh. Nước lũ gây ngập nặng làm trên 100 ha lúa, cây trồng khác, diện tích nuôi trồng thuỷ sản bị thiệt hại.
Với việc huy động phương tiện, máy móc và lực lượng 4 tại chỗ, các tuyến đường bị sạt lở đã thông trở lại tạm thời đảm bảo việc đi lại cho nhân dân. Các hộ có nhà ở trong vùng nguy hiểm sau khi sơ tán đã trở lại nhà cũ. Nhân dân các tổ, xóm bị nước ngập tràn vào nơi ở đã chủ động cùng với sự hỗ trợ của lực lượng “4 tại chỗ” các xã phường xử lý nước ngập, ổn định cuộc sống. Ban chỉ huy PCTT & TKCN thành phố đang chỉ đạo đơn vị Thú y triển khai biện pháp phun tiêu độc khử trùng môi trường tại các khu dân cư trọng điểm bị nước ngập vào nhà.
* Huyện Cao Phong: Thị trấn Cao Phong và 2 xã Bình Thanh, Thu Phong là những địa bàn chú yếu bị ảnh hưởng bởi mưa lũ. Về công trình nhà ở, có 2 nhà dân bị sạt lở, nghiêng thuộc xóm Mỗ 2, xã Bình Thành. Tại xã Thu Phong và thị trấn Cao Phong, cầu suối Bưng bị sạt lở đá kè mố cầu khu vực xóm Bưng 1, gẫy 20m mương suối Bưng. Hiện các lực lượng dân quân tư vệ xã, thị trấn đã tạm thời khắc phục phần sạt lở mố cầu, tổ chức nạo vét bùn, đất mương suối.
* Huyện Tân Lạc: Mưa lũ chủ yếu gây sạt lở làm ảnh hưởng đến một số công trình cầu, đường, điện với tổng giá trị thiệt hại khoảng 40 triệu đồng. Tình trạng sạt lở nhà dân cũng xảy ra với quy mô nhỏ, sạt lở mố cầu xóm Quắn trên tuyến đường Gia Mô – Thanh Hối, sạt lở 1 cột điện 0,4 kV đi xóm Bo, xã Gia Mô. Ban chỉ huy PCTT & TKCN các xã có nhà dân bị ảnh hưởng, công trình sạt lở đã huy động nguồn lực tại chỗ xử lý dọn đất, đá sạt, sụt, giúp đỡ hộ bị ảnh hưởng khắc phục.
* Huyện Lạc Sơn: Mưa lớn đã gây 1 số thiệt hại về cơ sở hạ tầng, hoa màu và tài sản. Thiệt hại ban đầu ước tính khoảng 5,5 tỉ đồng. Theo đó, Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện chỉ đạo khắc phục hậu quả do đợt mưa lũ gây ra trên địa bàn: rà soát, di dân khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở đất đá, khu vực nguy hiểm; chỉ đạo khắc phục sập nhà, ngập sâu, bị hư hỏng nặng do thiên tai; chỉ đạo tổ chức khắc phục thiệt hại, ổn định sản xuất, đời sống của nhân dân do mưa lũ gây ra; yêu cầu các địa phương, các ngành, đơn vị kiểm tra thực tế, thống kê chi tiết các thiệt hại; thăm hỏi, động viên và hỗ trợ kịp thời các gia đình có người bị thương, các gia đình có nhà bị sập đổ; chủ động xử lý các điểm ngập, lụt, các vị trí bị sạt lở làm ách tắc giao thông; kiểm tra, kiên quyết di chuyển các hộ dân ở vùng nguy hiểm bị sạt lở, lũ ống, lũ quét; sẵn sàng và có biện pháp cụ thể đối phó đề phòng mưa lớn kéo dài; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
* Huyện Kim Bôi: Mưa lớn đã gây thiệt hại về tài sản và hoa màu của nhân dân trong huyện. Nhằm chủ động đối phó với tình hình mưa lũ, ngày 17/9/2015 UBND huyện Kim Bôi đã ban hành Công điện số 03/CĐ-UBND yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và UBND các xã, thị trấn khẩn trương thực hiện một số công việc để phòng, tránh và ứng phó với tình hình mưa lũ trên địa bàn huyện. Đồng thời, kiểm tra công tác chuẩn bị lực lượng, vật tư, nhu yếu phẩm theo phương châm “bốn tại chỗ” và tổ chức trực ban theo quy định. Do đó, các xã thị trấn đã cố gắng để thiệt hại thấp nhất, không có thiệt hại về người. Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện đang chỉ đạo các địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả. Đối với diện tích lúa và hoa màu bị đổ, ngập nước chờ nước rút để dựng lại cây đổ, gặt lúa. Đối với nhà ở bị ngập thì lực lượng dân quân tại chỗ chủ động ứng cứu. Đồng thời, khẩn trương nạo vét một số điểm sạt lở trên đường giao thông để đảm bảo an toàn;
* Huyện Đà Bắc: Theo báo cáo nhanh của các xã, hiện nay đã có một số xã bị thiệt hại đến nhà cửa, tài sản và hoa màu, giá trị thiệt hại ước tính khoảng 500 triệu đồng. Ngay sau khi xảy ra mưa lớn, UBND các xã đã tiến hành kiểm tra, xác minh thực tế thiệt hại và huy động nhân lực tại chỗ tiến hành dọn dẹp đất đá tại các tuyến đường bị sạt lở đất, giúp giao thông thông suốt. Bên cạnh đó, Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện chỉ đạo lực lượng cán bộ y tế hỗ trợ nhân dân đảm bảo vệ sinh môi trường sau khi nước rút...
Nhóm PV
(HBĐT) - Công ty CP Đầu tư Phát triển Anh Kỳ (Anh Kỳ) là doanh nghiệp trẻ được thành lập từ tháng 10/2000 với 20 cán bộ, công nhân viên. 15 năm là chặng đường đầy khó khăn, thử thách nhưng tập thể lãnh đạo Công ty cùng CB,CNV đã chèo lái “con thuyền” doanh nghiệp mang thương hiệu “Anh Kỳ” với hơn 400 CB,NV vững vàng và không ngừng phát triển, trở thành doanh nghiệp mạnh của tỉnh. Anh Kỳ đã không ngừng học hỏi, nỗ lực nghiên cứu thị trường trong và ngoài tỉnh, vươn xa thị trường quốc tế.
(HBĐT) - Các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh, thực hiện các mục tiêu đã đề ra. Hầu hết các dự án FDI đều thực hiện đúng các mục tiêu đã cam kết trong giấy phép chứng nhận đầu tư. Dự án sản xuất hàng may mặc xuất khẩu của Tập đoàn Esquel có tổng mức đầu tư 25 triệu USD, quy mô sản xuất giai đoạn 1 là 7 triệu sản phẩm/năm, 100% sản phẩm xuất khẩu, được cấp phép vào năm 2011, khởi công năm 2012, chính thức đi vào hoạt động vào đầu năm 2014, đến nay đã đi vào hoạt động ổn định.
(HBĐT) - Xác định rõ mục tiêu xây dựng NTM nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, những năm qua, các địa phương đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền để người nông dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, từ đó nâng cao nhận thức, phát huy vai trò chủ thể trong xây dựng NTM.
(HBĐT) - Hang Kia là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Mai Châu, cách trung tâm huyện 40 km về phía Tây Bắc, diện tích tự nhiên 2.348,35 ha được phân chia thành 5 xóm gồm: xóm Hang Kia, Pà Khôm, Thung Mài, Thung Ẳng, Thung Mặn với tổng số 586 hộ, 3.195 nhân khẩu, 99,5% là người dân tộc Mông.
(HBĐT) - Từ đầu năm đến nay, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ thành phố đến cơ sở tiếp tục triển khai các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, đồng thời tăng cường các biện pháp quản lý và khai thác nguồn thu, chống thất thu, xử lý kịp thời các trường hợp nợ đọng kéo dài.