Cây mía phát triển tốt đang trở thành niềm hy vọng đổi đời cho người dân nghèo ở xóm Cả, xã Liên Vũ (Lạc Sơn).
(HBĐT) - Xóm Cả, xã Liên Vũ (Lạc Sơn) có 102 hộ với 417 nhân khẩu, trong đó có 180 người ở độ tuổi lao động. Kinh tế của xóm dựa chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi. Năm 2012 tỷ lệ hộ nghèo của xóm còn chiếm tới 37%, bình quân thu nhập đầu người chỉ đạt 5,6 triệu người/năm. Những người trong độ tuổi lao động 100% là nông dân chưa qua đào tạo nghề. Do đó trình độ canh tác cũng như thâm canh tăng vụ, tăng năng suất chưa có sự chuyển biến mạnh mẽ.
Tuy nhiên cách đây 3 năm, một nhóm nông dân đồng sở thích đã được thành lập. Sự ra đời của nhóm dựa trên kết quả phối hợp giữa dự án ADDA và Hội nông dân tỉnh Hòa Bình. Hoạt động nhóm bước đầu đã có tác động tích cực đến kết quả sản xuất của nhiều nông dân. Đây là một nhóm sở thích về trồng trọt, trong đó họ lấy hai loại cây trồng chính là mía tím và bí xanh để thực hiện. Từ chỗ sản xuất theo kiểu truyền thống, đến nay 100% thành viên trong nhóm nông dân này đều đã áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần so với trước đây.Chị Bùi Thị Lịch, nhóm trưởng cho biết: “Sở dĩ chúng tôi chọn hai loại cây trồng này là do điều kiện thổ nhưỡng tại đây rất phù hợp với lại ở gần đường Quốc lộ nên tiêu thụ cũng dễ”. Xác định được lợi thế là vậy nhưng nông dân lại thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật. Tiếp nhận đơn đề nghị của nhóm, từ ngày 10 đến ngày 12 tháng 10 năm 2013, Hội nông dân tỉnh và Dự án ADDA đã mở lớp tập huấn về kỹ thuật trồng cây bí xanh tại xóm Cả với 22 người tham gia trong đó có 10 thành viên nhóm sở thích. Sau khóa học, các học viên đều nắm vững kiến thức để áp dụng vào thực tế sản xuất. Trước đây cây lúa là cây trồng chủ lực trên cánh đồng xóm Cả, xã Liên Vũ. Thế nhưng từ khi nhóm sở thích được tập huấn thì hầu hết diện tích trồng lúa được chuyển sang trồng mía tím và bí xanh. Cánh đồng có sự chuyển mình một cách nhanh chóng bởi tư duy sản xuất của nông dân đã được thay đổi. Anh Bùi Văn Lực, một thành viên trong nhóm tâm sự: “Trước đây chúng tôi cứ loay hoay quanh đi trồng lúa, quanh lại trồng ngô; bây giờ được phân tích, hạch toán đầu tư chúng tôi mới thấy cần phải thay đổi cây trồng để có hiệu quả kinh tế cao hơn”. Cùng chung suy nghĩ như anh Lực, các thành viên trong nhóm sở thích đã họp bàn lên kế hoạch thống nhất thời vụ. Cả nhóm quyết định sẽ trồng bí xanh trái vụ với giống kháng bệnh tốt là Quang nông phát và QNP 336. Quyết định này được đưa ra bởi cả nhóm cho rằng vụ xuân vừa qua do bà con trồng bí xanh một cách ồ ạt nên bí bị rớt giá tới 1.220đồng/kg . Nhận định được đưa ra là: hầu hết người trồng bí thua lỗ không còn đủ vốn để tái sản xuất bởi vậy trồng bí trái vụ lúc này sẽ có cơ hội bán được với giá cao vì thị trường thiếu nguồn cung khi ít người sản xuất. Vụ hè thu năm 2015 xóm Cả trồng được 4,7ha bí xanh, do được trồng chăm sóc đúng kỹ thuật nên bí phát triển rất tốt, tỷ lệ đậu quả cao, quả to và đều, được thương lãi ưa thích. Giá bán tại vườn là 12.000đ/1kg, cao gấp 10 lần so với vụ xuân (chính vụ) trước đó. Riêng gia đình chị Lịch đã trồng được 1.000m2, bán được 30 triệu đồng. Thành viên Bùi Thị Nim do ít đất chỉ trồng có 700m2 nhưng khi bán cũng thu được 21 triệu đồng. Anh bùi Văn Tý thì phấn khởi: “Vụ này bí bán chạy, giá đắt; một gánh bí phải bán được 700.000đ, còn vụ trước một gánh chưa bán nổi 70 nghìn”. Như vậy chỉ chưa đầy 3 tháng 1.000m2 đất ruộng bà con nông dân xóm Cả đã làm ra 30 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi khoảng 25 triệu đồng, tính ra trồng bí lãi gấp 8 đến 9 lần so với trồng lúa.
Sau cây bí xanh thắng lợi, nhóm của chị Lịch đang tập trung vào chăm sóc mía tím. Đây là một trong hai loại cây trồng mà nhóm đã chọn vì cho rằng có nhiều thuận lợi cả về điều kiện thổ nhưỡng lẫn địa bàn tiêu thụ. Diện tích mía của xóm Cả niên vụ 2015 – 2016 tăng 26% so với vụ trước. Lý do tăng diện tích cũng bời nhóm đã nhận định giống như trồng bí trái vụ vừa qua. Chị Bùi Thị Xịt quả quyết: “Năm ngoái mía ế ẩm, năm nay trồng chắc chắn sẽ ăn, nếu không thì cũng còn mía gốc đợi đến năm sau cũng sẽ kéo lại”. Trồng mía có cái thuận lợi là chỉ trồng một lần có thể ăn 2 đến 3 vụ tùy thuộc điểu kiện chăm sóc. Theo nhóm xác định năm nay có thể giá mía chưa đột phá nhưng cũng không đến nỗi ế ẩm như năm ngoái vì tổng diện tích trong vùng đã giảm tới 30%. Mặc dù vậy nhưng nhóm vẫn e dè cầm chừng về diện tích trồng. Cả nhóm chỉ trồng hơn 1,5 ha. Trong đó gia đình nhà anh Bùi Văn Lực trồng được 2.000m2, gia đình chị Bùi Thị Len trồng được 1.780m2, gia đình anh Bùi Văn Hợp trồng được 3.200m2 và gia đình chị Bùi Thị Lịch trồng nhiều nhất là 4.000m2.
Có thể nói, bằng việc hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất cho nông dân, Hội nông dân và Dự án ADDA tại tỉnh Hòa Bình đã tạo được bước đột phá trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Phần nào giải quyết được vấn đề nông dân loay hoay với phương pháp thâm canh truyền thống, kém hiệu quả. Thành công trong sản xuất của nhóm sở thích trồng mía tím và trồng bí xanh tại xóm Cả, xã Liên Vũ huyện Lạc Sơn (Hòa Bình) là minh chứng rõ nhất.
Bùi Công Nhắn
(Đài TT-TH Lạc Sơn)
(HBĐT) - Trong giai đoạn 2011-2015, thực hiện chương trình xây dựng NTM, huyện Kim Bôi thông qua công tác tuyên truyền, vận động đã được sự đồng tình hưởng ứng, tự giác tham gia của đồng đảo tầng lớp nhân dân trong huyện.
(Tiếp theo kỳ trước)
(HBĐT) - Ông Bùi Văn Hạnh (Tân Lạc) hỏi: Được biết, có một văn bản mới được ban hành quy định về miễn, giảm tiền sử dụng đất, xin quý báo thông tin rõ hơn về nội dung này?
(HBĐT) - Chiều 15/10, UBND tỉnh tổ chức hội nghị họp thống nhất nội dung kế hoạch tổ chức hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh. Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban tổ chức, chủ trì hội nghị.
(HBĐT) - Ngày 14/10, Viện Dân tộc của Uỷ ban Dân tộc đã phối hợp với UBND huyện Kim Bôi tổ chức nghiệm thu Dự án Phát triển chăn nuôi gia cầm bền vững được thực hiện tại địa bàn huyện Kim Bôi các năm 2014 – 2015.
(HBĐT) - Từ đầu năm đến nay, Trạm Khuyến nông – Khuyến lâm huyện Lương Sơn đã tổ chức và phối hợp tổ chức được 33 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, góp phần nâng cao hiệu quả công tác khuyến nông – khuyến lâm trên địa bàn huyện.