Các thành viên nhóm đồng sở thích xóm Bưng, xã Hương Nhượng (Lạc Sơn) trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi gà.
(HBĐT) - Cùng chị Bùi Thị Lâm, tập huấn viên của Dự án ADDA (tổ chức Phát triển nông nghiệp Đan Mạch châu á) tại tỉnh, chúng tôi về xóm Bưng, xã Hương Nhượng (Lạc Sơn) để tìm hiểu về mô hình chăn nuôi gà thịt thuộc Dự án “Nâng cao năng lực các nhóm nông dân sở thích dân tộc ít người” do Tổ chức ADDA tài trợ.
Vừa gặp chúng tôi, chị Quách Thị Hòa, nhóm phó của “Nhóm sở thích chăn nuôi gà thịt” xóm Bưng hồ hởi khoe: “Đợt này gà lớn nhanh lắm, tí nữa anh chị ra mà xem”. Sau vài cú điện thoại, chúng tôi cùng thăm quan quy mô chăn nuôi của gia đình chị Hòa. Khu vườn rộng 5.800 m2 được rào bao quanh toàn bộ. Trong vườn có 110 gốc bưởi, 270 gốc chanh mới trồng đầu năm cùng nhiều cây ăn quả khác đã cho thu hoạch. Chị dành 150 m2 để xây dựng chuồng gà. Gà được nuôi theo hình thức bán chăn thả. Hiện nay, chị có hơn 40 con gà đẻ trứng, 600 con gà thịt chuẩn bị xuất bán và 800 con gà mới nở. Toàn bộ số gà này đều là giống bản địa. Chất lượng gà thịt thơm ngon, sạch, an toàn do không sử dụng thức ăn tăng trọng. Hiện tại bán được với giá cao gấp đôi gà chăn nuôi công nghiệp hoặc bán công nghiệp. Trung bình mỗi năm chị xuất bán 3 lứa, mỗi lứa trừ chi phí được khoảng 80 triệu đồng.
Chị Bùi Thị Hương, nhóm trưởng chia sẻ: “Những kiến thức mà chúng tôi có được là bởi đã học qua các lớp tập huấn do Dự án ADDA tổ chức”. Anh Quách Nghinh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hương Nhượng cho biết: Cả xã có 836 hộ, trong đó có 170 hộ nghèo, 306 hộ cận nghèo. Riêng xóm Bưng có 136 hộ thì có tới 22 hộ nghèo và 48 hộ cận nghèo. Nhóm sở thích chăn nuôi gà xóm Bưng khi mới thành lập cũng có 2 thành viên thuộc hộ nghèo và 7 thành viên hộ cận nghèo. Nhưng nhờ có sự hỗ trợ của Dự án và giúp nhau giữa các thành viên trong nhóm nên đến nay, 100% đã thoát nghèo bền vững. Chị Bùi Thị Lâm - tập huấn viên dự án chia sẻ: “Ngoài hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt thông qua lớp tập huấn, ADDA còn hỗ trợ tiền thành lập nhóm và hỗ trợ xây dựng công trình vệ sinh cho nhà văn hóa xóm nằm trong mục tiêu phát triển cộng đồng”.
Cùng với tập huấn kiến thức, các thành viên trong nhóm còn giúp những người nghèo, không có điều kiện đầu tư vốn vay con giống và được nhóm đứng ra đề nghị Hội Nông dân tạo điều kiện vay vốn ngân hàng để phát triển chăn nuôi. Bằng hình thức hộ có con giống nhiều cho hộ chưa có vay, khi bán sản phẩm trả lại bằng tiền, cứ như vậy, sau một thời gian ngắn, tất cả các thành viên trong nhóm đều có gà để nuôi. Mặt khác, nhóm trưởng và nhóm phó đã đứng lên huy động chị em đóng góp 10.000 đồng/tháng để xây dựng quỹ nhóm với mục đích cho vay để mua con giống và thức ăn chăn nuôi. Sau 1 năm hoạt động, tất cả các thành viên đều chăn nuôi có hiệu quả với mức thu nhập khá, cũng vì thế, tiền quỹ nhóm đóng góp tăng dần. Đến nay, mức góp quỹ nhóm 100.000 đồng/người/tháng. Tổng số quỹ đã có trên 22 triệu đồng. Từ khi thành lập đến nay, nhóm đã giúp 10 lượt thành viên vay quỹ để mở rộng quy mô chăn nuôi. Hiện tại, bình quân mỗi thành viên có ít nhất từ 250 con gà thịt trở lên tùy từng thời điểm. Nhiều thành viên tích cực như các chị: Quách Thị Hòa, Bùi Thị Hương, Bùi Thị Nhửn, Quách Thị Chiền, Quách Thị Hải, Bùi Thị Ngành nuôi thường xuyên từ 1.000 - 1.500 con gà thịt, mỗi năm xuất bán từ 2 - 3 lứa, thu nhập trừ chi phí được trên 200 triệu đồng/năm.
Bùi Công Nhắn
(Đài TT-TH Lạc Sơn)
(HBĐT) - Năm 2015, huyện Tân Lạc đề ra chỉ tiêu giải quyết việc làm cho 1.500 lao động. Theo thống kê của Phòng LĐ-TB&XH, trong năm, huyện giải quyết việc làm cho khoảng 1.575 lao động, đạt 105% kế hoạch.
(HBĐT) - Đồng chí Bùi Văn Dán, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Cao Phong cho biết: Trung bình mỗi năm, huyện Cao Phong cần giải quyết việc làm cho khoảng 1.500 lao động và đào tạo nghề cho 1.300 người. Trong những năm qua, bằng nhiều hình thức và biện pháp khác nhau, huyện đã thực hiện tốt công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm theo kế hoạch đề ra.
(HBĐT) - Theo lời giới thiệu của đồng chí Bùi Văn Mựn, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Lạc Sơn, chúng tôi đến thăm xã Nhân Nghĩa, một trong những xã triển khai hiệu quả công tác giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Đồng chí Bùi Văn Vưn, Chủ tịch UBND xã cho biết: Xã Nhân Nghĩa có trên 1.400 hộ với trên 5.300 nhân khẩu, đời sống chủ yếu là sản xuất nông, lâm nghiệp và buôn bán dịch vụ nhỏ.
(HBĐT) - Năm 2014, HTX Dịch vụ nông nghiệp Hạ Bì, xã Hạ Bì (Kim Bôi) được thành lập theo loại hình kinh tế tập thể. Với việc tổ chức kinh doanh dịch vụ đa dạng, HTX đã và đang đi vào hoạt động hiệu quả.
(HBĐT) - Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 183/2015/TT-BTC hướng dẫn thực hiện thanh toán bằng quỹ đất cho nhà đầu tư thực hiện Dự án đầu tư xây dựng - chuyển giao (dự án BT).
(HBĐT) - UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định số 2669/QĐ-UBND về điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển CN -TTCN tỉnh Hòa Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.