Mặc dù có tiềm năng rất lớn nhưng do đầu ra bấp bênh nên bà con xã Quyết Chiến vẫn chỉ trồng su su ở diện tích khiêm tốn so với tiềm năng. (Trong ảnh: Bà Đinh Thị Loan, xóm Biệng đang chăm sóc vườn su su của gia đình).
(HBĐT) - Quãng thời gian 8 năm cây su su bén duyên với mảnh đất Quyết Chiến (Tân Lạc) là ngần ấy thời gian bà con xã vùng cao này buồn vui, lo âu lẫn lộn. Dù có tiềm năng rất lớn nhưng để su su thực sự “bứt phá” đem lại nụ cười cho bà con nơi đây thì bài toán nan giải trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm cần lắm một lời giải.
“Lúc được giá, cao điểm nhất là năm 2011 – 2012, diện tích trồng su su của cả xã Quyết Chiến lên tới 48 ha. Tuy nhiên, do đầu ra bấp bênh, giá cả xuống thấp nên diện tích tăng giảm liên tục. Năm ngoái, giá bình quân đạt khoảng 4.000 nghìn đồng/kg nên năm nay diện tích trồng su su lại tăng (từ 35 ha lên 45 ha). So với ngô, hiệu quả kinh tế từ trồng su su cao hơn 4-5 lần nhưng với đầu ra như hiện nay thì bà con chỉ cầm chừng thôi”, đồng chí Bùi Văn Bến – Phó Chủ tịch UBND xã Quyết Chiến cho biết.
Thời điểm này, vượt qua những khó khăn của những ngày đầu năm, hiện bà con ở xã Quyết Chiến đã cơ bản gieo trồng xong vụ chiêm xuân. Vụ này, cả xã gieo cấy 29 ha lúa, mặc dù hiệu quả kinh tế từ trồng ngô thấp hơn so với su su nhưng để “chắc ăn” cây trồng này vẫn giữ vai trò chủ lực với 162 ha. Theo đồng chí Bùi Văn Bến, với khí hậu mát mẻ quanh năm nên rất phù hợp với cây su su. Từ năm 2008, dự án SADU của Sở KH&CN triển khai trồng thí điểm 0,5 ha su su đã mở ra hướng đi đầy hi vọng trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế đối với xã nghèo Quyết Chiến.
Chúng tôi đến xóm Biệng, xóm có diện tích trồng su su nhiều nhất xã (khoảng 20 ha). Thời điểm này, dưới cánh đồng Đồng Luông hầu hết su su đã leo lên dàn khoảng 2 mét, một số diện tích khác do ảnh hưởng của đợt thời tiết cực đoan, hiện mới cao khoảng 40 cm. Bà Đinh Thị Loan, một người dân trong xóm đang miệt mài kéo dây cước để gia cố lại giàn cho su su cho biết: Gia đình bà đã trồng su su suốt trong 7 năm qua, với diện tích 3.000 m2 . Những năm vừa rồi, giá su su bấp bênh nên thu nhập chưa ổn định. Có năm được giá (5.000 đồng/kg), gia đình bà đã thu được 50 triệu đồng. Bà chia sẻ : “Dù giá thấp nhưng so với ngô vẫn hơn. Chỉ cần giá tầm từ 4.000 đồng/kg trở lên là chúng tôi có được nguồn thu nhập ổn định. Trước đây, trên này đã trồng nhiều cây, củ, quả ưa lạnh, trong đó cây su su là phù hợp hơn cả nhưng không ai dám mở rộng diện tích trồng vì sợ không bán được”.
Bên cạnh vườn nhà bà Loan, gia đình anh Bùi Văn Dậu cũng đang chăm chú cưa các đoạn cây tre để làm giàn cho su su leo. Cũng duy trì trồng su su lấy ngọn suốt 7 năm qua, anh Dậu cho hay: “Bình thường, nếu thời tiết thuận lợi thì su su đã leo khắp giàn rồi, đến tháng 4 là bắt đầu thu hoạch. Tuy nhiên, năm nay thời tiết không thuân lợi nên vụ này chậm hơn, năng suất chắc cũng giảm”. Theo chia sẻ của bà con, so với trồng ngô, việc trồng và chăm sóc cây su su vất vả hơn, bởi hôm nào họ cũng phải ra vườn, mỗi tháng bón phân 1 lần nhưng bù lại “mặc dù giá rẻ nhưng nếu lấy công làm lãi thì vẫn hơn cây ngô”.
Vấn đề đầu ra cho cây su su vốn là nỗi trăn trở của xã Quyết Chiến. Ngay từ khi đưa cây su su vào trồng trên quy mô lớn, HTX dịch vụ tổng hợp Quyết Thắng đã nhận bao tiêu sản phẩm nhưng chỉ được 1/3 diện tích. Năm 2014, HTX và UBND xã Quyết Chiến đã ký hợp đồng với một siêu thị ở Hà Nội. Thế nhưng, do những yêu cầu về mẫu mã, bao bì sản phẩm cao, trong khi số lượng sản phẩm siêu thị nhập vào lại rất khiêm tốn nên “không bõ công”.
“Quyết Chiến là xã nghèo, đến nay công cuộc xây dựng NTM mới chỉ đạt được 7 tiêu chí, thu nhập của bà con vẫn phụ thuộc vào cây ngô. Hầu hết diện tích trồng ngô đều phù hợp để chuyển đổi trồng su su nhưng với đầu ra như hiện nay Đảng ủy vẫn chưa thể ra Nghị quyết chuyên đề cho cây trồng này. Rất mong các cấp, cơ quan chức năng quan tâm, tìm đầu ra cho cây su su, để cây trồng này sớm trở thành cây XĐ-GN cho bà con xã Quyết Chiến”, đồng chí Bùi Văn Biện, Bí thư Đảng ủy xã Quyết Chiến bày tỏ.
Viết Đào
(HBĐT) - Sáng 31/3, tại Hà Nội, Phòng thương mại công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Viện trợ Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã tổ chức lễ công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2015.
(HBĐT) - Theo chỉ đạo của UBND huyện Yên Thủy, các xã, thị trấn điều chỉnh kế hoạch sản xuất và triển khai các giải pháp ứng phó với nguy cơ hạn hán luôn thường trực. Đồng chí Bùi Văn Sâm, Chủ tịch UBND xã Bảo Hiệu cho biết: Xã luôn đứng trước tình trạng thiếu nước cho sản xuất. Địa hình, địa chất cát tơ của Bảo Hiệu không giữ được nước. Các công trình thủy lợi chỉ bảo đảm giữ ẩm tưới ban đầu. Năm nay, hạn hán chưa thực gay gắt vì đầu vụ có mưa, đất ẩm và nước trong các hồ, đập cũng tích được ít nhiều.
(HBĐT) - UBND huyện Lương Sơn vừa tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện hỗ trợ xây dựng và phát triển các mô hình nông nghiệp năm 2016.
(HBĐT) - Ngày 30/3 đoàn công tác của Sở NN&PTNT đã có buổi làm việc với xã Nam Phong (Cao Phong) kiểm tra tình hình thực hiện xây dựng NTM của xã. Cùng đi có đại diện sở TN&MT, lãnh đạo huyện.
(HBĐT) - Cao Phong hiện có khoảng 1.300 ha trồng mía trắng. Mía trắng được trồng ở tất cả các xã trên toàn huyện, trong đó, nhiều nhất là ở các xã Nam Phong, Yên Lập, Yên Thượng. Mía trắng ở các địa phương này cây to, gióng dài óng mượt, không bị nứt, là điểm đến đầu tiên của các thương lái khi vào vụ thu hoạch. Ông Nguyễn Văn Hiến, trưởng phòng nông nghiệp và PTNT huyện Cao Phong cho biết: hiện tại, mía trắng bắt đầu bán; thương lái tìm đến chủ vườn để đặt tiền, giá bán dao động khoảng 5000 đồng/cây. Thị trường mía trắng đầu vụ khá sôi nổi.
(HBĐT) - Ngày 30/3, UBND tỉnh đã làm việc với đoàn doanh nghiệp của Câu lạc bộ Nông nghiệp Công nghệ cao do ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT, Chủ tịch Câu lạc bộ Nông nghiệp Công nghệ cao làm trưởng đoàn. Tiếp và làm việc với đoàn có các đồng chí: Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND; Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan của tỉnh và lãnh đạo huyện Cao Phong và Lương Sơn