Trồng bí xanh đem lại hiệu quả kinh tế cao, một trong những hướng đi trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế của xã Tân Mỹ (Lạc Sơn). Ảnh: ông Bùi Văn Phon, xóm Đống đang thu hoạch bí xanh, với giá bán đầu vụ 16.000 đồng/kg.
(HBĐT) - Những cánh đồng xưa kia là lúa, khoai, sắn thì nhiều năm nay đã ngập sắc xanh mướt của bí xanh, củ đậu. Tân Mỹ đang trở thành một điểm sáng trong công cuộc XĐ-GN của huyện Lạc Sơn, với hiệu quả thiết thực từ việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế mang lại.
Đồng chí Bùi Văn Khoản, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã cho biết: Dù tình hình thời tiết năm nay rất bất lợi nhưng bà con vẫn tập trung sản xuất, nhất là trồng bí xanh và củ đậu. Tính đến nay, 2 cây trồng này đã gắn bó với đồng đất của Tân Mỹ suốt hơn 10 năm qua. Tuy có những thời điểm giá bán xuống thấp nhưng hiệu quả kinh tế vẫn hơn những cây trồng truyền thống. Những năm qua, diện tích trồng bí xanh của xã luôn duy trì từ 20 – 25 ha, củ đậu gần 50 ha, tập trung chủ yếu ở 4 xóm: Nại, Đống, Đăng và Khao.
Theo đồng chí Bùi Văn Khoản, vấn đề tìm đầu ra cho sản phẩm và kỹ thuật trồng, chăm sóc là 2 yếu tố giúp nhiều hộ có được thành công từ 2 cây trồng này. Cùng với sự hỗ trợ tích cực về kỹ thuật của UBND xã, bà con cũng đã có sự chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm, đoàn kết, liên kết với nhau trong việc tiêu thụ nên tránh được tình trạng ép giá, làm giá của thương lái. Minh chứng là sự ra đời của “Nhóm khởi nghiệp”, do anh Bùi Văn Hiển, xóm Nại khởi xướng. Anh Hiển là một trong những người có được nguồn thu nhập ổn định từ trồng bí xanh, bình quân trên 400 triệu đồng/năm từ trồng bí xanh. Cùng xóm với anh còn có những cái tên khác như: Phạm Văn Đông, Vũ Văn Sơn cũng có được nguồn thu nhập tương tự.
Do diện tích trồng ít hơn nên gia đình ông Bùi Văn Phon, xóm Đống chưa có được nguồn thu nhập lớn như gia đình anh Hiển. Thế nhưng, tính đến nay, gia đình ông cũng đã duy trì trồng bí xanh suốt hơn 10 năm qua. Theo chia sẻ của ông Phon, những năm trước đây, gia đình ông chỉ trồng khoảng 3.000 m2 , vụ nào được mùa, được giá đem lại thu nhập 30 triệu đồng/vụ, hiệu quả gấp nhiều lần các cây trồng khác. Năm nay, ông đã chuyển thêm 2.000m2 ruộng trồng lúa sang trồng bí. Là một những hộ có bí thu hoạch lứa đầu tiên, ông Phon phấn khởi cho biết: “Mặc dù, vụ này không tốt bằng vụ trước vì đầu năm lạnh quá nhưng gia đình tôi lại có bí bán lứa đầu. Từ sáng đến giờ, vợ chồng tôi đã cắt được khoảng 6 tạ bí rồi, với giá thương lái đến thu mua tận vườn 16.000 đồng/kg thì cũng có được một khoản thu kha khá. Những năm tới, tôi sẽ tiếp tục chuyển diện tích ruộng kém hiệu quả sang trồng bí”.
Ở cánh đồng đối diện, chị Bùi Thị My cũng đang cặm cụi kiểm tra sâu, bệnh cho vườn bí của gia đình. Đây là vụ đầu tiên gia đình chị chuyển đổi đất ruộng sang trồng bí, với diện tích khoảng 5.000 m2 . Chị cho hay: “Trước đây, những ruộng này trồng cỏ để chăn nuôi, thấy bà con trồng bí xanh hiệu quả kinh tế cao nên gia đình tôi chuyển sang trồng bí. Giờ giá thu mua rất cao nhưng tiếc là phải đến nửa tháng nữa bí nhà tôi mới thu hoạch được”.
Trên khắp các cánh đồng ở 4 xóm: Nại, Đống, Đăng, Khao, ngoài bí xanh, củ đậu, còn có cả dưa hấu, còn rất ít ruộng trồng lúa. Theo chia sẻ của đồng chí Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã: Việc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế được Tân Mỹ chú trọng ở 21/21 xóm. Tùy thuộc vào điều kiện về địa hình, thổ nhưỡng của từng khu vực, từng xóm, Tân Mỹ có những hướng chuyển đổi khác nhau. Nếu bí xanh, củ đậu được chú trọng ở vùng đồng đất bằng phẳng thì ở 3 xóm: Lọt, Bu và Trội có vị trí cao hơn, giáp núi được chú trọng phát triển chăn nuôi đại gia súc và đang đem lại những hiệu quả thiết thực. Những xóm còn lại tập trung trồng sắn cao sản và sắp tới là mía nguyên liệu vì trên địa bàn xã có nhà máy tinh bột sắn và nhà máy đường nên rất thuận lợi về vấn đề đầu ra cho sản phẩm.
Với những hướng đi phù hợp đó, đời sống của bà con ở Tân Mỹ không ngừng được nâng cao. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 19,8 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều còn 19,5%. Đó là nền tảng để Tân Mỹ phấn đấu về đích NTM trong năm nay, theo lộ trình đã đề ra.
Viết Đào
(HBĐT) - Theo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, trong quý I, lãi suất tiền gửi thời hạn dưới 6 tháng được duy trì ở mức tối đa 5,5%/ năm và các quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) được duy trì ở mức 6%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và tiền gửi dưới 1 tháng là 1%/năm.
(HBĐT) - Trong quí I, TP Hoà Bình đã thực hiện công khai dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016 và hướng dẫn các phường, xã phân bổ dự toán thu, chi ngân sách năm 2016.
(HBĐT) - Từ ngày 13 – 15/4, tại Hòa Bình, Ban quản lý Dự án Giảm nghèo 6 tỉnh miền núi phía Bắc gồm Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái và Lao Cai đã tổ chức hội thảo đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch 18 tháng từ 2015 – 3/2016.
(HBĐT) - Huyện Lạc Sơn có mạng lưới giao thông nông thôn (GTNT) trải rộng với hơn 2.131 km, trong đó đường huyện 138,3 km, đường trục xã, liên xã 331,45 km, đường trục thôn, xóm 576,14 km, đường ngõ xóm 580,5 km, đường trục chính nội đồng 504,73 km. Những năm qua, với sự lồng ghép của các chương trình, dự án và huy động sức dân, mạng lưới GTNT trên địa bàn đã được cải thiện đáng kể.
(HBĐT) - Thời gian qua, cùng với tuyên truyền bảo vệ, bổ sung nguồn lợi thủy sản, các cơ sở, hộ gia đình sản xuất thuỷ sản trên địa bàn TP Hoà Bình đã chú trọng cải tạo ao nuôi, sửa chữa lồng, bè, thuyền và thực hiện các biện pháp phòng - chống dịch bệnh thủy sản nhằm tăng sản lượng khai thác.
(HBĐT) - Toàn tỉnh có 32 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 468 triệu USD. Đến nay đã có 24 dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, vốn đã thực hiện đạt 250 triệu USD, bằng 53,4% vốn đăng ký, đạt mức trung bình của cả nước.