Gia đình bà Trần Thị Tuyến, xóm Tháu, xã Thái Thịnh (TP Hòa Bình) vay vốn ưu đãi đầu tư nuôi cá lồng và phát triển kinh tế gia đình, cho thu nhập khá.
(HBĐT) - Những năm qua, xã Thái Thịnh (TP Hòa Bình) đã thực hiện tốt các chính sách tín dụng ưu đãi với các đối tượng thuộc diện thụ hưởng theo đúng chủ trương của Nhà nước hướng tới giảm nghèo bền vững và an sinh xã hội. Đã có hàng trăm hộ gia đình thiếu vốn sản xuất được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên ổn định cuộc sống.
Gia đình bà Trần Thị Tuyến ở xóm Tháu có đất vườn và đất đồi trồng nhiều loại cây ăn quả như na và bưởi Diễn cho thu nhập khá. Từ năm 2014, gia đình bà được vay 20 triệu đồng chương trình giải quyết việc làm từ NHCSXH đầu tư cải tạo vườn tạp, chủ yếu trồng bưởi đỏ Tân Lạc. Ngoài ra, gia đình bà còn nuôi lợn, gà và đầu tư nuôi 2 lồng cá trên lòng hồ Hoà Bình. Nhờ chăm chỉ, chịu khó, thu nhập của gia đình đạt trên 100 triệu đồng/năm. Mô hình kinh tế của gia đình bà Tuyến được bà con trong xã, xóm học tập và được đánh giá sử dụng đồng vốn ưu đãi hiệu quả.
Thái Thịnh là xã lòng hồ còn nhiều khó khăn của TP Hòa Bình. Để nguồn vốn đến được người dân, các hội, đoàn thể trong xã đã phối hợp với NHCSXH duy trì giao ban hàng tháng, xuống tận hộ để kiểm tra sử dụng vốn vay của người dân. Bên cạnh đó, NHCSXH phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể hướng dẫn các hộ vay vốn áp dụng KH-KT vào sản xuất, xây dựng các mô hình kinh tế nhằm phát huy nguồn vốn, nâng cao thu nhập cho người dân. Đến nay, trên địa bàn xã xuất hiện nhiều mô hình hiệu quả như nuôi cá lồng trên hồ Hoà Bình, trồng rừng, trồng cây ăn quả... Để công tác quản lý nguồn vốn vay hiệu quả, các tổ chức hội, đoàn thể nhận uỷ thác và các tổ TK&VV lập danh sách, phân loại đối tượng và bình xét công khai đối tượng được vay vốn. Bên cạnh đó thường xuyên sinh hoạt để các thành viên có dịp trao đổi, thảo luận về những thuận lợi, khó khăn trong quá trình sử dụng vốn vay, có hướng giải quyết, khắc phục kịp thời. Nhờ đó, các tổ TK&VV hoạt động nền nếp; các thành viên vay vốn sử dụng đúng mục đích.
Đồng chí Nguyễn Văn Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Thái Thịnh cho biết: Những năm qua, NHCSXH TP Hòa Bình luôn quan tâm ưu tiên, tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng chính sách khác trên địa bàn được tiếp cận các nguồn vốn vay. Cán bộ ngân hàng luôn chú trọng công tác tuyên truyền và tăng cường cán bộ xuống địa bàn xác minh, hướng dẫn các đối tượng lập thủ tục vay vốn đầu tư cho sản xuất, giảm nghèo. Hiện xã Thái Thịnh thực hiện 8 chương trình tín dụng chính sách, có 5 tổ TK&VV với 238 hộ còn dư nợ với tổng dư nợ đạt trên 5,5 tỷ đồng. Số dư tiết kiệm trên 78 triệu đồng. Nợ quá hạn trên 16 triệu đồng, chiếm 0,31%, chủ yếu ở chương trình HS-SV. Đặc biệt, nhờ một số đổi mới trong định mức, đối tượng vay vốn, tăng mức cho vay không cần tài sản thế chấp đã giúp cho nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận được nguồn vốn phát triển sản xuất. Với nguồn vốn vay ưu đãi được người dân sử dụng hiệu quả, không những nhiều hộ đã thoát nghèo mà còn vươn lên khá giả, xây dựng nhà ở kiên cố, mua sắm mới các trang thiết bị sinh hoạt tiện nghi. Đến hết năm 2015, qua rà soát cả xã còn 4 hộ nghèo, chiếm 1,42%, thu nhập bình quân đầu người đạt 31 triệu đồng. Để tiếp tục góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH trên địa bàn, đưa đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao, trong thời gian tới, Ban xóa đói - giảm nghèo xã, các hội, đoàn thể tiếp tục tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chính sách tín dụng ưu đãi tới người dân. Các hội, đoàn thể tiếp tục nâng cao chất lượng các chương trình tín dụng ủy thác với NHCSXH, hỗ trợ người dân kiến thức kỹ thuật, vật tư, công cụ sản xuất, tổ chức tập huấn và phối hợp tập huấn KH-KT cho các hộ vay vốn sử dụng vốn hiệu quả hơn.
Hải Linh
(HBĐT) - Chiều 30/5, UBND tỉnh tổ chức họp Ban chỉ đạo để triển khai cuộc Tổng điều tra (TĐT) nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016 trên địa bàn tỉnh. Tham dự hội nghị có lãnh đạo các sở, ngành là thành viên BCĐ. Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ chủ trì hội nghị.
(HBĐT) - Sáng 30/5, tại trung tâm giải trí Sao Mai, Hiệp Hội Doanh nghiệp tỉnh đã tổ chức ra mắt, khai trương chương trình “Café Doanh nhân”. Tới dự có các đồng chí: Bùi Văn Tỉnh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Quang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Bùi Văn Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành chức năng, các Hội DN và các doanh nghiệp trong tỉnh.
(HBĐT) - Lợn bản địa là giống thuần chủng được nhân dân huyện Tân Lạc nói riêng, các địa phương trong tỉnh nói chung chăn nuôi từ lâu đời. Mặc dù khả năng tăng trọng và sinh sản thấp, trọng lượng cơ thể nhỏ nhưng lợn bản địa có nhiều ưu thế về chống chịu thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, ít bệnh dịch, đặc biệt là chất lượng thịt thơm ngon, được nhiều người ưa chuộng, nhu cầu thị trường tương đối lớn.
(HBĐT) - Điều kiện thời tiết và cây trồng hiện nay rất thuận lợi cho tập đoàn rầy lứa 3 phát sinh, gây hại và lây lan thành dịch, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh trưởng, phát triển và năng suất lúa nếu không phòng trừ kịp thời. Chính vì vậy, huyện Lạc Sơn đang thực hiện các biện pháp phòng trừ tập đoàn rầy để bảo vệ lúa xuân cuối vụ.
(HBĐT) - Lặc lày một trong số những cây rau màu được chính quyền và người dân xã Nhuận Trạch (Lương Sơn) đặc biệt quan tâm, trở thành cây kinh tế mũi nhọn giúp người dân trong xã cải thiện đời sống. Nhuận Trạch có tổng diện tích gieo trồng cây màu và rau đậu các loại 219,6 ha, trong đó, diện tích trồng cây lặc lày 34 ha, đứng thứ 3 sau lúa và ngô.
(HBĐT) - Chúng tôi đến huyện Tân Lạc vào đúng thời điểm các xã, thị trấn đang tích cực hưởng ứng đợt thi đua đặc biệt chào mừng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. Hưởng ứng phong trào thi đua do UBND huyện phát động, các cơ quan, ban, ngành, UBND các xã, thị trấn đã tổ chức phát động đợt thi đua thực hiện tốt cuộc bầu cử gắn với phong trào thi đua yêu nước năm 2016 của cơ quan, đơn vị mình.