Hôm nay (26-5), Giải vô địch Bóng bàn toàn quốc - Báo Nhân Dân khép lại sau một tuần thi đấu sôi nổi và quyết liệt tại Nha Trang. Giải đấu cũng được coi là cơ sở để tuyển chọn anh tài cho đội hình tham dự SEA Games.
- Thưa ông, Giải vô địch Bóng bàn toàn quốc - Báo Nhân Dân được cho là cơ hội
để các nhà quản lý và chuyên môn "chọn mặt gửi vàng" cho SEA Games
30-2019. Qua những ngày thi đấu vừa qua, ông đánh giá thế nào về phong độ và chất
lượng chuyên môn của các tay vợt?
- Qua 37 kỳ tổ chức, chất lượng chuyên môn của giải đấu giàu truyền thống này
là điều không phải bàn cãi. Năm nay, với sự tham gia của 148 tay vợt thuộc 16
đơn vị, giải đấu thực sự đã quy tụ hầu hết các gương mặt hàng đầu của làng bóng
bàn Việt Nam. Các đội mạnh vẫn khẳng định ưu thế, tuy nhiên, mỗi giải đấu luôn
tiềm ẩn những bất ngờ, đáng kể nhất là việc tay vợt 37 tuổi Trần Tuấn Quỳnh đã
giành chiến thắng ở trận then chốt giúp Hà Nội T&T vượt qua lực lượng rất mạnh
của Hải Dương để giành ngôi Vô địch đồng đội nam.
- Ông bình luận gì về việc tay vợt "già gân" Trần Tuấn Quỳnh vẫn
có thể vượt qua Đoàn Bá Tuấn Anh - một tuyển thủ quốc gia rất được kỳ vọng. Liệu
đây có phải là điều đáng lo, khi "tre" đã già mà "măng"
chưa kịp đạt độ trưởng thành, ổn định cần có?
- Trần Tuấn Quỳnh thực sự là một chiến binh tài năng, máu lửa, nổi tiếng về độ
quái và khả năng biến hóa, nhưng để vượt qua sức trẻ của Đoàn Bá Tuấn Anh, Tuấn
Quỳnh còn có một lợi thế rất lớn, đó là anh chơi rất thoải mái, không bị sức ép
về tâm lý. Yếu tố đó, kết hợp sự già dặn kinh nghiệm, chưa kể các yếu tố về đấu
pháp, chiến thuật... đã giúp anh giành chiến thắng, đúng nghĩa "gừng càng
già càng cay"!
Thắng - thua ở một trận đấu không phải là điều đáng lo, nhưng điều đáng lưu ý,
đó là Đoàn Bá Tuấn Anh đã không đạt được trạng thái tốt nhất, thể hiện sự căng
thẳng, tâm lý không vững vàng ở một trận đấu mang ý nghĩa quyết định. Điều đó
đòi hỏi các địa phương cần đầu tư nhiều hơn về công tác ổn định tâm lý thi đấu
cho các tay vợt.
- Những biến động đó có gây bất ngờ cho việc hình thành danh sách đội tuyển
bóng bàn quốc gia tham dự SEA Games 30-2019 không, thưa ông?
- Giải vô địch quốc gia là cơ hội để chúng tôi rà soát, kiểm tra trình độ,
phong độ của các tuyển thủ, nhưng tiêu chí "chọn mặt gửi vàng" cho
SEA Games 30-2019 không chỉ là các tay vợt giành huy chương tại giải đấu này. Bởi
kỳ SEA Games diễn ra cuối tháng 11 đầu tháng 12 năm nay, bóng bàn Việt Nam đang
phải đối mặt với nhiều khó khăn. Ban Tổ chức nước chủ nhà Philippines đã loại 3
nội dung vốn là thế mạnh của Việt Nam ra khỏi chương trình thi đấu (đồng đội
nam, đồng đội nữ và đôi nam nữ). Bóng bàn chỉ còn 4 bộ huy chương là đôi nam,
đôi nữ, đơn nam, đơn nữ.
Theo điều lệ, chúng ta chỉ có thể đăng ký thi đấu 2 tay vợt đơn nam, 2 đơn nữ, 1
đôi nam, 1 đôi nữ dự giải. Vì vậy, Bộ môn, Ban huấn luyện và chuyên gia sẽ phải
ngồi lại với nhau, bàn bạc và cân nhắc nhiều chiều sau khi Giải vô địch quốc
gia kết thúc để có thể lựa chọn đội hình tham dự SEA Games hợp tình, hợp lý, bảo
đảm chuyên môn. Chúng tôi sẽ cân nhắc 2 phương án: Cử 3 tay vợt nam, 3 tay vợt
nữ; hoặc 4 nam, 2 nữ tham dự đại hội. Nhưng cụ thể chốt phương án nào, chọn ai
sẽ phải tính toán rất kỹ.
- Ông có thể cho biết chỉ tiêu của bóng bàn Việt Nam tại SEA Games 30-2019 và
nhận định khả năng thực hiện?
- Chỉ có 4 nội dung thi đấu, nên chỉ tiêu chúng tôi đặt ra là cố gắng giành 1
Huy chương vàng (đôi nam hoặc đơn nam), 1 Huy chương bạc, 2 Huy chương đồng.
Nhưng chỉ tiêu đó là để phấn đấu, còn chúng ta phải ý thức rất rõ những khó khăn
trong việc hiện thực hóa mục tiêu. Thứ nhất, các đối thủ Singapore, Thái Lan
đang đầu tư ráo riết, trong đó, tôi đánh giá riêng các tay vợt Singapore đã có
khả năng giành từ 2 đến 3 Huy chương vàng. Thứ hai, kinh phí tập huấn và thi đấu
nước ngoài của bóng bàn Việt Nam rất hạn chế. Tới đây, chúng ta sẽ phải nỗ lực
tìm thêm nguồn xã hội hóa để có thể cử các gương mặt trọng yếu chuẩn bị cho SEA
Games được tập huấn và thi đấu tại Giải vô địch châu Á ở Indonesia từ ngày 15 đến
22-9.
- Trân trọng cảm ơn ông!