Vận động viên xe đạp duy trì tập luyện, sẵn sàng thi đấu.
Có nhiều đóng góp quan trọng cho TTTTC của tỉnh, trường Năng khiếu, Huấn luyện và Thi đấu Thể dục thể thao (TDTT) chính là "cái nôi” đào tạo VĐV TTTTC của tỉnh. Hiện nay, nhà trường huấn luyện 14 VĐV (trong đó có 1 người vừa là VĐV, huấn luyện viên) và 99 học sinh đang được đào tạo, bồi dưỡng tại 7 lớp năng khiếu gồm: Xe đạp, Điền kinh, Cử tạ, Boxing, Pencak Silat, Karate, Taekwondo. Học sinh của nhà trường trong độ tuổi từ 11 - 20 tuổi. Công tác huấn luyện, đào tạo những VĐV, học sinh năng khiếu thể thao phải trải qua quá trình tập luyện lâu dài, khoa học, nghiêm ngặt ngay từ khi được phát hiện, tuyển chọn cho đến khi bước vào giai đoạn huấn luyện và thi đấu. Hàng ngày, học sinh các lớp năng khiếu phải thực hiện song song giữa việc học văn hóa và tập luyện chuyên môn thể thao. Trường Năng khiếu, Huấn luyện và Thi đấu TDTT hiện có trên 40 học sinh THPT đang theo học văn hóa tại Trung tâm Giáo dục Thường xuyên tỉnh. Kể từ năm học 2020 – 2021 trở về trước, các học sinh THPT được xếp lịch học văn hóa vào buổi tối và thời gian tập luyện chuyên môn là 2 buổi/ngày. Từ năm học 2021 - 2022, thời gian học văn hóa của học sinh tại Trung tâm Giáo dục Thường xuyên tỉnh đã có sự thay đổi. Các em chuyển lịch học văn hóa vào buổi sáng, cùng với đó là thời gian tập luyện thể thao giảm một nửa, thời gian biểu của học sinh cũng phải điều chỉnh để phù hợp với thực tế.
Đồng chí Nguyễn Nghĩa Hưng, Phó hiệu trưởng trường Năng khiếu, Huấn luyện và Thi đấu TDTT cho biết: "Nhiệm vụ chính là tập luyện, thi đấu thể thao nhưng việc học văn hóa của học sinh cũng quan trọng. Sự thay đổi trong lịch học văn hóa của học sinh THPT đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình tập luyện hàng ngày. Để đảm bảo đạt hiệu quả, công tác huấn luyện, đào tạo học sinh, VĐV phải là 2 buổi/ngày. Với lịch học như hiện nay, rất khó để sắp xếp hợp lý được giữa việc học văn hóa và tập luyện thể thao của học sinh THPT. Trước thực tế này, chúng tôi phải thích nghi với khó khăn và từng bước tìm giải pháp để khắc phục”.
Bên cạnh đó, hiện nay, công tác phát triển TTTTC cũng gặp phải khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ tập luyện. Nhiều năm qua, Xe đạp là môn thể thao thế mạnh của tỉnh ta khi liên tục giành được nhiều thành tích ấn tượng tại các giải đấu khu vực và toàn quốc, có VĐV, huấn luyện viên tham dự Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 30, nhiều VĐV được triệu tập lên đội tuyển trẻ, đội tuyển quốc gia… Lực lượng môn xe đạp hiện có 8 VĐV thuộc đội tuyển của tỉnh và 16 học sinh của lớp năng khiếu. Mặc dù đạt được nhiều thành tích đáng tự hào, nhưng ít ai biết rằng đội ngũ VĐV môn xe đạp đang phải tập luyện trong tình trạng thiếu trang thiết bị. 8 VĐV chỉ có 5 xe để tập luyện và 16 học sinh lớp xe đạp cũng chỉ có 6 xe tập luyện. Tương tự như môn xe đạp, cử tạ cũng phải duy trì tập luyện trong điều kiện thiếu trang thiết bị, dụng cụ. Năm 2021, cử tạ đã mang về cho thể thao Hòa Bình 1 HCB và 7 HCĐ tại Giải vô địch Cử tạ thanh thiếu niên quốc gia. Để khắc phục khó khăn, mỗi buổi tập đều đạt hiệu quả, các VĐV, học sinh phải chia thành từng nhóm, từng ca để tập luyện. Cụ thể, khi nhóm này tập xe hoặc tạ thì nhóm khác sẽ tập thể lực.
Đồng chí Phó hiệu trưởng trường Năng khiếu, Huấn luyện và Thi đấu TDTT bày tỏ: "Chưa có phòng tập thể lực chuyên sâu và khu vật lý trị liệu hồi phục cũng là những khó khăn mà nhà trường phải đối mặt. Thời điểm mưa kéo dài hay nắng nóng gay gắt, việc tập luyện bị gián đoạn. Phòng tập thể lực chuyên sâu với những loại máy móc phát triển từng nhóm cơ giúp các VĐV, học sinh tăng cường thể lực; vật lý trị liệu cũng rất cần thiết trong trường hợp gặp phải chấn thương”.
Dù còn khó khăn trong công tác huấn luyện, đào tạo nhưng với sự quyết tâm, nỗ lực của đội ngũ những người làm công tác thể thao của tỉnh và cả lực lượng VĐV, học sinh, chúng ta hãy cùng tin tưởng, hy vọng vào một năm mới 2022, TTTTC sẽ gặt hái thêm được nhiều thành công tại các sự kiện thể thao lớn sắp tới như: SEA Games 31, Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ 9, năm 2022…
Linh Nhật