Với chiến thắng đậm trước U22 Lào, U22 Malaysia đã định hình cục diện của bảng B môn bóng đá nam SEA Games 32 với cuộc đua tam mã vốn được dự báo từ trước. Nghĩa là họ có màn chạy đà trước trận đối đầu trực tiếp với Việt Nam, còn thầy trò ông Philippe Troussier thì sao?
Niềm vui của tiền đạo Văn Tùng (9) và đồng đội sau bàn thắng mở tỷ số trận đấu cho U22 Việt Nam ở phút 36 trong trận gặp U22 Singapore. Ảnh minh họa: Huỳnh Thảo /Pv TTXVN tại Campuchia
Có người nói vui rằng, nếu thực sự HLV Troussier muốn giấu bài trước hai trận đấu quyết định vé vào bán kết với Malaysia và Thái Lan thì ông đã thành công. U22 Việt Nam không để "lộ" ra bất kỳ điểm mạnh nào đáng kể khiến đối phương phải dè chừng. Nói một cách nghiêm túc thì U22 Việt Nam để "lộ" ra nhiều điểm yếu hơn là sự nguy hiểm. Nhưng trong bóng đá, đặc biệt là ở khu vực Đông Nam Á và ở độ tuổi U22 thì rất khó nói trước. Về lý thuyết, dù chưa tạo được sự yên tâm về mặt trình diễn nhưng xét ở khía cạnh kết quả thì U22 Việt Nam vẫn đang bám chắc lộ trình với hai trận thắng để tạo đà tâm lý, nhất là sau loạt trận giao hữu trước đó không thành công. Từ trận thắng U22 Lào đến thắng U22 Singapore cũng đã có những bước tiến đáng kể trong cách tiếp cận và duy trì nhịp điệu chơi bóng.
Tất nhiên, đối thủ sắp tới là Malaysia, hoàn toàn không giống như Lào hay Singapore. Đội bóng áo vàng biết cách gây sức ép và cụ thể được ý đồ chơi bóng. Ví dụ trận đấu với U22 Lào, khi cần thêm bàn thắng để cải thiện hiệu số, U22 Malaysia đẩy nhanh tốc độ ở các phút cuối bằng các lần thay người hiệu quả. Nếu không bị cột dọc, xà ngang từ chối bàn thắng thì có lẽ U22 Malaysia đã ghi thêm ít nhất 2 bàn nữa.
Về cơ bản, Malaysia là đội bóng có tổ chức và chơi bóng già dặn so với độ tuổi U22. U22 Việt Nam đang gặp bất lợi khi chỉ tạo ra hiệu số 5-1 sau 2 trận đấu với 2 đối thủ yếu nhất bảng. Điều này buộc U22 Việt Nam phải thắng cả hai trận đối đầu với Malaysia và Thái Lan để tránh việc phải so sánh hiệu số. Về lý thuyết, mục tiêu này không nằm ngoài quá trình chuẩn bị của U22 Việt Nam bởi từ trước đến nay, HLV Troussier luôn muốn các học trò chơi bóng theo cách tiến nhiều hơn về phía trước chứ không đặt nặng các toan tính. Ông muốn họ thắng mọi trận đấu có thể, đó là trạng thái tâm lý mà có lẽ các cầu thủ U22 không xa lạ gì. Phía ngược lại, Malaysia ít nhiều cũng có chút tính toán bởi họ vẫn còn đến 3 trận đấu phía trước.
Vấn đề là làm sao để U22 Việt Nam đánh bại một Malaysia khá hưng phấn và có thể chơi thực dụng? Câu trả lời nằm ở khả năng kiểm soát bóng và điều tiết nhịp điệu trận đấu của U22 Việt Nam. Malaysia nguy hiểm, nhưng lối chơi của họ không hề xa lạ với các cầu thủ Việt Nam.
Trong các cuộc đối đầu với Malaysia ở mọi cấp độ, chỉ cần Việt Nam phát huy tốt khả năng chơi bóng kỹ thuật, phối hợp đoạn ngắn sở trường, thì sẽ tạo ra thế trận chủ động trước Malaysia. So với các trận đối đầu với Thái Lan thì bao giờ cầu thủ Việt Nam cũng có trạng thái tâm lý tốt hơn khi đá với Malaysia. Đó là một lợi thế không nhỏ và phù hợp với kiểu trận đấu mà U22 Việt Nam cần áp đặt thế trận để giành chiến thắng.
Cái khó nhất đối với HLV Troussier lúc này là chưa thể tìm ra sự nguy hiểm của U22 Malaysia để có phương án phòng ngự hợp lý. 3 trong 5 bàn thắng của U22 Malaysia đến ở cuối trận đấu với U22 Lào, khi đối thủ của họ đã kiệt sức, gần như mất khả năng phòng ngự nên rất khó đánh giá.
Cần phải thẳng thắn nhìn nhận U22 Việt Nam không có những trung vệ giỏi đọc trận đấu, cũng chẳng có một tiền vệ trung tâm đúng nghĩa. Khả năng chống phản công của hàng thủ U22 Việt Nam rất yếu, nên cách tốt nhất là hạn chế mất bóng vòng tròn trung tâm, cũng như phải luôn bảo đảm đủ quân số ở phần sân nhà. Tóm lại, càng giữ được bóng trong chân càng lâu thì cơ hội thắng trận của U22 Việt Nam trước U22 Malaysia càng lớn.
TheoBaotintuc
Sáng 03/5, Lễ thượng cờ SEA Games 32 đã chính thức diễn ra, hứa hẹn một kỳ Đại hội Thể dục thể thao Đông Nam Á thành công trên đất nước Campuchia.
Đoàn quân của HLV Philippe Troussier bộc lộ một số hạn chế dù chiến thắng 2-0 trước U22 Lào trong ngày ra quân bảng B và đang cần chiến thắng thuyết phục trước U22 Singapore để củng cố niềm tin cho toàn đội cũng như người hâm mộ.
(HBĐT) - Thời gian qua, cùng với thể thao thành tích cao, phong trào thể dục thể thao (TDTT), trong đó có việc gìn giữ, phát triển các môn thể thao dân tộc (TTDT) được các cấp, ngành quan tâm. Từ đó góp phần bảo tồn nét văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc, tạo sân chơi thể thao lành mạnh, xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần phong phú.
Linh vật SEA Games 32 là hai chú thỏ, do Ly Kim An, một nữ vận động viên taekwondo, sáng tạo. Cả hai chú đều cười tươi, thể hiện tinh thần nồng nhiệt của người Campuchia.
Sau 8 ngày thi đấu sôi nổi, tối 2/5, Giải bóng chuyền vô địch các câu lạc bộ châu Á Cup VTVCab năm 2023 đã kết thúc với chức vô địch thuộc về đội Sport Center I (đội tuyển Quốc gia Việt Nam).