(HBĐT) - Tháng 8 mưa ngâu, tiết trời “hạ nhiệt” sau những ngày hè oi ả. Trên những vạt rừng, tiếng ve chỉ còn lại du dương trong dư âm mùa hạ. Lúc này là độ bà con các xã vùng cao của huyện Tân Lạc được ngơi tay sau vụ ngô vừa thu hoạch để đón những đợt gió mát và vui vầy bên nhau đón Tết Độc lập.

   Tết Độc lập là dịp bà con xã vùng cao Ngổ Luông (Tân Lạc) tham gia các trò chơi truyền thống. ảnh: Phụ nữ xóm Luông Dưới đánh mảng mừng ngày Tết Độc lập.

Với tâm niệm “có nước, mới có nhà”, cụ Bùi Văn Nhịnh, 74 tuổi, xóm Luông Dưới, xã Ngổ Luông luôn giáo dục cháu con về giá trị lịch sử, ý nghĩa lớn của ngày Tết Độc lập – ngày mà cách đây 71 năm, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. ấm trà Shan tuyết đã ngấm, nhấp ngụm, cụ Nhịnh hào hứng: “Xưa kia, mảnh đất Ngổ Luông nghèo lắm, nhà nhà phải ăn cơm độn, ngày Tết cổ truyền chủ yếu vui vầy về tinh thần, chứ vật chất chẳng có. Thế nên, dẫu hiểu về ý nghĩa của ngày Tết Độc lập nhưng do đời sống quá khó khăn nên chỉ để trong lòng vậy thôi. Nhờ ơn Đảng, Chính phủ, đời sống của bà con ngày một đủ đầy hơn, giờ thì Ngổ Luông tổ chức vui Tết Độõc lập cũng rầm rộ như Tết Nguyên đán”.

Theo cụ Nhịnh, cuộc sống đã đủ đầy hơn nên nhà nào cũng thịt gà, nhiều hộ mổ lợn mừng Tết Độc lập. Riêng gia đình cụ, năm nào cũng có chục mâm cơm quây quần. Với cụ, Tết Độc lập còn là ngày đoàn viên: “Tôi sinh được 6 đứa con, người ở gần, người ở xa nhưng dù có bận gì đi chăng nữa, 2 ngày Tết quan trọng nhất con cháu cũng phải sắp xếp về sum họp. Hàng xóm, láng giềng cũng đến chúc tụng, cùng nhau uống rượu cần, hát thường rang”. 

 

Ngày Tết cũng là ngày hội, từ xóm Cá qua Luông Dưới, rồi đến Trẳm 1, Trẳm 2, cả núi rừng đang hát, khúc hát cộng hưởng từ tiếng xào xạc của gió, âm thanh vang dội từ sân bóng đá, từ các nhà văn hóa, nơi chị em đang tập trung đánh mảng. “Trong những ngày Tết (từ 3 – 5 ngày), bà con vẫn lên nương ngô. Khác với Tết Nguyên đán, ngày Tết Độc lập chúng tôi không nhờ thầy mo cúng tổ tiên mà chỉ vui chơi, cùng nhau thi đấu các môn thể thao cổ truyền như: đánh mảng, kéo co, đẩy gậy. Các xóm thi đấu bóng đá, bóng chuyền với không khí vui vẻ, lành mạnh” - đồng chí Bùi Văn Thiết, Bí thư Đảng ủy xã Ngổ Luông cho biết. 

 

Không ăn Tết “to” bằng Ngổ Luông nhưng không khí mừng Quốc khánh ở xã Quyết Chiến - cửa ngõ của vùng cao Tân Lạc cũng rộn ràng, nhiều màu sắc không kém. Từ đầu thôn đến cuối xóm, cờ đỏ sao vàng được treo trang trọng bên những mái nhà sàn. Những người con đi học, đi làm xa quê nay đều về đông đủ “Học xong THPT, tôi đi làm ở Công ty Sam sung (Bắc Ninh) nên thường xuyên xa nhà. Kỷ niệm ngày Quốc khánh 2/9 là dịp để được về nhà sum họp với gia đình, gặp gỡ bạn bè. Vào dịp này, năm nào Quyết Chiến cũng tổ chức thi đấu bóng đá giữa các xóm với nhau, nếu không về tham gia được thì tiếc lắm” - anh Bùi Văn Huấn, xóm Khao (Quyết Chiến) chia sẻ.

 

Đi theo con đường nhựa, qua thung lũng ngô Quyết Chiến, vượt qua dốc cao là đến trung tâm của vùng cao Tân Lạc – xã Lũng Vân. Từ Lũng Vân, rẽ phải là đường lên xã Bắc Sơn, rẽ trái đi xã Nam Sơn, đâu đâu cũng rộn ràng mừng ngày Quốc khánh. Những chiếc xe máy đời mới hết lên dốc, lại đổ đèo. Bên hiên nhà, hương thoang thoảng của đặc sản quýt Nam Sơn theo làn gió thổi vào thơm mát. Hay những bắp ngô lai vàng óng, được buộc từng chùm treo ở gác bếp tại các mái nhà sàn ở Nam Sơn cũng như đang mừng ngày Quốc khánh. Tất cả điều đó khiến người ta thật dễ “phải lòng” mảnh đất vùng cao đang từng ngày thay đổi. Nói như cụ Bùi Văn Nhịnh, xóm Luông Dưới (Ngổ Luông) “Đất nước được độc lập thì nhân dân các dân tộc anh em trên mảnh đất chữ S mới được ấm no như ngày hôm nay. Máu xương của cha anh, chúng ta phải đời đời khắc ghi và giáo dục cho con cháu về điều đó”.

 

                                                                                Viết Đào

Các tin khác


Rộn ràng lời ca mừng ngày chiến thắng

Những ngày tháng Tư lịch sử, cùng với cả nước, từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh rực rỡ cờ hoa, sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Lời ca, tiếng hát vang vọng mừng ngày chiến thắng.

Tác giả Vân Anh của tỉnh Hòa Bình được trao huy chương vàng tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc

Chiều 27/4, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Điện Biên phối hợp tổ chức khai mạc Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 23, năm 2024.

Huyện Đà Bắc nâng cao hiệu quả xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở

Huyện Đà Bắc có 17 xã, thị trấn với 122 xóm, tiểu khu, 5 dân tộc chủ yếu Tày, Mường, Dao, Kinh, Thái cùng chung sống đoàn kết. Những năm qua, việc xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được quan tâm. Qua đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, góp phần ổn định an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

Bế mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024

Tối 25/4, Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân tổ chức bế mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang (LLVT) và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024. Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức (BTC); Vũ Văn Hoài, Phó Chủ nhiệm chính trị Quân khu 3; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh...

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024

Tối 24/4, tại Cung Văn hoá tỉnh, Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân tổ chức khai mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang (LLVT) và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024. Đến dự có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục