(HBĐT) - Chùa Nghìa nằm trong quần thể di tích Núi Nghìa thuộc xóm Nghìa, xã Ngọc Lương, huyện Yên Thủy. Đây là ngôi chùa mang nhiều giá trị văn hóa, kiến trúc, giàu truyền thống cách mạng. Trong thời gian qua, chính quyền địa phương luôn nỗ lực, huy động mọi nguồn lực trong xã hội để bảo tồn giá trị văn hóa chùa Nghìa.

Du khách đến thắp hương cầu may tại chùa Nghìa, xã Ngọc Lương, huyện Yên Thủy.

 

Chùa Nghìa tọa lạc ở lưng chừng núi Nghìa, tường được xây dựa vào vách núi. Ban đầu, chùa làm bằng tranh tre, nứa lá, gồm 3 gian, mái lợp tranh, vách bằng phên nứa. Đến năm thành Thái Nhị Niên (khoảng cuối thế kỷ XIX), chùa xây theo kiến trúc 3 gian theo kiểu nhà ống, gian trong cùng được thiết kế làm hậu cung, giữa gian 2 và gian 3 là cửa võng. Mặt trước của chùa có đầu đao cuốn rồng, trên đắp lân có cột chống, mái lợp ngói mũ hài; chất liệu gỗ lim, trai có trạm chổ nhiều hoa văn. Với vị trí đắc địa của núi Nghìa, trong kháng chiến chống Pháp, tại khu vực núi chùa đã có nhiều cơ quan về đóng quân và làm việc. Tháng 8/1945, Đại đội tuyên truyền giải phóng quân về đây đóng quân. Năm 1945 - 1950, Văn phòng 1 của ủy ban kháng chiến hành chính liên khu 3 về ở và làm việc tại chùa Nghìa. Trong kháng chiến, chùa là nơi làm việc của bộ đội. Chùa Nghìa là nơi sinh hoạt văn hóa, tinh thần, tham quan tín ngưỡng của du khách thập phương và là bộ phận không thể tách rời trong khu di tích núi Nghìa, xã Ngọc Lương.

 

Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, chùa Nghìa bị hư hỏng. Đến năm 2010, từ nguồn công đức và quyên góp của người dân địa phương và du khách thập phương, chùa được mở rộng và hoàn thiện với kiến trúc hình chữ đinh, kiểu tiền phật hậu thánh, mái lợp ngói, bao gồm hậu cung, nhà tiền đường, phía ngoài có hiên. Hậu cung có diện tích rộng 3,10 m, sâu 3,69 m, bên trong được thiết kế hệ thống ban thờ gồm 7 cấp. Nhà tiền đường có diện tích rộng 4,73 m, sâu 5 m. Bên tả được thiết kế 1 ban thờ 2 cấp. Phía bên ngoài sân, bên hữu có một ban thờ bài trí tượng phật Bà Quan âm, bên tả có một ban thờ bài trí tượng chúa Mường.

 

Ngày nay, chùa Nghìa là nơi tổ chức các  hoạt động văn hoá dân gian, lễ hội truyền thống ở địa phương. Theo các cụ cao niên trong làng kể lại: Hàng năm, vào ngày 15 tháng giêng hội chùa Nghìa tổ chức thi đồ xôi. Mỗi gia đình Trùm Phe và Giáp Chỉ (Trùm Phe là người đứng đầu làng, Giáp Chỉ là 2 người giúp việc cho Trùm Phe) kể cả những người đã từng là Trùm Phe hay Giáp Chỉ đã nghỉ cũng phải tham gia mỗi gia đình một chõ xôi khoảng 3 kg gạo. Gạo đồ xôi phải là gạo trắng, thơm, dẻo, không có hạt gẫy, chõ đồ xôi phải sạch không được dính muội. Khi các gia đình đồ xôi xong, xôi sẽ được mang lên chùa làm lễ, sau đó tiến hành chấm điểm. Xôi được dùng để đóng oản thắp hương. Mỗi năm, lễ hội chùa Nghìa thu hút đông đảo người dân Ngọc Lương và du khách thập phương tham gia. Những người con Ngọc Lương dù đi làm ăn xa, đến ngày hội chùa cũng trở về để thắp nén nhang cầu lộc, cầu tài.

 

Ngoài những giá trị lịch sử văn hóa, kiến trúc chùa Nghìa còn là kho truyền thuyết hấp dẫn, sinh động về đất và người Ngọc Lương. Hiện nay, chính quyền xã Ngọc Lương luôn quan tâm đến việc giữ gìn những giá trị văn hóa đặc sắc của chùa Nghìa về kiến trúc, lễ hội. Chính vì vậy, xã Ngọc Lương tích cực quảng bá đến du khách thập phương về giá trị văn hóa của chùa Nghìa. Quần thể di tích núi Nghìa, trong đó có chùa Nghìa được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh vào ngày 27/2/2017. Tại lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích văn hóa cấp tỉnh quần thể di tích núi Nghìa đã thu hút gần 700 lượt du khách đến tham quan, vãn cảnh. Theo số liệu thống kê của UBND xã Ngọc Lương, từ sau lễ công nhận di tích văn hóa cấp tỉnh đến đến nay, lượng du khách đến tham quan, vãn cảnh chùa Nghìa khoảng 1.200 lượt người.

 

Đồng chí Bùi Ngọc Ban, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Lương cho biết: Để phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa của chùa Nghìa và đáp ứng nhu cầu tâm linh của nhân dân, UBND xã Ngọc Lương đã thành lập Ban quản lý khu di tích. Ban quản lý chú trọng công tác quy hoạch, tu sửa, xây dựng công trình vệ sinh, biển chỉ dẫn đường, bãi đỗ xe, đảm bảo ANTT không để xảy ra trường hợp lợi dụng những giá trị linh thiêng nơi cửa phật. Lễ hội chùa Nghìa và quần thể di tích núi Nghìa, xã Ngọc Lương sẽ trở thành điểm đến của du lịch huyện Yên Thủy.

 

 

                                                             Thu Thủy

Các tin khác


Về Mai Châu “mùa thơm nếp xôi”

Mai Châu là một địa điểm thú vị, không quá khó để đến và cũng không quá xa cho những kỳ nghỉ ngắn ngày. Chuẩn bị hành trang, ta về với Mai Châu - miền quê với "mùi thơm nếp xôi" đã đi vào thi ca.

Mãn nhãn với màn pháo hoa mừng ngày thống nhất đất nước

Tối 30/4, hàng nghìn người dân đổ về trung tâm TP Hồ Chí Minh để vui chơi và xem màn bắn pháo hoa mừng 49 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024).

Đặc sắc chương trình nghệ thuật "Bản hùng ca vang mãi"

Tối 29/4, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 138 năm Ngày Quốc tế Lao động với chủ đề "Bản hùng ca vang mãi”.

Rộn ràng lời ca mừng ngày chiến thắng

Những ngày tháng Tư lịch sử, cùng với cả nước, từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh rực rỡ cờ hoa, sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Lời ca, tiếng hát vang vọng mừng ngày chiến thắng.

Tác giả Vân Anh của tỉnh Hòa Bình được trao huy chương vàng tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc

Chiều 27/4, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Điện Biên phối hợp tổ chức khai mạc Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 23, năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục