(HBĐT) - Sông Đà với tên gọi khác là sông Bờ, sông Đen (cách gọi của châu âu) có 543/910 km chảy trên đất Việt Nam. Sông chảy qua các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình và Phú Thọ. Thật may mắn cho thành phố Hòa Bình có dòng sông Đà uốn lượn chảy qua, tô điểm và làm mát lành thành phố qua những thăng trầm của lịch sử, thời gian..

                              Ảnh: Dòng sông Đà đoạn chạy qua thành phố Hòa Bình

Với sông Đà, mỗi người nơi đây đều có những chia sẻ, cảm nhận riêng, tùy thuộc vào kỷ niệm, sự gắn bó sâu nặng đến mức nào. Vẫn nhớ đến những mùa hè năm nào, khi đập thủy điện chưa nối đôi bờ và trong con mắt của tuổi thơ, sông Đà thật lớn, dữ dội và rộng mênh mang đến nhường nào. Những năm đó, những dãy nhà 2 bên đường ở phường Phương Lâm còn đơn sơ; đám trẻ thị xã đều biết đến việc đan cót, xếp hàng mua kem ở cửa hàng thương mại gần bờ sông hay chen nhau mua vé xem phim ở rạp. Vườn trẻ chơi (nay khu vực trường tiểu học Lý Tự Trọng) có cầu trượt bằng xi măng, thô mộc nhưng sao vui lạ. Tiếng xe ngựa vẫn lóc cóc từ bến xe cầu Đen lên trung tâm đi vào giấc ngủ muộn yên bình.

Sông Đà mùa nước lũ, nước đỏ ngầu, ngập ngụa những gian nhà lá dựng tạm bên ngoài bờ đê. Tuổi thơ ngắm nhìn dòng nước sôi sùng sục đỏ ngầu như chiến mã lao về xuôi bỗng thấy con người thật bé nhỏ trước dòng sông. Nhưng vẫn thấy những con đò nhỏ vượt sóng dữ sang sông lại thấy con người thật dũng cảm, mãnh liệt. Bao lần đứng nhìn dòng sông để ước ao được một lần vượt sóng, được chạm chân lên "bờ trái” với những cái tên được người lớn nhắc tới như phố Đúng, Thịnh Lang, Hòa Bình… Sau này lớn lên, qua dòng chảy của lịch sử, văn hóa cùng những trải nghiệm, sông Đà càng ngày càng lớn lên, vạm vỡ trong tiềm thức cùng một tình yêu lớn. Một ngày đi qua bao lần, mấy chục năm, sông Đà không chỉ là nơi gắn với lịch sử nơi nghĩa quân Đốc Ngữ từng chèo thuyền chuyển quân đánh Pháp trong thế kỷ 19 hay quân dân ta bắn cháy tàu chiến của thực dân Pháp trong kháng chiến 9 năm, nơi có thủy điện Hòa Bình một thời lớn nhất Đông Nam á… Sông Đà còn có điều gì thân thuộc, gắn bó bao lần. Từ thời nửa đêm bập bềnh cầu phao về bờ trái, đến thời cây cầu Hòa Bình bắc qua sông "làm sang” cho người dân thành phố khỏi cảnh lam lũ, nhốn nháo mỗi lần qua sông, qua đò… Đến hiện nay, thành phố lớn mạnh, vững vàng bên "chứng nhân” là dòng sông Đà tha thiết không ngừng chảy…

Sông Đà nói chung và đoạn sông chảy qua thành phố nói riêng từng đi vào thơ, ca, nhạc, họa, nhiếp ảnh. Tùy bút "Sông Đà” của Nguyễn Tuân lay động bao tâm hồn bởi vẻ kỳ vĩ, hung dữ và cũng lãng mạn của dòng sông Đà. Cố thi sĩ Quang Dũng trong bài thơ Sông Đà (viết năm 1952) có đoạn: Phá vỡ sáu ca nô/Tàu chiến giặc chìm trong pháo thét/Ta truy kích Chẹ, chặn Xuân Mai/Địch mở đường máu Pheo, Đầm Huống/Nửa đêm rút chạy dọc sông Đà…” Còn trên "Phây búc” của một người bạn còn có cả hình ảnh sông Đà mùa nước lũ năm nào, người dân đổ xô ra bờ sông lấy củi. Một hình ảnh xưa cũ nhưng quen thuộc trong sinh hoạt của người dân thị xã năm nào.

Một anh bạn, sinh ra ở thành phố, giờ sinh sống ở một thành phố phương Nam, lấy hình ảnh cầu phao bắc qua sông Đà năm nào làm hình ảnh đại diện trên "Phây”. Anh có lần chia sẻ rằng: Có xa thành phố Hòa Bình mới thấy rằng, nơi đây có một "đặc ân”, đó chính là dòng sông Đà. Chả thế mà lần nào chuẩn bị rời thành phố để về Nam, anh lại rủ bạn hữu đi ra mấy quán bờ sông để ngồi cà phê và ngắm sông Đà về đêm. Dòng sông bình yên trong đêm trăng lấp loáng bỗng thấy vang lên câu hát trong ca khúc: "Tiếng đàn Ba-la-lai ca trên sông Đà”. Anh bảo rằng: Tôi cũng từng đứng bên dòng sông Xen (Seine, nước Pháp), sông Von-ga (nước Nga), dòng Mê Kông (tại Lào và Căm-pu-chia), dòng Châu Giang (Quảng Châu)… dù rất thích thú nhưng lại thiếu đi sự gắn bó bằng kỷ niệm không như với sông Đà ông ạ”. ý là anh đang nói về khúc sông chảy qua thành phố chưa được tạo dựng, khai thác để phát triển du lịch ở cả đôi bờ.

Bên bờ phải, từ khi con đường đê được xây mới, nhịp sống những gia đình có mặt tiền hướng ra bờ sông thuộc các phường Phương Lâm, Đồng Tiến có một sinh khí mới. Đông đúc, sôi động hơn và… thị trường hơn. Chưa có tên đường chính thức cho đoạn đường đê này nhưng nhiều người đều muốn: để khai thác, phát triển du lịch chắc chắn phải có tầm nhìn trong quy hoạch của các nhà quản lý. Để làm sao không chỉ người Hòa Bình mà cả du khách khi đến thăm thành phố đều muốn đến, được ra để ngồi, thưởng thức và nhìn ngắm những vẻ đẹp của dòng sông; được thưởng lãm những giá trị liên quan đến văn hóa, cảnh sắc Hòa Bình, cảnh sắc sông Đà. Nhưng phía ngoài bờ đê nay đang bề bộn, nham nhở bởi cỏ dại và các ruộng rau tự phát của người dân. Thậm chí một số hộ dân còn tự tiện làm các "WC” dã chiến phục vụ dân nhậu phía sau bờ bê tông. Đoạn sông qua thành phố trở thành bãi tắm tự phát vào mùa hè nhưng cũng đoạn sông này phải "hứng” nhiều hệ lụy về… đồ thải, rác. Cứ mỗi dịp ông Công, ông Táo, bao thứ được trút xuống sông… cùng cá vàng.

Con đường ẩm thực, con đường đi bộ, con đường hoa, con đường ánh sáng… hay là tên đường gắn với một danh nhân nào đó, dù chưa định hình nhưng con đường đê sông Đà vẫn tạo nên độ lắng vào ký ức của người dân thành phố và du khách thập phương. Đêm bờ sông, có thể ngắm nhìn tượng Bác Hồ lung linh trên đồi ông Tượng, nhà máy thủy điện hay chùa Hòa Bình yên bình trong tiếng thỉnh chuông bảng lảng… Nói như dân "sành điệu” điểm bờ đê Đà Giang rất "Viu” (tầm nhìn, góc nhìn đẹp). Chẳng thế khi màn đêm buông xuống, trong ánh sáng lấp lánh của dòng sông, người người thanh nhàn tản bộ hoặc ngồi cà phê, uống bia một quán nhỏ bên sông. Có một vài hình ảnh cũng khiến nhiều người không hài lòng đó là tình trạng có quá đông nhóm người tàn tật hát rong xuất hiện trong một buổi tối. Có một tối thứ sáu, có đến 3 lượt xe hát rong lượn qua xuất hiện…


                                                        Tản văn của Bùi Huy


Các tin khác


Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục