(HBĐT) - Không còn là địa danh mờ nhạt ít người biết đến như nhiều năm về trước, giờ đây, nhờ tạo được bứt phá trong phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ), Mai Châu đang trở thành cái tên đầy sức hút đối với du khách muôn phương và đứng trước nhiều vận hội mới để vươn tầm phát triển.


Được quy hoạch thành Điểm du lịch quốc gia vào năm 2020, Mai Châu dự kiến đạt tốc độ tăng trưởng khách du lịch giai đoạn 2015-2020 khoảng 11,73%/năm, đến năm 2020 đón khoảng 618.000 lượt khách du lịch trong và ngoài nước.


Có được sức vóc như ngày hôm nay, DLCĐ Mai Châu đã trải qua hành trình đặc biệt đánh dấu sự chung sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện. Trong hành trình đó, những quyết sách quan trọng đã thể hiện quyết tâm chính trị rất cao, kết nối Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Mai Châu cùng nhau hành động để kiến tạo những giá trị bền vững cho DLCĐ.

Biến quyết tâm chính trị thành hành động cụ thể

Được biết, Mai Châu là địa phương duy nhất trong tỉnh đã xác định "phát triển DLCĐ gắn với xây dựng NTM” là chủ đề và phương châm chỉ đạo xuyên suốt hai kỳ Đại hội Đảng bộ huyện, nhiệm kỳ 2010 – 2015 và nhiệm kỳ 2015 – 2020. Đây là quyết tâm chính trị của Đảng bộ huyện Mai Châu, được cụ thể hóa bằng các giải pháp quyết liệt nên tạo được sự đồng thuận cao từ các cấp ủy Đảng và chính quyền cơ sở. Đặc biệt, đây còn là chủ trương phù hợp với nguyện vọng và lợi ích của cộng đồng, tạo được sức lan tỏa lớn khi đi sâu vào cuộc sống.
 
Vốn là huyện được đánh giá cao về tiềm năng phát triển du lịch nhưng từ những năm 2010 trở về trước, du lịch Mai Châu mà nòng cốt là DLCĐ luôn bị bó hẹp trong cái vòng luẩn quẩn của tự phát và manh mún. Thống kê đến cuối năm 2011, toàn huyện mới có 11 nhà nghỉ và 54 hộ kinh doanh nhà nghỉ cộng đồng với 8 xã có hoạt động DLCĐ. Cả năm huyện đón 64.255 lượt khách du lịch, tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt khoảng 9,8 tỷ đồng. Cùng với những con số ít ỏi về doanh thu và dịch vụ, DLCĐ Mai Châu cũng hoàn toàn thiếu sức hút với những điểm yếu cố hữu như: sản phẩm du lịch đơn điệu, chưa xây dựng được sản phẩm đặc thù, chất lượng nhân lực và dịch vụ du lịch thấp, cơ sở vật chất du lịch nghèo nàn... Đó là những biểu hiện cho thấy hoạt động du lịch của Mai Châu chưa có một định hướng tổng thể và rất cần có những giải pháp tạo bứt phá để phát triển mạnh mẽ hơn.
 
Trong bối cảnh đó, sự ra đời của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2010 – 2015, sau đó là Nghị quyết số 03-NQ/HU ngày 31/5/2011 của Huyện uỷ về phát triển DLCĐ gắn với xây dựng NTM giai đoạn 2011 – 2015 đã thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Đảng bộ huyện Mai Châu đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển du lịch. Có thể nói, đây là những quyết sách mang tính chất mở lối, dẫn đường cho du lịch địa phương. Là nghị quyết chuyên đề đầu tiên về du lịch, Nghị quyết số 03-NQ/HU đã hoạch định rõ xu hướng phát triển của DLCĐ Mai Châu, chỉ đạo cụ thể các giải pháp cần thực hiện nên ngay từ khi mới ban hành, Nghị quyết đã tạo được sự đồng thuận cao thu hút sự tham gia của cả hệ thống chính trị.

Thực hiện Nghị quyết ngay trong năm 2011, UBND huyện Mai Châu đã xây dựng và hoàn chỉnh Đề án phát triển DLCĐ gắn với xây dựng NTM giai đoạn 2011 – 2015, trình HĐND huyện phê duyệt. Năm 2012, UBND huyện phê duyệt quy hoạch phát triển mạng lưới DLCĐ gắn với xây dựng NTM giai đoạn 2011 – 2015. Năm 2013, ra quyết định thành lập Ban chỉ đạo du lịch của huyện, có nhiệm vụ tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo hiệu quả công tác quản lý du lịch và các loại hình dịch vụ trên địa bàn. Đối với Mai Châu thời điểm đó, DLCĐ còn là loại hình du lịch mới mẻ nên Huyện ủy, UBND huyện đã thành lập các đoàn công tác đi học tập kinh nghiệm tại các địa phương có nhiều điểm tương đồng, mặt khác, chủ động đón tiếp và làm việc với các đoàn công tác của tỉnh bạn đến trao đổi kinh nghiệm về phát triển du lịch.

 

Trong nỗ lực tìm kiếm cơ hội bứt phá cho DLCĐ của địa phương, trong hai năm 2014 và 2015, huyện Mai Châu đã đón tiếp đoàn đại biểu Hiệp hội Lữ hành Việt Nam và Dự án EU đến khảo sát xây dựng sản phẩm du lịch tại bản Lác (xã Chiềng Châu); phối hợp với Bộ VH-TT&DL và Sở VH-TT&DL khảo sát xây dựng mô hình điểm DLCĐ homestay tại bản Bước (xã Xăm Khòe) và xóm Hịch (xã Mai Hịch); tích cực chuẩn bị hồ sơ đề nghị công nhận bản Lác là "Điểm du lịch địa phương”; chú trọng quảng bá tiềm năng du lịch của huyện trên các phương tiện thông tin đại chúng; tăng cường tập huấn, đào tạo nguồn nhân lực làm du lịch... Đó là những hoạt động thiết thực có vai trò như những viên gạch đầu tiên đặt nền móng cho DLCĐ phát triển tại Mai Châu.
 
Tạo đột phá trong phát triển du lịch cộng đồng
 
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/HU, DLCĐ Mai Châu dần dần có một sức vóc khỏe mạnh, sẵn sàng thực hiện những bước nhảy dài cả về lượng và chất trong giai đoạn 2015 - 2020.
 
Tiếp tục hiện thực hóa quyết tâm tạo đột phá cho DLCĐ, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Mai Châu lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2015 – 2020 xác định: "Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy sức mạnh đại đoàn kết; chủ động, sáng tạo, huy động mọi nguồn lực để phát triển KT-XH, phấn đấu đến năm 2020, huyện Mai Châu thành điểm DLCĐ gắn với xây dựng NTM”. Đây tiếp tục là "kim chỉ nam” cho các hoạt động phát triển DLCĐ tại Mai Châu, tạo tiền đề thuận lợi để Đảng bộ và chính quyền địa phương triển khai nhiều quyết sách quan trọng khác về du lịch, điển hình như: Nghị quyết số 04-NQ/HU ngày 13/7/2016 của BCH Đảng bộ huyện về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với xây dựng NTM và phát triển du lịch, giai đoạn 2016 – 2020; Đề án phát triển du lịch huyện Mai Châu giai đoạn 2015 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 30/8/2016 của BTV Tỉnh ủy về xây dựng huyện Mai Châu trở thành điểm du lịch quốc gia vào năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Chương trình hành động số 06-CTr/HU ngày 20/10/2016 về thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 30/8/2016 của BTV Tỉnh ủy; Quy hoạch phát triển Điểm du lịch quốc gia Mai Châu và các quy chế quản lý hoạt động du lịch trong vùng quy hoạch...
 
Đồng chí Đặng Mai Sơn, Phó Bí thư TT Huyện ủy Mai Châu khẳng định: Những quyết sách quan trọng về phát triển du lịch nói chung và DLCĐ nói riêng đã thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Đảng bộ và chính quyền huyện Mai Châu. Biến quyết tâm thành hành động cụ thể, các cấp ủy Đảng và chính quyền nơi đây đã vào cuộc một cách đồng bộ, thực hiện tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, sát sao đôn đốc các hoạt động du lịch tại cộng đồng, từ đó tạo ra những cộng hưởng tích cực từ phía người dân. Trong nỗ lực chung tay hành động để phát triển DLCĐ, các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Mai Châu đang cùng nhau thực hiện một hành trình đặc biệt. Đó là hành trình của "ý Đảng, lòng dân”, là hành trình có cả tinh thần đoàn kết lẫn ý chí quyết tâm vượt qua chính mình để xây đắp những giá trị tốt đẹp và bền vững cho du lịch.
 
Theo đánh giá của Ban quản lý du lịch huyện Mai Châu: So với năm 2011, đến nay, DLCĐ Mai Châu đã có diện mạo hoàn toàn khác. Đặc biệt, từ khi công bố Quy hoạch Điểm du lịch quốc gia Mai Châu, số lượng các dự án đầu tư về du lịch và lượng khách đến tham quan du lịch ngày càng nhiều hơn. Hiện, trên địa bàn huyện có 146 cơ sở lưu trú, trong đó có 7 khách sạn, 22 nhà nghỉ và 117 nhà nghỉ cộng đồng. Vài năm gần đây, hạ tầng du lịch được cải thiện đáng kể với những cái tên nổi bật như: khách sạn Mai Châu Lodge (thị trấn Mai Châu), khách sạn Mặt Trời (xã Chiềng Châu), khách sạn Ecolodge (xã Nà Phòn), khu du lịch Mai Châu Villas (xã Mai Hịch)...
 
Riêng 6 tháng đầu năm 2017, huyện đã đón trên 164.000 lượt khách du lịch, trong đó, khách quốc tế trên 48.260 lượt người, khách nội địa trên 115.750 lượt người, tổng doanh thu từ du lịch đạt gần 43 tỷ đồng. Các điểm DLCĐ đang nỗ lực đa dạng hóa hoạt động du lịch để thu hút nhiều du khách, điển hình như xóm Lác (xã Chiềng Châu), xóm Văn, xóm Pom Coọng (thị trấn Mai Châu), xóm Bước (xã Xăm Khòe), xóm Xà Lĩnh, xóm Pà Cò (xã Pà Cò), xóm Hịch (xã Mai Hịch), xóm Xăm Pà (xã Nà Mèo)... Với nòng cốt là DLCĐ, du lịch Mai Châu đang trở thành cái tên đầy sức hút đối với du khách muôn phương, được xác định là trọng điểm du lịch của tỉnh và đứng trước nhiều vận hội mới để bứt phá trở thành Điểm du lịch quốc gia vào năm 2020.

 

                              Thu Trang

 


Các tin khác


Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục